“Quốc rau” của Việt Nam – bạn đã biết cách luộc rau muống sao cho xanh mướt, ăn lại giòn ngon chưa?
Rau muống luộc là một món ăn quen thuộc trong bữa ăn của gia đình. Tuy nhiên, không phải ai cũng biết cách luộc rau muống ngon!
Rau muống có vị ngọt nhạt, tính mát có tác dụng giải nhiệt, chữa táo bón. Theo y học, các chất dinh dưỡng có trong rau muống rất tốt cho tim mạch, có thể ngăn ngừa bệnh tiểu đường, điều trị thiếu máu và tăng cường hệ miễn dịch.
Đây là 1 loại rau rất được các gia đình Việt ưa chuộng vào mùa hè. Trong những ngày nóng nực, có bát nước rau muống luộc dầm sấu, hoặc thêm 1 ít cốt chanh vào, đảm bảo khi uống sẽ… tỉnh cả người. Ngọn rau muống luộc chấm mắm tỏi, hoặc rau muống xào… đều rất ngon và hấp dẫn.
Đối với rau muống luộc, nghe thì tưởng chừng như là một món ăn đơn giản, ai ai cũng có thể làm được. Nhưng để giữ cho đĩa rau muống tươi xanh, giòn và ngon, không bị thâm đen thì không phải ai cũng biết!
Dưới đây là một số mẹo luộc rau muống ngon, giòn, có màu xanh đẹp mắt!
1. Cách chọn mua rau muống tươi ngon
– Muốn có đĩa rau muống luộc ngon trước tiên bạn phải biết chọn rau. Theo đó, rau muống trắng, lá nhỏ dài như lá ớt khi luộc sẽ cho nước rau màu xanh nhưng trong, rau giòn và thơm.
– Nên ăn rau muống vào mùa hè từ tháng 4 – 6, đây là khoảng thời gian rau muống phát triển nhất. Tránh mua những bó rau muống có lá màu xanh thẫm. Khi bẻ thân cây thấy cọng rau muống rất giòn thì hạn chế mua. Rau muống loại này khi luộc sẽ bị nhũn, bở, ăn không ngon.
– Rau muống phải còn non. Trước khi đem chế biến phải lược bỏ cọng già, lá sâu, rồi đem rửa sạch lại với nước. Nên ngâm rau muống trong nước muối loãng 15 phút trước khi luộc.
2. Luộc rau muống đúng chuẩn
– Nên chọn nồi rộng để luộc rau nhé. Đây là cách vừa giúp rau chín đều vừa giúp ngọn rau xanh hơn. Để rau muống luộc được xanh giòn và ngon hơn, bạn cần cho rau ngập hoàn toàn trong nước.
– Cho 1 lít nước lạnh vào nồi, cho 1/2 thìa muối vào nước luộc rau. Đun sôi trên lửa to, khi nước sôi thì cho rau vào. Ngay sau khi cho hết rau thì dùng đũa lật rau từ dưới lên trên để rau được thấm nước sôi đều.
– Nồi rau sau khi sôi lại, bạn lại tiếp tục lật rau. Lấy đũa dìm rau xuống nước, cứ làm như vậy cho đến khi rau chín. Nếu muốn ăn rau giòn thì nên luộc sôi trong 3 phút, còn nếu muốn ăn rau mềm thì luộc trong 5 phút.
– Nhiều người còn cho rằng, thay vì cho muối, hãy cho 1 chút đường, đảm bảo rau muống luộc xong có màu xanh. Ngoài ra có thể thêm giấm hoặc nước cốt chanh sẽ giúp đĩa rau luộc trở nên xanh mướt và ngon mắt hơn. Muốn sợi rau bóng bẩy, bắt mắt, chị em có thể thêm 1 chút dầu ăn vào nồi nước đang sôi. Sau đó thả rau vào, khi rau chín tới thì vớt ra đĩa.
3. Xử lý rau khi luộc xong
– Sau khi vớt rau ra đĩa cần dùng đũa khơi trước gió quạt để bay hết hơi nóng vì sẽ làm rau vàng và không giòn.
– Ngoài ra, có thể ngâm rau muống vào nước lạnh sau khi luộc: Chuẩn bị 1 âu nước lạnh có đá (có thể cắt vài miếng vỏ chanh vào cùng để rau thơm hơn). Sau khi luộc xong, ngâm luôn rau vào âu nước lạnh này. Ngâm đến khi nước hết lạnh, vớt rau ra để cho ráo nước.
4. Thành phẩm
– Nước rau muống có thể pha thêm chút mì chính và vắt chanh (vắt chanh khi nước rau nguội) thì có thể làm nước canh. Nước chấm thích hợp nhất của rau muống luộc là nước mắm + tỏi băm nhuyễn + chanh ớt hoặc nước tương bần.
– Cách luộc rau muống với sấu muốn ngon mà không bị vàng rau là bạn cho sấu vào sau khi vớt rau nhé.
Trên đây là 1 số mẹo khi luộc rau muống giúp cho món ăn giữ được màu xanh tươi, giòn ngon hấp dẫn.
Chúc các bạn thành công với những mẹo luộc rau muống này nhé!
Nguồn: Afamily