Những món ngon dân dã trên quê hương đại tướng Võ Nguyên Giáp
Lẩu cá khoai
Lẩu cá khoai được xem là đặc sản số một của Quảng Bình chinh phục những thực khách khó tính. Để có cơ hội thưởng thức lẩu cá khoai ngon thật sự hay những món ngon khác chế biến từ cá khoai không phải lúc nào cũng sẵn mà phải chờ đúng mùa.
Vì cá khoai chỉ có vào mùa đông nên lẩu cá khoai trong mùa này càng thêm ngon đến lạ lùng. Cá khoai để nấu lẩu chắc chắn phải là những con cá tươi nhất, dày thịt nhất. Cá được làm sạch ruột, bỏ đầu, bỏ đuôi có thể để nguyên con hoặc cắt khúc tùy ý, rồi ướp chút gia vị như muối, tiêu hoặc ớt, cùng cây nén được cắt nhỏ. Nước lẩu cá khoai có các thành phần nguyên liệu thông dụng như cà chua, nước cốt me, khế chua, dưa cải, măng chua, nấm… Khi nước lẩu sôi thì nhúng cá vào chín tới vớt ra liền, thưởng thức ngay khi còn nóng để vị ngọt của cá còn nguyên và thịt cá không bị nát hay bị tanh.
Canh nấm tràm
Canh nấm tràm.
Canh nấm tràm Quảng Bình là một trong những món ăn mang đậm nét đặc trưng của ẩm thực Quảng Bình: đơn giản và mộc mạc nhưng ngọt ngào hương vị.
Nấm Tràm là một loại nấm khá đặc trưng và phổ biến ở Quảng Bình. Theo những người bán nấm cho biết, nấm tràm không phải lúc nào cũng có mà chỉ có 2 mùa chính là vào khoảng tháng 4 và tháng 7, tháng 8 âm lịch, sau những trận mưa mát mẻ của mùa hạ.
Nấm tràm Quảng Bình thường có hình tròn, béo múp như những quả trứng gà và có màu tím đậm. Khi nấm lớn hơn sẽ chuyển sang màu nâu tím và sẽ có màu nâu thẫm khi đã già. Du khách đi tour du lịch Quảng Bình mùa này có thể dễ dàng bắt gặp những cây nấm dễ thương này trên sườn các gò đồi hay dọc theo ven bờ của những con suối.
Cơm bồi
Người Minh Hóa ở Quảng Bình có món cơm bồi dẻo, thơm đặc trưng mà không nơi nào có được. Ai lên Minh Hóa mà chưa thưởng thức cơm bồi thì coi như chưa đến miền đất sơn cước này. Nguyên liệu dùng để chế biến cơm bồi là ngô hạt (sậu), lúa (thóoc) và có thêm cả sắn gạo. Ngô hạt được ngâm vào nước sôi khoảng 2-3 tiếng đồng hồ rồi vớt ra cho ráo, bỏ vào cối giã, dần lấy bột, thấm nước lã, nhồi kỹ, đánh tơi ra, bỏ vào nghè hông (chõ đồ). Đổ nước vào nồi sân, lấy lá chuối khô vấn quanh miệng, bỏ chõ đồ có bột ngô lên, bắc lên bếp đun lửa đồ trong khoảng một tiếng đồng hồ là cơm bồi chín, đưa xuống bỏ vào khuôn đóng thành miếng cơm bồi để mang đi xa ăn.
Chắt chắt xào
Con chắt chắt giống như con hến nhưng nhỏ hơn. Chắt chắt xuất hiện nhiều vào mùa hè, sống ở nước lợ trộn lẫn trong cát, nơi sâu người ta dùng cào, đứng trên thuyền để xúc, nơi cạn có thể xắn quần ngang đầu gối dùng tay là có thể cào được.
Ngoài nấu canh, nấu cháo có thể chế biến chắt chắt thành món xào cũng rất tuyệt. Người thích rượu thì đây là món nhắm rất bắt miệng. Lấy bánh đa xúc vào dĩa chắt chắt, dùng đũa gắp một ngọn rau thơm để lên trên và đưa vào miệng. Từ từ nhai để tận hưởng cái giòn tan của bánh đa, cái hương thơm đượm vị phù sa của vừng, cái ngầy ngậy của chắt chắt, trong một chút cay của ớt, một chút chua của cà, một chút nồng của tiêu, một chút thơm của hành.
Ruốc biển
Con ruốc, người miền Bắc gọi là moi, người trong Nam gọi là con khuyếc, thuộc loại nhuyễn thể. Ở vùng cửa biển Nhật Lệ, ruốc tháng sáu ngon nhất.
Chế biến từ ruốc tươi ra thành phẩm ruốc ăn, gọi là ruốc quết. Những loại ruốc lạt, thường được dùng như thức ăn hoàn chỉnh không qua khâu nấu nướng gì nữa. Những thứ ruốc mặn để lại hàng năm, thứ này thường để thay bột ngọt trong việc nấu nướng.
Trong bữa cơm của người lao động Đồng Hới khi nào cũng có món ruốc lạt, ăn với khế rành, loại khế vừa ngọt vừa chua. Đó là một món ăn rẻ tiền nhưng lại có sức quyến rũ rất kỳ lạ. Ruốc ăn không với cơm! Hoặc cà với ruốc, hoặc thịt lợn luộc chấm ruốc, ăn với bún, với bánh đúc, đều là những món ăn tuyệt trần của ruốc đối với người nghèo Đồng Hới.
Tuy nhiên, không phải chỉ người nghèo mà cả người giàu sang và cá biệt còn cả người Pháp cũng mê ruốc lạt.
Ngoài ra, ruốc còn được chế biến thành nước mắm ruốc. Nước mắm ruốc tuy không ngon thơm như nước mắm cá, song ngọt và đậm đà hơn nước mắm cá và nó cũng là món “đặc sản” của những người sành ăn ở Đồng Hới.
Bánh tráng Tân An
Nhắc đến làng Tân An, xã Quảng Thanh (Quảng Trạch – Quảng Bình), người ta nghĩ ngay đến bánh tráng, loại nguyên liệu làm nên món cuốn tuyệt vời của vùng đất ven sông Gianh.
Sản phẩm bánh mè xát đã được người dân Tân An làm ra cách đây hơn 100 năm. Gạo làm bánh được chọn từ các loại gạo ngon của Quảng Bình.
Bánh gồm 2 loại, chủ yếu là bánh dày để nướng và bánh mỏng dùng để cuốn ram (bánh đa nem). Nắm bắt nhu cầu của thị trường, nhiều năm qua người dân nơi đây còn sản xuất ra loại bánh mè xát đường, có vị ngọt, béo và khá dẻo nên rất thuận lợi cho việc vận chuyển xa, khi nướng lên thơm phức.
Sò Huyết sông Roòn
Ai đã từng ghé thăm Quảng Bình và khi đến thưởng thức món sò huyết sông Roòn này tại quán Ngự Mận đều phải công nhận rằng đây là loại hảo hạng đặc biệt. Đặc biệt từ chất lượng sò, cách chế biến, cách bày biện, các món gia giảm đi kèm, nước chấm nước tương trộn mù tạt, chai rượu men riềng pha bột sắn dây.
Trước khi chế biến, sò phải ngâm với nước vo gạo hoặc nước muối ớt pha loãng để sò nhả hết bùn đất, dùng bàn chải cọ sạch lớp vỏ bên ngoài, rửa lại bằng nước sạch. Sò huyết được chần qua nước sôi không quá chín, vẫn còn giữ được dòng huyết và thịt còn đỏ tươi. Cạy ra lấy hết phần thịt và huyết bỏ vào bát sau đó thưởng thức. Miếng thịt sò ngọt và mát lịm quyện với vị chua chua của nộm đu đủ, giá đỗ, vị cay nồng của gừng, vị chát của nộm bắp chuối, vị nồng của mù tạt thêm ngụm rượu men riềng pha bột sắn dây của xứ Quảng Châu vào, ghe tiếng rượu réo vang trong cổ họng, mồ hôi toát ra, khiến tâm hồn lâng lâng khó tả…
Đẻn biển
Đẻn biển chính là một loài rắn biển, thân nhỏ và thon, dài từ 1 đến 2 mét, có vảy, mình vằn da nhám, đầu nhỏ đuôi dẹt. Đẻn biển là loài có giá trị cao trong thực phẩm cũng như chữa bệnh. Đẻn gồm rất nhiều loại như đẻn kim, đẻn cá, đẻn sọc, đẻn bông, đẻn gai. Mỗi loại đẻn khi chế biến lại có hương thơm và vị ngọt khác nhau. Nào là cháo đẻn, đẻn hầm sả ớt, đẻn bằm xúc bánh đa, chả đẻn, đẻn nướng cuốn lá lốt và đẻn hầm thuốc bắc. Vì thế mà con đẻn luôn được du khách “thích mê” trước khi thưởng thức những món khác tại các nhà hàng ven bờ Nhật Lệ.
Tuy được chế biến dưới nhiều hình thức khác nhau nhưng nức tiếng nhất là tiết đẻn và ram đẻn. Tiết đẻn (hải xà huyết) là thứ mà du khách bốn phương tò mò muốn thưởng thức hơn cả. Người ta thường lấy tiết đẻn vừa hứng đem pha với rượu, rất thơm mà còn chữa được bệnh nhức xương. Bạn cũng có thể dễ dàng bắt gặp những bình rượu ngon được trưng bày, bên trong là những con đẻn được ngâm ít nhất 3 đến 5 ngày trước đó.
Cháo canh
Cháo canh hấp dẫn thực khách bởi màu nước dùng vàng, sóng sánh đượm hương thơm của đồng quê như tôm, thịt, cá lóc, là món ăn dân dã mà du khách nên thử.
Ở thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), cháo canh là món ăn quen thuộc mà bạn dễ dàng tìm thấy ở nhiều hàng quán. Người ta ăn sáng, ăn trưa hay ăn lúc chiều muộn nhưng để tìm một quán ăn ngon đúng điệu không phải ai cũng biết.
Cháo canh nhìn qua có vẻ như mì vằn thắn hay bún. Giống như người miền Trung mộc mạc, chân chất, món cháo canh về hình thức nhìn không đẹp mắt nhưng ăn vào rất khó quên.
Cháo canh Quảng Bình còn lạ bởi được ăn kèm với rau cải xanh thái nhỏ và nem chả.
Ốc lể
Ốc lể hay còn gọi là ốc gạo, ốc ruốc hay ốc ngũ sắc là món quà quý mà biển ban tặng cho người dân miền Trung. Ốc lể được bày bán ở nhiều nơi nhưng món ốc lể ở Quảng Bình khá đặc biệt vì nó có hương vị riêng mang đậm chất biển nơi đây.
Ốc được lấy trực tiếp từ biển ở những vùng nước khá sâu, người ta phải khó khăn lắm mới có thể lấy được những con ốc lể như ý. Sau khi lấy về chọn những con ốc loại to nhất, mang về nhà rửa đi rửa lại nhiều lần bằng nước biển rồi ngâm vào nước biển chừng 2-3 giờ đồng hồ để ốc nhả hết cát.
Khi ăn phải dùng gai cây chanh, cây bưởi hoặc cây đốm để kết hợp với mùi thơm của ốc.
Cua đồi
Cua đồi là một đặc sản mới ở Quảng Bình. Cua đồi không phổ biến lắm, nó chỉ tập trung nhiều ở vùng biển xã Cảnh Dương huyện Quảng Trạch, Quảng Bình. Cua đồi là một đặc sản rất nhiều chất dinh dưỡng. Người ta thường ăn chủ yếu càng cua, bởi vì càng cua tập trung nhiều thịt và những chất dinh dưỡng ngon nhất của con cua. Cua đồi rất dễ nhận biết vì nó có đôi càng rất to, gần bằng thân cua. Nếu có dịp đến Quảng Bình bạn nhớ thưởng thức món hải sản đặc biệt này nhé.
Khoai deo
Với cái nắng chói chang cùng với hơi nước từ biển thổi vào trên đất Quảng Bình đã cho ra khá nhiều loại khoai ngon tuyệt vời mà một trong những đặc sản được chế biến từ khoai chính là khoai deo. Khoai deo ngon thường được chế biến từ loại khoai lang đỏ trồng trên đất thịt, sau khi luộc xong sẽ cắt thành từng lát và phơi khô khoảng 10 đến 12 nắng, độ dẻo của lát khoai tùy thuộc vào số lần phơi nắng ít hay nhiều. Vì hình dạng giống như củ sâm, lại chứa nhiều dưỡng chất nên khoai deo được người dân Quảng Bình ưu ái đặt cho tên “sâm đất”.
Khoai deo đã trở thành món ăn thú vị của nhiều tầng lớp – từ bình dân lao động đến những cô cậu học trò lén giấu trong cặp sách mang đến lớp và cả những nhân viên văn phòng “ngồi nhai cho đỡ buồn”. Chầm chậm để vị ngọt bùi của lát khoai tan chảy nơi đầu lưỡi, cái cung cách thưởng thức mộc mạc đó phần nào thể hiện tâm hồn người Quảng Bình: từ tốn nhưng có chút chịu đựng, kham khổ.
Bánh lọc bột sắn, tôm sông
Bánh lọc vốn từ trong Huế, Đông Hà ra rồi neo lại ở Quảng Bình, được bổ sung thêm hương vị mới, trở thành một món ăn đặc biệt nhất của tỉnh Quảng Bình. Không mấy ai qua Đồng Hới lại không muốn nếm thử và mua bánh làm quà.
Nguyên liệu của bánh lọc chỉ đơn giản là bột sắn lọc, tôm, mộc nhĩ và một ít gia vị khác của vườn nhà. Tôm dùng cho bánh chỉ là loại nhỏ ở cửa sông, vừa đậm vị phù sa của đồng, vừa mặn mòi vị biển.
Mỗi chiếc bánh bột lọc bọc một con tôm, ít lát thịt rim và gia vị, vắt thành hình một tai bèo nhỏ. Có thể đem trụng (nhúng) nước sôi ăn ngay hay gói lá chuối đem hông (đồ như đồ xôi), dành cho người mang đi xa. Loại bánh gói này có thể để nhiều ngày, khi ăn, đem hấp lại cho nóng, vẫn thơm dẻo như bánh mới, được chấm với nước mắm chắt Quảng Bình với những lát ớt cay xé lưỡi mới càng đáng nhớ.
Bánh xèo Quảng Hòa
Bánh xèo Quảng Hòa làm bằng gạo đỏ, hoa văn nổi đều, đơn giản nhưng phải đủ các món kèm theo: cá chuối, nộm, rau sống, bánh đa và nước chấm.
Đĩa nộm gồm có giá, rau két và vừng. Đậu đỗ giá làm nộm phải loại đậu đỏ, hạt to bậm. Gạo làm bánh xèo là loại lúa mành màu đỏ, chỉ xay bóc vỏ lúa (còn có tên gọi là gạo đỏ, gạo lứt) ngâm nước khoảng 5 tiếng rồi đem xay, dùng muôi múc cả nước và gạo bỏ vào cối xay từ từ. Xay được hai lần cho gạo mịn. Xay xong, bỏ một ít muối, hành hẹ thái nhỏ vào trong thau nước bột gạo. Khuôn tráng bánh cũng do bàn tay người đàn ông Quảng Hòa (vùng nam Quảng Trạch) làm ra, miệng lớn hơn bát ăn cơm một chút, thành khuôn mỏng, cao khoảng 1,5 cm, đáy bằng phẳng.
Món cá chuối mới là lạ mắt nhất. Nguyên liệu chính là những quả chuối sứ (loại chuối có hạt) chưa già nhưng cũng không non quá. Người ta hái xuống, gọt vỏ, ngâm với phèn hoặc chanh rồi thái nhỏ. Sau đó luộc, uốn thành hình thù con tôm, con cá rồi lấy từng con cá chuối nhúng qua vào bát gia vị. Lúc sắp cá lên đĩa, có thể rưới thêm một ít gia vị có ớt, tỏi. Như vậy trong mỗi lát cá đều thấm gia vị. Khi ăn, lấy bánh xèo cuốn rau sống, nộm, cá chuối lại rồi kẹp vào bánh đa.
Bánh xèo ăn ngon nhất là lúc vừa tráng xong, tráng tới đâu ăn tới đó. Cầm miếng bánh trên tay, cảm nhận được sự nóng hổi của mùi thơm gạo lứt thì thật tuyệt vời.
Gỏi cá nghéo
Cá nghéo là một trong những đặc sản thú vị nhất của Quảng Bình. Cá nghéo thuộc họ cá xương sụn như cá mập, đẻ con chứ không đẻ trứng. Cá nghéo toàn thịt, gan béo, thịt ngon, tuy da có nhám (do đó gọi là cá nhám), có tanh, nhưng cạo da bằng nước sôi như cạo lợn thì không còn tanh nữa, thịt cá lúc ấy trắng như bông, mới nhìn đã thích.
Cá nghéo làm gỏi ăn với nước lèo, rau sống, nhấm rượu là một món nhậu đẹp; còn như kho với nghệ, mật, gừng là món ăn bổ âm. Các lương y ở Đồng Hới khuyên người bệnh nghèo nên ăn cá nghéo bao tử sau khi lành bệnh, không cần uống thuốc bổ, tốn tiền.
Chép biển xào
Chép thuộc họ ngao, hến ở biển. Hình dẹp mà thon, vỏ rất cứng, hoa văn đủ màu sắc trên nền trắng, đầu bụng lớn mà mập, đầu miệng nhỏ mà lép. Con to nhất bằng ngón tay cái, con nhỏ vừa ăn cũng bằng ngón tay út. Chiều dài con chép khoảng 3 cm, chiều rộng khoảng 2 cm.
Năm nào rét đậm, chép càng béo, càng ngon, cho nên cứ sau tiết đông chí là mùa vụ của chép.
Con chéo có thể được chế biến thành món chép xào, chép hấp…
Tùng Anh (th)/Báo Gia đình & Xã hội
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.