Nức tiếng xôi cay sate gia truyền
Nằm trên vỉa hè đường Nguyễn Duy Dương (quận 5, TP.HCM) tấp nập người qua lại. Giữa những tiệm trang sức được thắp đèn điện sáng rực, có một quán xôi nhỏ nằm lọt thỏm. Ai ngờ, nơi đó có món độc lạ: xôi cay “hai cô”.
Không có biển hiệu, chỉ đơn giản là chiếc bàn inox bày nguyên liệu cùng vài chiếc ghế nhựa rải ở vỉa hè…vậy mà quán vẫn luôn thu hút lượng khách rất đông vào mỗi buổi sáng. Điều gì đã khiến thực khách yêu thích và ghé ăn xôi ở đây trong suốt hơn 50 năm qua?
Chỉ với 1 chiếc bàn inox được bày biện những nguyên liệu do chính tay chủ quán tự làm, quán xôi vẫn luôn đông khách mỗi ngày
Thắc mắc đầu tiên về cái tên xôi cay “hai cô”. Bà Hương (50 tuổi, chủ quán xôi) chia sẻ: “Quán xôi này do cha mẹ tui mở mấy chục năm nay rồi. Giờ tới tui với em gái đứng bán. Hồi đó bán xôi thì cứ đẩy cái bàn ra bán vậy thôi, không có tên quán gì hết. Trước thì người ta ăn quen rồi cứ gọi là xôi “bà hai”, xôi “ông hai”…
Thêm phần nữa là do loại nước sốt sa tế mình làm theo công thức cha mẹ để lại nên cũng có khách gọi là xôi cay. Hiện tại thì hai chị em tui bán, người ta mới gọi luôn thành xôi cay “hai cô”. Nghe cũng vui”.
Một gói xôi có giá từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng
Theo lời bà Diệu (em gái bà Hương), mỗi ngày quán bán được khoảng 30kg đến 40kg xôi. Trừ chả lụa được mua ở ngoài, toàn bộ nguyên liệu đều do hai chị em bà tự làm. Đậu phộng được rang với muối trắng cho vừa chín, bỏ vỏ rồi giã nhỏ, bảo quản trong hũ nhựa để giữ độ giòn.
Chà bông heo và patê được làm từ gan nguyên chất cũng được hai chị em chủ quán chế biến trực tiếp tại nhà, nhằm giữ hương vị riêng của món xôi.
Và bí quyết giúp xôi ở đây được nhiều thực khách ưa thích chính là nước sốt sa tế được làm theo công thức gia truyền. Khi ăn, từng miếng xôi nóng hổi, dẻo thơm kết hợp với vị mặn của chà bông, chả lụa, vị béo của patê và vị cay cay của nước sốt, khiến nhiều người cứ muốn ăn thêm dù vừa ăn vừa “chảy nước mắt”.
Xôi cay “hai cô” đầy ắp đồ ăn kèm, được gói trong lá chuối tươi, bên ngoài có bọc thêm một lớp giấy báo…
Bạn Trinh (khách “ruột” của quán), cho biết: “Xôi ở đây là xôi sa tế, cay cay mà ngon lắm. Cả Sài Gòn mình thấy chỉ có ở đây bán xôi cay, còn lại toàn thấy xôi mặn, xôi ngọt không à. Mình chỉ ăn xôi ở đây thôi. Chắc tại hợp khẩu vị nhất”.
Được biết, để làm ra loại nước sốt sa tế này, chủ quán chỉ sử dụng loại ớt hiểm nhỏ, đặc biệt cay. Một nửa ớt được phơi khô và xay ra thành bột, nửa còn lại thì giã nhuyễn và phi bằng dầu nóng chung với hành tím. Ngoài ra, trong nước sốt còn có tóp mỡ và nhiều gia vị khác tạo nên vị cay cay, thơm nồng rất kích thích. Nhiều thực khách hay ăn xôi của quán của nhận xét, xôi ngon và mang vị đặc trưng đều nhờ vào nước sốt sa tế, càng ăn càng thấm.
Hoặc được đựng trong hộp xốp trắng, rất sạch sẽ
Theo bà Hương, xôi cay được gói trong lá chuối hoặc cho vào hộp xốp. Nhưng hầu như khách đến đây đều chọn ăn xôi được gói bằng lá chuối. Phần vì lá chuối giữ cho xôi được nóng lâu, phần khác cũng giúp xôi dậy mùi thơm hơn. Một gói xôi cay ở đây có giá dao động từ 15.000 đồng đến 20.000 đồng.
Mở cửa từ 6 giờ sáng đến 10 giờ trưa nên sau khi bán xong, chủ quán phải chuẩn bị nguyên liệu dần đến tối khuya. Và hôm sau sẽ dậy từ lúc 3 giờ sáng để nấu xôi. Khách muốn thưởng thức gói xôi cay “hai cô” với nước sốt sa tế độc nhất tại Sài Gòn thì phải dậy thật sớm và nhanh chân lên, nếu không sẽ phải tiếc hùi hụi vì…hết xôi.
Bí quyết giúp xôi cay “hai cô” luôn đông khách trong suốt 50 năm chính là loại nước sốt được chế biến theo công thức gia truyền này
“Tôi ăn xôi ở đây từ trước tới giờ chỉ thích gói trong lá chuối, vì nhìn nó hay hay. Thêm nữa là nó có mùi thơm hơn hẳn khi để trong hộp xốp. Tuần tôi ăn xôi cũng 3, 4 lần. Xôi dẻo, đồ ăn kèm cũng đậm đà, sốt sa tế thì ngon khỏi nói rồi. Dù bán trên vỉa hè nhưng xôi làm rất vệ sinh, sạch sẽ. Con tôi ăn nó thích lắm”, chị Phúc (khách thường xuyên của quán), vui vẻ nói.
Bà Hương kể, quán xôi gắn bó với tuổi thơ chị em bà, và đến giờ thì trở thành cái nghề cái nghiệp. Có thể nói, quán xôi nhỏ này chính là nguồn thu nhập chính của cả gia đình. Từ những nồi xôi bình dị, cha mẹ nuôi lớn hai chị em bà. Rồi cũng từ nồi xôi cay này, bà đã nuôi hai đứa con ăn học thành tài.
Cả hai chị em bà tâm sự: “Buôn bán riết thành quen, giờ muốn nghỉ cũng không được. Vì ở không lại thấy thiếu thiếu, thấy nhớ nghề”.
Ẩm thực Sài Gòn vốn dĩ luôn mộc mạc và bình dị, cũng như xôi cay “hai cô” bao năm vẫn luôn mang hương vị đặc trưng của một Sài Gòn xưa cũ
Nhiều khách đến ăn xôi vì thích vị cay “độc quyền” của quán. Cũng có nhiều người, vì thích cách bán nhiệt tình và vui vẻ của hai chị em bà Hương.
“Hay lắm nha. Ngày nào cũng đông khách vậy chứ hai bả nhớ sở thích của từng khách một. Cứ thấy khách quen tới là hai bả tự làm, rồi đem ra đưa là đúng y chóc. Chỗ này đối diện trường Lý Phong, giờ nào cũng thấy người với người. Mà hên là hai chị em bả bán buôn lanh trí, chứ không thì dễ bị kẹt xe tại khách mua đông lắm”, ông Tư bán cà phê bên cạnh, cho biết.
Tôi chưa từng nghĩ, trong gói xôi được gói lá chuối của một quán xôi bình dân ven đường lại có thể giúp người ăn cảm nhận được vị ngon và lạ đến vậy. Hóa ra ẩm thực Sài Gòn vốn rất mộc mạc, chân chất, không cần phô trương, không quá cầu kì…
Cũng như xôi cay “hai cô” vẫn luôn mang hương vị truyền thống của gia đình, và phảng phất đâu đó là những nét đặc trưng của một Sài Gòn xưa cũ…
Lưu Trân, Lưu Trân
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.