Không thể bỏ qua top 7 món ngon được cộng đồng mạng hết lời khen ngợi tuần qua!
Điểm danh các món ngon được chị em yêu thích trong tuần vừa qua nhé!
Tự làm sữa chua nếp cẩm tại nhà đơn giản mà ngon mê ly – 1600 lượt yêu thích, 510 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Bich KimChi
Group: Phố bánh & Dụng cụ làm bánh
Đây là công thức sữa chua nếp cẩm siêu bất bại từ sữa chua đến nếp cẩm. Nếp cẩm nấu xong vẫn còn nguyên hạt, nhai lép bép rất vui miệng, nếp sánh thơm, để tủ mát cả tuần vẫn ngon mà không bị lại gạo. Sữa chua thì thơm ngon sánh mịn, làm nhàn tênh, không cần ủ cầu kì. Hãy cùng vào bếp làm ngay sữa chua nếp cẩm ăn ngon, mát lịm mà không ngán nhé!
Chị em mê sữa chua nếp cẩm hãy cùng làm ngay theo công thức bất bại sau:
Cách nấu nếp cẩm không sợ lại gạo:
400g gạo nếp cẩm vo sạch, ngâm nước ấm tỉ lệ 1 nóng 1 lạnh trong 5 giờ.
Cho gạo vào nồi cơm điện với 700g nước (lưu ý nồi chống dính nhé), bật nút nấu cơm lần 1, đến khi nút ủ bật lên mở ra đảo đều, thêm 500g nước lạnh vào bật nút nấu lần 2.
Khi nút nấu chuyển sang nút giữ ấm, mở ra đảo đều. Đậy nắp nồi lại, để nguyên nút ủ trong 4 tiếng.
Tiếp tục cho thêm 500g nước lạnh vào bật nút nấu lần 3 đến khi nút ủ bật lên lại mở vung đảo đều, thêm 200g đường vào đảo đều.
Nếu nấu cơm bằng nồi cơm điện điện tử, bạn cũng làm tương tự như trên, lần 1 để 50 phút, lần 2 để 30 phút, ủ 4 tiếng, lần 3 để 30 phút rồi thêm đường.
Cuối cùng bạn chỉ cần để nếp cẩm nguội, chia hộp cất ngăn mát là xong.
Cách làm sữa chua:
1200ml sữa nguyên kem
1 lon sữa ông thọ
2 hộp sữa chua cái loại không đường, để nhiệt độ phòng 2 – 3 giờ
Cho sữa tươi, sữa đặc vào nồi khuấy cho tan sữa đặc. Đặt nồi lên bếp đun lửa vừa, sữa hơi ấm (chưa bốc hơi lên) nếu sờ thấy sữa ấm vừa phải thì nhấc ra cho sữa chua cái vào khuấy đều. Sau đó đổ sữa ra âu to, hũ thủy tinh hay hộp nhựa khô sạch, đậy nắp kín.
Cách ủ sữa chua bằng lò nướng:
Bật lò 50 độ, xếp sữa chua vào khay, thêm ít nước ấm vào khay, bật lò liên tục 50 độ trong 2 giờ. Sau đó tắt lò cứ để nguyên sữa không được động vào, để đó ủ 10 – 15 tiếng tùy thời tiết.
Bánh kem tráng gương – không đơn giản là một chiếc bánh mà là một tác phẩm nghệ thuật – 1000 lượt yêu thích, 3 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Van Luu
Group: Phố bánh & Dụng cụ làm bánh
Bánh kem tráng gương có bề mặt sáng bóng như một chiếc gương, có thể phản chiếu được các vật xung quanh. Tô điểm trên mặt bánh thường là những đường vân nghệ thuật ngẫu hứng, càng khiến cho những người yêu bánh, yêu cái đẹp không thể rời mắt khỏi những mẫu bánh này.
Điều thú vị là lớp vân trên mặt bánh không theo quy luật nào, người làm có thể thỏa sức sáng tạo. Một điểm đặc biệt nữa là dòng bánh này không thể dùng dao chà láng quét lên mặt như các dòng bánh trang trí khác. Thay vào đó, người làm có thể cầm đế bánh, nghiêng nhẹ qua lại sao cho ganache gương tự phủ lấy bánh.
Siêu phẩm bánh kem tráng gương gây sốt cộng đồng mạng.
Bánh khoái – món ngon dân dã đặc trưng của xứ Huế – 710 lượt yêu thích
Facebook tác giả: Vinh Thile Møller
Group: Bếp Việt xa xứ
Bánh khoái là một món ăn quen thuộc của người dân xứ Huế. Với hương vị tổng hợp chua, cay, ngọt, mặn, chát lại thêm nồng nàn mùi tỏi, cay xè vị ớt chắc hẳn bạn sẽ hiểu được vì sao nó lại có cái tên thú vị ấy.
Sự khác biệt lớn nhất giữa bánh khoái Huế với món bánh xèo chính là chén nước chấm hay còn gọi là nước lèo đặc sánh màu nâu nhạt. Nước lèo ngon có vị bùi bùi của gan heo và vị béo của đậu phộng giã nhuyễn.
Công thức nước lèo đặc biệt được tác giả chia sẻ như sau:
Gan heo lọc hết gân, xay mịn.
Đổ dầu ăn vào chảo, cho hành khô vào phi thơm. Đổ gan đã xay mịn vào chảo hành phi, thêm lạc rang, chút nước và nêm nếm gia vị cho vừa ăn.
Đổ tất cả hỗn hợp trên vào máy xay xay mịn, sau đó đổ ra nồi thêm chút ớt và màu điều cho đẹp mắt, đun thêm một lúc cho gia vị ngấm đậm đà thì tắt bếp.
Được thưởng thức chiếc bánh khoái mới đổ còn nóng hổi, vàng ruộm, giòn tan thì còn gì “khoái” hơn!
Đổi món cho cả nhà với món chả tôm thơm mềm hấp dẫn – 973 lượt yêu thích
Facebook tác giả: Su Kem
Group: Chuyện của bếp
Với cách làm chả tôm đơn giản thế này, các bạn hoàn toàn có thể làm cho gia đình mình thưởng thức vào dịp cuối tuần. Thay vì tôm chiên, tôm hấp hay tôm rang thì chả tôm sẽ là một món ăn mới làm mọi người thích thú hơn đấy.
Cách làm chả tôm rất đơn giản như sau:
500gr tôm tươi sau khi đã bóc vỏ (khoảng 1,5kg tôm sống), lau thật khô nước, cắt nhỏ ướp gia vị: 1/2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng cà phê tiêu xay, 2 muỗng cà phê đường, 3 củ hành tím băm nhỏ. Trộn đều sau đó dàn ra đĩa một lớp mỏng, bọc lại bỏ tủ đông đá khoảng 3 giờ cho tôm đông dẻo. Đập lấy 1 lòng trắng trứng gà bỏ vào tủ đông đá cùng thời gian với tôm.
Sau 3 giờ, lấy tôm ra bẻ từng miếng cho vào máy xay (mình dùng máy Philip 7627 650w), thêm lòng trắng trứng đông đá, 1 muỗng canh bột năng hoặc bột bắp xay cho hỗn hợp dẻo mịn, quá trình xay phải luôn đảm bảo tôm thật lạnh.
Bắc nồi hấp lên bếp, đổ nước vào đun sôi. Trong lúc chờ nước sôi, bạn lấy hỗn hợp tôm xay ra đập xuống mặt bàn hoặc mặt đĩa khoảng 15 – 20 lần cho tôm dẻo hơn. Sau đó, cho tôm vào khuôn đem hấp khoảng 15 – 25 phút là chín.
Cuối cùng lấy ra cho vào lò nướng thêm 7 phút là có miếng chả tôm với lớp da vàng đẹp vậy đó.
Mình làm cho con nhỏ ăn nên chỉ làm tôm thôi, nếu muốn chả chắc hơn thì cho thêm vào tôm 100gr giò sống xay cùng nhé, giò sống để đông dẻo luôn.
Mách bạn mẹo nhỏ để luôn thành công:
Thịt luôn luôn phải thật lạnh, nếu trong quá trình xay mà thịt hết lạnh thì cho lại vào tủ đông cho lạnh rồi mới xay tiếp.
Đập chả càng càng nhiều thì chả lại càng dai.
Chả tôm thơm ngọt, dai ngon “rất đã”!
Đậm đà hao bia với món lòng già nhồi hành rim nước dừa – 600 lượt yêu thích, 1 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Nguyễn Tâm
Group: Chia sẻ nấu ăn và trồng rau
Lòng già nhồi hành rim nước dừa là món ăn đơn giản, rẻ tiền lại dễ chế biến, lâu lâu ngán ngấy thịt cá bạn có thể đổi sang món này để thực đơn gia đình thêm phong phú nhé. Đây cũng là một gợi ý hay để bạn thêm vào thực đơn món nhậu cho anh xã lai rai cùng ly bia lạnh đấy!
Công thức làm món lòng già nhồi hành rim nước dừa dân dã như sau:
– 500g lòng già hoặc khấu đuôi càng ngon. Mua về làm sạch lòng bằng nước mắm. Bóp lòng với nước mắm lần thứ nhất 5 phút. Sau đó rửa sạch lộn ngược bên trong ra, cho nước mắm vào bóp tiếp lần 2 khoảng 5 – 7 phút. Tiếp tục rửa sạch và lộn trở về như cũ. Rửa sạch bằng nước lọc rồi để ráo. Lưu ý: dùng nước mắm để làm sạch lòng thì lòng sẽ thơm ngon không còn mùi đặc trưng đâu nhé!
– Nhúng lòng vừa làm sạch vào nước đang sôi 2 phút, vớt ra thái miếng dài khoảng 15 – 20cm.
– Hành lá cắt lấy phần củ, rửa sạch để ráo.
– Mỗi miếng lòng nhồi 2 – 3 củ hành cho đến hết (có thể thay hành bằng hẹ hoặc gì tuỳ sở thích).
– Nghệ 1 củ to rửa sạch gọt bỏ vỏ và giã nhuyễn. Cho nghệ giã nhuyễn vào ướp lòng nhồi cùng 1/2 thìa mì chính, 1/2 thìa hạt nêm, ướp 30 – 45 phút.
– Đặt chảo lên bếp với chút dầu ăn, cho lòng vào chiên sơ 2 mặt cho se cứng lại thì cho 1/2 lượng nước của quả dừa tươi vào rim. Đồng thời cho thêm 1 thìa nước tương vào om 10 – 15 phút là được.
– Cuối cùng, thái lòng thành từng miếng vừa ăn. Nếu bạn muốn ăn đậm đà hơn thì chấm với nước mắm tỏi ớt nhé!
Lòng già nhồi hành rim nước dừa – món ngon dân dã mà hao bia cực kỳ!
Bánh Namagashi – món bánh cầu kỳ của ẩm thực Nhật Bản – 573 lượt yêu thích, 135 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Nhung Bùi
Group: Món ngon nhà làm (Savoury Days Family)
Tuần này, tác giả Nhung Bùi chia sẻ công thức bánh Namagashi (Nerikiri) cách làm truyền thống của Nhật, cách làm mà chị được học từ năm 2013 từ một người thầy tên Hasu. Thực sự đây là món bánh rất rất kỳ công từ khâu chuẩn bị nguyên liệu, sên bột đến khâu tạo hình. Ngày xưa bánh Namagashi chỉ được người Nhật làm trong các lễ hội trà đạo, Tết Nguyên đán để cúng thần linh cũng bởi sự tỉ mỉ của nó.
Công thức bánh Namagashi chuẩn Nhật như sau:
Nguyên liệu:
Vỏ bánh:
– Đậu trắng tươi: 400g
– Đường: 400g
– Bột nếp shiratamako hoặc mochiko: 10gr (Giá khá đắt, khoảng 500 – 700.000 đồng/kg)
– Nước: 10ml
Nhân bánh:
– Tinh đậu đỏ: 400g
– Đường: 300g
Bánh truyền thống của Nhật sẽ sử dụng nhân đậu đỏ, nếu bạn nào đã từng đi Nhật thì hẳn sẽ thấy đậu đỏ khắp nơi. Trong siêu thị Nhật hoặc Aeon Mall có bán sẵn đậu đỏ tán nhuyễn, nhưng rất ngọt nên mọi người chịu khó tự làm nhé!
Cách làm:
Cho bột nếp shiratamako/mochiko và nước khuấy đều cho bột tan, bắc lên bếp sên cho chín bột (bước này sẽ làm cho bột thơm hơn rất nhiều).
Cho bột đậu trắng và đường vào hỗn hợp bột nếp vừa sên trộn đều. Bắc lên bếp sên trong chảo chống dính ở lửa vừa.
Sên đều tay cho đến khi hỗn hợp không dính cây cán hoặc sờ không dính tay, để bột thật nguội.
Chia bột thành nhiều phần trộn màu theo ý thích. Có thể sử dụng màu icing color của Wilton, hoặc Americolor hay màu nước của Nhật.
Nhân đậu: cái này các bạn làm tương tự với nhân đậu xanh, đậu trắng nhé!
– Đậu xanh (đỏ) ngâm nước mềm, hầm chín, tán nhuyễn, sên chung với đường, chia thành các viên nhỏ. Đường các bạn cho tuỳ khẩu vị nhé!
Cuối cùng chỉ cần tạo hình cho bánh là xong.
Namagashi thực chất là một loại mochi đặc biệt, bởi nó mô phỏng hình dáng các loài hoa cỏ đặc trưng cho 4 mùa ở nước Nhật.
Chẳng cần ra nhà hàng, bạn có thể tự làm sườn nướng siêu ngon ngay tại nhà – 1400 lượt yêu thích, 410 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Kim Anh Do
Group: Khỏi vắt óc nghĩ món ăn mỗi ngày
Hãy tham khảo công thức làm sườn nướng tuyệt đỉnh này nhé! Miếng sườn vàng ươm, thơm phức với phần thịt chắc ngon mà đậm đà quyến rũ chắc chắn ai cũng sẽ phải thích mê!
Công thức sườn nướng “nghìn like” được tác giả chia sẻ như sau:
Nguyên liệu:
– 1kg sườn non (chọn sườn nhiều thịt)
– 3 thìa phở dầu hào
– 3 thìa phở tương ớt
– 4 thìa phở ketchup (bạn có thể dùng tương cà thay thế)
– 1 quả cam vắt lấy nước
– 1 thìa phở đường nâu
– 5 củ hành tím to băm nhỏ (hoặc 1 củ hành tây băm nhỏ)
– 3 củ tỏi ta băm nhỏ
– 2 thìa phở dấm táo
– 2 thìa phở rượu vang
– 2 thìa phở sốt ướp bít tết của Hàn Quốc
– 1 thìa phở ớt bột Hàn Quốc (hoặc 1 quả ớt tươi băm nhỏ. Cái này mọi người có thể tùy theo khẩu vị nếu làm cho trẻ con thì không cho cũng được)
– 2 thìa phở mật ong
– 1 thìa phở hạt tiêu giã
Cách làm:
⁃ Cho tất cả nguyên liệu sốt vào nồi nhỏ đun đến khi sốt sệt quánh là được, nhớ khuấy đều tay nhé không sẽ bị bén nồi.
⁃ Sườn non rửa sạch bóc phần màng mỏng phía dưới để sườn ngấm sốt hơn. Sườn các bạn có thể để nguyên tảng hoặc cắt thành từng dẻ vì kiểu gì khi ăn mình cũng phải cắt. Thấm sườn cho thật khô rồi cho sốt vào ướp, dùng bao tay “xoa bóp”cho sườn ngấm sốt. Bọc màng bọc cho vào tủ lạnh để qua đêm (hoặc ướp từ sáng đến tối nướng cũng được).
⁃ Phần sốt còn thừa bạn có thể bảo quản trong tủ lạnh để lần sau dùng nhé!
⁃ Cho sườn vào khay nướng bọc giấy bạc thật kín (mình dùng chảo gang chuyên nướng, nó có rãnh ở đáy chảo giúp mỡ không bị bám vào sườn). Nướng sườn ở nhiệt độ 200 độ C trong khoảng 25 phút. Bạn lưu ý nhớ làm nóng lò trước khi nướng nhé! Cuối cùng bạn bỏ giấy bạc quết thêm 1 lớp sốt nữa rồi nướng tiếp 20 phút là xong (10 phút còn lại giảm nhiệt xuống 180 độ C nhé).
Cận cảnh món sườn nướng thơm ngon tuyệt đỉnh “khuấy đảo” cộng đồng mạng tuần qua.
Theo: Afamily.vn
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.