TopTit.Com

Sạp hủ tiếu người Hoa chỉ vài chỗ ngồi: 30 năm lặng lẽ giữa Sài Gòn

1

Tại góc chợ trước chung cư 69 Tôn Thất Đạm, Q.1 có một sạp hủ tiếu nhỏ đã hiện diện hơn 30 năm ngay giữa trung tâm Sài Gòn nhộn nhịp.

Sạp hủ tiếu người Hoa chỉ vài chỗ ngồi: 30 năm lặng lẽ giữa Sài Gòn
Sạp hủ tiếu nhỏ ngay dưới một chung cư ở Q.1 – Quỳnh Quỳnh

Đó là sạp hủ tiếu mì của cô Chánh (Huỳnh Thị Dung, 59 tuổi) và cô Gái (Vũ Thị Yến, 58 tuổi). Quán chỉ vỏn vẹn 5-6 chỗ ngồi và lúc nào cũng kín… chỗ.

Gần 30 năm gìn giữ công thức gia truyền

Nghe cô Chánh kể chuyện, hồi năm 1991, chú cô chuẩn bị ra nước ngoài định cư đã để lại sạp hủ tiếu và truyền lại công thức cho cô “khởi nghiệp”. Gia đình cô vốn là gốc người Hoa, sinh sống tại Sài Gòn đã qua nhiều thế hệ. Vì vậy từ thời chú của cô Chánh, quán chủ yếu bán hủ tiếu Quảng Đông (sợi hủ tíu to gần giống bánh phở, có thêm thịt nạc xá xíu). Về sau, các cô bắt đầu bán thêm hủ tiếu mì, hoành thánh, bún mọc…

Sạp hủ tiếu người Hoa chỉ vài chỗ ngồi: 30 năm lặng lẽ giữa Sài Gòn

Cô Chánh (bên trái) và cô Gái (bên phải) đứng bán gần 30 năm nay

Hằng ngày từ 4 giờ sáng cô Chánh đã ra sạp mì để nấu nước dùng, chuẩn bị hành ngò và các nguyên liệu khác. Còn cô Gái đảm đương việc sơ chế và chế biến. Sợi mì và vỏ hoành thánh được các cô mua từ chỗ quen, sau đó sẽ tự gói và chế biến ngay tại sạp. Nước dùng hầm từ xương sống và xương cổ heo, vì hầm kĩ nên vẫn giữ nguyên hương vị truyền thống, đậm đà và gần gũi.

Sạp hủ tiếu người Hoa chỉ vài chỗ ngồi: 30 năm lặng lẽ giữa Sài Gòn

Nước dùng được chế biến theo công thức gia truyền người Hoa

Dù đứng bán suốt gần 30 năm nhưng hai cô chưa từng nghĩ đến việc mở rộng bởi “mặt bằng thời nay quá mắc không đủ tiền để chi trả, tiền bán chỉ đủ cho cô sống qua ngày”. Vì vậy nên các cô vẫn duy trì sạp hủ tiếu nhỏ mang đậm chất cổ điển, với nhiều vật dụng cũ được lưu giữ qua 3 thập kỷ.

“Một ngày kiếm đủ 2 bữa ăn là hân hạnh rồi”

Cô Chánh tâm sự dạo trước mỗi ngày các cô bán được hơn 100 tô, sau đó đợt dịch Covid-19 diễn ra, khách cũng giảm theo chỉ còn khoảng 70-80 tô, hai cô vẫn đủ sống qua ngày dù bán buôn rất vất vả. Cô Gái đùa thêm vào dù cực nhọc nhưng “một ngày kiếm đủ 2 bữa ăn là hân hạnh lắm rồi. Bán cho vui là chính con ơi!”

Sạp hủ tiếu người Hoa chỉ vài chỗ ngồi: 30 năm lặng lẽ giữa Sài Gòn

Hủ tiếu mì thập cẩm có giá 35.000 đồng gồm thịt, gan, tôm…

Cô Chánh kể thêm, tình duyên cô vốn lận đận, thành ra một thân một mình bơ vơ giữa thành phố nhộn nhịp này, chỉ có các cháu bầu bạn, nhưng vì nghề quá cực nên không có ai dám nối truyền. ”Nhiều lần cô cũng suy nghĩ, chắc mốt cô già yếu cô nghỉ thì nghỉ bán luôn” cô tâm sự.

Sạp hủ tiếu người Hoa chỉ vài chỗ ngồi: 30 năm lặng lẽ giữa Sài Gòn

Không gian xưa cũ

Sạp hủ tiếu mì được mở bán từ chập sáng đến 3 giờ chiều, đông nhất là vào giấc trưa vì thực khách đa phần là người lao động. “Nhiều khi bán không kịp nghỉ tay, quán cô cũng chỉ đủ 5-6 người ngồi nên lắm lúc hết chỗ, khách phải hẹn dịp khác quay lại”, cô Gái niềm nở.

Dù không kết nối với các ứng dụng đặt đồ ăn nhưng sạp hủ tiếu nhỏ vẫn thu hút rất nhiều thực khách gần xa. Có những người dù sống ở các tỉnh thành khác nhưng vẫn quay lại mỗi khi có dịp ghé thăm Sài Gòn.

Là khách quen của quán, chị Lê Thị Thu Hà (sống ở quận 4) chia sẻ nước dùng được nấu đúng chuẩn, sợi mì dai. “Ở đây hầm xương cổ heo nên dù người bệnh hay phụ nữ mới sinh vẫn ăn được”.

Sạp hủ tiếu người Hoa chỉ vài chỗ ngồi: 30 năm lặng lẽ giữa Sài Gòn

Quán chỉ vỏn vẹn 5-6 chỗ ngồi

Tồn tại lặng lẽ giữa trung tâm thành phố phồn hoa, sạp hủ tiếu mì vẫn là nơi dừng chân của những khách quen gần 30 năm qua.

Nguồn: Thanh niên

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.