F0 nên ăn uống gì để mau lành bệnh?
F0 cần uống đủ nước, chất điện giải, rau củ, trái cây, thực phẩm giàu protein, kẽm, selen, các vitamin…
1. F0 điều trị tại nhà nên ăn gì?
Nước và chất điện giải
Khi bị sốt và nhiễm Covid-19, việc bù điện giải và nước trở nên rất cần thiết. Nước dừa là một trong số những thực phẩm cung cấp cả hai yếu tố này một cách tự nhiên. Nước dừa rất giàu carbohydrate và chất điện giải như kali, natri và magie. Nước dừa dễ uống, có tính mát. Nếu sợ lạnh, bạn có thể hấp cách thủy với vài lát gừng và chút đường phèn.
Ngay cả khi không khát, bạn cũng cần uống đủ nước để dịch tiết đường hô hấp được làm loãng, tránh viêm phổi, nên chia nhỏ làm nhiều lần uống, có thể uống nước ép trái cây như cam, chanh hay súp. Ngoài ra, bạn cần tránh uống trà và cà phê.
Rau, củ, trái cây
Ngoài bổ sung đủ nước, bạn cần bổ sung đủ rau củ quả và trái cây trong bữa ăn hàng ngày. Đây là nguồn vitamin, khoáng chất và chất chống oxy hóa tự nhiên, dồi dào. Đặc biệt là những loại trái cây giàu vitamin C như cam, quýt, bưởi, đu đủ, cà chua, dâu tây, ớt chuông, ổi, bông cải xanh… Chúng có thể bảo vệ cơ thể khỏi nhiễm trùng và tăng cường đề kháng.
Các loại rau củ quả giúp tăng cường miễn dịch cho F0. Ảnh: UC Davis Health
Thực phẩm giàu protein
Trong thời gian mắc Covid-19, cơ thể dễ bị suy nhược, mệt mỏi, trao đổi chất kém, do đó, cần phải cung cấp đủ lượng protein để hệ miễn dịch hoạt động hiệu quả. Bạn có thể ăn trứng, gà, cá, đậu, đậu nành, sữa, các loại hạt, sữa hạt…
Chất béo lành mạnh
Chất béo rất cần thiết để hồi phục cơ thể nhưng bạn nên chọn những thực phẩm chứa nguồn chất béo lành mạnh, không bão hòa như cá, các loại hạt, quả bơ, dầu olive, đậu nành, dầu hướng dương, dầu ngô… Ngoài ra, bạn nên bớt tiêu thụ thịt đỏ, bơ, mỡ lợn…
Men vi sinh
Men vi sinh giúp cơ thể tăng cường hệ miễn dịch và tốt cho hệ tiêu hóa, nhất là trong thời gian nhiễm bệnh không thể vận động nhiều như trước. Vi khuẩn lành mạnh trong men vi sinh giúp chống lại các yếu tố gây bệnh đường ruột, cân bằng hệ tiêu hóa, hệ miễn dịch và trao đổi chất. Bạn nên ăn đều đặn các loại sữa chua. Ngoài ra, men vi sinh cũng có trong kim chi và kombucha, dưa chua, tuy nhiên không nên ăn các thực phẩm này nhiều và thường xuyên.
Thực phẩm giàu kẽm
Kẽm cũng là yếu tố thúc đẩy hệ thống miễn dịch và giúp vết thương mau lành. Do đó, hãy tăng cường ăn thịt nạc, hải sản, sữa, ngũ cốc nguyên hạt, đậu, hạt, thịt gia cầm, hàu, vừng…
Thực phẩm chứa selen
Selen là một trong những chất chống oxy hóa mạnh, giúp ích cho cơ thể trong thời gian chống chọi với bệnh tật. Selen có nhiều trong trứng, hải sản, hạt bí ngô, ngũ cốc và sản phẩm từ sữa.
Thảo dược chống lại triệu chứng cảm cúm, ho
Covid-19 có nhiều triệu chứng giống bệnh cảm cúm thông thường, do đó, bạn có thể sử dụng những “bài thuốc dân gian” để giảm triệu chứng cảm lạnh, ho, viêm họng… giúp cơ thể cảm thấy thoải mái hơn. Bạn có thể bổ sung gừng, sả, tỏi, quế, đinh hương, tiêu đen, bạc hà, húng quế… trong bữa ăn hàng ngày.
Gừng, sả… được sử dụng trong Đông y giúp giảm triệu chứng cảm, sốt… Ảnh: Medical News Today
2. F0 ăn gì để chống lại ‘bão Cytokine’?
“Bão Cytokine” là hiện tượng hệ miễn dịch phản ứng quá mức, giải phóng ồ ạt chất cytokine gây viêm, tổn thương nặng các cơ quan nội tạng. Đây cũng là một trong những nguyên nhân gây tử vong ở bệnh nhân Covid-19. Bạn cũng có thể thay đổi thực đơn để hạn chế hiện tượng này xảy ra.
Thực phẩm chứa vitamin D
F0 phải thực hiện cách ly, hạn chế tiếp xúc mặt trời, dẫn đến giảm sản xuất vitamin D – một trong những yếu tố giúp bảo vệ đường hô hấp, hạn chế nguy cơ sản xuất Cytokine. Vì vậy, bạn cần bổ sung vitamin D qua cá, gan, lòng đỏ trứng, sữa, sữa chua…
Cân bằng chế độ ăn
Bạn cần chân bằng chế độ ăn giữa thực vật và động vật, giữa thịt đỏ và thịt gia cầm. Theo đó, bạn nên ăn thịt đỏ 1-2 lần và thịt gia cầm 2-3 lần một tuần, tăng cường ăn cá, tôm, cua, đậu đũa.
Hạn chế chất béo bão hòa, đường, caffeine
Bạn cần hạn chế chất béo bão hòa trong thịt mỡ, dầu dừa, kem, pho mát, mỡ lợn, bơ thực vật, đồ ăn nhanh, đồ chiên rán, chế biến sẵn. Bên cạnh đó, bạn cũng cần hạn chế nạp đường vào cơ thể thông qua nước ngọt, siro… và đồ chứa caffeine như trà, cà phê, rượu bia…
Bổ sung đủ nước
F0 dễ bị tổn thương thận, “bão Cytokine” gây đa niệu, tăng thải natri, kali, magie. Do đó, bạn cần uống đủ nước và các chất điện giải, trong đó ít nhất là hai lít nước mỗi ngày.
Nước dừa bổ sung điện giải tự nhiên cho các F0. Ảnh: Vougue
Chất chống oxy hóa
Chất chống oxy hóa gồm vitamin E, vitamin C, beta-caroten… có nhiều trong khoai lang, cà rốt, rau lá xanh, dầu thực vật, các loại hạt, súp lơ, cam, dâu tây, xoài, chanh…
Hà Nguyên
Theo: Ngôi sao
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.