Giám đốc 8x chia sẻ cách làm sữa chua phô mai chuẩn Đà Lạt khiến chị em MXH “phát sốt”
Đã từng đến Đà Lạt hẳn ai cũng biết Đà Lạt có món sữa chua phô mai “đặc sản” mà không đâu khác có. Với công thức dưới đây, bạn cũng có thể làm được món sữa chua phô mai này rồi!
Đăng lên nhóm Facebook Yêu Bếp (Esheep Kitchen Family) vào khoảng 16h30 chiều qua, chỉ sau 2 giờ ngắn ngủi, bài chia sẻ về cách làm sữa chua phô mai chuẩn Đà Lạt của thành viên Đinh Vũ Quang Cường đã đạt tới 2,600 lượt yêu thích, 1,300 lượt chia sẻ và hơn 300 lượt bình luận rôm rả của các thành viên khác trong hội.
“Do làm việc trong lĩnh vực du lịch, được đi khắp nơi, nên cũng được thưởng thức món ngon nhiều vùng miền, trong đó có món sữa chua phô mai. Mình có thói quen nhấm nháp món lúc mới ăn để đoán nguyên liệu, cách chế biến. Với sữa chua phô mai, mình đã được ăn vài lần ở Đà Lạt. Ấn tượng là ngậy, mát, thanh nhẹ, đúng chất người Đà Lạt. Mình thích nhất vị sữa chua phô mai ở đây.” – Quang Cường chia sẻ cùng các thành viên trong nhóm.
Mùa hè sắp đến rất gần rồi, và hẳn là nhiều chị em cũng sẽ muốn làm món sữa chua ngon lành này cho gia đình mình. Hiểu được tâm lý đó, cùng sự đồng thuận từ Quang Cường, chuyên mục Ăn ngon Khéo tay xin được chia sẻ lại công thức làm sữa chua phô mai Đà Lạt của Quang Cường dưới đây nhé!
Nguyên liệu: cho thành phẩm 9 hũ sữa 100ml
Sữa tươi không đường: 440ml
Sữa đặc: 150ml
Sữa chua cái: 100ml để nguội ngoài nhiệt độ phòng 1 – 2 tiếng. Mình dùng 1 hộp sữa chua Vinamilk sản xuất gần ngày hiện tại nhất, hoặc cách ngày hiện tại tối đa 14 ngày. Riêng với sữa chua thì mỗi loại có 1 chủng men riêng, nhưng mình thích chủng men của Vinamilk, vì nó mạnh và “sống dai”.
Phô mai: 45g. Mình dùng phô mai Con bò cười: 45g = 3 miếng, các bạn muốn béo ngậy hơn có thể thêm 1 miếng nữa = 60g, với lượng nguyên liệu trên thì không nên cho nhiều quá 60g nhé!
Nước nóng: 100ml (dùng để hòa tan phô mai)
Muối: 1/2 thìa sữa chua.
Các dụng cụ: Hũ sữa, đồ làm như nồi, thìa, rây lọc (tất cả đều cần tráng nước sôi, để ráo nước.)
Cách làm:
Bước 1: Đầu tiên, các bạn dùng 100ml nước nóng (sôi cũng được), cho thêm 1/2 thìa sữa chua muối (thìa nhựa kèm theo khi mua sữa chua), dằm nhuyễn, hòa sao cho tan nhiều nhất phô mai có thể. Khâu này lâu phết, mình dằm chắc mất trên 5 phút. Muốn nhanh, các bạn cho vào máy xay, nhưng mỗi tội rửa máy xay lại lâu, khó hơn rửa bát, nên mình chọn dằm vào bát. Rây lọc luôn cho mịn nhé!
Bước 2: Các bạn pha cho tan đều 150ml sữa đặc và 440ml sữa tươi, rồi đun. Đun đến khi vừa thấy lăn tăn quanh miệng nồi là tắt ngay nhé! Chỉ mất dưới 5 phút để đun ở mức lửa cao nhất, nên các bạn chú ý đứng canh, không là từ lăn tăn tới sôi trào chỉ tíc tắc thôi đấy.
Bước 3: Ngay sau khi tắt bếp đun, các bạn cho phần phô mai đã rây lọc mịn ở bước 1 vào, hòa trộn đều và để hỗn hợp nguội về mức 40 độ C. Các bạn cẩn thận thì đo bằng nhiệt kế điện tử nhé, đừng đo bằng nhiệt kế thủy ngân là sẽ bị vỡ đấy. Còn nếu không có nhiệt kế, bạn đợi 22 phút từ lúc tắt bếp là nguội về nhiệt độ 40 độ C.
Bước 4: Khi sữa đã nguội, các bạn hòa tan nhẹ nhàng 100ml sữa chua cái vào, rồi rây lọc lại 1 lần nữa cho mịn, sau đó rót ra hũ, đậy nắp hũ lại. (Mình thấy trên mạng họ thường làm theo công thức 2 hũ (200ml) sữa chua cái, nhưng chỉ 1 hũ (100ml) là đủ nhé!
(*)Lưu ý: Lợi khuẩn trong sữa chua cái giống như con người ấy. Một mình bạn ăn 1 bát cơm sẽ đủ no, nhưng vẫn 1 bát cơm đó mà lại có 2 người thì đương nhiên sẽ đói. Vậy nên 100ml sữa chua cái, cho từ 600ml – 1000ml dung dịch là đủ nhé! Lợi khuẩn tha hồ ăn no, vùng vẫy.
Bước 5: Ủ sữa chua: riêng với sữa chua phô mai, nếu các bạn làm chuẩn công thức của mình, ủ 6 tiếng là ok nhé! Vì sao ư? Trả lời là: Như trên mình nói về phô mai đó, phô mai hình thành từ sự kết tủa từ việc làm nóng sữa và tác động của axit, nên nó có vị chua. Và do vậy, các bạn ủ 6 tiếng là đủ. Chứ ủ 8 tiếng như sữa chua thông thường là chua gắt đấy, ăn không ngon.
Phương pháp ủ:
Quy tắc ủ sữa chua là 2 tiếng đầu rất quan trọng. Nên dù ủ bằng cách nào, các bạn cũng cần giữ độ ấm ổn định ở 2 giờ đầu. Với nhiệt độ ổn định, thức ăn dồi dào, lợi khuẩn trong sữa chua cái sẽ “bùng nổ dân số” đấy! Rồi sau đó cứ tà tà mà lên men thôi. Các bạn để ý, sữa chua dù để trong tủ lạnh, lợi khuẩn vẫn sinh sôi và việc lên men vẫn tiếp diễn. Đây là lý do mình chọn sữa chua cái Vinamilk, và cũng là lý do vì sao cần dùng sữa chua cái có ngày sản xuất gần đây nhất. Lợi khuẩn đang ở ngưỡng “dân số trẻ, độ tuổi sinh đẻ”. Chứ xa hiện tại quá, lợi khuẩn bước vào giai đoạn “dân số già, tiền mãn teen” rồi, sao mà “bùng nổ dân số được nữa”!
Ủ với nồi cơm điện:
Nhà mình có cái nồi Panasonic niên đại cỡ 15 năm. Các bạn pha nước ấm (ấm nhúng tay được vào nhé), nhiều hũ mà nồi bé, bạn có thể xếp 2 tầng. Mực nước ấm để ủ cần ngập 2/3 hũ sữa ở tầng 1. Cắm điện, bật nút warm, để đó 45 phút, rút điện ra, sau 1 tiếng cắm điện lại, để 30 phút, lại rút điện. Sau lần này, có thể không cần cắm điện nữa, đợi đủ 6 tiếng là xong. Bạn nào muốn chua hơn có thể cắm điện thêm 30 phút nữa.
Ủ với thùng xốp hoặc thùng đá:
Với thùng thì nước cần nóng hơn xíu. Các bạn pha tỷ lệ 1 nước nguội 2 nước nóng, đổ ngập 2/3 hũ (cũng có thể xếp 2 tầng). Đậy nắp kín, cẩn thận có thể phủ thêm chăn. Sau 1h30 phút thì rút nước ra, thêm nước ấm mới với tỷ lệ 50/50 nước nguội và nước nóng, đậy kín. Đợi đủ 6 tiếng là được.
Lưu ý: Ủ bằng phương pháp nào thì khi thay nước hay cắm điện cũng không được làm xê dịch hũ sữa chua 1 cách đột ngột nhé!
Về chi phí: Sữa chua cái 6k + 150ml sữa đặc 10k + 45g phô mai 15k + 440ml sữa tươi 13k = 44k = 8 hũ 100ml sữa chua phô mai.
Như vậy 100ml sữa chua phô mai tự làm có giá 5,5k (5.500đ) – bằng 2/3 mua ngoài, lại đảm bảo. Chần chờ gì nữa mà không làm cho gia đình mình ăn đi các bạn!
Bước 6: Chụp ảnh khoe thành quả. Mời cả nhà ăn sữa chua phô mai trực tuyến với nhà mình nhé!
Chúc các bạn thành công với công thức mình chia sẻ nhé!
GÓC TÁC GIẢ
Đinh Vũ Quang Cường sinh năm 1988, hiện đang sống và làm việc tại Hải Dương cùng vợ và 2 con, một bé gần 2 tuổi và một bé mới gần 2 tháng tuổi. Là giám đốc chi nhánh một công ty du lịch khá có tiếng, cộng với sở thích du lịch từ trẻ, Quang Cường đã tới nhiều nơi và tiếp cận với nhiều nền ẩm thực phong phú. Chia sẻ cùng chuyên mục Ăn ngon Khéo tay, Quang Cường cho biết tình yêu với các món ăn cũng như việc vào bếp được hai cụ thân sinh “truyền lửa” từ nhỏ, khi bố mẹ anh có một cửa hàng trong hợp tác xã ăn uống. Về sau bố anh đi nước ngoài làm đầu bếp và có nhiều món lạ nên Cường có điều kiện học và làm theo.
Chuyên mục Ăn ngon Khéo tay xin gửi lời cảm ơn đến những chia sẻ của Quang Cường và chúc bạn nhiều sức khỏe cũng như luôn tìm được niềm vui với gian bếp để có thể mang đến cho cộng đồng nhiều công thức, nhiều món ăn thật ngon nhé!
Nguồn: Afamily
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.