Tết Hàn thực ăn gì để được may mắn?
Theo truyền thống và tín ngưỡng văn hóa người Việt, trong ngày Tết Hàn thực 3/3 Âm lịch nên ăn món gì để được may mắn?
Hằng năm, cứ vào ngày 3/3 Âm lịch, người người nhà nhà lại xốn xang tất bật chuẩn bị mâm cỗ cúng cho ngày Tết Hàn thực. “Hàn thực” nghĩa là đồ ăn nguội. Trong văn hóa của người Trung Quốc, gắn với điển tích của một công thần, người ta kiêng lửa nấu nướng, ăn đồ nguội để tưởng nhớ công lao. Loại bánh đó gọi là “Thủy đoàn”, gần giống với bánh trôi bánh chay của nước ta.
Tuy nhiên, trong văn hóa của người Việt, mọi người vẫn nấu nướng bình thường. Đồng thời dùng bánh trôi bánh chay để dâng cúng lên Gia tiên. Ngày lễ này chủ yếu là tưởng nhớ cội nguồn, ông bà tổ tiên đồng thời mong cho một mùa hè mát mẻ, thời tiết thuận lợi, không gây họa cho con người.
Vậy, vào ngày Tết Hàn thực mang ý nghĩa thiêng liêng như vậy, ăn những món ăn nào có thể mang lại may mắn?
Món ăn may mắn trong Tết Hàn thực
1. Bánh trôi bánh chay
Loại bánh đầu tiên không thể thiếu giúp mang lại may mắn trong ngày Tết Hàn thực là bánh trôi bánh chay. Bánh trôi ngũ sắc chỉ là loại được thêm vào sau này. Còn để tôn vinh ý nghĩa nguyên thủy thì mọi nhà vẫn thường ăn bánh trôi bánh chay.
Bánh trôi bánh chay không chỉ tôn vinh cội nguồn của nền văn minh lúa nước từ thời xa xưa. Loại bánh này còn gợi nhắc đến truyền thuyết trăm trứng của mẹ Âu Cơ – thủy tổ của người Việt ta.
Theo An Nam phong tục sách, người Việt thường “làm bánh trôi nước, bày cỗ bàn, cúng gia tiên”. Vì vậy, bánh trôi cũng được gọi là bánh Hàn thực.
Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, tục ăn bánh trôi của dân Việt vào ngày Tết Hàn thực nhiều khả năng được du nhập từ thời Lê. Trong Vân đài loại ngữ, nhà bác học Lê Quý Đôn cũng từng cho biết: “Tục nước ta trọng nhất bánh trôi nước, mỗi năm cứ ngày mồng 3 tháng 3 thì làm bánh ấy. Người phương Bắc cũng có, gọi là Thủy đoàn”.
Ngoài ra, vào khoảng thế kỷ XVI, trong Chỉ Nam ngọc âm giải nghĩa có viết: “Trôi nước có hiệu Thủy đoàn, trong đường ngoài bột nổi hòn lênh đênh”.
Cho nên, tục ăn bánh trôi bánh chay đã có từ thời ông bà xưa, tựa như một dấu hiệu may mắn thuận theo cội nguồn dân tộc.
Bánh trôi tròn trịa, mịn đầy, tinh khiết thể hiện cho sự viên mãn, dồi dào. Khi ăn kèm với nước đường gừng cũng rất thơm vị. Bởi vậy, ăn bánh trôi vào ngày Tết Hàn thực vừa là một cách tưởng nhớ người đã khuất, vừa là cách chiêu cầu may mắn cho bản thân và gia đình.
Bánh trôi bánh chay Tết Hàn thực
Để hiểu rõ cách làm bánh trôi bánh chay trong ngày Tết hàn thực, bạn có thể tham khảo TẠI ĐÂY.
2. Bánh nhót mật mía
Ngoài bánh trôi bánh chay truyền thống, trong ngày Tết Hàn thực, nhiều nhà cũng làm bánh nhót xào mật. Bánh nhót mật mía có cách làm khá đơn giản, không khác bánh trôi là mấy.
Tuy nhiên, ngoại hình của bánh nhót có đôi chút khác biệt. Bánh nhót mật mía được nặn thuôn hai đầu, trông như hình quả nhót. Phần nhân bánh nhót có nơi dùng nhân đậu xanh sên đường phèn, nhân lạc hoặc cũng dùng đường phên. Cũng có nơi dùng bánh nhót chay, không có nhân.
Tạo hình bánh nhót xong, cho vào luộc. Khi bánh chín nổi lên, vớt ra cho bát nước lạnh để bánh săn lại. Trong lúc luộc bánh, có thể làm nước đường gừng để ăn bánh nhót. Hoặc có thể ngào cùng mật mía và gừng. Sau cùng, rắc vừng rang lên trên và thưởng thức.
Bánh nhót mật mía Tết Hàn thực
Bạn có thể tham khảo TẠI ĐÂY để biết cách làm bánh nhót nhanh nhất.
3. Bánh Xuân Thái
Bánh Xuân Thái – một cái tên nghe thật tình tứ gói gọn cả tinh hoa của mùa xuân. Nói một cách dân dã hơn, bánh Xuân Thái là loại bánh cuốn có nhân thịt và rau tươi mùa xuân bên trong. Có vẻ ngoài tựa như bánh cuốn, nên bánh Xuân Thái cũng được coi là phiên bản nguyên thủy của bánh cuốn ngày nay.
Theo An Nam chí lược, sử gia Lê Tắc có ghi rằng “tiết Hàn thực, đem bánh cuốn tặng nhau”. Năm 1291, Trần Nhân Tông trong bài thơ “Tặng bánh xuân cho ngài thiên sứ Trương Hiển Khanh” cũng có viết: “Hôm nay đúng ngày mồng 3 tháng 3, trên chiếc mâm chạm hình mây đỏ bày bánh Xuân Thái, đây là phong tục cũ của An Nam xưa nay.”
Cũng theo Chỉ nam ngọc âm giải nghĩa, bánh Xuân Thái chính là tên gọi khác của bánh cuốn. Ngoài ra, sách cũng dẫn rằng: “Quyển bính (bánh cuốn) nhiều nhân càng ngon, hiệu là bánh cuốn lăn tròn khéo thay”.
Nói vậy để biết rằng, thời xưa, dân ta đã có tục tặng nhau bánh cuốn vào ngày Tết Hàn thực. Có thể nói rằng, những món quà bánh được tặng nhau vào ngày lễ Tết đều sẽ mang ý nghĩa đặc biệt và may mắn.
Theo nhà nghiên cứu Trần Quang Đức, vào thời Trần, thậm chí sớm hơn là thời Lý. Nhằm tiết Hàn thực, người Việt đã có tục ăn bánh cuốn và đem bánh cuốn tặng nhau. Sau này, về thời Lê Nguyễn, mới có tục ăn bánh trôi.
Bởi vậy mà, trong ngày Tết Hàn thực, ăn bánh cuốn, tặng nhau bánh cuốn cũng là một cách thu hút may mắn.
Bánh xuân thái Tết Hàn thực
Để nắm rõ cách làm bánh cuốn, bạn có thể tham khảo tại công thức TẠI ĐÂY.
Chúc bạn thực hiện thành công 3 món bánh may mắn trong Tết Hàn thực nhé!
Theo: Afamily
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.