Đặc sản An Giang nhiều không kể xiết
Vùng đất An Giang được thiên nhiên ban tặng nhiều sản vật ngon khó quên mà không phải nơi nào cũng có.
Các loại mắm
Châu Đốc (An Giang) được mệnh danh là “vương quốc mắm” nhờ nằm ngay ngã ba sông Hậu, một trong hai nhánh của sông Mê Kông nổi tiếng với trữ lượng cá trong tự nhiên vô cùng phong phú. Đến Châu Đốc, bạn sẽ bắt gặp các loại hấp dẫn như mắm cá linh, cá lóc, cá trèn, ba khía, cá sặc… hay nổi tiếng nhất là mắm Thái được bày bán khắp nơi.
Mắm Châu Đốc có vị hơi ngọt đặt trưng của Nam bộ nhưng bên trong lại mặn, rất thích hợp ăn cùng cơm trắng, đặc biệt vào những ngày mưa. Giá các loại mắm dao động từ vài chục nghìn đến hơn 100.000 đồng mỗi kg.
Nhiều thương hiệu mắm nổi tiếng ở Châu Đốc làm theo công thức gia truyền riêng nên vị cũng khác nhau. Bạn hãy nhờ người bán tư vấn để chọn loại mắm ngon nhất về làm quà. Du khách có thể mua ở chợ Châu Đốc hoặc khu vực ngay chân núi Sam.
Bánh phồng Phú Mỹ
Làng nghề bánh phồng Phú Mỹ hình thành, tồn tại và phát triển gần 70 năm nay, có 50 cơ sở sản xuất, thu hút khoảng 300 lao động. Trong đó, các gia đình nổi tiếng có truyền thống làm bánh như gia đình cụ Lê Minh Dơn, Ngô Thị Dờn, Trần Văn Tâm…
Bánh phồng Phú Mỹ nhỏ bằng cái đĩa con nhưng khi nướng chín phồng to hơn cái quạt nan. Bánh vừa xốp, vừa mềm, cắn vào nghe “phao” miệng bởi vị béo của nếp, vị ngọt của đường, mùi thơm của sữa, mè, đậu nành, đậu phộng… tạo nên hương vị đặc trưng và không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết hay các dịp đám tiệc, cưới hỏi.
Các loại khô
Ngoài các loại mắm, khô cá cũng là món ăn nổi tiếng ở An Giang. Vì lượng cá quá nhiều và tươi ngon nên khô ở đây cũng đa dạng như khô cá linh, cá sặc, cá tra…
Châu Đốc còn có món khô bò rất ngon, chia làm 3 loại gồm khô bò vàng cứng và giòn, khô bò nâu sẫm cứng nhưng không giòn và khô bò nâu xốp giòn, dẻo. Khô Châu Đốc chính là một trong những món du khách rất hay mua về làm quà.
Quả mây gai và me Thái
Đến Châu Đốc, bạn rất dễ bị mê hoặc bởi những trái me Thái chín ngọt lịm thơm lừng bày bán khắp nơi. Thỉnh thoảng bạn cũng sẽ bắt gặp những sạp hàng bán mây gai, một loại quả đặc trưng mà ở Việt Nam, chỉ An Giang mới có.
Mây gai màu cam, khi chín ngả sang hơi đen, rất nhẹ, xuất xứ Thái Lan và được nhập về An Giang qua biên giới Campuchia. Bên ngoài quả có gai nhỏ nhưng không nhọn, rất dễ bóc vỏ. Mây gai có mùi thơm vừa giống mít, vừa có chút hương của núi rừng.
Sau khi bóc lớp vỏ gai, bạn sẽ được thưởng thức vị ngọt ngọt chua chua rất đặc trưng. Tuy nhiên, quả mây gai chỉ để được khoảng vài ngày. Bạn nên chọn mua quả chưa chín trước khi về để lúc biếu, món quà vẫn trong trạng thái tốt và vừa chín tới.
Cá leo nướng muối ớt
Một trong những món ăn mà bạn nhất định phải thử khi đặt chân lên mảnh đất An Giang là cá leo nướng muối ớt thơm ngon, béo ngậy. Cá leo là một loài nước ngọt, có giá trị dinh dưỡng cao. Loài cá này được phân bố ở nhiều vùng khác nhau và sông Tiền sông Hậu là nơi tập trung nhiều cá leo nhất.
Không còn gì thú vị hơn khi về vùng An Giang dạo quanh miền sông nước, thưởng thức món cá leo thơm ngon độc đáo trong không khí yên bình, trong lành vào dịp mùa nước nổi. Bạn có thể mua cá leo về làm quà với giá từ 100.000 đến 130.000 đồng/kg.
Thốt nốt
Nhắc đến An Giang, không thể quên những món ăn làm từ thốt nốt. Trong đó, thốt nốt tươi rất mềm, vị hơi giống dừa nhưng ăn mát hơn. Bạn cân nhắc mua loại ngâm sẵn trong hũ về làm quà. Chúng có thể để tới một năm, tuy nhiên tuyệt vời nhất vẫn là thốt nốt tươi.
Lưu ý quan trọng là thốt nốt tươi chỉ để được khoảng 2 – 3 ngày trong tủ lạnh, nước có bán sẵn ngoài chợ nhưng nên bảo quản trong vòng 24 giờ, khi mua về cần sử dụng liền. Ngoài ra, đường thốt nốt dùng để kho cá, pha nước chanh uống rất ngon và mát.
Gỏi sầu đâu
Cây sầu đâu mọc nhiều ở các vùng Tri Tôn, Châu Đốc, Tịnh Biên (An Giang). Món gỏi này được chế biến đơn giản, nhanh gọn. Lá non và hoa sầu đâu được rửa sạch trụng qua nước sôi cho bớt đắng, sau đó để ráo nước. Dưa leo, thơm (dứa) và xoài thái mỏng hoặc xắt sợi. Người miền Tây thường làm món gỏi sầu đâu khô cá lóc hoặc khô cá sặc. Khô cá nướng xé nhỏ, thịt ba chỉ luộc xong thái mỏng, cho thêm ít tôm bóc vỏ.
Về An Giang mùa này, nhiều quán ăn, nhà hàng có món gỏi sầu đâu khô cá sặc trong thực đơn, đừng ngại ngần gọi một đĩa. Còn nếu có người quen, bạn bè ở vùng Châu Đốc, chắc chắn bạn sẽ được “thết đãi” món ăn khiến bạn nhớ mãi, vì vị đắng, vì cái độc đáo của mùa nước về, và cả vì tâm tình của người miền Tây.
Cà na đập
Từ bao đời nay, cây cà na trở thành người bạn thân quen đối với người dân miền Tây. Rễ cây cà na thường bám chặt lấy nhau thành chùm nên giữ đất và có công dụng chắn sóng rất tốt. Bông cà na búp có màu xanh lợt, khi nở lại có màu trắng rất đẹp. Đến mùa nước nổi, những bông ấy sẽ trở thành những chùm trái căng tròn. Trái cà na có hình bầu dục, to bằng đầu ngón tay. Trái non có màu xanh, đến lúc chín ngả sang màu vàng lợt, vị chua chát thật hấp dẫn.
Chợ Châu Đốc chỉ có duy nhất một người bán cà na đập – món ăn được đặt tên theo cách chế biến. Quả cà na tươi, sau khi đập nát, vắt bớt nước và chà xát để ra hết chất chát thì đem dầm đường, chờ khoảng vài tiếng đồng hồ là có thể sử dụng.
Món này phải khéo léo sao cho quả cà na bị đập không quá nát, vẫn giữ màu xanh tươi sau khi chà xát, vắt nước nhưng hương vị còn nguyên, ăn vẫn giòn. Cà na đập ăn chung với muối ớt, vừa ngọt, vừa giòn rất ngon. Giá món này khá đắt, khoảng 100.000 đồng mỗi kg. Bạn có thể mặc cả nếu mua nhiều.
Tung lò mò
“Tung lò mò” chính là một tên gọi khác của món lạp xưởng bò. Đây là món ngon độc đáo của người Chăm ở An Giang. Từ lâu, người Kinh cũng ưa thích và chế biến món lạp xưởng bò gần giống như của người Chăm và hiện phổ biến rộng rãi ở phường Núi Sam, Châu Đốc, Tịnh Biên và Tri Tôn.
Khác lạp xưởng lợn, lạp xưởng bò sau khi làm xong chỉ cần phơi cho khô là có thể đem chiên hoặc nướng. Hấp dẫn nhất là lạp xưởng nướng trên bếp than hồng. Khi nướng chín xong cắt ra thành viên có màu đỏ hồng, hương bay thơm phức không còn mùi mỡ bò.
“Tung lò mò” nướng nên chín tới đâu, ăn tới đó. Bạn sẽ thấy vị ngọt bùi của thịt và mỡ bò, vị chua chua của cơm nguội lên men hòa cùng gia vị cay của ớt, lại ăn kèm với rau sống, rau cần tươi, vị chua của khế, vị chát của chuối sống. Lạp xưởng bò khi ăn phải chấm muối tiêu chanh hoặc tương ớt. Hấp dẫn hơn là có ăn kèm rau sống và ăn chung với bún hoặc bánh mì.
Cốm dẹp An Giang
Nếu người Hà Nội tự hào vì có cốm Làng Vòng thì người Khmer ở Trà Vinh, Sóc Trăng, An Giang cũng có món nếp dẹp để mời khách phương xa mỗi khi đến thăm nhà vào mùa gặt. Nếp trước lúc thu hoạch khoảng 10 ngày còn chưa già sẽ được gặt về trút lấy hạt ngâm nước nửa ngày vớt ra để ráo.
Ngâm nếp phải canh giờ nếu không ngâm lâu hạt nếp mềm cốm sẽ nhão, ngâm thời gian ngắn thì hạt nếp sẽ khô cứng. Rang nếp phải là người quen tay và rang trong nồi đất nhằm giữ được nhiệt nóng lâu hơn. Một lần rang rất mất thời gian và công sức chỉ một chén nếp, trút vừa đáy nồi đất giúp việc đảo rang được dễ dàng và hạt nếp nở chín dẻo đều.
Bún cá Long Xuyên
Bún cá nấu thì không quá khó, nhưng nó đòi hỏi sự khéo léo, kỳ công. Nước lèo sẽ được nấu từ nước luộc cá (có nhiều người bán còn cho thêm xí quách vào nấu để nước tăng thêm vị ngọt). Nấu sao mà nồi nước lèo phải trong, có vị ngọt của cá và đặc biệt không tanh mùi cá. Với món bún cá đòi hỏi người nấu phải chọn con cá lóc đồng còn tươi sống, thì khi nấu thịt cá mới có thể ngon và ngọt.
Cá sau khi luộc chín, gỡ lấy phần nạt và bỏ đi phần đầu và xương cá. Khi bóc cá đòi hỏi sự khéo léo, cẩn thận vì nếu xương cá còn sót lại thì rất dễ bị hóc xướng cá. Phần nạc cá sẽ được ướp gia vị cùng với bột nghệ (hoặc nghệ tươi tùy theo người nấu) và xào sơ cho thấm gia vị để lấn át mùi tanh của cá.
Tô bún cá dọn ra bắt mắt với màu vàng ươm của cá lóc đồng, bắp chuối cắt mỏng và màu xanh của rau muống và rau răm. Bên cạnh tô bún là cái đầu cá lóc nóng hồi đặc biệt kèm với chén muối ớt và chanh làm cho món bún lại càng thêm hấp dẫn.
Bò cạp Bảy Núi
Bò cạp hay còn gọi là “bù kẹp”, có màu đen nhánh, hai càng to kềnh, to cỡ con dế cơm. Thoạt nhìn bò cạp trông giống như con gián bò lổn ngổn. Về vùng Bảy Núi có thể thấy loại này được bán dọc hai bên đường. Để có được những con bò cạp thế này, những người chuyên săn lùng con vật này phải lên núi mới có. Họ trang bị một cây cuốc, một cây kẹp và một cái xô. Tìm thấy tảng đá nào khả nghi, họ chỉ cần lật tảng đá sang một bên, nhìn miệng hang thò kẹp vào.
Sau khi “thu hoạch” xong, họ mang bò cạp về bỏ vào thau vài ngày cho “sạch bụng”. Để nguyên con vậy và rửa sạch, cho vào chảo mỡ hoặc dầu đang sôi. Khoảng vài phút sau, bò cạp chín, bốc mùi thơm lạ lùng. Bò cạp dùng kèm rau thơm, cà chua, dưa leo và vài cọng ngò, chấm với muối tiêu chanh. Cắn một miếng, giòn rụm và vị beo béo. Theo những người sành ăn món này, bụng của bò cạp mới là phần ngon nhất. Và món ăn này “chống chỉ định” cho những cô nàng sợ côn trùng.
Ngoài những món ngon trên, khi đến An Giang bạn cũng không nên bỏ qua lẩu mắm Châu Đốc, ba khía muối, xôi phồng chợ mới hay bò bảy món núi Sam…
Mimi tổng hợp
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.