Thơm nồng cá tràu nướng lụi
Lần nào làm món này, ba cũng hồ hởi vui vẻ khi được chính tay làm món ruột.
Trời đổ mưa già vài trận, cá đồng “trôi” theo từng chuyến xe đạp cọc cạch của các mẹ các chị, về chợ mỗi sớm mai. Đó là thời điểm người nhà quê tha hồ trổ tài nấu nướng của mình khi cá đồng chen nhau vào bếp.
Nhớ hồi còn nhỏ, mỗi buổi sáng nắng lên nắm đuôi nhau chạy nhảy quanh nhà, anh em tôi hay chơi trò đoán già đoán non khi phát hiện sau hè một cái nồi đựng cá đồng đang quẫy đạp lách tách muốn bung cả nắp ra. Nồi cá có mặt ở đó từ sớm, là thành quả sau một đêm mưa của một người quen nào đó, mẹ mua được để dành. Chúng tôi đoán, trong này chắc có cá trê, cá tràu, cá rô, cá chạch, hay là ếch chẳng hạn… Và khi mẹ giở nắp nồi ra, lẫn trong mớ cá đủ loại thấy một con cá tràu to thiệt là to, mấy đứa nhỏ đều vỗ tay reo mừng. Chắc chắn mẹ sẽ gọi ba phụ làm món cá tràu lụi, ngon và thơm nức mũi.
Khi thịt cá dần chín, bung ra, ba sẽ rưới lên cá ít mỡ hành để cá không bị cháy (Ảnh: Đăng Khôi)
Thông thường bếp núc ở quê do các mẹ các chị đảm trách, nhưng đã thành thói quen, nếu nướng cá tràu thì mẹ lại cậy “quyền trợ giúp” của ba. Việc của mẹ là đốt trước mấy nhánh củi điều khô để có đủ than nóng và chuẩn bị các nguyên liệu trộn cá nướng. Ba của chúng tôi, từ lúc tuổi còn trẻ cho đến khi tóc đã bạc, đều giữ nguyên một thái độ hồ hởi vui vẻ khi được chính tay làm món ruột.
Cá tràu, hay còn gọi là cá lóc đồng, nướng lụi nghĩa là đầu tiên được xiên qua một que tre, đem hơ trên bếp than cho ráo nhớt. Ba hơ nhanh tay và khéo léo, độ vừa tầm cạo vảy được thì đem ra cạo từ từ, vừa cạo vừa hơ cho đến khi sạch vảy. Lúc này bắt đầu nướng cá thực sự, khi thịt cá dần chín, bung ra, ba sẽ rưới lên cá ít mỡ hành. Ba giải thích, mỡ hành vừa tạo thêm mùi thơm vừa giúp cá không bị cháy. Từ từ, chậm rãi, cứ trở luôn tay cho cá chín đều.
Ở trong nhà, mẹ đã sẵn sàng với cái đĩa chứa mấy muỗng nước mắm ngon, thêm ít đường, tỏi băm, hành và ớt. Cá chín, ba cứ cầm nguyên cái que như vậy đem từ bếp củi lộ thiên vào nhà, gỡ từng miếng nạc cá cho vào đĩa. Lúc nào bộ ruột cá cũng phải chừa lại để nướng thêm một lát cho thiệt chín rồi mới “bổ sung” vô đĩa cá. Việc của ba đến đó tạm xong, chỉ còn đứng chờ mẹ trộn đều cho cá thấm gia vị, để cùng nêm nếm và nhận xét. Khi món cá nướng đã bắt mắt bắt mũi, thơm lừng khiến bụng réo cơm, mẹ sẽ trải lên đĩa thêm lớp rau răm cắt nhuyễn và đậu phộng, rồi dọn mâm.
Bất kể vào giờ cơm trưa hay chiều, món cá tràu nướng lụi đều bắt cơm hết chỗ chê, nhất là trời mưa rả rích thì càng khoan khoái cho cái bụng. Đó là món đầu tiên cả nhà đụng đũa, và ai cũng thích mình sẽ là người gắp miếng sau cùng. Thuở ông chúng tôi còn sống, bữa cơm nào có cá tràu lụi, ông cũng uống ít rượu đưa cay. Khi ấy cả nhà nhường cho ông phần ruột, được coi là ngon nhất trong con cá. Ông mất rồi, bộ ruột vẫn hiện diện trên đĩa mỗi khi nướng cá, cả nhà nhường nhau và lúc đó ai nấy đều nhớ tới ông. Y như rằng, bên mâm cơm cá nướng quen thuộc, chúng tôi sẽ được mẹ kể lại câu chuyện quen thuộc mà ông từng kể. Đó là câu chuyện các cụ hồi trước mỗi lúc họp làng, hễ mâm cơm cá tràu “vắng bóng” bộ ruột cá, thì các cụ sẽ cho gọi người dọn mâm, truy ra được thì thôi.
Những kỷ niệm đơn sơ và những phút giây hiếm hoi được về lại quê nhà, bấy nhiêu cũng đủ cho những giấc mơ của người con xa xứ nồng thơm mùi cá nướng…
Theo Đăng Khôi (Món ngon Sài Gòn)
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.