Gợi ý 10 món ăn sáng làm tại nhà mùa dịch vừa ngon lại tiết kiệm cho gia đình
Tự nấu ăn sáng tại nhà không những thơm ngon, đảm bảo vệ sinh lại vừa tiết kiệm được nhiều tiền.
XÔI SẮN
Nguyên liệu
– 1 củ sắn (khoảng 500 gr)
– Gạo nếp
– Thịt mỡ
– Hành lá; Hành khô
– Lạp xưởng (ăn kèm nếu thích)
Cách làm:
Sắn bóc vỏ, rửa sạch, cắt dọc để bỏ phần sơ, rồi cắt thành những miếng nhỏ bằng đốt ngón tay cái để khi nấu sắn nhanh mềm.
Ngâm sắn trong nước vo gạo có thả chút muối từ 4-6 tiếng để loại bỏ bớt nhựa độc của sắn. Ngâm gạo nếp với nước sạch từ 4-6 tiếng đề gạo đồ được ngon.
Thịt mỡ bỏ bì thái nhỏ. Lạp xưởng thái nhỏ bằng đốt ngón tay. Hành khô bóc vỏ thái lát. Hành xanh thái nhỏ để sẵn.
Sau thời gian ngâm gạo nếp và sắn. Bạn xả lại bằng nước sạch để ráo. Sau đó trộn gạo nếp với sắn thêm một thìa con muối vào xóc đều.
Cho thịt mỡ vào chảo, rán cho đến khi thành tóp mỡ thì vớt phần tóp ra, phần mỡ chảy dùng để phi hành khô. Đảo chín lạp xưởng trên chảo mỡ rồi để riêng. Phần mỡ còn lại đang sôi bạn cho hành lá thái nhỏ và 1 thìa nước mắm ngon, rồi trút phần tóp mỡ đảo nhanh và tắt bếp luôn.
Xôi sắn được nấu chín khi gạo và sắn chín mềm. Trong quá trình đồ xôi nếu muốn ngon hơn bạn chuẩn bị thêm 1 thìa canh nước cốt dừa rưới lên bề mặt xôi và trộn đều để xôi thêm vị cốt dừa thơm ngon.
BÚN ỐC
Nguyên liệu:
– Ốc đá 1kg
– Bún
– Nước dùng (nước hầm xương)
– Dấm bỗng; ớt chưng; mắm tôm
– Xà lách, rau chuối, tía tô, hành lá, cà chua.
Cách làm:
Ốc ngâm nước gạo qua đêm, rửa sạch cho vào nồi luộc. Nước luộc ốc sẽ dùng để nấu nước dùng chan bún luôn. Luộc xong thì vớt ốc ra, nước luộc để cho lắng rồi chắt lấy nước trong.
Trong lúc chờ ốc luộc chín thì sơ chế các nguyên liệu còn lại: Cà chua bổ múi cau. Thái hành, đầu trắng dùng để phi, còn cọng lá thì thái nhỏ.
Phi thơm hành và cho ớt vào chưng. Chưng ớt xong, chờ ốc nguội thì khêu ốc.
Sau khi khều ốc thì chưng hành rồi xào ốc lên, trong lúc xào thì nêm vừa miệng. Xào ốc chín tới thì con ốc sẽ bóng, giòn, và không bị khô.
Xào cà chua vừa chín tới để lên màu cho phần nước dùng. Cho nước xương, nước luộc ốc vào đun sôi, nêm thêm bột canh vừa miệng, cho cà chua vào đun sôi và cho thêm dấm bỗng vào cuối cùng là xong.
Chần bún, cho ốc xào và hành lá vào, rồi chan nước dùng nóng và thưởng thức. Rau sống, thái sợi nhỏ ăn sẽ ngon hơn.
BÁNH CUỐN
Nguyên liệu:
– 150gr bột gạo; 100 gr bột năng; 850 ml nước; 3 muỗng canh dầu ăn; 1 muỗng cafe muối; 300g thịt bă; 3 miếng mộc nhĩ lớn; 1 quả chanh; 1 nhánh tỏi; 1 quả ớt
– Nước lọc
– Hạt tiêu, muối, hạt nêm, mắm
Cách làm:
Ướp thịt với hành khô, 3 thìa hạt nêm, 1 thìa nước mắm cho vừa. Mộc nhĩ ngâm với nước ấm trong khoảng 5-10 phút cho nở, sau đó rửa sạch, bỏ cuống rồi băm nhỏ.
Sau đó phi hành cho đến khi có mùi thơm rồi cho thịt và mộc nhĩ vào xào cùng. Nêm lại gia vị một lần nữa để thịt được săn và đậm đà. Rồi tắt bếp và để thịt ra ngoài cho nguội. Pha bột làm bánh cuốn theo công thức được ghi trên bao bì của bột bánh cuốn. Tuy nhiên, bạn có thể tự điều chỉnh lượng nước cho phù hợp.
Dùng một cái chảo không dính để tráng bánh. Bạn có thể dùng giấy ăn để thấm một chút dầu, sau đó tráng quanh chảo để lúc tráng được dễ hơn.
Để một thìa canh bột vào chảo rồi lắc đều quanh chảo, sau đó đậy vung trong 15 giây để bột chín. Các bạn tráng bột càng mỏng thì bánh càng ngon. Cho nhân vào giữa bánh rồi cuốn lại.
Pha nước chấm bạn pha theo công thức: 1 thìa giấm gạo, 1 thìa nước mắm, 1 thìa đường, 6-7 thìa nước.
BÚN BÒ GIÒ HEO
Nguyên liệu:
– 500g xương bò
– 1 cái móng heo ngon
– 500g thịt bò (chọn phần có gân như nạm bò)
– 200g giò sống
– 300g tiết bò luộc
– 1-2 củ hành tây, hành lá, hoa chuối (nếu thích),
– Rau cải, giá đỗ mỗi thứ vừa đủ để chần ăn kèm bún
– Gia vị: tỏi, hành khô, hạt tiêu, nước mắm, 1 thìa sa tế, 1 thìa ớt bột, 2 thìa mắm ruốc
– Bún
Cách làm:
– Xương bò rửa sạch, chặt khúc.
– Móng heo chặt khoanh tròn rửa sạch, chần qua nước sôi rồi rửa lại lần nữa cho sạch.
– Thịt bò chọn phần có gân như nạm bò, để miếng rồi rửa sạch
– Cho thịt bò, xương bò, giò heo vào nồi, đổ ngập nước rồi ninh lấy nước.
– Thỉnh thoảng vớt bọt để nước được trong.
– Giò sống trộn với bột canh, hạt tiêu rồi cho ngăn đá khoảng 1-2 tiếng.
– Tiết bò ngoài hàng đã luộc, mua về rửa qua cho sạch rồi chần lại nước sôi sau đó thái miếng vừa ăn.
– Hành thái khúc, rau cải non, giá đỗ, hành tây thái vòng chần qua, nếu thích có thể thêm hoa chuối thái nhỏ.
– Giò heo mềm vớt ra. Phi tỏi và hành khô rồi xào giò heo với chút nước mắm, hạt tiêu cho ngấm và đậm đà. Thịt bò mềm ta vớt ra để nguội chút rồi thái mỏng.
– Nước dùng chắt bỏ xương, cho vào đó 5 củ sả chẻ mỏng, 1 củ hành khô nướng qua giã dập, 1 mẩu gừng giã dập nướng qua.
– Phi tỏi rồi cho 1 thìa sa tế, 1 thìa nhỏ ớt bột vào xào cho lên màu sau đó cho vào nồi nước.
– Giò sống mang ra, bôi chút dầu vào tay rồi viên thành những viên tròn.
– Thả mọc vào nồi nước, mọc chín nổi lên 1 lúc là vớt ra.
– Mắm ruốc 2 thìa ăn cháo hoà tan với nước, để lắng độ 1 tiếng rồi chắt lấy nước trong cho vào nồi khuấy đều. Nêm nước mắm, bột canh sao cho vừa miệng.
Thưởng thức
– Bún chần nóng, cho vào bát, xếp thịt bò, giò heo, mọc, tiết, hành vào rồi chan nước.
– Bún ăn kèm với hành tây, giá, rau cải, hoa chuối, rau thơm nếu thích. Có thể ăn cùng giò tai là tuỳ ý mọi người nhé.
MÌ VỊT TIỀM
Nguyên liệu:
– 500g thịt vịt (đùi hoặc ức)
– 300g xương heo; 80g nấm đông cô; 30g thảo mộc (hoa hồi, quế, đinh hương, cam thảo); 300g cải thìa
– Gia vị: 80ml nước tương; 40g bột nêm; 80g đường; 5g tiêu
– Gừng; rượu trắng; dầu ăn
– Mì trứng
Cách làm:
Rửa sạch nấm đông cô và cải thìa. Cắt bỏ gốc nấm và chọn lấy phần gốc cải thìa.
Dùng rượu trắng và gừng để khử mùi của thịt vịt. Ướp vịt với 60ml nước tương, 20g bột nêm, 60g đường, 5g tiêu khoảng 15 phút.
Đặt một chiếc chảo lên bếp, cho một ít dầu vào, mở lửa lớn. Khi dầu nóng, nhẹ nhàng thả vịt vào chiên vàng lớp da.
Cắt lấy 4 – 5 lát gừng. Cho gừng cùng thảo mộc vào chảo rang nóng.
Rửa sạch xương heo, cho vào nồi nước đun sôi khoảng 5 phút để xương nhả bọt bẩn. Đem bỏ phần nước bẩn đó đi.
Đổ 1.5 lít nước sạch cùng gừng, thảo mộc vào nồi xương, đặt lên bếp hầm khoảng 45 phút.
Lược lấy nước dùng. Sử dụng phần nước dùng đó, tiếp tục hầm với thịt vịt, nấm đông cô khoảng 45 nữa, nêm thêm 20ml nước tương, 20g bột nêm, 20g đường rồi tắt bếp. Trong lúc nấu nước dùng, trụng sơ cải thìa khoảng 1 phút rồi vớt ra.
Trụng mì trứng qua nước sôi khoảng 2 phút để mì mềm. Dọn mì, cải thìa ra tô, dùng chung với mì vịt tiềm.
Lưu ý:
– Sau khi khử mùi thịt vịt bằng rượu trắng và gừng, nên rửa lại nhiều lần bằng nước sạch để thịt không bám quá nhiều mùi rượu
BÁNH MÌ CUỘN RUỐC
Nguyên liệu:
– 185 gr bột mì
– 2 lá rong biển; 2 nhánh hành lá thái nhỏ
– 25 gr bơ để nhiệt độ phòng; 4 gr men; 1 trứng gà
– 30 gr đường; 100 ml nước ấm; 1 chút xíu muối
– Ruốc; mayonnaise
Cách làm:
Bột mì, men muối, đường cho vào âu trộn trước. Sau đó cho trứng gà vào nhồi sơ. Tiếp theo cho nước ấm vào nhồi chung 10 phút. Cuối cùng cho bơ vào nhồi cho bột mịn không dính tay là được. Lấy khăn nhúng nước ấm vắt khô phủ lên miệng âu bột ủ 45 phút cho bột nở gấp đôi.
Qua thời gian ủ bột, bột cũng đã nở, lấy ra nhồi sơ lại. Sau đó cán bột mỏng, cho lên khay có lót giấy nến. Lấy khăn phủ bột ủ 20 phút.
Qua 20 phút, lấy khăn ra, dùng nĩa châm lên mặt bột. Sau đó rắc hành lá lên cùng với ít mayonnaise.
Lò nướng bật trước 15 phút ở nhiệt độ180 độ C. Sau đó cho khay bánh vào nướng 12-15 phút là bánh chín. Lấy khay bánh ra, cho lá rong biển vào mặt trong, rồi nhanh tay cuộn tròn lại khi bánh mì còn nóng.
Cắt bánh mì cuộn ruốc kiểu Hồng Kông thành từng phần, trét mayonnaise 2 bên đầu trước khi cho ruốc.
CƠM RANG TRỨNG
Nguyên liệu:
– 3 bát cơm (cho hai xuất cơm rang)
– 2-3 quả trứng lớn
– 2-3 nhánh hành lá, thái nhỏ
– 1 muỗng canh xì dầu (nước tương)
– Dầu thực vật
– Muối, tiêu; ½ muỗng canh dầu mè; ½ muỗng cà phê hạt vừng trắng
Cách làm:
Hành lá thái nhỏ. Trứng đập ra bát, dùng đũa đánh đều.
Đun nóng 2 muỗng canh dầu ăn trong chảo. Thêm 2/3 chỗ hành lá, đảo đều cho hành thơm. Hạ lửa, rồi cho trứng vào, đảo đều tuy nhiên chưa để trứng bị khô hoàn toàn thì cho trứng ra đĩa.
Vặn lửa lớn, thêm 2 muỗng canh dầu và cho nốt chỗ hành lá còn lại vào, đảo đều cho hành thơm rồi cho xì dầu vào. Cho cơm vào chiên cho cơm săn lại.
Sau đó cho trứng trở lại chảo, đảo đều cho trứng bám vào cơm. Thêm muối, tiêu, dầu mè, vừng vào đảo thật đều là xong.
XÔI GÀ NẤM HƯƠNG
Nguyên liệu:
– ½ con gà
– 30g nấm hương khô
– 300g gạo nếp
– Nước mắm, muối
– Hành khô, hành lá
– Lá nếp: 2-3 lá
– Dầu ăn
Cách làm:
Gạo nếp ngâm khoảng 3-4 tiếng, có thể ngâm qua đêm. Vớt gạo ra vo sạch, để ráo trộn với chút muối. Trước khi nấu xôi bạn thêm 2 chiếc lá nếp vào nấu cùng để xôi có hương thơm. Cho gạo nếp vào chõ rồi nấu xôi bình thường. Để xôi luôn dẻo thì bạn nên đồ xôi ít nhất 2 lần, thời gian đồ xôi lần 2 cách lần 1 khoảng 30 phút.
Gà ta sau khi làm sạch cho vào nồi luộc, thêm ½ thìa bột canh rồi luộc cho tới khi gà chín. Vớt ra đĩa để ráo.
Thịt gà luộc chín, xé nhỏ vừa ăn. Nấm hương ngâm nước ấm cho nở mềm rồi rửa sạch, thái nhỏ. Hành khô bóc vỏ, thái mỏng để phi giòn. Bắc chảo lên bếp, cho dầu ăn vào phi thơm cùng hành khô băm nhỏ. Sau đó, thêm nấm hương vào xào cùng với thịt gà, nêm chút xíu gia vị.
Khi xôi chín lần 1, bạn cho tiếp phần thịt gà xào nấm vào trộn đều rồi cho xôi lên đồ lần 2. Thêm 2 thìa dầu ăn vào để tạo độ bóng mềm cho xôi gà.
Xôi gà chín, cho xôi gà nấm hương ra đĩa, rắc ít hành khô phi giòn lên trên dùng nóng sẽ rất ngon.
BÁNH GIẦY GIÒ
Nguyên liệu:
– 200g bột gạo nếp (cho 6-8 cặp)
– 20g bột gạo tẻ; 200g sữa tươi không đường; 1 chút xíu muối; 200g giò lụa, hoặc chả
– Lá chuối tươi
Cách làm:
Lá chuối rửa sạch cắt thành miếng vuông 8×8 cm rồi phết chút dầu chống dính lên lá. Giò, chả cắt thành những lát mỏng. Cho bột nếp và bột tẻ, muối vào tô rồi trộn đều. Đổ sữa vào hỗn hợp bột rồi trộn thành khối mịn, khi bột không dính tay là được.
Chia bột thành 12 hoặc 16 phần bằng nhau, vo tròn và sau đó ấn cho viên bột dẹt ra và đặt bột lên lá chuối.
Bật bếp nồi hấp cho nước trong nồi sôi rồi xếp bánh vào và hấp khoảng 8 phút là bánh đã chín. Sau khi bánh đã chín, lấy bánh ra để nguội bớt rồi kẹp giò, chả vào là chúng ta đã hoàn thành rồi.
HỦ TIẾU HẢI SẢN
Nguyên liệu:
– 250g tôm; 300g mực
– 1 lít nước dừa tươi; 1 muỗng canh tỏi xay nhuyễn; 1 muỗng canh ớt xay nhuyễn; 1 muỗng canh sả xay nhuyễn; 1 muỗng canh hạt điều màu; 1 muỗng canh dầu ăn; 300g hủ tiếu khô; 2 tép hành lá thái khúc
– Gia vị: muối, đường phèn, bột nêm, nước mắm, tiêu…
– Rau sống (xà lách, bạc hà, vạn thọ, diếp cá, …tùy thích).
Tôm cắt bỏ râu và chân, mực móc bỏ túi mực rồi rửa sạch, để ráo nước. Mực thái nhỏ (thái miếng rồi khứa ngang dọc hoặc thái khoanh tròn tùy thích).
Cách làm:
Ướp tôm, mực với ½ phần tỏi, ớt, sả xay nhuyễn cùng với muối, đường, bột nêm, tiêu, nước mắm khoảng 20 phút cho tôm mực ngấm gia vị.
Đặt nồi lên bếp, cho dầu ăn vào phi thơm ½ phần tỏi, ớt, sả xay nhuyễn còn lại. Tiếp đó, cho tôm mực vào xào nhanh tay trên lửa lớn.
Khi tôm mực săn lại thì cho nước dừa vào nấu trên lửa vừa. Làm nước hạt điều màu: Đun nóng dầu ăn rồi cho hạt điều màu vào xào nhanh tay, khi hạt điều màu tươm hết nước màu ra thì tắt bếp. Lọc nước hạt điều màu qua cái rây, bỏ hạt điều màu chỉ lấy phần nước màu.
Khi nồi tôm mực sôi bùng lên, nêm nếm gia vị vừa ăn thì cho nước điều màu vào và hánh lá thái khúc lên trên thì tắt bếp. Nấu nồi nước sôi, cho hủ tiếu khô vào luộc sơ, khi cọng hủ tiếu trong thì vớt ra rổ rồi xối qua nước lạnh, để ráo. Tiếp đó, trộn vào hủ tiếu 1 ít đầu ăn để cọng dai, không bị dính vào nhau và bóng đẹp.
Cho hủ tiếu vào tô, gắp tôm, mực để lên rồi chan nước vào, dùng kèm với tương ớt và các loại rau sống (tùy thích). Tô hủ tiếu thanh ngọt, với cọng hủ tíu mềm dai hòa quyện với vị tôm thơm lừng và từng miếng mực mềm giòn rất hấp dẫn.
Minh Hằng (Tổng hợp) (Phụ Nữ Việt Nam)
Nguồn: Eva
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.