TopTit.Com

Đặc sản Sơn La mang hương sắc núi rừng

2

Sơn La, mảnh đất nằm trên vùng núi Tây Bắc luôn để lại những ấn tượng khó phai trong hồn người đã từng đến với nó. Vẻ đẹp hùng vĩ ban sơ của núi rừng Tây Bắc, của những thửa ruộng bậc thang, của những cao nguyên đẹp nên thơ trong sương sớm… luôn biết cách níu giữ bước chân người. Không những thế, mảnh đất này còn sản sinh ra các loại đặc sản thơm ngon, đầy ấn tượng.

Nộm da trâu

Da trâu vốn là một loại nguyên liệu được dùng để làm trống vì có đặc điểm rất dày, cứng và dai. Ấy thế nhưng, ở mảnh đất này, thứ da trâu ấy lại trở thành một đặc sản ẩm thực vô cùng lạ miệng và độc đáo – thấu da trâu hay nộm da trâu của người Thái.

Để mềm hóa nguyên liệu khó chiều này, người dân nơi đây đã phải sơ chế qua khá nhiều giai đoạn như hơ qua lửa, ngâm nước lã rồi khéo léo lọc da thật mỏng, thật đều tay mới được.

Đặc sản Sơn La mang hương sắc núi rừng

Từng miếng da vàng trong được trộn cùng đủ loại gia vị, rau thơm cùng mắc khén mới thành món nộm da trâu ngon (Ảnh internet).

Người vùng cao không dùng chanh hay dấm để bóp nộm mà kết hợp da trâu với nước măng chua tạo thành hương vị vô cùng khác lạ. Khi thưởng thức, bạn sẽ có cảm nhận, da trâu sần sật, đanh đanh, có hương thơm củ rau mùi tàu, mùi ta, vị bùi bùi của đậu phộng cùng vị chua thanh của măng rừng ngâm ngấu rất thú vị. Nộm da trâu là món nhắm rượu là tuyệt vời ở nơi vùng cao này.

Pa pỉnh tộp

Món ăn lạ tai này có tên dễ gọi hơn là cá gập nướng, gốc của người Thái. Pa pỉnh tộp có thể dùng nhiều loại cá để chế biến. Cá chép, cá trắm hoặc cá trôi chỉ cần vài lạng là ngon ăn. Cá được mổ dọc sống lưng, bỏ mật và nhồi gia vị như gừng, xả, ớt tươi, rau mùi, rau thơm, hành tươi, húng, đặc biệt là mắc khén vừa tăng sự đậm đà vừa khử tanh.

Cá ngấm đều, người làm gập đôi, dùng tre kẹp chặt và nướng cá trên than hồng chứ không xiên hay để thẳng con như những nơi khác.

Đặc sản Sơn La mang hương sắc núi rừng

Cá ngon là cá chín đều, không bị ám khói, không cháy (Ảnh internet).

Cá gập nướng chưa ăn đã nghe mùi thơm tỏa khắp với vị mắc khén đặc trưng núi rừng. Cho vào miệng rồi thấy rõ vị ngọt lành, thơm nóng, lại đậm đà, cay dịu trên từng tế bào lưỡi.

Cải mèo

Cải mèo vốn thuộc hàng rau có bẹ, lá dài màu xanh đậm, viền lá xoăn cảm giác như có gai, loại có lông, loại trơn, đó cũng là lý giải cho cái tên là lạ của cải. Cải mèo cũng được coi là loại rau quý vì được thiên nhiên chọn lọc nên sức sống mãnh liệt, nó có thể vượt qua thời tiết mùa đông khắc nghiệt có băng ở vùng núi này và sinh trưởng khỏe, để có thứ rau đặc sản cho con người.

Cải mèo cắt vừa ăn, luộc thật xanh, thêm lát gừng cho thơm và đỡ lạnh bụng dọn chung với mắm hoặc nước tương dằm trứng luộc giản dị nhưng vẫn rất hấp dẫn.

Đặc sản Sơn La mang hương sắc núi rừng

Rau cải mèo có vị đăng đắng, mùi vị đặc trưng vô cùng hấp dẫn của Sơn La (Ảnh internet).

Rau đăng đắng quyện với cái đậm đà béo trứng và thơm của nước chấm tạo nên vị riêng rất riêng hút cơm vô cùng. Ngoài món luộc, cải mèo còn có thể dùng ăn lẩu, xào… cũng ngon chẳng kém.

Chẳm chéo

Chẳm chéo  là món chấm không thể thiếu được trong các bữa ăn bình thường cũng như khi đãi khách của người Thái ở Tây Bắc. Chẳm chéo là sự kết hợp của nhiều loại gia vị đặc trưng núi rừng nên có hương vị độc đáo không thể trộn lẫn.

Về cơ bản, chẳm chéo được làm từ ớt khô hoặc tươi đem nướng lên cho thơm và giòn để lấy vị cay, tỏi và mắc khén để lấy vị thơm. Bốn thứ này giã chung với muối và mì chính là có thể cho ta một bát chéo cơ bản.

Từ bát chẳm chéo cơ bản này, người ta có thể chế ra được nhiều loại chéo khác: chéo cá (cá suối nhỏ nướng vàng, rồi đem giã nhuyễn với bát chéo cơ bản, dùng để chấm măng tre, măng vầu và rau luộc); chéo gan gà (đem gan gà hoặc gan vịt đã luộc chín, nướng qua cho thơm, thái thêm chút lá chanh rồi đem giã với chéo cơ bản, sau đó cho thêm nước luộc gà, vịt, đánh lên cho nhuyễn);…

Mỗi loại chẳm chéo có một hương vị riêng, phù hợp với từng món ăn nhưng bát chẳm chéo của người Thái bao giờ cũng có vị chung là hương thơm của các loại lá, vị cay cay của ớt và vị hăng nồng của mắc khén.

Đặc sản Sơn La mang hương sắc núi rừng

Ngoài tỏi, ớt tươi, mắm, đường, vài lá tỏi tươi, rau mùi thì thành phần không thiếu được của chẳm chéo là bột mắc khén (Ảnh internet).

Nậm pịa

Đến Sơn La, bạn sẽ được thưởng thức món ăn hoang sơ vào bậc nhất của núi rừng, đó là nậm pịa. Nậm pịa nhìn không ngon mắt. Nguyên liệu chính của món này là nội tạng các loài vật ăn cỏ bao gồm dạ dày, tiết, lòng, tim gan, phèo phổi thập cẩm phế lù đem ninh nhừ. Ngoài ra còn một thành phần rất đặc biệt nữa đó chính là pịa. Pịa là phần dịch (phân non) nằm giữa đoạn dạ dày và ruột già. Nếu bạn từng biêt đến món phèo lợn thì hẳn sẽ dễ dàng hình dung được cách lấy pịa của người Thái.

Nậm pịa không phải là một món dễ ăn. Nó có vị đắng của lá mắc khẹt, lòng và pịa cũng đắng, tuy nhiên sau khi ăn sẽ để lại vị ngọt trong cuống họng. Nậm pịa có tác dụng giải rượu rất tốt. Hơn nữa, đã ghé Sơn La thì cũng nên làm miếng nậm pịa coi như không phí dịp được trải nghiệm ẩm thực.

Đặc sản Sơn La mang hương sắc núi rừng

Món ăn ban đầu đắng đắng, mùi khó chịu nhưng sau sẽ thấy rõ hương vị của mắc khén cùng xả, lá chanh, gừng, ớt… và ngọt hậu (Ảnh internet).

Ốc đá Suối Bàng

Ốc ở Suối Bàng chỉ thường có vào mùa mưa, khi tiết trời ẩm ướt. Ốc ở đây chẳng cần lá chanh hay sả, cứ thế luộc suông là đủ giữ vị. Thậm chí, nước chấm cũng không cầu kỳ, rót từ chai, cho thêm vài lát ớt là ổn. Ốc đổ ra, mọi người quây quần ngồi vừa khêu vừa nói chuyện là đủ ấm cho ngày mưa.

Đặc sản Sơn La mang hương sắc núi rừng

Ốc đá Suối Bàng mát lành, thơm đặc biệt và béo mầm, con nào giá trị con nấy (Ảnh internet).

Nếu muốn thưởng thức kiểu khác, có thể nấu canh ốc, làm gỏi ốc… vẫn giữ được vị giòn ngon.

Thịt gác bếp

Món thịt gác bếp vốn là đặc sản của vùng núi Tây Bắc nói chung và Sơn La nói riêng. Đến với Sơn La, bạn có thể được thả mình trong không khí trong lành, dễ chịu. Vào những buổi sáng tươi mát hay buổi tối lạnh se, cả mảnh đất chập chờn trong sương, ngồi bập bùng bên ngọn lửa, thưởng thức những miếng thịt gác bếp ngòn ngọt, dai dai, vẫn còn ngai ngái mùi khói thật thú vị.

Thịt gác bếp sơ chế không quá cầu kỳ. Thịt dùng để hun khói chủ yếu là trâu, bò hay heo được thả rông trên các sườn núi, sườn đồi. Khi chế biến, người ta róc các thớ thịt ra thành từng miếng, rồi hun bằng khói của than củi được đốt từ các loại cây mọc trên núi đá. Khi thịt đã thành phẩm, mùi khói gần như vẫn còn nguyên, vương vấn trong từng thớ thịt vậy mà chẳng gây khó chịu. Chính mùi khói ấy đã tạo nên sức hấp dẫn riêng của món ăn trên vùng núi, cao nguyên quanh năm sương phủ, mây mù này.

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.