Về Nga Sơn thử ngay món gỏi cá nhệch
Thanh Hóa không chỉ nổi tiếng bởi nem chua mà còn có rất nhiều món ăn tuyệt vời khác để một lần thưởng thức là rất khó quên, trong đó có món gỏi cá nhệch độc đáo và ngon tuyệt ở Nga Sơn, nơi vốn nổi danh với nghề trồng cói, làm chiếu.
Món gỏi cá nhệch Nga Sơn cầu kỳ ăn cùng nhiều loại rau và gia vị – Ảnh: Hương TL
Cá nhệch có thể chế biến được thành nhiều món như kho, nấu canh chua, rán… Nhưng gỏi vẫn là cách ăn phổ biến và được ưa chuộng nhất.
Làm món gỏi rất cầu kỳ và nhiều công đoạn, đòi hỏi sự tỉ mẩn và cẩn thận của người đầu bếp. Trước tiên, cá nhệch sẽ được làm sạch nhớt, khử tanh bằng nước vôi trong, nước tro… rồi lọc xương, sau đó thái lát mỏng. Tiếp đó là công đoạn trộn cá với thính gạo rang vàng, vừa để khử mùi, vừa để thịt cá chín tự nhiên nhờ thính gạo nóng.
Rổ rau xanh non không thể thiếu khi thưởng thức gỏi cá nhệch – Ảnh: Hương TL
Gỏi cá nhệch được ăn cùng với nhiều loại rau. Mỗi đĩa gỏi cá nhệch mang ra bao giờ cũng được phục vụ cùng một rổ rau tươi non nhìn đã ngon mắt. Trong đó có những loại rau đặc trưng “rất Thanh Hóa” như lá sung, lá mơ, lá lộc nhòn, cúc tần, rau ngổ, lá đinh lăng, bạc hà, rau mùi tàu, rau má… và nhiều thứ rau sống tươi ngon khác tùy mùa.
Các gia vị ăn cùng với gỏi cũng gồm rất nhiều loại: sả, ớt, riềng, hành tươi thái miếng mỏng. Thêm vào đó phải kể đến mắm tôm, bánh đa vừng nướng vàng và đặc biệt là “chẻo”. Chẻo (hay chính là món dấm để ăn gỏi) được chế biến từ chính xương cá nhệch giã nhuyễn cùng với gừng, ớt, tỏi, hạt tiêu và sả băm nhỏ. Tất nhiên mỗi nhà hàng sẽ có một tỉ lệ thành phần riêng để tạo ra món chẻo thơm ngon nhất. Gỏi cá nhệch có ngon hay không chính là do món chẻo này quyết định.
Chẻo – linh hồn của món gỏi cá nhệch – Ảnh: Hương TL
Chế biến món gỏi cá nhệch đã nhọc công mà thưởng thức món này cũng cầu kỳ không kém. Người Thanh Hóa không bao giờ cuốn gỏi cá nhệch bằng bánh tráng như các nơi khác, mà dùng luôn các loại rau ăn kèm để cuốn gỏi. Thong thả nhặt, xếp lá rau theo thứ tự từ to tới nhỏ rồi cuốn nó lại thành một chiếc phễu, sau đó thì cho thịt cá nhệch vào. Tiếp đó đến chẻo, sả, hành, riềng và ớt tươi, mắm tôm (nếu bạn ăn được mắm tôm và ăn được cay). Cuối cùng bẻ lấy một miếng bánh đa vừa phải đậy “cái phễu” lại và thưởng thức.
Ăn gỏi cá nhệch Nga Sơn đúng điệu là phải thưởng thức cả cái “phễu” ấy trong một miếng. Bởi nếu cắn ra, thì các nguyên liệu bên trong sẽ bong hết ra ngoài, chẳng còn gì là ngon. Vì “phễu” to, nên ăn gỏi cá nhệch phải “nhồm nhoàm” là chuyện bình thường. Chẳng sao cả! Cứ từ từ mà nhai, từ từ mà thưởng thức, để tất cả những vị thơm ngon của miếng gỏi thấm vào từng gai vị giác làm ngất ngây thần khẩu. Này là cái tươi non, xanh mát đôi khi chan chát, cay cay của rau sống; này là cái ngọt, béo, bùi, thơm ngon của chẻo; này là cái dai càng nhai càng ngọt thịt của cá nhệch; này là cái thơm thơm hăng hăng của riềng, của sả, cái cay xè của ớt tươi hay là cái giòn thơm bay bổng của miếng bánh đa vừng.
Chiếc “phễu gỏi” đã đầy đủ gia vị. Món này trông giống món gỏi lá nức tiếng ở Kon Tum – Ảnh: Hương TL
Đến Nga Sơn bạn sẽ thấy rất nhiều khách phương xa từ tận Hà Nội, Nghệ An, Ninh Bình… cũng xe to xe nhỏ, đưa gia đình, bạn bè về tận đây thưởng thức món gỏi cá nhệch trứ danh.
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.