Những món ăn ngày Tết Đoan Ngọ dọc miền đất nước
Mỗi vùng miền lại có một đặc trưng riêng trong cúng lễ và thưởng thức ẩm thực trong ngày 5/5 Âm lịch.
Ngày Tết Đoan Ngọ hay còn gọi là ngày giết sâu bọ là phong tục lâu đời của người dân Việt Nam, có ý nghĩa bài trừ bệnh tật trong tiết trời giao mùa nóng nực, nhiều dịch bệnh sinh sôi.
Ngày Đoan Ngọ theo giải thích của người Trung Quốc
Ngày này gắn với một tích cổ liên quan đến Khuất Nguyên, một nhân vật nổi tiếng trong lịch sử Trung Hoa. Theo tương truyền, ông là tác giả của bài thơ nói về tâm trạng buồn vì quốc gia suy vong và đứng trước hoạ mất nước để can gián vua, nhưng sau đó, ông bị gian thần hãm hại, quá uất ức, ông gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn vào ngày 5/5 Âm lịch.
Vì thương tiếc người có lòng trung nghĩa, cứ mỗi năm đến ngày đó, người dân lại làm bánh, rồi quấn chỉ ngũ sắc bên ngoài rồi bơi thuyền ra giữa sông ném bánh và lấy gạo bỏ vào ống tre rồi thả xuống sông để cúng Khuất Nguyên.
Trên bàn thờ gia tiên ngày Tết Đoan Ngọ, thường có đầy đủ các loại hoa quả theo mùa, cơm rượu nếp. Ở mỗi vùng miền lại có thêm những phong tục khác nhau. Ảnh: Kul.vn
Ngày Đoan Ngọ ở Việt Nam
Truyền thuyết kể rằng, xa xưa khi người dân bị sâu bọ phá hoại mùa màng, một ông lão phương xa xuất hiện tên là Đôi Truân. Ông bày cách cho mỗi nhà lập một đàn cúng đơn giản gồm có bánh tro, trái cây chua và rượu nếp rồi sau đó vận động tập thể dục trước nhà. Từ đó, sâu bọ không còn xuất hiện nữa. Người dân rất biết ơn định cảm tạ thì ông lão đã biến mất. Để tưởng nhớ việc này, dân chúng đặt tên là ngày “Tết giết sâu bọ” hay là ngày “Tết Đoan Ngọ” vì giờ cúng thường vào giờ Ngọ.
Do đó, không thể quan niệm rằng ngày Tết Đoan Ngọ của người Việt bắt nguồn từ Trung Quốc như nhiều người đã lầm tưởng.
Hiện nay ở một số làng quê Việt Nam vẫn giữ được nếp xưa coi trọng ngày Tết Đoan Ngọ này, có lẽ “Tết giết sâu bọ” là cái tết có nhiều tục lệ gắn kết với đời sống của người dân. Do đó, con cháu dù có đi làm ăn xa xôi cũng muốn thu xếp về để xum họp cùng gia đình. Tết Đoan Ngọ là ngày người dân cúng lễ đánh dấu một mốc chuyển giao thời tiết mới, mừng sự trong sáng, quang đãng hơn và cúng lễ để cầu an.
Trong ngày 5/5 Âm lịch, người ta thường ăn những món ăn có ý nghĩa bài trừ những điều xấu xa, căn nguyên của bệnh tật.
Chung cả 3 miền
Cơm rượu nếp
Ở cả ba miền đất nước, món ăn được dùng nhiều nhất là cơm rượu nếp. Bởi theo quan niệm dân gian, vị nồng của cơm nếp hòa với men cay của rượu sẽ có tác dụng loại bỏ những loài ký sinh có hại trong cơ thể.
Gạo được chọn để nấu cơm rượu nếp là loại nếp cẩm, hoặc nếp cái hoa vàng, ngon nhất là gạo nếp lứt, hạt nâu vàng, óng ả. Sau đó gạo được nấu, để nguội và ủ lên men để cho ra những hạt cơm chắc mà dẻo, quyện với men rượu đượm hương thảo dược, cay nhẹ nhưng vẫn để lại dư vị ngọt trên đầu lưỡi.
Cơm rượu nếp rất phổ biến trong cả nước nhưng ở mỗi vùng món ăn này lại có những đặc trưng riêng về thời gian và cách ủ. Trong khi cơm rượu nếp miền Bắc thì để rời từng hạt thì cơm rượu của người miền Trung được ép thành từng khối và cơm rượu miền Nam được viên tròn.
Ngoài cơm rượu nếp, người ta cũng ăn các loại nếp cẩm và các món ăn biến tấu từ nếp cẩm như sữa chua nếp cẩm, xôi nếp cẩm, chè nếp cẩm, chè cuối nếp cẩm với ý nghĩa diệt vi khuẩn trong cơ thể.
Hoa quả
Hoa quả được chọn để cúng và ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ chủ yếu là các loại quả mùa hè có tính nóng, tươi ngon và có vị chua chua, thơm nức. Đó là những trái mận, đào, vải, chôm chôm, xoài, dưa hấu,… Đặc biệt là mận, vải. Nếu thiếu đi những thứ hoa quả này thì Tết Đoan Ngọ sẽ mất đi nhiều ý nghĩa của nó.
Cùng với cơm rượu nếp thì hoa quả đúng mùa là vật phẩm không thể thiếu để người Việt thắp hương trên bàn thờ gia tiên những ngày này.
Miền Bắc:
Bánh gio chấm mật
Bánh gio là món ăn truyền thống trong dịp Tết Đoan Ngọ ở cả ba miền, ở mỗi nơi lại có một tên gọi khác nhau và cách biến tấu cũng khác nhau. Ở miền Bắc, người ta thường ăn bánh gio chấm mật mía.
Người ta phải rất tỉ mỉ, kỹ càng từ khâu chọn loại nếp đều hạt, thơm, đến cách gạn nước tro được đốt từ những cây rơm nếp vàng óng, đã được rửa sạch và gói, luộc, rồi cuối cùng mới có thứ bánh thơm nồng. Bánh có vị ngai ngái nồng nồng của nước tro, thanh mát, màu nâu trong trong, chấm cùng mật mía ngọt ngào, thơm nức, giản dị mà khiến người ăn nhớ mãi. Bánh được bán nhiều nhất trong ngày Tết Đoan Ngọ bởi người ta luôn tin rằng khi ăn bánh gio, bệnh tật trong người sẽ tiêu tan hết.
Bánh khúc người Nùng
Bánh khúc là đặc sản Tết Đoan Ngọ của người Nùng (Mường Khương, Lào Cai), ở nhiều nơi ở miền Bắc người ta cũng ăn bánh khúc vào ngày này. Nguyên liệu làm bánh gồm: gạo nếp ngon, rau khúc, đậu xanh, vừng đen (khác với bánh khúc thường có thịt mỡ).
Gạo sau khi ngâm kỹ, giã cùng rau khúc thành bột mịn và nắm thành từng nắm nhỏ, màu xanh sẫm. Đậu xanh xay vỡ, đãi sạch vỏ ngoài, đem đồ chín. Hành phi chín vàng rồi cho vừng đen rang chín, giã nhỏ trộn đều với đỗ làm nhân bánh. Bánh khúc được hấp hoặc rán tùy theo sở thích, nhưng hấp dẫn nhất là chao qua chảo mỡ. Bởi lúc này, những chiếc bánh nóng có độ phồng, bóng, thơm thơm của mùi lá khúc cùng hương vị của đậu xanh, của hành, mỡ pha chút ngậy của vừng đen.
Miền Trung
Thịt vịt
Trong ngày lễ giết sâu bọ ở nhiều địa phương của miền Trung, người ta lại ăn thịt vịt. Họ quan niệm, bắt đầu từ mùng 5/5 trở đi, vịt bắt đầu vào mùa. Những con vịt béo hơn, thịt ngon và không có mùi hôi nữa. Vì thế, trong Tết Đoan Ngọ, ở hầu hết các gia đình, họ đều mua vịt và chế biến thành nhiều món ăn khác nhau. Trong đó tiết canh vịt là phổ biến nhất.
Chè kê
Chè kê cũng là món ăn rất đặc trưng cho ngày Tết Đoan Ngọ ở Huế. Những hạt kê mẩy tròn sau khi được xay cho tróc vỏ, ngâm và đun sôi đến khi nở mềm, sền sệt, bỏ thêm đường và nước gừng sẽ cho ra nồi chè thơm phức với màu vàng kê quyến rũ.
Chè kê ở Huế rất đặc biệt vì thường ăn kèm với bánh tráng mè. Lúc ăn không cần muỗng mà dùng bánh tráng để xúc. Bởi thế vị giòn của bánh tráng nhanh chóng hòa lẫn với vị ngọt của đường, vị dẻo thơm của kê và thơm cay thoang thoảng của gừng tươi khiến món ngon càng thêm hấp dẫn. Món ăn có tác dụng bồi bổ khí huyết, cân bằng thể trạng cho những người thường xuyên dùng các đồ ăn, thức uống giải nhiệt.
Miền Nam
Bánh ú nước tro
Bánh ú nước tro là ăn truyền thống trong ngày Tết Đoan Ngọ của người dân miền Nam, cũng là một phiên bản khác của bánh gio miền Bắc. Vào những ngày này, đi một vòng qua các khu chợ, ở đâu bạn cũng thấy bánh ú nước tro.
Có hình chóp, to bằng nắm tay người lớn, bánh ú nước tro được gói bằng lá bên ngoài, bên trong là bột nếp và nhân đậu xanh. Bánh có màu vàng sẫm, có vị mát lạnh, được nhiều người ưa thích trong những ngày nắng nóng. Khi bóc vỏ ra, chiếc bánh có màu vàng sẫm, trơn láng không dính vào lá. Cắn một miếng, bạn sẽ cảm nhận bột bánh mềm, dẻo, phần nhân bên trong có vị ngọt thanh dễ chịu.
Chè trôi nước
Với người miền Nam, ngày 5/5 lại là ngày ăn chè trôi nước, khác với miền Bắc, ăn vào ngày 3/3 Âm lịch. Từng viên chè tròn làm bằng bột nếp trắng, bên trong có nhân đậu xanh, ăn cùng với nước cốt dừa có vị béo và rất nổi tiếng ở miền Nam, gần giống với bánh trôi của người miền Bắc.
Nguyên liệu chính là bột nếp và nhân đậu xanh. Bột được nhồi cho đến khi dẻo và mềm, khi nặn viên trôi nước, lấy một lượng nếp vừa đủ đặt trong lòng bàn tay rồi dàn mỏng ra, bỏ nhân đậu vào giữa, gói tròn lại và vo trong lòng bàn tay sao cho thật tròn trịa.
Khi nấu chè, cho một ít gừng già giã nhỏ và ít muối cho món chè ngọt thanh, ngát hương thơm và ấm nóng. Vị béo và ngọt bùi hòa hợp với nhau cùng với vị cay ấm của gừng trong nước đường và vị thơm nồng của vừng phía trên.
Nguyên Chi tổng hợp
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.