Từ A đến Z công thức 4 món ăn vặt healthy giúp bạn không tăng cân
Những lúc buồn miệng, thèm ăn mà có các món này để “chén” thì chị em cứ yên tâm là healthy vô cùng.
Chuối xanh ngào đường
Nguyên liệu:
– Chuối xanh: 3 quả
– Đường trắng: 70 gram
– Muối: 1 thìa cà phê
– Vani nước: ½ thìa cà phê
– Nước cốt chanh: 1 thìa canh
– Dầu ăn: 300 ml
Cách làm:
Bước 1: Chuối xanh đem gọt vỏ cho sạch rồi cắt lát chéo dày, ngâm trong chậu nước đã pha sẵn 1 thìa cà phê muối và nước cốt chanh (đã chuẩn bị). Cách này sẽ giúp chuối không bị thâm đồng thời giảm bớt vị chát của chuối xanh. Ngâm trong khoảng 10 phút thì vớt chuối ra, rửa lại với nước lạnh rồi vớt ra cho ráo.
Bước 2: Bắc chảo lên bếp, đổ vào đó 300ml dầu ăn, đun nóng lên rồi cho chuối vào chiên sơ qua. Khi thấy chuối chuyển sang màu hơi vàng, bạn hãy vớt ra đĩa có giấy thấm dầu.
Bước 3: Bắc 1 chiếc chảo khác lên bếp, đổ vào đó 70 gram đường và một chút nước rồi bật lửa đun tới khi nào đường tan hết thì đổ chuối vừa chiên vào chảo, đảo đều lên. Trong khi sên, lưu ý vặn lửa thật nhỏ để tránh chuối bị cháy, sau đó thêm ½ thìa cà phê vani nước vào, sên tiếp cho tới khi nào đường kết tinh lại, bám đều vào mứt thì tắt bếp.
Bước 4: Dùng đũa đảo đều cho tới khi nhiệt độ chảo giảm hẳn thì ngừng, múc mứt ra ngoài, chờ nguội là có thể thưởng thức.
Khoai lang kén
Nguyên liệu:
- Khoai lang: 500g
- Bột năng: 200g
- Vừng đen: 10g
- Đường cát trắng: 250g
- Nước cốt dừa: 100g
- Bột chiên giòn: 1 gói
- Dầu ăn: 1 chai
Cách làm:
Bạn đem khoai đi rửa thật sạch để loại bỏ đất cát bám xung quanh, sau đó cho vào nồi hấp hoặc luộc chín. Nếu luộc, khoai chín nhanh hơn nhưng hấp sẽ giữ được vị ngọt của khoai.
Sau khi khoai chín, bạn lấy ra để nguội bớt, bóc vỏ rồi cắt lát nhỏ cho vào tô. Dùng môi hoặc thìa tán khoai từng chút sao cho thật nhuyễn, làm ngay khi còn nóng để có hỗn hợp khoai mềm mịn. Lưu ý, ở bước này bạn phải tán khoai thật kỹ, nếu không khi ăn sẽ cảm thấy khoai không mềm mịn và bị cấn bởi những cục khoai nhỏ chưa được tán đều.
Sau khi tán nhuyễn khoai lang, bạn từ từ rưới nước cốt dừa vào rồi trộn đều, cân đối lượng nước cốt dừa vừa đủ để khoai mịn, có thể viên lại mà không bị lỏng, nát hoặc quá khô.
Khi khoai thấm nước cốt dừa mới cho bột năng và đường cát vào nhào kỹ, bạn phải làm đều tay thì các nguyên liệu mới có thể hòa quyện vào nhau.
Chuẩn bị một cái mâm hoặc một cái khay lớn, đổ lượng bột năng vừa đủ vào một góc để lăn khoai.
Bạn lấy một lượng khoai vừa đủ vào lòng bàn tay, nắm và vê lại thành những miếng nhỏ, hình chiếc kén cỡ bằng ngón tay cái. Cho khoai lăn qua lớp bột năng để bột bám đều khắp viên khoai, bột năng sẽ có tác dụng làm khoai lang kén có dai hơn khi ăn. Làm lần lượt như vậy cho đến khi hết hỗn hợp khoai.
Cắt gói bột chiên giòn vào một cái bát tô, từ từ rót nước lọc vào khuấy đều cho đến khi tạo thành hỗn hợp bột lỏng, sền sệt. Thêm vừng đen vào, khuấy đều tay để bột tan vào nước và không bị vón cục. Không nên pha quá đặc vì khoai sẽ dính nhiều bột, khi ăn làm mất vị ngon đặc trưng của khoai, pha quá loãng lại làm cho lớp vỏ bên ngoài không được giòn.
Bắc chảo lên bếp với lượng dầu ăn vừa đủ để rán ngập khoai, nên dùng chảo lòng sâu hoặc nồi để rán vì chỉ khi rán ngập dầu khoai mới ngon và có màu vàng bắt mắt. Khi dầu nóng già, bạn nhúng miếng khoai qua hỗn hợp bột chiên giòn cho bột bao kín rồi nhanh tay thả vào chảo dầu sôi, làm lần lượt cho đủ một mẻ rán.
Hạ lửa ở mức trung bình để rán khoai, khi lớp vỏ bên ngoài cứng lại thì dùng đũa đảo đều cho khoai chín vàng.
Vì ruột khoai đã chín nên bước rán thường diễn ra rất nhanh, chủ yếu là làm cho lớp vỏ vàng giòn. Khi rán, bạn phải để ý và đảo khoai liên tục, khi thấy khoai có màu vàng ruộm thì dùng rây lọc vớt ra ngay, nếu không sẽ bị cháy. Để khoai trên rây lọc vài phút cho ráo dầu rồi cho ra đĩa, lót thêm một lớp giấy thấm dầu lên bề mặt đĩa để hút hết lượng dầu còn lại, giúp miếng khoai giòn và ăn nhiều cũng không bị ngán.
Cơm cháy
Nguyên liệu:
– Cơm nếp (hoặc xôi)
– Hành lá, ớt
– Nước mắm, đường, dầu ăn, nước lọc
Cách làm:
– Xôi nếp ăn không hết, vẩy chút nước vào mặt xôi, đồ lại cho dẻo hoặc lúc xôi còn ấm dẻo thì làm luôn.
– Trải màng bọc thực phẩm, dàn xôi thật mỏng, rồi bọc lại. Dùng cây lăn (cây cán bột) hoặc chai thủy tinh lăn đều trên bề mặt cho xôi ép vào nhau.
– Nếu làm hôm trời hanh thì mang xôi đã dàn mỏng ra phơi từ sáng đến chiều là se mặt hoặc cho vào tủ lạnh 1-2 ngày. Nếu nhà có lò sấy, bạn có thể cho xôi đã dàn mỏng vào sấy khoảng 40 phút ở mức nhiệt 125 độ, sau đó lật mặt xôi thêm 5-10 phút nữa là được.
– Làm nước mắm rưới cơm theo tỷ lệ: 1 mắm – 1 đường – 1 nước lọc. Nếu làm nhiều, bạn chỉ cần nhân tỉ lệ lên tương ứng. Thái nhỏ hành lá cho vào bát có thêm chút dầu, quay trong lò vi sóng khoảng 30 giây là hành xanh mướt.
Bánh Granola
Nguyên liệu:
- Yến mạch cán dẹt 150gr
- Các loại hạt 50gr hạt macca, 50gr hạt hạnh nhân, 50gr hạt bí, 50gr hạt hướng dương, 50gr hạt óc chó
- Trái cây khô (không bắt buộc) 20gr nho khô, 20gr quả chà là khô
- Gia vị Mật ong, dầu olive, vani, bột quế
Cách làm:
Bạn cắt đôi hạt óc chó, hạt hạnh nhân và hạt macca. Lưu ý: Bạn dùng dao cắt từng hạt một, không nên giã vì như vậy sẽ làm hạt bị vỡ vụn khiến thành phẩm kém ngon. Sau khi cắt, bạn cho tất cả các nguyên liệu đã chuẩn bị vào bát: 150gr yến mạch cán dẹt, các loại hạt dinh dưỡng, trái cây khô và 1 thìa canh bột quế, 2 thìa canh mật ong, 1 thìa canh dầu olive. Trộn đều các nguyên liệu.
Bạn làm nóng nồi chiên không dầu/lò nướng ở mức nhiệt 200 độ C trong 5 phút. Sau đó, lót 1 lớp giấy nến vào lòng nồi chiên/khay nướng và dàn đều phần yến mạch trộn các loại hạt và gia vị.
Nướng Granola 2 lần ở mức nhiệt 200 độ C trong vòng 15 phút. Chị em đừng quên lật mặt bánh giữa 2 lần nướng nhé!
Vậy là bạn đã hoàn thành xong món bánh Granola rồi đấy! Đợi bánh nguội hoàn toàn rồi dùng dao cắt thành miếng nhỏ, cho vào hộp hoặc túi kín và bảo quản ở nơi thoáng mát hoặc trong ngăn mát tủ lạnh là có ngay món ăn vặt vừa ngon vừa healthy rồi!
Tiểu Bảo (Tổng hợp)
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.