Lỡ mê cá sát thủ…
Da lưng cá xanh đen, mình tròn lẳn như thân rắn biển và có thể gây sát thương bất kỳ ai ở gần nó, bằng một cú phóng chí mạng – khi giật mình. “Quạ! Vậy mà thịt nó ngon lạ – mới chết!”, anh Võ Văn Quýt, ngư dân Bình Thuận xác nhận.
N
hững chú cá xanh xương tươi rói, chị Thắm vừa đánh lưới được ở Hòn Nồm – Ảnh: Thất Lang
Một số ngư dân ở Hòn Nồm và các hòn lân cận thuộc quần đảo Nam Du (gồm 21 hòn cách TP.Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang khoảng 90km về hướng Tây) thường chỉ tay lên trời thề bán mạng: “Nếu tui nói láo (dóc) cho cá xanh xương đâm đổ ruột!” – mỗi khi cần xác tín.
Duyên nghiệp xanh xương
Cá xanh xương thân tròn tựa cá lìm kìm biển nhưng lớn con hơn, có thể dài đến 40 – 50cm, nặng 4 – 5kg/con là chuyện bình thường. Cũng như đám: cá chuồn, cá đối bay… chúng ưa đi thành đàn gần mặt nước. Đặc biệt, mỗi khi nghe động chúng sẽ quật đuôi phóng mạnh lên cao gần cả mét. Ai xui xẻo, lỡ bị cái mỏ nhọn dài như mũi lao của chúng đâm trúng chổ hiểm, có thể bị thương nặng hoặc mất mạng giữa trùng khơi.
Được biết, từ vùng biển Thanh Hóa chạy dài đến sóng nước Kiên Giang, nơi nào cũng có họ hàng cá xanh xương sinh sống.
Do sở hữu nước da đen xanh, kể cả phần xương sống và xương “sườn” cũng ngời xanh màu ngọc bích và cá có thể phóng cao bất ngờ nên dân biển Bình Thuận, Nha Trang, Ninh Thuận đặc biệt danh khá ấn tượng khác cho nó: cá nhái.
Anh Tôn Thất Lang, chuyên nghề viết lách ở TP.Cần Thơ trở nên hào hứng lạ, khi nghe nhắc đến loài cá xanh xương. “Có những phận đời quanh năm suốt tháng gắn liền với giống cá có vẻ hung dữ mà thịt “hiền khô” này. Đó là, cô Vương Ngọc Thắm – chúa Hòn Nồm.”
Hơn 30 năm lái ghe cưỡi sóng gió cấp 5 – 6 (vận tốc gió đạt : 38 – 49km/giờ) bủa lưới nổi vây bắt hàng tấn cá xanh xương, đã trui rèn người phụ nữ nước da bánh mật này khả năng nghe được “ý biển”!
Hòa ca – cá xanh xương “tắm” nước mắm hòn! – Ảnh: Tấn Tri
Ví dụ, đang trời êm biển lặn, đậu ghe cạnh bãi rạn (san hô) bỗng nghe tiếng nổ “rắc rắc” phát ra từ dưới đáy biển là chị đoán biết trời sắp nổi gió mạnh. Hay đang tung tăng… bơi lội dưới mấy “động” san hô, hễ nghe tiếng kêu “cắc cắc”, là “chắc như bắp” vài hôm sau biển sẽ động. Biển càng gào thét cuồng điên thì lũ cá nhái “yếu bóng vía” càng lo sợ… xanh mặt, cuống cuồng chạy ào vào hòn ẩn nấp. Đó là thời cơ vàng để con rái cá Thắm lượn ghe chạy đi bủa lưới – hốt trọn ổ. Bán tươi không hết, cả nhà chị xúm vào xẻ cá làm khô – phơi la liệt trên bãi đá cạnh nhà. Giá không quá 70.000 đồng/kg – nghe mà thèm muốn… khô nước bọt luôn!
Đồng thời, một số anh em trong câu lạc bộ câu cá 4 số 9 ở TP.HCM, cũng “rành sáu câu” về tụi lìm kìm “chúa” háu ăn này. Anh Trần Văn Khiêm, ở quận Phú Nhuận, kể rằng, câu cá nhái không cần mồi thật. Mình lấy một chùm dây ni lông đủ màu (trắng, vàng, đỏ…) dài gần gang tay người lớn, xé hoặc dần thật nhuyễn, buộc lại thành một chùm rồi cột cạnh “dây” lưỡi câu không mồi, quăng xuống cách mặt biển cỡ một tấc, cho thuyền chạy chậm. “Hễ có là, tụi nó nhào tới tranh táp liền! Kéo cá mỏi tay luôn!” Theo kinh nghiệm của anh Khiêm, các ngư trường gần đảo: Hòn Tre (Nha Trang), Phú Quý (Bình Thuận) thường có bầy đoàn cá nhái lai vãng.
Dịu mát ngày hè: nấu ngót – Ảnh: Tấn Tri
Mặc dù vậy, so với dân săn cá nhái cơm gạo ở đảo Phú Quý, thì kiểu đánh bắt đó đã “xưa rồi Diễm”! Bởi một người thợ chĩa cá nhái thiện nghệ ở đây, có thể bắt được trên 3 tạ trong một đêm, vào mùa rộ từ tháng Giêng đến tháng Tám âm lịch. Có nhà, trở nên có của ăn của để nhờ nghề phóng chùm chĩa bằng inox có tới 13 răng, hằng đêm, trên chiếc thuyền “vỏ” hợp kim nhôm gắn máy đuôi tôm (máy Kole 15).
Nhưng đó không phải là những khứa cá nhái trắng tươi, ngọt đậm mà nhóm chúng tôi thường xuyên đụm chạm!
Tương ngộ!
Đường bay Phú Quốc – TP.HCM mỗi ngày, không chỉ chở du khách thăm thú đảo ngọc mà còn mang nhiều quà của biển về lại Sài Gòn mến yêu. Trong đó, có những con cá nhái được ướp đá lát – xê cẩn thận (không cho cá “ăn” lạnh trực tiếp mà chỉ vừa đủ lạnh mà thôi, bằng cách gói kín trong bao ni lông chuyên dụng), chạy nhanh về quán Hòn Thơm trên đường Hà Huy Giáp, quận 12, TP.HCM.
Anh bạn, vốn là giám đốc một công ty chuyên kinh doanh hàng mỹ nghệ từ da cá sấu có tiếng ở gần đó, đã không ngại xấu mặt, yêu cầu nhân viên quán cho 3 khứa cá nhái nướng muối ớt hôm đó vào hộp, để anh mang về lúc tàn tiệc. Nhìn cách anh ăn đầy mê say và thỏa mãn, người đi cùng cũng cảm thấy ngon lây.
Ngon chân phương! – Ảnh: Tấn Tri
Với lại, thay vì nướng hở trên bếp than, chổ này họ đem quay cá kín trong lu. Nhờ vậy, thịt da cá vừa ửng vàng và không bị khô – thơm lừng! Từng sớ cá chắc ngọt đến độ “ngậm mà nghe”! Người tinh tế, từng trải có thể nghe ra – tiếng gầm gào của biển cả trong những ngày “bực bội”; tiếng đập nước bì bõm đuổi bầy cá nhái lao vào lưới của bao thợ săn lành nghề…
Ngặt nỗi, năm nay nắng hạ vàng cay nghiệt quá!, có hôm nóng hơn 35 độ C. Nóng, khiến nhiều người phờ phạc, càng “chạy dài” chay nước trà ông “bác sĩ” nọ. Song, gặp nồi lẩu ngót cá xanh xương chẳng khác nào đang nắng hạn gặp mưa rào. Chính làn sóng mùi vị thơm hăng nồng của: rau cần, đầu hành … dồn dập – uốn lượn khiến cặp mũi dân biết ăn thêm thoáng đạt + dòng suối nước bọt lại ồ ạt đổ về mái nhà xưa – vòm vọng!
Vội gắp miếng cá trắng tươi, chắc nịch đang “tắm” dĩa nước mắm hòn – thoảng mùi vị mặn ngọt đặc trưng – rồi lăn qua trở lại vài ba bận mới đủ thấm gia vị, bởi thịt cá quá rắn chắc; rồi nhẩn nha tận hưởng bao cung bậc ngọt bùi. Húp thêm vài muỗng nước canh ngót chua thơm thoang thoảng – trán dần rịn mồ hôi – nghe sảng khoái vô cùng.
“Vừa miệng không mấy anh?”, anh Tiến chủ quán, đảo qua bàn thăm dò ý khách.
Những món ăn thấm đẫm mồ hôi và gói nhiều trăn trở, của những phận đời bao con rám nắng – dọc dãy đất hình chữ S. Và người bán – kẻ ăn cùng cởi mở, trải lòng! Hỏi sao không yêu hoài – trăm năm!
Tấn Tri
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.