Những món tuyệt ngon nhưng cứ ăn ngày hè sẽ gây bệnh
Nắng nóng nên cơ thể đổ nhiều mồ hôi, gây mất muối, nước, khát nhiều, mệt mỏi, chán ăn, sức khỏe giảm sút. Cần phải ăn uống gì để giải nhiệt cơ thể trong ngày hè nóng bức?
Cháo giải nhiệt
Theo tư liệu từ Tổng tập Đào Công Chính (sách do Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Hội Đông y Việt Nam và TTXVN phát hành năm 2006) thì 3 tháng hè gọi là phồn tú, khí trời đất giao hòa, muôn vật tươi tốt nên đêm ngủ sớm dậy, không uể oải nằm đến sáng, giữ thần chí không nóng giận… ứng với đạo trưởng dưỡng của trời đất. Quan trọng nhất là về ăn uống phù hợp để cơ thể khỏe mạnh. Theo đó:
Bữa tối không nên ăn quá no vì dạ dày phải làm việc hết công suất, cần lượng máu lớn để tiêu hoá thức ăn, khiến máu sẽ không đủ cấp cho não bộ, dẫn đến cơ thể mệt mỏi, đầy bụng gây khó chịu.
Thời điểm tháng 6 rất nắng nóng, nên ăn một số loại cháo giải nhiệt, tốt cho cơ thể như cháo câu kỷ, cháo sơn dược (cách nấu chung là dùng 1 hợp sơn dược (hoài sơn, hoặc kỷ tử) nấu với 2 chén gạo tẻ, ăn sẽ bổ ích nguyên khí.
Cháo hạt sen: Gạo tẻ nấu cháo gần chín cho bột hạt sen vào quấy đều tới chín, ăn nóng sẽ khỏe vị, bổ khí.
Cháo đậu xanh, dùng 1 chén đậu xanh, đãi sạch, ninh nhừ với nước rồi cho tiếp gạo tẻ vào ninh nhừ. Ăn món này giải được nhiệt độc, khỏi buồn bực, khát nước.
Những món ăn nên tránh trong mùa hè
Theo lương y Nguyễn Anh Đào (nguyên bác sĩ Bệnh viện Y học cổ truyền Quân đội), nắng nóng nhiều người ngại ăn, hoặc ăn uống không khoa học và càng nhịn ăn cơ thể càng mệt mỏi do thiếu năng lượng. Mùa hè dễ hao tổn khí, nếu không kịp thời bù đắp sẽ làm tổn thương nguyên khí, gây mệt mỏi, khó thở, ngại nói, say nắng…
Nguyên tắc ăn uống theo Đông y là thanh đạm, bình bổ, ưu tiên thực phẩm có tính mát, vị đắng chua, mát bổ, dễ tiêu và đủ 4 nhóm chất: Đạm, đường, béo, vitamin và khoáng chất. Thực phẩm giải nhiệt phổ biến là rau xanh, hoa quả bổ sung vitamin, tính mát, nhiều chất xơ, giải nhiệt tốt, giảm mụn nhọt, táo bón, tăng cường sức khỏe, dễ chế biến như rau mồng tơi tím, rau ngót, rau muống, rau dền, mướp đắng… Rau củ quả giải nhiệt ưu tiên các loại quả xanh, bầu bí, dưa chuột… tươi sạch, chế biến ăn, hoặc ép lấy nước uống đều tốt. Món dưa gang ăn tươi khi chín, hay quả xanh nấu canh tôm/tép rất mát (nhưng không ăn nhiều dưa gang sống vì dễ bị đau bụng, người mới ốm dậy cũng không nên ăn).
Đáng chú ý là các canh chua bổ dưỡng dễ làm, dễ ăn, mát bổ, ngon miệng như canh chua hải sản, canh hà, trai, hến, trùng trục, canh thịt nạc nấu chua, nấm nấu chua, đậu phụ nấu thịt nạc – tôm khô xay nhuyễn… giải nhiệt rất tốt, ngon mát bổ, vị hơi chát, mằn mặn, kết hợp với vị chua của me và cà chua, dấm bỗng rau sống rất ngon miệng.
Đại lương y Đào Công Chính cũng khuyên, tháng 6 nắng nóng, không nên ăn lá hẹ, thịt dê, thịt vịt và các thứ lá lách (vì tì – lá lách vượng ở thời điểm này).
Ăn uống gì về liều lượng cần hợp thể trạng từng người. Vì khí hậu nóng, thức ăn mau bị ôi thiu, nên ăn uống phải đảm bảo vệ sinh để tránh bệnh lây qua đường tiêu hóa. Cần hạn chế các món ăn xào, nướng vì dễ gây cảm giác ngán và khó ăn.
Giảm thịt trong mỗi khẩu phần ăn. Hạn chế bia, rượu, hạn chế chất béo, đồ ngọt, thức ăn mặn và bỏ thói quen ăn nhiều chất béo vì tăng gánh nặng cho dạ dày và hệ tiêu hóa. Hạn chế các món ăn cay nóng, nhiều gia vị như cà ri, đinh hương, thảo quả, gừng, riềng, sả, tiêu, nghệ, hành, tỏi…
Buổi tối trước khi ngủ, tránh ăn nhiều thực phẩm thịt, rau vì chúng làm khó ngủ.
Ăn trái cây và uống nước vào lúc nào?
Mùa hè cần kết hợp các thức uống giải nhiệt, bổ sung nước và tăng cường dưỡng chất cho cơ thể. Đứng top đầu những món giải nhiệt là nước chanh dồi dào vitamin C, giá rẻ, dễ uống, dễ pha. Nước chanh (chanh leo càng tốt) vắt lấy nước cho vài lát vỏ thái nhỏ vào còn làm đẹp da, sát khuẩn, trị ho…
Các loại nước cam, quýt, bưởi tăng sức đề kháng, giải nhiệt, sinh tân dịch, mát phổi, tiêu đờm, thanh nhiệt, lợi tiểu, giải cảm, giảm béo… và không làm tăng cân, nên uống hàng ngày. Các loại nước ép, sinh tố hoa quả, rau củ quả cần dùng thường xuyên, để cơ thể khỏe mạnh, làn da trắng sáng và ngoài giải nhiệt, còn giúp cơ thể bớt nóng nảy, bứt rứt khi nhiệt độ cơ thể lên cao. Nên thêm chút muối vào nước uống (từ 0,5 – 1g muối ăn/lít nước giải khát) để bổ sung nước, muối cho cơ thể.
Ngoài ra còn có các loại nước dưỡng sắc, giải nhiệt ngày nắng nóng như rau má, nha đam, nước ép rau má/ rau diếp… giải nhiệt tốt, mát cơ thể, hạ sốt cao, trị mụn nhọt… nhưng không uống nhiều vì dễ lạnh bụng, tiêu chảy. Bình thường uống 1,5 lít nước/ngày, thì mùa hè phải uống nhiều hơn (2-2,5 lít) để bổ sung lượng muối và nước mất do ra mồ hôi. Nếu làm việc ngoài trời nóng, lượng nước cần bổ sung nhiều hơn.
Theo lương y Nguyễn Anh Đào, buổi tối tránh uống nhiều nước vì sẽ thức giấc đi tiểu. Chỉ nên uống nước lọc, chè xanh, đồ uống giải nhiệt tính mát giúp làm mát cơ thể, đào thải các chất độc. Uống trà tim sen để giúp làm mát cơ thể, dễ ngủ.
Tránh uống cà phê, thức uống có gas. Tránh xa các loại nước ngọt có ga, đồ uống năng lượng. Hạn chế dùng đồ ngọt và lạnh (kem và uống nước ngọt pha đá) vì làm giảm nhiệt độ của dạ dày và ruột gây ra tiêu chảy và đau bụng.
Hoa quả giải nhiệt cần ăn đúng thời điểm, đứng đầu là các loại dưa (dưa chuột, dưa gang, dưa vàng, dưa hấu), chanh, lê, cam, quýt, bưởi… nhiều vitamin, rất tốt cho sức khỏe. Thời điểm ăn tốt nhất là buổi sáng khi cơ thể ần bổ sung nhanh năng lượng sau một đêm dài. Hạn chế ăn hoa quả có chứa nhiều đường như mít, vải, nhãn, xoài… vì nóng cơ thể.
Lưu ý ăn hoa quả 1-2 giờ mới nên ăn bữa chính sẽ không bị đầy bụng. Không ăn nhiều hoa quả khi sắp đi ngủ vì sẽ khó ngủ ngon. Không tráng miệng hoa quả sau bữa ăn vì sẽ trướng bụng, táo bón, không tốt cho tiêu hóa. Cũng không ăn hoa quả thay cơm, gọt hoa quả xong ăn ngay, ép nước hoa quả xong nên uống ngay mới còn nguyên vitamin, khoáng chất…
Theo Eva
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.