Hè ăn vịt thì còn gì bằng: 4 món vịt ngon dễ nấu, cả nhà thích mê gắp không ngừng đũa
Không chỉ luộc, thịt vịt cũng có thể biến tấu thành nhiều món ăn ngon, thanh mát trong mâm cơm hàng ngày.
Vịt nấu chao
Nguyên liệu
- 1/4 con vịt
- 0,3kg khoai môn
- 1 hũ chao vừa (là một loại đậu phụ lên men)
- 0,5 kg bún tươi
- Chanh, ớt, gừng, tỏi, rau muống…
- Nước mắm, muối, tiêu, đường, mì chính…
Vịt nấu chao
Cách làm
Làm sạch vịt, chà gừng và 1 ít rượu trắng lên mình vịt để khử mùi đặc trưng, bỏ hết cách lớp mỡ dính xung quanh thịt vịt, chặt vịt thành từng miếng to.
Cho vịt ra 1 tô sạch. Cho tỏi băm, 4 miếng chao, 1 ít nước chao, 1 chút mắm, muối, đường, bột ngọt (tùy khẩu vị ) vào cùng tô. Trộn đều và ướp trong vòng 20 phút.
Cho dầu ăn vào nồi, đun nóng già rồi cho tỏi băm vào phi vàng. Cho thịt vịt đã ướp vào nồi. Xào thịt vịt đến khi thịt vịt săn lại.
Thêm nước vào nồi. (Có thể cho nước dừa xiêm thay nước nếu thích). Để gia vị ngấm vào thịt vịt nhanh hơn và miếng thịt săn hơn, ban đầu cho nước vào xâm xấp với thịt vịt. Đun đến khi nóng già, chế thêm nước, mực nước cách vịt khoảng 1 đốt tay.
Đun nhỏ lửa đến khi cảm giác thịt vịt thật mềm. Chế thêm nước. Tiếp tục đun nhỏ lửa 15 phút.
Thái khoai môn thành những khúc nhỏ vừa ăn. Cho khoai vào nồi. Thêm gia vị nếu thích. Tránh cho mắm vào lúc này vì món ăn sẽ bị chua.
Làm nước chấm ăn cùng vịt nấu chao: Cho 1 ít đường và nước cốt chanh vào bát chao. Đánh tan đều. Cho tỏi và ớt băm vào.
Chuẩn bị 1 nồi lẩu. Cho toàn bộ nồi vịt sang bên nồi lẩu. Ăn vịt nấu chao như ăn lẩu. Bạn có thể nhúng rau muống vào nồi, và ăn cùng với bún.
Vịt nấu măng
Nguyên liệu:
- 01 con vịt cỏ khoảng 1,5 – 1,7kg. Nên chọn loại vịt cỏ có cân nặng vừa phải, không quá béo, cầm lên chắc thịt.
- 500g măng. Có thể chọn măng củ hoặc măng búp, tuỳ sở thích của từng người. Măng củ ăn giòn, dày hơn. Măng búp sẽ mềm, mỏng hơn.
- 1 quả chanh, muối trắng, 1 chén uống trà rượu
- Cọng hành lá dài khoảng 20cm, lá mùi tàu
- Gia vị: dầu ăn, bột nêm, hành tím, tiêu, gừng, tỏi.
- Rau ăn kèm: rau húng, diếp cá (tuỳ theo sở thích)
- 500g bún sợi
Vịt nấu măng
Cách làm món vịt nấu măng:
Bước 1: Làm sạch vịt và tẩm ướp
– Vịt thường có mùi khá nặng so với gà và các thực phẩm khác nên lúc chế biến chúng ta phải hết sức lưu ý.
– Đầu tiên, rửa sạch vịt dưới vòi nước lạnh, nhổ bỏ các cọng lông còn sót lại trên thân vịt. Sau đó xát muối trắng lên toàn bộ thân vịt, chỗ giáp đùi, cách thường bị bỏ sót. Tiếp tục xát chanh, rửa sạch lại. Cuối cùng rửa lại toàn thân vịt bằng rượu, xả lại sạch và để ráo nước.
– Dùng khăn sạch thấm khô nước trên thân vịt. Để vịt thật ráo nước.
– Tiếp theo chặt nhỏ vịt thành miếng vừa ăn. Có thể loại bỏ bớt phần đầu, cổ, chân dưới của vịt vì những phần đó thường không ngon.
– Lớp da dưới thân vịt thường rất béo nên nếu chúng ta nấu ngay không qua áp chảo thì thành phẩm thường sẽ quá béo, thịt không được săn và thơm. Chính vì vậy trước khi tẩm ướp, cho vịt vào chảo rộng lòng, áp chảo (đảo sơ) để vịt ra bớt dầu, thịt da săn lại.
– Tách vịt ra, cho vào nồi. Hành tím và tỏi bỏ vỏ, đập dập, ướp cùng thịt vịt đã áp chảo cùng 1 thìa bột canh khoảng 20 – 30 phút cho ngấm gia vị.
Bước 2: Sơ chế chuẩn bị măng và rau, bún
– Nếu là loại măng đóng sẵn túi trong các siêu thị hay cửa hàng thực phẩm sạch thì chỉ cần rửa sạch dưới vòi nước, để ráo, thái miếng dày vừa ăn.
– Nếu là các loại măng củ hoặc mua ở chợ, về phải luộc 1,2 nước đổ đi, xong rửa lại dưới vòi nước và để ráo.
– Măng thái miếng dày vừa ăn.
– Cho chảo và một ít dầu ăn lên bếp đun sôi nóng, thả một ít hành tím băm nhỏ vào xào thơm thì cho măng vào đảo nhanh tay khoảng 5 -7 phút cùng một chút bột canh cho ngấm gia vị. Sau đó xúc ra cho măng vào một bát tô để riêng.
– Rau ăn kèm rửa sạch, để ráo nước. Các món liên quan đến vịt ăn kèm lá diếp cá rất ngon. Hành lá và mùi tàu rửa sạch để riêng. Mùi tàu cắt khúc khoảng 1,5 cm. Bày bún ra đĩa, nếu cẩn thận chần bún qua nước sôi.
Bước 3: Nấu vịt
– Cho nồi vịt đã tẩm ướp lên đảo đều tay khoảng 15 – 20 phút cho vịt chín, có thể thêm một vài lát gừng (tuỳ thích). Đổ 4 – 5 bát con nước lọc (lượng nước tuỳ vào nhu cầu ăn của gia đình). Đun sôi.
– Thả măng đã xào vào nồi, đun sôi lại, nhỏ lửa, hầm trong thời gian khoảng 20 đến 30 phút, nêm nếm gia vị vừa miệng thì cho cọng hành lá vào, tiếp đó cho mùi tàu vào trộn đều, tắt bếp. Nêm thêm hạt tiêu cho thơm.
Bước 4: Thưởng thức
Thành phẩm với nước dùng béo ngậy, thơm của vịt, măng và các loại gia vị kết hợp lại với nhau. Miếng thịt vịt săn, chắc, mềm ngon, đậm đà. Miếng măng tan chảy trong miệng. Vịt nấu măng rất ngon khi thưởng thức kèm bún sợi, ít rau gia vị như rau ngổ, rau húng, diếp cá…
Vịt nấu tiêu xanh
Nguyên liệu:
- Vịt xiêm: 1 con.
- Khoai tây: 300 gram.
- Gan heo: 300 gram.
- 2 trái dừa xiêm.
- Tiêu xanh: 200 gram.
- Pate gan.
- Gia vị: muối, đường, bột ngọt hoặc hạt nêm, tỏi băm, tiêu xay…
Vịt nấu tiêu xanh
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
– Tiêu xanh chia ra làm 2 phần: 1 phần đem rang sơ để ướp thịt, 1 phần để bỏ vô nồi lúc nấu.
– Khoai tây: gọt vỏ, cắt vừa ăn, có thể đem chiên sơ để khi bỏ vào nồi không bị nát.
– Gan heo rửa sạch băm nhỏ (đừng nhuyễn quá). Sau đó xào sơ.
– Vịt làm sạch, có thể rửa qua với rượu trắng cho đỡ mùi. Chặt vừa ăn.
– Uớp thịt: muối, đường, bột ngọt, tỏi băm, tiêu xanh đã rang, tiêu xay. Để 20-30 phút cho thịt thấm.
Bước 2: Thực hiện
– Bắt chảo lên bếp phi thơm tỏi băm, cho thịt đã ướp vào xào cho săn. Sau đó cho nước dừa vào. Đun sôi, để sôi 5 phút cho khoai tây, gan heo, pate gan vào. Nêm nếm lại cho vừa ăn tùy khẩu vị gia đình. Tiếp tục đun sôi dưới lửa rêu rêu cho hỗn hợp sánh lại. Lúc này tùy theo sở thích gia đình muốn ăn nước dùng sánh hay lỏng thì điều chỉnh thời gian hầm.
Tôi thích ăn nước sánh và thịt mềm sẽ đậm đà nên hầm lâu 1 xíu, bỏ nhánh tiêu xanh còn lại vào. Hoàn thành và tắt bếp.
Bước 3: Thưởng thức
Món này có thể ăn với cơm, bún hay bánh mì rất ngon cả nhà ạ.
Mách nhỏ: nên nấu ở lửa liu riu cho nước dùng sắc lại, đừng áp lửa quá lớn món ăn sẽ không ngon và không đậm đà. Điều chỉnh lượng tiêu bỏ vào cho phù hợp với sở thích ăn cay của từng nhà nha.
Vịt quay
Nguyên liệu làm gia vị ướp vịt
- Vịt: 1 con nặng khoảng 1,2 – 1,8kg
- Lưu ý: Do khoảng thời gian ướp vịt kéo dài nên bạn cần chuẩn bị và làm sạch vịt trước khi sử dụng sớm từ 12 giờ đến 1 ngày.
Vịt quay
Các gia vị ướp bên trong vịt:
- Ngũ vị hương: 1 thìa cà phê
- Hành khô băm nhuyễn: 1 thìa canh
- Muối hoặc bột canh: 1,5 thìa cà phê
- Tỏi băm nhuyễn: 1 thìa canh
- Dầu hào: 2 thìa canh
- Đường cát trắng: 1 thìa canh
- Hạt tiêu: 1 thìa cà phê
- Lá móc mật: Có cũng được không có cũng không sao, có thì sẽ giúp vịt thơm và ngon hơn.
- Các gia vị ướp bên ngoài vịt:
- Tỏi băm nhuyễn: 2 thìa cà phê
- Gừng tươi băm nhuyễn: 2 thìa cà phê
- Nước tương: 1,5 thìa canh
- Mạch nha: 3 thìa canh
- Giấm: 2 thìa cà phê
- Muối: 1 nhúm nhỏ
- Nước sôi: 1 thìa canh
Bí quyết ướp vịt quay ngon tuyệt cú
Bước 1: Sơ chế vịt
Khử mùi hôi của vịt bằng gừng dập và rượu trắng. Cho hỗn hợp này lên toàn bộ con vịt từ 15 – 20 phút. Sau đó, rửa sạch lại với nước và để ráo vịt.
Bước 2: Ướp bên trong vịt
Trộn đều hỗn hợp đã chuẩn bị trên rồi quết đều hỗn hợp này vào phần bên trong của vịt. Nếu có lá móc mật thì cũng rửa sạch và cho vào bên trong rồi khâu lại.
Sau đó, bạn móc vịt và trêu lên cao để vịt khô trong không khí và để cho gia vị thấm vào từng thớ thịt.
Bước 3: Ướp bên ngoài vịt
Trộn đều hỗn hợp gia vị đã chuẩn bị rồi bôi lên toàn bộ phần da của vịt, sau đó chờ 15 phút cho vịt ngấm. Sau đó, cho vịt và nước ướp vào 1 cái chảo nóng với ít dầu ăn, để lửa nhỏ.
Trở vịt và lấy thìa múc nước ướp xối lên vịt cho chúng ngấm đều. Làm như vậy đến khi nước cạn thì cho nước dừa vào, tiếp tục làm như trên đến khi cạn dần. Khi còn lại khoảng 1 chén nước gia vịt thì lấy vịt ra, chờ cho da vịt khô thì tiến hành quay.
Bước 4: Quay vịt
Cho vịt vào lò quay vịt để nướng ở nhiệt độ 200, khoảng 20 phút thì lấy vịt ra và xoa gia vị thêm 1 lần nữa, rồi cho vào nướng đến khi vịt chín đều và thơm ngon là được.
Chúc bạn thành công!
Bồ Đào (Tổng hợp)
Ảnh: Sưu tầm