Tào phớ và sự khác biệt giữa ba miền Bắc – Trung – Nam
Chẳng nhớ tào phớ có xuất phát ở đâu, có người đồn rằng đồ ăn này có nguồn gốc từ Trung Hoa với tên gọi Tofu nhưng ở Việt Nam thì món ăn này cũng có từ lâu lắm rồi.
Tào phớ hay còn gọi là tàu phở, tàu hủ, đậu hũ nước đường… được làm từ đậu tương. Khi ăn pha thêm nước đường vừa miệng, có vị ngọt mát, thơm nhẹ là món từ người già đến trẻ nhỏ yêu đều yêu thích.
Ở Hà Nội, người ta bắt gặp những gánh tào phớ rong của các bà các mẹ khắp các con phố. Tào phớ được đựng trong những chiếc thùng cao bên trên có nắp đậy. Một bên là nước đường pha có thơm mùi hoa nhài dìu dịu.
Người ta dùng muỗng gạt từng thìa tào phớ mỏng vào bát sao cho miếng tào phớ vẫn còn sánh rồi chan thêm nước đường, cho thêm vài giọt dầu chuối, vài cục đá viên là đủ để xua tan cái nóng mùa hè, khiến người ăn cảm thấy vô cùng thoải mái.
Đấy là ở miền Bắc còn miền Trung, tào phớ lại được gọi bằng cái tên khác đậu hũ. Đậu hũ miền Trung hơi khác so với tào phớ miền Bắc. Đậu hũ miền Trung có thêm chút gừng giã dập hoặc xắt lát bỏ vào khiến bát đậu hũ thơm hơn bình thường. Ở Huế, khi ăn đậu hủ thường không chan ngập nước đường như ở Hà Nội mà tùy theo yêu cầu của khách hàng người bán hàng sẽ rắc đường lên trên hoặc không.
Miền Trung đã vậy, miền Nam món ăn này lại có một tên gọi khác là tàu hũ. Tàu hũ miền Nam đặc hơn, sánh hơn, có thể có cả nước cốt dừa cho thơm. Ở Sài Gòn, cách thưởng thức tàu hũ cũng rất sáng tạo, không chỉ phổ biến cách ăn thông thường như ở miền Bắc và miền Trung, mà còn phổ biến nhiều cách thưởng thức khác như là tàu hũ dầm với nước đá, nước dừa… gọi là tàu hũ đá. Có những nơi họ còn ăn tàu hũ với nhiều món phụ khác như trân châu, thạch, hạt sen, long nhãn nữa.
Dù có sự khác nhau ở mỗi miền nhưng món ăn làm từ đậu nành vô cùng đơn giản này vẫn luôn thu hút mọi thực khách.
Theo Tuệ Linh/Ngày nay
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.