Gái đảm mách nhỏ cách làm xôi khúc từ lá nếp mềm dẻo thơm ngon bất bại
Xôi khúc với mùi thơm của lá dứa, cay nhẹ của hạt tiêu, có vị dẻo mịn của hạt xôi quyện cùng vị bùi của đậu xanh lẫn béo ngậy của thịt tạo nên một món xôi ngon khó cưỡng.
Xôi khúc là món ăn rất ngon, hấp dẫn được nhiều người yêu thích, có xuất xứ ở Miền Bắc, thường sử dụng lá khúc để làm nên hương vị rất đặc trưng của món xôi này. Để làm được xôi khúc cần sự cầu kì tỉ mỉ hơn nữa ở thành phố, muốn mua được lá khúc cũng không dễ. Vì thế, Trịnh Huyền (TP.HCM) đã thay lá khúc bằng lá nếp (lá dứa) khi nấu xôi cũng rất ngon và hấp dẫn chẳng kém.
Huyền là người đảm nhận việc nấu ăn trong gia đình. Việc nấu ăn đối với cô không hề khó và mất thời gian như nhiều người nghĩ, với Huyền vào bếp nấu ăn vừa thỏa niềm đam mê nấu nướng, vừa giảm cẳng thẳng sau ngày dài làm việc.
Công thức xôi khúc lá dứa Huyền chia sẻ là công thức mà cô đã đọc và tích hợp từ nhiều nguồn khác nhau trên mạng. Những cách làm Huyền tìm hiểu và làm trong đó có nhiều công thức phức tạp, có những công thức không hợp với khẩu vị gia đình nên cô đã điều chỉnh sau nhiều lần nấu để phụ hợp với khẩu vị gia đình mình và giống với xôi khúc mà ngày nhỏ Huyền đã được ăn mỗi sáng đi học.
Huyền thường làm xôi vào những ngày rảnh như cuối tuần để có thời gian thưởng thức cùng cả nhà. Món xôi khúc lá dứa có thể nấu nhiều một chút, ăn không hết thì bỏ vào hộp kín bảo quản ở ngăn mát tủ lạnh khi ăn hấp lại vẫn dẻo ngon như mới, vừa tiết kiệm thời gian lại vừa tiết kiệm chi phí chuẩn bị đồ ăn hằng ngày.
Để có món xôi khúc ngon bất bại thì sau nhiều lần nấu và trải nghiệm của bản thân thì Huyền rút ra được 1 số lưu ý nhỏ như sau:
– Thứ nhất, lớp vỏ bột xôi khúc rất quan trọng thời gian ủ bột, nếu không ủ bột thì bột sẽ không mềm dẻo, vậy nên sau khi nhồi bột vỏ của bánh Huyền sẽ ủ bột cho bột nghỉ từ 30 phút đến 45 phút ở nhiệt độ thường.
– Thứ hai, công đoạn hấp xôi cũng rất quan trọng. Ở bước này Huyền sẽ phủ một cái khăn mỏng sạch lên bề mặt xửng hấp để tránh hơi nước bốc lên rơi xuống làm xôi bị nhão.
Sau khi chia sẻ món xôi khúc lá dứa lên mạng xã hội thì Huyền được mọi người đánh giá tốt. Huyền rất vui vì đã chia sẻ được đến mọi người 1 công thức nấu xôi mới và mong mọi người sẽ thành công ngay từ lần đầu.
Cách làm xôi khúc lá dứa
Nguyên liệu:
– Gạo nếp: 500g
– Bột nếp: 300g
– Thịt ba rọi: 100g
– Đậu xanh cà: 200g
– Lá dứa: 100g
– Hành lá: 2 nhánh
– Hành tím: 10g
– Hành tím phi: 10g
– Gia vị: tiêu, đường, muối, hạt nêm
Các bước làm:
Bước 1: Sơ chế nguyên liệu
– Gạo nếp vo sạch, ngâm nước từ 8 – 12 tiếng hoặc ngâm qua đêm để gạo nở mềm, sau đó vớt ra, để ráo.
– Ngâm đậu xanh trong nước với một ít muối để đậu xanh nở ra rồi rửa sạch. Tiếp đến, cho đậu xanh vào nồi với một lượng nước vừa đủ tính từ mặt đậu lên khoảng 2mm, thêm 1 muỗng cà phê muối rồi nấu, khi nấu vớt bọt ra nấu trên lửa nhỏ khoảng 15 – 20 phút. Đậu chín mềm thì đổ ra rổ, để ráo.
Thịt ba rọi xát muối để khử mùi hôi và rửa lại nhiều lần với nước sạch, băm nhỏ.
Lá dứa rửa sạch rồi cắt nhỏ.
Hành tím lột vỏ, băm nhỏ. Hành lá bỏ gốc, rửa sạch rồi cắt nhỏ.
Bước 2: Làm nhân
– Cho 100g lá dứa và 150ml nước vào máy xay sinh tố, xay nhuyễn lọc qua dây vắt lấy nước cốt. Sau đó, thêm vào nước cốt lá dứa 1/3 muỗng cà phê muối và 1 muỗng canh dầu ăn cho vào nhào cùng 300g bột. Nhồi thật đều tay đến khi bột dẻo, mịn và không bị chảy. Dùng màng bọc thực phẩm ủ từ 30 – 45 phút cho bột nghỉ.
– Phi thơm hành tím với dầu ăn rồi cho thịt băm vào xào, nêm vào 1/3 muỗng cà phê hạt nêm, đảo đều tay.
– Tiếp đến, cho đậu xanh đã luộc chín vào xào chung, nêm thêm 1/3 muỗng cà phê đường, 1 muỗng canh dầu ăn và hành lá cắt nhỏ. Trộn đều đến khi hỗn hợp kết dính lại thì tắt bếp, rắc vào 1/2 muỗng cà phê tiêu.
Khi phần nhân đậu xanh và thịt nguội, dùng tay nặn thành từng viên tròn to cỡ quả trứng gà.
Bước 3: Nấu xôi khúc
– Gạo nếp sau khi sơ chế đem trộn với 1 muỗng cà phê muối rồi để khoảng 15p cho ngấm.
– Bột nếp sau khi ủ, chia thành từng viên tròn như phần nhân đậu xanh. Lấy từng viên dàn mỏng, cho viên nhân đậu xanh thịt vào giữa, bọc lại cho kín rồi vo tròn. Làm tương tự đến khi hết phần bột nếp và nhân đậu.
=> Lưu ý là nắn cho phần vỏ bánh ôm khít phần nhân, không để không khí lọt vào trong vì khi hấp bánh sẽ dễ bị chảy xệ.
– Sau khi làm xong, lăn từng viên bột qua một lớp mỏng gạo nếp, dải 1 lớp gạo nếp lên xửng hấp, nhẹ nhàng xếp viên bột vào xửng. Phần gạo nếp còn lại phủ đều lên trên.
– Phủ một cái khăn sạch lên bề mặt để tránh hơi nước bốc lên rơi xuống làm xôi bị nhão. Hấp khoảng 45 – 60 phút là xôi chín.
Bước 4: Thành phẩm
– Khi thấy bánh khúc mềm, hạt nếp căng mọng, dẻo đều là xôi đã chín. Lấy xôi ra đĩa, rắc hành phi lên trên rồi thưởng thức.
Chúc bạn thành công!
NT