Nhớ thương ốc gạo quê nhà
Cuối xuân sang hè, trên bờ mùa hoa gạo sắp tàn nhưng dưới biển mùa ốc gạo hãy còn xôn xao lắm. Làng ven biển của tôi, thuộc tỉnh Quảng Ngãi, những ngày này chộn rộn mua bán ốc gạo.
Ốc gạo có chút xíu mà… líu ríu đủ thứ sắc màu – ẢNH: TRẦN CAO DUYÊN
Riêng tôi chẳng cần xin một vé đi tuổi thơ vẫn có thể về lại những ngày nhỏ dại khi ngồi với lũ trẻ hàng xóm tỉ mẩn lể từng con ốc gạo ngọt thơm “thần sầu”.
Ăn ốc gạo “bất luận” chỗ ngồi. Trước hàng hiên cũng được, bên chái bếp cũng xong, dưới gốc dừa cũng hay, cạnh bờ tre cũng tốt
Bắt ốc gạo là một công việc khá vất vả. Trời chưa sáng hẳn, thợ lặn đã phải ngâm mình dưới nước biển lạnh buốt, miệng ngậm ống hơi, tay cầm vợt lưới cào ốc trên mặt cát.
Tới trưa, số ốc cào được cỡ vài chục lon. Với giá ốc tươi mỗi lon 8.000 đồng, thợ lặn có thể kiếm được từ 200.000 – 250.000 đồng.
Ốc gạo trước khi luộc phải ngâm nước với vài trái ớt bẻ đôi cho ốc nhả hết tạp chất.
Luộc xong, trút ốc vào chảo dầu phi hành tỏi cùng các loại gia vị rồi trộn đều. Giờ thì ốc gạo đã sẵn sàng lên mâm lên bát. Nói mâm bát cho sang tí thôi chứ thật ra chỉ cần trút vào cái cảu nhựa (như cái rổ) rồi “cơ động” chỗ nào cũng được.
Ăn ốc gạo “bất luận” chỗ ngồi. Trước hàng hiên cũng được, bên chái bếp cũng xong, dưới gốc dừa cũng hay, cạnh bờ tre cũng tốt.
Tôi hay “ăn” ốc gạo bằng mắt trước, dù chỉ vài giây. Loài ốc gì thật lạ. Có chút xíu mà… líu ríu đủ thứ sắc màu: nâu, vàng, đen, trắng, xám. Vỏ ốc ánh lên trong nắng mai nhìn thật đã mắt. Có lẽ do ấn tượng vẻ đẹp ấy nên sau này có lúc xa quê, tôi vẫn thấy bộ áo màu lung linh của ốc gạo trong những giấc mơ.
Giờ nói chuyện ăn ốc. Ăn cơm phải có đũa, ăn ốc phải có… gai. Dùng cây kim nhọn để khều thịt ốc là sai “sách vở”. Phải dùng gai quýt hoặc gai chanh để lể ốc mới sành điệu. Người lần đầu ăn ốc cực khổ lắm, cứ châm đầu cây gai vào miệng ốc rồi nạy lên. Lể kiểu này chỉ lấy được phần đầu (khoảng một phần tư con ốc), thân ốc còn lại, phần ngon nhất, bị đứt, thun vào, mất hút bên trong.
Cần làm đúng “quy trình”: Tay phải châm nhẹ đầu cây gai vào miệng ốc, ngón cái và ngón trỏ tay trái xoay nhẹ con ốc theo chiều ngược lại. Lể cách này toàn bộ thân ốc ngoan ngoãn ra khỏi miệng ốc. Thịt ốc có chút xíu thôi mà thơm ngon, đậm đà ý vị.
Những người sành ăn ốc gạo, như tôi chẳng hạn, từ động tác bốc con ốc lên, châm đầu gai vào miệng ốc, lấy thịt ốc ra, cho vào miệng chỉ mất… một giây. Liên tục lặp đi lặp lại như vậy mà không hề mỏi tay, mỏi miệng, không “lạc nhịp” chút nào.
Nhớ ngày mới lớn, tôi từng “mê” con nhỏ hàng xóm vì nó ăn ốc… quá đẹp, quá nhanh, quá gọn, cứ như múa ấy. Nhỏ ăn mê mải, mấy sợi tóc mai xổ ra, nhỏ dùng ngón út vén lên trong khi “tốc độ” ăn không hề chậm lại. Nghĩ bụng: Nếu cưới được nhỏ, tôi sẽ nói em ơi, nhiệm vụ của em là ăn ốc, còn tôi… đổ vỏ (xin hiểu theo nghĩa đen).
Ốc gạo có thể… gây nghiện cho người ăn. Nhà tôi không ít lần bỏ ngang bữa cơm vì không thể đứng lên rời xa rổ ốc. Thật lạ lùng! Ốc gạo càng ăn càng ngon, càng ăn càng quyến rũ, càng ăn càng… đói, càng ăn câu chuyện gia đình càng thêm thú vị. Ai cho tôi ngoa, tôi cũng nói ốc gạo là một phần “hồn vía” làng tôi. Người làng dù sống ở góc trời nào, trong nỗi thương nhớ quê nhà chắc chắn có hình ảnh con ốc gạo.
Trần Cao Duyên
Theo Thanh niên online
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.