TopTit.Com

Tiệm bánh bao Thượng Hải ‘nửa chiên nửa hấp’

6

Cửa hàng trên phố Xã Đàn bán loại bánh bao áp chảo đặc sản Thượng Hải, thu hút nhiều thực khách thủ đô tới thưởng thức.

Ẩm thực Trung Hoa không còn xa lạ với người Việt nói chung và thực khách Hà Nội nói riêng. Những năm gần đây, các món ăn vặt xuất xứ từ đất nước tỷ dân du nhập vào Việt Nam và trở thành trào lưu trong giới trẻ như thịt hổ cay, chân gà cay Tứ Xuyên, miến chua cay Trùng Khánh, bún ốc Lý Tử Thất hay bánh bao Thượng Hải.

Tiệm bánh bao Thượng Hải 'nửa chiên nửa hấp'

Quán luôn có đông khách và các shipper xếp hàng chờ.

Khác với các món đóng gói sẵn, bánh bao Thượng Hải thường phải thưởng thức tại chỗ hoặc ăn trong khoảng thời gian ngắn sau khi ra lò để không bị giảm độ ngon. Sau hai năm dịch bệnh, nhiều du khách Việt “ghiền” món ăn này phải tạm gác lại cơn thèm vì Trung Quốc vẫn đóng cửa biên giới với khách du lịch.

Thời gian gần đây, các fan của bánh bao Thượng Hải biết tới một quán nhỏ trên đường Xã Đàn (Hà Nội), “nổi rần rần” trong giới học sinh – sinh viên và dân văn phòng. Đây là quán hiếm hoi bán món ăn này tại Hà Nội, do cô chủ người Thượng Hải mở khi sang Việt Nam sinh sống, bán theo dạng take away. Ban đầu, chủ quán lo lắng không biết món ăn này có hợp với khẩu vị người Việt hay không nhưng sau đó, món ăn được đón nhận và quán dần trở nên đông khách.

Món ăn này có tên gọi là shengjian bao, hay gọi tắt là shengjian, đặc trưng của ẩm thực Thượng Hải. Đây là món ăn vặt phổ biến ở thành phố 26 triệu dân bên bờ sông Hoàng Phố từ những năm 1900. Bánh thường chỉ có có giá vài tệ, được bán ven đường, khẩu phần nhỏ, ăn nhẹ bụng. Ở Thượng Hải, các món ăn bình dân như bánh hành, cháo quẩy hay bánh bao chiên luôn là sự lựa chọn hàng đầu cho bữa sáng dù mức sống ở đây thuộc hàng cao nhất thế giới.

Shengjian bao gần giống với tangbao – một loại bánh bao có nước súp ở bên trong. Lớp vỏ bên ngoài làm từ bột mì, dai dai giống với vỏ sủi cảo, xiaolongbao… Tuy nhiên, một nửa mặt bánh được áp chảo, nửa còn lại là hấp. Bánh bao áp chảo thường có nhân thịt lợn nhưng đôi khi cũng có thêm nhân thịt gà, tôm, cua… Nhân bánh còn có phần gelatin đặc biệt, được làm từ nước thịt làm đông thành thạch, dưới tác động nhiệt trong quá trình nấu, sẽ tan ra, trở thành phần nước súp lỏng bên trong.

Tiệm bánh bao Thượng Hải 'nửa chiên nửa hấp'

Shengjian bao có phần nước súp bên trong.

Quán này sử dụng một chiếc chảo phẳng và nông, giống hệt với cách chế biến ở Thượng Hải. Những chiếc bánh sau khi được nặn thì được xếp sát nhau, lưu ý phần “nút thắt” của bánh (phần đỉnh của bánh) quay xuống dưới chảo, để phần bánh hấp quay lên trên. Trong quá trình chiên, nước được phun vào chảo để phần trên được hấp chín. Khách gọi tới đâu, chủ quán sẽ rắc thêm vừng đen và hành lá lên mặt bánh để thêm đậm vị.

Hiện quán có hai loại bánh là bánh bao Thượng Hải truyền thống và lục thanh bao. Bánh truyền thống có màu trắng ngà, nhân thịt. Lục thanh bao có lớp vỏ xanh, làm từ lá dứa còn nhân có thêm rau. Quán còn in thêm hướng dẫn cách ăn phía bên ngoài hộp cho khách ăn lần đầu. Đầu tiên, bạn cắn một miếng nhỏ để húp nước súp nóng bên trong, không nên ăn cả miếng ngay, dễ bị bỏng. Sau đó, bạn cho thêm phần nước chấm kèm được quán chuẩn bị, gồm dầu ớt và giấm đen rồi từ từ thưởng thức. Vỏ bánh vừa giòn vừa dai, không quá ngấy mỡ như những loại bánh bao chiên “toàn tập”. Nhân bánh bùi béo vị thịt, quyện với giấm chua thanh, không gây chán, có thể thêm chút ớt cay tê đúng kiểu Trung Quốc.

Tiệm bánh bao Thượng Hải 'nửa chiên nửa hấp'

Ăn kèm bánh bao là giấm đen và dầu ớt.

Quán chỉ bán mang đi và trên ứng dụng giao đồ ăn. Ngoài hai loại bánh, thực đơn còn có thêm sữa đậu nành và trà chanh. Giá bánh khá rẻ, càng mua nhiều càng giảm. Hai loại bánh có giá bằng nhau: 55.000 đồng cho 4 chiếc, 70.000 đồng cho 6 chiếc, 85.000 đồng cho 8 chiếc và 100.000 đồng cho 10 chiếc.

Địa chỉ: 227 Xã Đàn, Đống Đa, Hà Nội.

Bài và ảnh:Nguyên Chi

Theo: Ngôi sao

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.