Những ai không nên ăn rau muống?
Người mắc bệnh gout, sỏi thận, huyết áp thấp/cao, suy nhược cơ thể, có vết thương mềm hay đang uống thuốc Đông y,… cần phải thận trọng khi ăn rau muống luộc hoặc xào.
Rau muống là một loài thực vật nhiệt đới bán thủy sinh thuộc họ bìm bìm. Ở Việt Nam, đây là rau ăn lá được người dân ưa chuộng, gồm 2 loại: trắng và tía. Từ rau muống, chị em nội trợ có thể chế biến thành nhiều món ăn khác nhau như rau luộc, rau xào tỏi, nộm rau muống hoặc rau muống chẻ ăn kèm với bún, phở,… Tuy nhiên, ít ai biết rằng, có một số người không nên rau muống luộc hoặc xào.
Lương y Nguyễn Hùng – Chủ biên một blog về sức khỏe sẽ chỉ ra trường hợp nên thận trọng khi ăn các món được chế biến từ rau muống; rau muống có những lợi ích tốt đối với sức khỏe của con người.
Đối tượng không nên hoặc hạn chế ăn rau muống
Lương y Nguyễn Hùng cho biết: “Rau muống thường được trồng, thả nơi ao hồ nên nhiễm nhiều loại ký sinh trùng. Do vậy, mọi người tuyệt đối không ăn rau muống tươi sống hoặc rau muống chế biến chưa chín hẳn để tránh bị đầy bụng, khó tiêu và mắc phải các bệnh về đường ruột”.
Ngoài ra, có những nhóm đối tượng cần thận trọng khi thưởng thức rau muống luộc, rau muống xào tỏi hoặc các món ăn chế biến từ rau muống.
Người mắc chứng gout, sỏi thận
Những người mắc chứng gout, viêm nhiễm đường tiết niệu do sỏi thận, người huyết áp cao không nên ăn rau muống.
“Hàm lượng muối khoáng, gồm canxi, sắt và photpho trong rau muống khá cao, dễ dàng kết tủa thành sỏi trong bàng quang, thận. Do vậy, những người có chức năng hoạt động của thận, bàng quang suy yếu không nên ăn rau muống”, lương y Nguyễn Hùng cho hay.
Hàm lượng muối khoáng, gồm canxi, sắt và photpho trong rau muống khá cao, dễ dàng kết tủa thành sỏi trong bàng quang, thận (Ảnh minh họa)
Người có vết thương mềm
Theo lương y Nguyễn Hùng, rau muống với thịt bò kích thích tăng sinh tế bào da non thái quá, gây sẹo lồi trên da. Vì vậy, những người đang có vết thương mềm không được ăn rau muống, kể cả rau muống xào thịt bò để tránh có vết sẹo lồi.
Người điều trị nội – ngoại khoa
Những người đang điều trị nội khoa, ngoại khoa không nên ăn rau muống vì ăn rau muống sẽ kéo dài thời gian điều trị bệnh hoặc gây ra những sẹo lồi mất thẩm mỹ.
Người đang uống thuốc Đông y
“Những người đang uống uống Đông y ăn rau muống sẽ làm giã thuốc. Trường hợp thuốc có vị độc cần thiết để chữa bệnh (lấy độc trị độc) ăn rau muống sẽ khiến hiệu quả điều trị của những vị thuốc này suy giảm”, lương y Nguyễn Hùng chỉ rõ.
Người đau xương khớp
Người bị viêm đau, đau xương khớp nên kiêng kỵ rau muống vì nó sẽ khiến chỗ đau thêm tê nhức.
Người suy nhược nặng thể hư tàn
Những người suy nhược cơ thể nặng thể hư hàn không nên ăn rau muống.
Bài thuốc Đông y trị bệnh từ rau muống
Theo y học cổ truyền phương Đông, rau muống có vị ngọt, tính hơi lạnh. Nó có công dụng thanh nhiệt, lương huyết, chỉ huyết, thông đại tiểu tiện, giải tất cả các chất độc xâm nhập vào cơ thể. Vì vậy, rau muống là vị thuốc có thể phòng và điều trị một số bệnh sau:
– Cầm máu, chữa tâm phiền, chảy máu mũi, lưỡi đỏ rêu vàng, ù tai chóng mặt: Rau muống 150g, cúc hoa 12g, nước vừa dùng, đun sôi lửa to 20 phút. Lọc lấy nước uống, có thể cho thêm chút đường.
Rau muống là vị thuốc có thể phòng và điều trị một số bệnh
– “Những người bị tiêu chảy do thấp nhiệt. Sau đó, bệnh chuyển sang kiết lỵ – phân có chất nhầy, màu đỏ trắng, đau thắt bụng chỉ cần lấy 400g cọng rau muống tươi, một ít vỏ quýt khô để lâu nấu với nhiều nước, để lửa nhỏ trong vài giờ rồi uống ”, lương y Nguyễn Hùng cho biết.
– Đau dạ dày, nóng ruột, ợ chua, miệng khô đắng: Rau muống 20g, rau má 20g, rau sam 16g, cỏ mực 20g, vỏ quýt khô 12g. Tất cả sao qua, cho vào ấm, đổ 500ml nước, sắc còn 250ml, chia 2 lần uống lúc đói.
– Say sắn, ngộ độc sắn: Dùng một nắm rau muống rửa sạch, giã nát và vắt lấy nước uống. Hoặc lấy 100g rau muống cắt đoạn, cám gạo tẻ 50g, trộn vào giã nhuyễn, thêm nước cho loãng để uống.
– Khí hư bạch đới: Rau muống cả rễ 500g; Hoa dâm bụt trắng 250g hầm với thịt heo hoặc thịt gà, ăn thịt uống nước.
– Phù thũng toàn thân do thận, bí tiểu tiện: Rau muống 1 nắm, râu ngô 12g, rễ tranh 12g; Sắc nước uống một lần. Hoặc rau muống 1 bó, rửa sạch, thái nhỏ. Gà vàng (lông vàng, chân vàng, da vàng) một con làm sạch, bỏ lòng, nhồi rau muống vào, hầm nhừ, thêm ít rượu. Khi chín bỏ rau ăn thịt gà. Ăn độ 3 con. Trong sách có dặn cố gắng làm sạch nhưng hạn chế rửa nhiều nước.
– Đái tháo đường: Rau muống 60g, râu ngô 30g. Nấu nước uống (dùng rau muống tía tốt hơn rau muống trắng).
– Lở ngứa, loét ngoài da, zona, giời leo: Ngọn rau muống và lá cây vòi voi rửa thật sạch với ít nước muối, giã nhuyễn đắp lên vết thương.
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.