TopTit.Com

Đường: Sát thủ ngọt ngào

1

Đường gây nghiện. Đường là chất độc. Đường gây chết sớm. Đường giết người hàng loạt. Bất chấp những lời cảnh báo, người ta vẫn cứ ngày ngày ăn thật nhiều đường, có khi là ăn mà không biết.

Nghiện đường như nghiện Heroin

Từ thuở  mới lọt lòng, trẻ sơ sinh đã có bản năng thích vị ngọt hơn những vị khác, các chuyên gia tại Trường đại học Washington (Mỹ) đã chứng minh điều đó. Nhiều nhà khoa học cho rằng, sở thích này là “tàn tích” của sự tiến hóa, bởi ở cái thời thiếu ăn, những người thích thực phẩm năng lượng cao thường có nhiều cơ hội sống sót hơn. Một số nhà khoa học khác thì cho rằng bản năng chúng ta thèm đồ ngọt vì nó đóng vai trò sống còn cho sự tồn tại của chúng ta. Vị giác của chúng ta tiến hóa để thèm những thứ không thể thiếu cho sự sống như muối, chất béo và chất ngọt. Đường glucose đặc biệt quan trọng cho não bộ, bởi đó là nguồn cung cấp năng lượng duy nhất cho hàng tỉ tế bào thần kinh, vốn cần nguồn cung cấp glucose liên tục do máu mang đến bởi chúng không có khả năng dự trữ glucose. Kỳ lạ thay, các nhà khoa học còn phát hiện rằng chỉ cần hương vị của đường thôi cũng đã đủ làm cho não bộ “lên tinh thần” sau một cuộc thử nghiệm cho thấy, những ai ngậm nước đường trong miệng thực hiện các cuộc trắc nghiệm trí não giỏi hơn người ngậm nước pha chất tạo ngọt nhân tạo.

Đường: Sát thủ ngọt ngào

Cưỡng lại đồ ngọt không phải là điều dễ dàng với nhiều người

Sở dĩ đường làm con người ta phấn chấn lên là vì nó kích thích tiết ra “hormone vui vẻ” serotonin trong máu. Tuy nhiên, đường “vui vẻ” mà tăng lên cũng đồng nghĩa với việc insulin cũng tăng lên để phân hủy đường trong máu nhằm cố đưa chỉ số đường xuống mức bình thường. Khổ nỗi đường càng bị hủy thì người ta lại càng thèm ngọt hơn. Cái vòng lẩn quẩn cứ thể xảy ra. Tờ Time dẫn kết quả một cuộc nghiên cứu khoa học còn cho thấy đường kích hoạt “cơ chế khen thưởng” ở não tương tự như đối với các chất kích thích như morphine hoặc heroin. Tất nhiên không thể bảo tác hại của đường ngang bằng với ma túy nhưng theo Kelly Brownell, giám đốc Trung tâm Rudd về chính sách thực phẩm và béo phì thì “nghiên cứu kể trên giúp khẳng định điều mọi người vẫn than phiền rằng họ thèm ngọt và khi ngưng ăn ngọt thì có triệu chứng vật vã”. Thế nên một số nước như Pháp, Đan Mạch, Hy Lạp đã áp loại thuế đặc biệt đối với nước ngọt trong khi tại nhiều nước, người ta vẫn đang tranh cãi về các biện pháp khống chế đồ ngọt tương tự như không chế thuốc lá và rượu.

Ăn ngọt khó có con

Một trong những nghiên cứu mới nhất về tác hại của đường do các nhà khoa học tại Đại học Utah (Mỹ) tiến hành, công bố kết quả hồi giữa tháng này. Theo đó, những con chuột theo chế độ ăn chứa tới 25% đường (tương đương tiêu thụ lượng đường có trong 3 lon nước ngọt/ngày ở người khỏe mạnh) có tỉ lệ chết trong vòng 58 tuần nghiên cứu cao hơn đến gấp đôi so với những con chuột có cùng chế độ ăn nhưng không thêm đường. Ngoài ra, những con chuột đực ăn nhiều đường giảm khả năng chiếm cứ lãnh thổ 26% và có ít con hơn 25% so với nhóm còn lại. Từ kết quả này, các nhà nghiên cứu cho rằng, rất có thể đường có các tác hại khác về mặt sinh học mà chúng ta không cân đo được như tăng cân. Nếu kết quả này cũng đúng trên người, đến đây, đường không chỉ gây nghiện mà còn thực sự là chất độc làm rút ngắn tuổi thọ và làm suy giảm khả năng của con người.

Một cuộc nghiên cứu khác, được công bố hồi tháng 3 vừa qua cho thấy, các loại nước uống có đường liên quan đến 180.000 ca tử vong trên toàn cầu. Nước ngọt, nước trái cây, nước tăng lực, thức uống thể thao… đều nằm trong nhóm này. Tác giả cuộc nghiên cứu giải thích, một khi người ta uống quá nhiều các loại nước như thế, họ sẽ dễ bị tăng cân, vốn làm gia tăng nguy cơ mắc tiểu đường, tim mạch và một số loại ung thư – đều là những căn bệnh có tỉ lệ tử vong cao. Có một điểm rất đáng lưu ý trong cuộc nghiên cứu này: đến 78% những ca tử vong có liên quan đến yếu tố tiêu thụ nhiều nước có đường xảy ra ở những đất nước có thu nhập thấp hoặc trung bình. Một cuộc nghiên cứu trước đó thì chỉ ra rằng, đường trong các loại nước uống thường khó mang lại cảm giác thỏa mãn cho người tiêu thụ hơn đường trong thức ăn, khiến người ta thường có nguy cơ uống đồ ngọt nhiều hơn là ăn.

Kẻ giết người giấu mặt

Đến đây, nhiều người có thể an tâm rằng mình ít khi uống nước ngọt nên chẳng có gì phải lo. Thật ra, có thể hàng ngày bạn vẫn nạp vào cơ thể rất nhiều chất ngọt mà không hề hay biết. Các nhà sản xuất thực phẩm thường “âm thầm” thêm đường vào sản phẩm để làm cho nó ngon hơn. Ngoài ra, cũng giống như chất béo, hàm lượng đường tăng thêm cũng giúp tăng thời hạn sử dụng của nhiều thực phẩm. Thế nên nhiều sản phẩm nghe cái tên rất “lành” như yoghurt, bánh ít béo, nước uống vị trái cây, nước trái cây hộp, rau hộp… có hàm lượng đường rất cao. Thế nhưng để nhận biết được có bao nhiêu đường trong thức ăn và đồ uống của bạn là điều khá phức tạp, bởi nó được ghi nhãn dưới nhiều tên khác nhau: sucrose, glucose, fructose và mật. Mỗi loại đường lại tác động khác nhau trong cơ thể. Chỉ có một điều chắc chắn: số lượng đường bạn tiêu thụ sẽ ảnh hưởng rất khác nhau lên sức khỏe của bạn.

Tuy nhiên, theo Cơ quan y tế quốc gia của Anh thì lượng đường bổ sung thêm (mật, nước trái cây, mứt, nước ngọt, thực phẩm chế biến sẵn, đường ăn…) không được chiếm quá 10% năng lượng từ đồ ăn, thức uống của bạn mỗi ngày. Con số này tương đương khoảng 70 gr/ngày với đàn ông và 50 gr/ngày với phụ nữ. Tuy nhiên, nó cũng sẽ rất khác nhau tùy thuộc vào mức độ vận động, trọng lượng, tuổi tác của bạn. 50 gr đường tương đương với 13 muỗng cà phê, cũng bằng 2 lon nước ngọt có ga hoặc 8 cái bánh quy sô cô la. Khi ra siêu thị, bạn cũng cần nhớ một khái niệm chung chung rằng sản phẩm nào chứa 15 gr đường/100 gr thực phẩm được liệt vào hàng có nhiều đường trong khi ít đường được định nghĩa là dưới 5 gr/100 gr thực phẩm.

Kiều Oanh

Theo Sài Gòn ẩm thực

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.