TopTit.Com

Thương nhớ cá còm kho nghệ ngày mưa

1

Cá còm kho nghệ gợi lên bao kỉ niệm của tuổi thơ, nhất là trong những ngày mưa gió tràn về.

Thương nhớ cá còm kho nghệ ngày mưaNiêu cá còm kho nghệ “hao cơm” trong những ngày mưa gió

Cá còm, mới nghe tên gọi thôi hẳn nhiều người sẽ cảm thấy “tội nghiệp” vì cho rằng loài cá này có lẽ “mong manh dễ vỡ” lắm. Thế nhưng cá này thân dài, thịt chắc và xương mềm, là một trong những đặc sản của dòng sông Lam. Cá còm nếu đem kho nghệ trong chiếc niêu đất thì “chuẩn cơm mẹ nấu”.

Cá còm có quanh năm nhưng rộ nhất vào mùa mưa và chỉ cần chiếc lưới cỡ nhỏ thôi là đủ bắt mỏi tay. Nhớ lại ngày bé, mỗi lần mưa xuống, mấy anh em lại xách lưới theo cha ra sông thả cá. Ba cha con sau một hồi lội sông bắt cá, cả người ướt nhẹp vì nước mưa lẫn nước sông nhưng hồ hởi lắm bởi tối nay cả nhà được đánh chén bữa cá no nê.

Trong rổ cá mang về, bao giờ cá còm cũng được ưu tiên nhặt ra trước để mẹ chế biến đủ món như canh cá còm lá đắng, chả cá còm hoặc đơn giản nhất là chiên giòn … Nhưng thích nhất vẫn là cá còm kho nghệ và đặc biệt, phải nấu bằng niêu đất thì mới giữ được hương vị riêng của nó.

Tuy nhiên, kho cá còm cần sự tỉ mỉ hơn so với những loài cá khác. Cá sau khi làm sạch ruột, để ráo nước rồi đem chiên sơ trước khi xếp gọn gàng vào nồi. Và ở xứ Nghệ quê tôi, cách kho cá truyền thống không thể thiếu ba thứ gồm hành tăm (củ nén), nghệ tươi và mật mía. Nếu như hành tăm và nghệ tươi giúp khử mùi tanh thì mật mía là “bí kíp” để thịt cá săn hơn.

Ngày đó, tôi trở thành cánh tay đắc lực giúp mẹ nhóm bếp kho cá bởi niêu cá còm muốn ngon phải nấu lửa liu riu của trấu và đun trong vòng 2-3 giờ đồng hồ. Mẹ bật mí với tôi rằng tuy cá còm bé nhưng phải đun lâu thì mới đượm gia vị. Trong suốt thời gian nấu, chốc chống mẹ lại thêm một ít nước để cá được mềm hơn.

Thương nhớ cá còm kho nghệ ngày mưaCá còm to bằng ngón tay dùng để chế biến nhiều món ngon

Niêu cá còm kho nghệ bao giờ cũng làm cả nhà hào hứng bởi hương vị dân dã của đồng nội thấm đượm trong từng con cá nhỏ. Cá còm kho vừa thơm mùi của hành tăm, của nghệ, vừa có vị béo của thịt cá thấm vị ngọt của mật mía, của nước mắm cốt nên rất đưa cơm. Hễ cứ có cá còm kho là cả nhà lại được bữa ăn “vét nồi”.

Giờ đây, thỉnh thoảng về quê mới được thưởng thức niêu cá còm kho niêu của mẹ. Niêu cá còm gắn với tuổi thơ, gắn với dòng sông Lam quen thuộc mà có lẽ trong lòng của mỗi đứa con xa nhà như chúng tôi sẽ không bao giờ quên.

Tuệ Minh

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.