Học mẹ đảm làm đậu phụ ngon sạch cực dễ, miếng nào cũng mềm mịn tan ngay trong miệng không hề khô bã
Tự làm đậu phụ vừa ngon vừa sạch lại không khó.
Đậu phụ (đậu hũ) là món ăn được nhiều người cũng yêu thích vì có thể chế biến được thành nhiều món hấp dẫn. Nếu bạn lo lắng mua đậu ở ngoài hàng không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm thì ngay tại nhà bạn cũng có thể tự làm được đậu phụ.
Dưới đây là cách làm đậu phụ ngon, mềm mịn và sạch của chị Thanh Loan các bạn có thể tham khảo nhé. Đảm bảo làm “một phát ăn ngay”.
Chị Thanh Loan.
Chuẩn bị:
– 500gr đậu nành vỏ xanh.
– 7750 ml nước (trong đó 7 lít để xay đậu, 750ml để hoà nước giấm).
– 3.5 muỗng canh giấm gạo (khoảng chừng 25-30ml).
– 1/2 muỗng cafe muối.
Cách làm:
Bước 1: Ngâm đậu nành
– Đậu nành rửa sạch, đem ngâm với nước ấm vài tiếng cho nở to rồi vớt ra rửa sạch.
Bước 2: Xay đậu nành
– Xay đậu nành với 7000ml (7 lít) nước, sau đó vắt bỏ xác, thu lấy phần sữa đậu. Lưu ý, nên chia ra nhiều lần xay để vắt hết phần sữa trong đậu, vắt đến khi thấy phần nước đậu trong là được).
Bước 3: Hoà nước, giấm, muối
– Hoà tan hỗn hợp 750ml nước còn lại với 3.5 muỗng canh giấm, 1/2 thìa cafe muối trong chén.
Bước 4: Nấu sữa đậu
– Bắc lên bếp phần sữa đậu đã lọc, đun lửa lớn cho đến khi sôi thì hạ lửa trung bình cho sữa sôi liu riu 3 phút cho chín.
– Lưu ý thường xuyên khuấy sữa đậu trong lúc nấu để không bị cháy đáy nồi.
– Sau 3 phút từ lúc sữa đậu sôi thì cho hỗn hợp giấm muối đã hoà tan ở bước 3 vào, khuấy khoảng 30 giây. Hạ lửa trung bình thấp để yên cho sữa tạo kết tủa, khoảng chừng 2 phút tắt bếp, đậy nắp vung lại ủ sữa.
– Sau 5 phút thì sữa đã tạo hết kết tủa, khi thấy nước sữa trở nên trong là đã tạo hết kết tủa. (Nếu chưa hết kết tủa có thể hoà thêm nước giấm như ở trên đun nóng sữa và cho hỗn hợp giấm vào).
Bước 5: Ép đậu
Vớt kết tủa ra cho vào khuôn. Nếu không có khuôn thì lấy bất kì vật dụng nào như rổ hay khuôn hình vuông mà dưới đáy có thoát nước được. Trải vào đó 1 mảnh vải sạch, cho kết tủa sữa vào, sau đó đậy phần vải trên cùng lại, cho thêm vật nặng đè lên để nước chảy ra từ từ.
Sau khoảng 1 tiếng là có thể mở ra lấy đậu.
Bước 6: Luộc lại đậu
Luộc lại đậu để bảo quản được lâu hơn, cho vào ngăn mát tủ lạnh.
Thành phẩm đậu sẽ mềm mịn, không khô cứng, thơm bùi và ngậy béo. Có thể luộc ăn trực tiếp hay chế biến thành các món khác như rán, sốt cà chua… đều rất ngon.
Một số lưu ý trong quá trình làm đậu:
– Cho hỗn hợp giấm quá chua sẽ tạo kết tủa nhanh, cứng, vì vậy thành phẩm đậu sau chế biến ăn sẽ khô, không ngon.
– Sau khi cho hỗn hợp giấm vào sữa đậu nên hạ lửa để kết tủa tạo từ từ, kết tủa sẽ mềm.
– Có thể dùng chanh thay giấm để tạo kết tủa.
– Đậu nành xanh giàu đạm và thơm béo bùi hơn, tuy vậy nếu không có đậu nành xanh có thể làm bằng đậu nành vàng và sử dụng khoảng 6 lít nước để xay sữa đậu là đủ. Công thức hỗn hợp giấm vẫn giữ nguyên.
Chúc các bạn thành công!
Theo: Eva