TopTit.Com

Kỹ sư gốc Ấn nghỉ việc bán bánh mì kẹp bánh bột lọc lạ đời Sài thành

2

Thoạt đầu, nghe cái tên bánh mì bột lọc, tôi cứ cảm thấy là lạ. Bánh mì là bánh mì, bánh bột lọc là bánh bột lọc, sao lại gộp chung vậy nghe “thiệt kì cục”. Để thỏa mãn sự tò mò, tôi ghé tiệm để thử món ăn kì lạ này.

Xe bánh mì bột lọc đầu tiên ở Sài Gòn

Chiếc xe bánh mì nhỏ xinh nằm trong hẻm 176/31 Trần Huy Liệu, quận Phú Nhuận. Thấy khách ghé vào, anh chủ quán niềm nở đón tiếp. Nếu không hỏi chuyện, chắc chắn bạn sẽ không nhận ra anh chàng vui tính này là con lai Ấn Độ. Anh có cái tên khá vui tai: El Mat Umo (32 tuổi) và ở đây, người ta gọi anh với biệt danh dễ thương hết nấc: “bột lọc trưởng”.

Gọi cho mình một ổ bánh mì bột lọc thập cẩm, tôi được nghe anh chủ quán kể bí quyết thu hút khách hàng: “Là xe bánh mì đặc sản Đà Nẵng đầu tiên tại Sài Gòn, do vậy mình phải làm sao cho thiệt là chất mới được. Chính mùi vị nguyên liệu mang “hơi thở” Đà Nẵng đã níu khách hàng quay trở lại với bánh mì bột lọc Breadfisrt”.

Không giống như bánh mì ở Sài Gòn, ổ bánh mì ở đây trông nhỏ nhắn, sẫm màu và lớp vỏ giòn hơn. Cái lạ lùng nữa là hai đầu ổ bánh mì lại nhọn chứ không tròn như bánh mì chúng ta thường thấy, nên ở đây hay gọi với cái tên đặc biệt: bánh mì “cùi chỏ”.

Vừa ăn miếng đầu tiên, tôi đã cảm nhận được tương ớt của quán “chuẩn vị” miền Trung. Không quá cay như tương ớt ở Sài Gòn, tương ớt miền Trung khi vừa chạm đầu lưỡi sẽ thấy cay nhè nhẹ, sau đó là một chút vị ngòn ngọt. Bánh mì bột lọc ăn ít bị ngán bởi không có quá nhiều dầu mỡ hay thịt trong phần nguyên liệu.

Kỹ sư gốc Ấn nghỉ việc bán bánh mì kẹp bánh bột lọc lạ đời Sài thành

Bánh bột lọc được nặn thành những tai nhỏ, bên trong nhìn thấy được cả con tôm vàng giòn – Ảnh NVCC

Nước mắm chan vào bánh mì cũng độc đáo không kém, đó là hòa quyện giữa ớt, tỏi, đường và đặc biệt là chanh giấy. “Bột lọc trưởng” vui vẻ cho biết, chỉ có chanh giấy mới làm cho ổ bánh mì thơm và vị chua đặc trưng hơn.

Bánh bột lọc kẹp trong bánh mì được làm tại quán. Chủ quán cho biết, để có miếng bột lọc ngon thì con tôm sau khi sơ chế, bỏ đầu và giữ nguyên vỏ mới mang lên rim cho vàng giòn, nêm nếm gia vị vừa ăn. Bột làm bánh được nhào nặn kĩ, bỏ tôm vào gói lại rồi mang đi luộc thật trong thì mới đạt tiêu chuẩn. Bánh bột lọc dẻo thơm bên ngoài nhưng bên trong lại thơm ngọt vị tôm tươi.

Kỹ sư gốc Ấn nghỉ việc bán bánh mì kẹp bánh bột lọc lạ đời Sài thành

Nước chan bên trong ổ mì cũng làm nên sự độc đáo của riêng quán

Với bánh mì Sài Gòn, thực khách khi ăn sẽ cảm nhận được vị của cà rốt hay củ cải muối chua. Nhưng với bánh mì bột lọc thì vị chua giòn đó đến từ xoài. Chủ quán sử dụng xoài bào mỏng thay vì các nguyên liệu truyền thống trên. “Mình dùng xoài nó sẽ giòn mà thơm hơn, kết hợp với cái dai dai, sần sật của bánh bột lọc, nước mắm mặn nữa thì ăn vào là bá cháy”, anh Umo vừa chia sẻ vừa làm bánh mì cho khách.

Ngoài ra, quán còn có thêm bánh mì chả bò – cũng là một trong những món đặc sản của Đà Nẵng. Chả bò kẹp bánh mì thì đậm vị, beo béo phần mỡ bò và lâu lâu lại tìm thấy hương thơm của tiêu hạt. Nếu để ở ngoài khoảng nửa tiếng, chả sẽ chuyển sang màu đậm hơn lúc ban đầu. Umo bật mí, đây chính là dấu hiệu để nhận ra chả bò có được làm từ chính gốc thịt bò hay không.

Kỹ sư gốc Ấn nghỉ việc bán bánh mì kẹp bánh bột lọc lạ đời Sài thành

Chả bò kẹp bánh mì thì đậm vị, beo béo phần mỡ bò và lâu lâu lại tìm thấy hương thơm của tiêu hạt

Kỹ sư gốc Ấn nghỉ việc bán bánh mì kẹp bánh bột lọc lạ đời Sài thành

Tương ớt, chả bò đều được chuyển vào từ Đà Nẵng – Ảnh: NVCC

Đậm đà hương vị quê hương

Hằng ngày, xe bánh mì bột lọc của anh Umo bán từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều, tùy vào lượng khách mua bánh mì nhiều hay ít. Khách đến không quá tấp nập hay đông đúc mà rải rác, bởi có người mua ăn sáng, ăn trưa nhưng cũng có người ăn vui bởi nó lạ miệng. Umo cho hay: “Bánh mì bột lọc phục vụ đến 80% khách là người miền Trung bởi món ăn này gợi lại cho họ hương vị của miền quê đầy nắng và gió của mình”.

Bánh mì ở đây có ba loại chính: là bánh mì chả bò, bánh mì bột lọc và cuối cùng là bánh mì thập cẩm bao gồm cả hai loại trên, với mức giá từ 15.000 – 25.000 đồng/ổ. Để giữ nguyên vị và không thể nhầm lẫn vào đâu được, tất cả các nguyên liệu chủ quán đều chuyển từ Đà Nẵng vào chứ không mua ở TP.HCM.

Kỹ sư gốc Ấn nghỉ việc bán bánh mì kẹp bánh bột lọc lạ đời Sài thành

Tôm rim chuẩn bị được mang đi nặn thành những chiếc bánh bột lọc nhỏ Ảnh NVCC

Kỹ sư gốc Ấn nghỉ việc bán bánh mì kẹp bánh bột lọc lạ đời Sài thành

Menu của quán được viết bằng tay rất dễ thương

Kỹ sư gốc Ấn nghỉ việc bán bánh mì kẹp bánh bột lọc lạ đời Sài thành

Một số khách hàng vui vẻ lưu lại hình ảnh ổ bánh mì bột lọc miền Trung này

Mỗi ổ bánh mì bột lọc sẽ có từ 6 đến 8 miếng bột lọc, phụ thuộc vào độ lớn của con tôm. Bánh bột lọc hòa quyện với chả bò, tương ớt, xoài bào sợi, rau húng lủi và dưa leo làm cái “chất” của miền Trung trở nên đậm đà.

Anh Hải (Q. Phú Nhuận) là khách quen của quán cho hay: “Từ ngày quán mới mở, tôi hay ghé đây mua bánh mì bột lọc. Với người dân Sài Gòn, họ ăn vì thấy lạ bởi ai đời lại kẹp bột lọc vào bánh mì bao giờ. Nhưng đối với tôi, bánh mì bột lọc như một phần của kí ức về quê hương Đà Nẵng. Bánh mì ở đây hoàn toàn không khác gì so với lúc nhỏ đã từng thưởng thức”.

Mỗi ngày, niềm vui của Umo là mang đến cho những ai xa xứ món quà của Đà Nẵng thân thương và xua bớt đi nỗi nhớ miền Trung đang len lỏi ở mỗi con người nơi đất khách.

Theo Thanh niên online

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.