Chuyện chưa biết về mì ăn liền “thần thánh” và cách nấu mì đảm bảo sức khỏe
Không phải ai cũng biết được nhiều sự thật thú vị về mì tôm và cách ăn mì tôm như thế nào cho đúng cách.
Mì ăn liền được biết đến là một loại thực phẩm nhanh chóng, tiện lợi mà giá thành lại rẻ. Chính vì thế, thực phẩm này đang xuất hiện với tần suất dày ở hầu khắp các quốc gia trên thế giới. Đặc biệt ở Việt Nam, đây có thể coi như một món ăn “thần thánh” đối với tất cả mọi tầng lớp, từ sinh viên cho đến dân văn phòng, công sở và xuất hiện cả trong các bữa sáng gia đình.
Gần gũi, thân thuộc là thế nhưng có những sự thật vô cùng thú vị về mì ăn liền mà không phải ai cũng biết.
AI LÀ “CHA ĐẺ” CỦA MÌ ĂN LIỀN?
Vào năm 1958, xót xa khi chứng kiến cảnh người dân Nhật nối đuôi nhau chờ mua chiếc bánh mì trợ cấp từ Mỹ trong trời đêm giá lạnh, ông Momofuku Ando, một người đàn ông Đài Loan sống tại Nhật đã nảy sinh ý tưởng sản xuất ra một loại mì có thể nhanh chóng hút được nước sôi và chín ngay lập tức.
Mất rất nhiều thời gian và công sức, trải qua hàng trăm lần thí nghiệm, ngày 25 tháng 8 năm 1958, sau nhiều lần thất bại, ông Ando cuối cùng hoàn thành quá trình nghiên cứu và sáng chế ra loại mì không cần đun nấu, chỉ cần cho vào bát, rót nước sôi vào đậy kín, để trong vòng 3 đến 5 phút là ăn được ngay, hết sức tiện lợi.
Lúc đầu, mì ăn liền được coi là hàng xa xỉ vì có giá khoảng 35 yên, tương đương giá 6 bát mì Udon bây giờ (khoảng 360.000 VND).
Vậy nhưng nhanh chóng chỉ vài chục năm sau, mì ăn liền đã trở thành món ăn phổ biến hàng đầu thế giới, với số lượng bán ra mỗi năm lên tới hơn 100 tỉ gói.
NGƯỜI VIỆT MÊ MÌ TÔM CHANH, TIÊU THỤ MÌ ĂN LIỀN THỨ 4 THẾ GIỚI
Việt Nam là một trong những nước tiêu thụ mì ăn liền hàng đầu tại châu Á và đứng thứ tư trên thế giới chỉ sau Trung Quốc, Indonesia và Nhật Bản với khẩu lượng 1 – 3 gói/ người/ tuần.
Theo thống kê của Bộ Công Thương, sản lượng mì ăn liền tại Việt Nam năm 2015 là 5,1 tỷ gói.
Do có nhiều loại mì, phở, miến, bánh đa sợi truyền thống nên các loại mì ăn liền ở Việt Nam khá đa dạng. Nấu mì nước cùng với trứng gà, bỏ vào lẩu hay xào khô là những cách ăn phổ biến của người Việt.
4 BƯỚC NẤU MÌ ĂN LIỀN ĐẢM BẢO SỨC KHỎE
Mì ăn liền là món ăn số một của những người bận rộn, ít thời gian. Chính vì thế, thông thường, “tác phong” nấu mì ăn liền của hầu hết mọi người cũng rất nhanh gọn. Đó là đổ nước sôi vào mì, cho các gói gia vị vào rồi chỉ cần đợi 3-5 phút là mì đã sẵn sàng và có thể ăn được. Tuy nhiên, đây là cách nấu hoàn toàn không đúng.
Để nấu mì ăn liền chuẩn cách, giúp mọi người thoải mái thưởng thức món ăn mình yêu thích mà không lo gây hại, hãy làm theo những bước sau:
1. Nấu mì thay vì úp mì
Mì ăn liền thường được chiên qua một lớp dầu và phủ một lớp sáp bên ngoài. Do đó, đừng úp mì với nước nóng. Hãy nấu mì trong nồi nước đun sôi và khi mì gần chín, vớt mì ra, bỏ phần nước này đi. Cách chế biến này khiến lượng chất béo, sáp và một số chất không tốt trong mì ăn liền biến mất.
2. Bỏ nước mì cũ, thay nước mới
Tiếp tục đun sôi một nồi nước mới rồi đổ phần mì vừa gắp ra bát vào lại nồi nước. Nhanh tay tắt bếp để mì không bị nát.
3. Nên sử dụng gia vị bên ngoài.
Sử dụng gia vị bên ngoài có thể hạn chế những chất dầu mỡ, phụ gia không phù hợp với sức khỏe.
4. Ăn mì luôn bổ sung thêm rau xanh, thịt
Cải ngọt, súp lơ, giá đỗ hay thịt bò, tôm, thịt gà, trứng… không chỉ giúp tô mì thêm phần hấp dẫn mà nó còn giúp bạn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng cần thiết. Ngoài ra, nếu trong mỗi bát mì bạn bổ sung thêm nhiều rau xanh sẽ làm giảm tối đa lượng chất béo.
Xem clip hướng dẫn nấu mì đúng cách
[jw7-video n=”1″]
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.