Về Hậu Giang ăn cháo lòng Cái Tắc
Đến thị trấn Cái Tắc (huyện Châu Thành A – Hậu Giang), chúng tôi không khỏi cảm giác háo hức thưởng thức món cháo lòng.
Cháo lòng Cái Tắc. Ảnh: Hoàng Thám
Chị Nguyễn Ngọc Thúy, chủ một quán cháo lòng có từ năm 80 của thế kỷ trước, tọa lạc trên quốc lộ 61, là một phụ nữ trạc năm mươi tuổi ngoài. Chị cười khi được chúng tôi hỏi vì sao cháo lòng ở Cái Tắc nổi tiếng.
Chị Thúy vui vẻ nói: “Cháo lòng thì ở đâu cũng có nhưng cháo ở Cái Tắc được nấu bởi thợ bếp có kinh nghiệm. Người làm phải trực tiếp đến nơi giết mổ hoặc sạp bán thịt heo để chọn những bộ đồ lòng thật tươi, ngon, đầy đủ các bộ phận (gan, tim, cật, phèo non, lá lách, phổi, huyết…) và mang về bỏ nồi nấu ngay! Tuyệt đối không xài thực phẩm cũ, hàng ướp đá, trữ đông trong tủ lạnh”.
Vài chi tiết để cho tô cháo ngon, hấp dẫn được chị Thúy tiết lộ thêm như cháo phải nấu gạo cũ, loại gạo khô cơm để tránh bị lèn (ra nhựa như bột). Không nên rang gạo (nếu rang sẽ có mùi khác).
Tô cháo cần có đầy đủ các bộ phận đồ lòng, mỗi thứ một ít hoặc theo yêu cầu người ăn. Cháo múc ra phải thật nóng và nêm nếm đủ gia vị. Cháo nấu nhừ và lỏng, có màu ngà của huyết luộc trông hấp dẫn nhất.
Kể về một ngày nấu cháo lòng của mình, chị Thúy cho biết:
“Mỗi ngày, đúng 2h30 sáng tôi nổi lửa nấu cháo trước. Đến 4h30 tôi ra chợ lấy thịt tươi về nấu. Khoảng 5h30 thì có thể bán những tô cháo nóng hổi đầu tiên cho khách “vừa thổi vừa húp”.
Nghe vậy, chúng tôi cười và chợt nghĩ vui rằng có lẽ từ ngữ dân gian rất phổ biến “húp cháo” có xuất xứ từ việc húp cháo lòng nóng chăng?
Về Cái Tắc (Châu Thành A – Hậu Giang). Ảnh: Hoàng Thám
Cháo lòng ở Cái Tắc có nhiều giá bán cho thực khách tha hồ chọn lựa: tô bình dân 15.000 đồng, tô bình thường 20.000 đồng, tô đặc biệt 30.000 đồng và tô đặc biệt có thêm dĩa thịt lòng riêng là 40.000 đồng.
Buổi sáng điểm tâm với tô cháo lòng bốc khói, thơm lừng mùi hành ngò, bỏ thêm rau thơm, giá sống, rau đắng, rau má, kèm thêm một cây giò cháo quẩy (phương ngữ Nam bộ) hay dầu cháo quẩy (phương ngữ miền Trung) cắt khúc nhỏ thì thực khách ăn như quên thôi.
Chị Thúy đang thao tác. Ảnh: Hoàng Thám
Nếu sành điệu, bạn nên kêu thêm một tô “huyết lòng” chưng nóng hổi, bốc khói. Thành phần huyết lòng chưng thường gồm có: óc heo, sợi tủy, thịt nạc, gan băm nhuyễn.
Gắp một miếng lòng chấm vào chung nước mắm nhỉ có chút ớt bằm ngâm dấm, sẽ thấy hương vị bùi, thơm, ngon, ngọt thấm đẫm vị giác…
Cháo lòng Cái Tắc là món ăn dân dã bình thường nhưng lại tạo ấn tượng khó quên. Có lẽ những đặc sản ngon, lạ, đặc sắc như cháo lòng Cái Tắc cần được quảng bá rộng rãi hơn nữa để tạo được thương hiệu, uy tín du lịch cho địa phương theo kiểu “tiếng lành bay xa”.
Theo Người lao động
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.