Lần đầu “đánh chén” bánh canh Trảng Bàng
Ở Sài Gòn hơn 4 năm, đi ra đường hay thấy hàng quán treo bảng “đặc sản bánh canh Trảng Bàng”, vậy nhưng chưa một lần thưởng thức, cho đến một hôm…
Có lẽ chủ quán này biết cách nấu ngon, hương vị thanh tao mà đậm đà, ăn không thấy ớn dù cục sườn heo khá to, kèm thêm mấy miếng thịt giò rút xương nữa
Có lẽ do tính tôi từ nhỏ không khoái lắm món bánh canh nên bản đồ ẩm thực trong đầu tôi khi lớn lên thường “khuyết” món này. Không khoái lắm món ăn dân dã này nó cũng lý do. Thuở nhỏ ở quê, những lúc thiếu gạo nấu cơm, nhà tôi hay sử dụng bột sắn để làm bánh canh cho cả nhà ăn chống đói. Lúc trước cũng vì điều kiện khó khăn nên món bánh canh thuần túy là… bánh canh, chỉ có có bánh (sợi bột lọc cắt nhỏ) và canh (toàn nước). Tôm, thịt hoặc giò heo, sườn heo… dường như đều rất xa xỉ. Đơn giản thế chỉ vì không có tiền để mua tôm, mua thịt. Ăn bánh canh hồi ấy kiểu như ăn chay vậy, hoàn toàn không có thịt thà gì cả. Mà bánh canh làm từ bột lọc thì nhiều người biết rồi, nếu như nấu ra không ăn kịp, để một lúc thì nó đặc sánh lại thành cục. Muốn ăn thì phải xắn ra, nhai mỏi cả răng. Bánh canh ở quê của tôi luôn được nhớ đến như là món của cảnh khổ ngày xưa.
Lớn lên có dịp đi đây đi đó, tôi thấy nhiều nơi cũng xuất hiện món bánh canh. Ở Quảng Trị, người ta gọi món này là cháo bột. Lần đầu nghe, tôi chẳng hình dung ra “mắt cua tai nheo” gì cả. Lúc vào quán, ngồi trước tô cháo bột có bánh, có canh, có hành, có thịt cá lóc…, tôi mới ngộ ra nó là một cách gọi khác của món bánh canh mà thôi. Nó cũng như kiểu nơi này gọi là quả mướp đắng thì nơi khác gọi là khổ qua, cá lóc thì gọi là cá tàu vậy thôi.
Món bánh canh Trảng Bàng không chỉ có hành lá xắc nhỏ như bánh canh ở Huế hay Quảng Trị, mà còn có thêm xà lách, ra quế vị nữa
Ở Huế tôi thấy cũng có đặc sản bánh canh giò heo, bánh canh cá lóc ngon khỏi chê luôn. Là một thành phố du lịch nhưng giá cả ăn uống nơi này khá mềm. Những năm trước và sau 2000, giá một tô bánh canh cá lóc nằm trên đường Đống Đa chỉ từ 3.000 đồng đến 5.000 ngàn đồng. Nếu ăn dọc quốc lộ 1, đoạn qua thị xã Hương Thủy thì có khi chỉ 2.000 đồng. Ăn một tô cũng đã đủ no. Nay thì giá có nhỉnh hơn, khoảng 15.000 – 20.000 đồng mỗi tô, nhưng ăn mà thấy ngon thì mức giá này rất chi là mềm.
Ở Sài Gòn hơn 4 năm, đi ra đường hay thấy hàng quán treo bảng “đặc sản bánh canh Trảng Bàng”, vậy nhưng chưa một lần thưởng thức, cho đến một hôm tôi có dịp đi lên huyện Đức Hòa, tỉnh Long An. Tôi đi với ông anh từ Hà Nội vào, định bụng là mời ảnh ăn món bún giò heo nổi tiếng của Hóc Môn trên quốc lộ 22 (hướng lên Tây Ninh), nhưng ảnh nói phải ăn lại món bánh canh Trảng Bàng cho… đỡ nhớ (vì trước đó có lần ảnh đã thưởng thức rồi). Ngon dở thế nào tôi chả biết nhưng khách phương xa mà nói phải ăn cho đỡ nhớ, e là nó ngon thiệt. Vậy là lần đầu tiên tôi được “đánh chén” món này.
Quán nằm ngay cạnh cầu An Hạ, cũng nằm trên quốc lộ 22, nối bên này là huyện Hóc Môn và bên kia là huyện Củ Chi của TP.HCM. Quán thì trông không sang lắm, nhưng trông tô bánh canh vừa được chủ quán mang ra rất hấp dẫn, đặt trên bàn nóng hổi, phảng phất mùi thơm của hành – tiêu – ớt – tỏi và cả chanh nữa. Trông cái tô to quá, bụng nghĩ chắc không thể “đánh” hết được. Thật lạ là càng ăn thấy càng thấy thú vị. Thoáng một lúc lùa hết cả tô cả bánh lẫn canh.
Có lẽ do ở miền Nam thường xuyên nắng nóng nhiều, ăn tô phở, tô cháo, tô bánh canh… cũng nóng hôi hổi nên bỏ giá thêm vào cho có cảm giác mát mẻ cái lưỡi
Nguyên liệu bánh canh Trảng Bàng xem ra cũng chẳng có gì lạ lắm, vì thành phần chính cũng chỉ là bột gạo và thịt heo. Mà bột gạo và thịt heo thì ở đâu chả có, ở đâu cũng làm được bánh canh. Có lẽ chủ quán này biết cách nấu ngon, hương vị thanh tao mà đậm đà, ăn không thấy ớn dù cục sườn heo khá to, kèm thêm mấy miếng thịt giò rút xương nữa. Ăn rồi thầm nghĩ quán này mà nằm cạnh nhà, e là mình béo phì ngay vì ngày nào cũng “đánh chén” bánh canh Trảng Bàng.
Có vẻ người miền nam nói chung và Sài Gòn nói riêng hay khoái ăn giá. Phở cũng có giá. Cháo lòng cũng giá. Và bánh canh Trảng Bàng cũng có giá… Hỏi nhiều người thì chẳng ai lý giải được vì sao lại hay ăn giá như vậy, mà cứ nói chỉ là do thói quen. Tôi thấy có lẽ do ở miền Nam thường xuyên nắng nóng nhiều, ăn tô phở, tô cháo, tô bánh canh… cũng nóng hôi hổi nên bỏ giá thêm vào cho có cảm giác mát mẻ cái lưỡi chăng. Mà món bánh canh Trảng Bàng không chỉ có hành lá xắc nhỏ như bánh canh ở Huế hay Quảng Trị, mà còn có thêm xà lách, ra quế vị nữa.
Ớt ăn kèm
Nghe nói quế vị là rau cũng thuộc hàng đặc sản của Tây Ninh. Ăn vào tôi thấy rất thơm tho và có vị cay cay khá lạ. Có lẽ món ngon ấy là sự kết hợp thú vị giữa những đặc sản lại với nhau. Và nói chi thì nói, nếu có dịp tôi cũng sẽ “đánh chén” bánh canh Trảng Bàng đôi ba lần nữa!
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.