Cuối tuần rảnh rỗi nấu ngay 6 món ngon này cả nhà vừa ăn vừa xuýt xoa không ngớt
Mỗi món ăn đem lại hương vị hấp dẫn khác nhau đảm bảo ai ăn cũng thích mê.
CÁ NƯỚNG LÁ CHUỐI
Nguyên liệu:
– 500g cá rô phi phi lê
– 5-7 củ sả; 2 củ hành
– 1 củ tỏi; 1 nhánh gừng; 2 quả ớt hiểm
– Gia vị: Dầu hào, dầu ăn, bột nghệ, bột canh, bột nêm.
– Khế, chuối xanh, rau thơm ăn kèm
– Nem cuốn
– Lá chuối (nếu ở thành phố, bạn có thể tìm mua ở các hàng bán các loại rau thập cẩm)
Cách làm:
Cá phi lê sau khi làm sạch dùng khăn thấm khô và cắt làm 2-3 miếng cỡ vừa (không nên cắt bé vì cá sẽ bị nát).
Sả, hành, tỏi bóc lớp vỏ ngoài, cắt sả thành miếng nhỏ rồi cho vào xay nhuyễn cùng với ớt hiểm.
Đổ hỗn hợp vừa xay ra bát trộn cùng với 2 thìa dầu hào, 2 thìa dầu ăn, 1 thìa bột nêm, 1 thìa hạt tiêu, 1 thìa bột canh, 1 ít gừng thái chỉ. Trộn đều thành khối đồng nhất.
Cho phần hỗn hợp này vào cá, sát phần gia vị đều lên cá và ướp cá khoảng 30 phút trước khi nướng.
Lá chuối rửa sạch, lau khô. Đặt cá vào giữa rồi gấp lại.
Xếp cá nướng vào vỉ và nướng (bạn có thể nướng bằng lò nướng ở nhiệt độ 200 độ C). Khi thấy lớp lá chuối ngoài khô, giòn, có mùi thơm là cá chín.
Cá chín, xếp ra đĩa ăn kèm với bún chấm mắm gừng chua ngọt.
NGAN GIẢ CẦY
Nguyên liệu: Ngan, riềng, sả, mẻ, mắm tôm, gia vị
Cách làm:
– Ngan các bạn chọn loại ngan già, dày thịt và ít mỡ. Ngan làm sạch, nướng qua trên lửa cho xém phần da ngan, tạo cho da ngan có cảm giác giòn và thơm.
– Chặt ngan thành miếng vừa ăn, ướp ngan với riềng, mẻ, mắm tôm, sả và gia vị trong vòng 20 phút.
– Cho nồi ngan lên bếp đun với lửa vừa, khi nồi ngan sôi các bạn đậy vung đun nhỏ lửa đến khi thịt ngan mềm và nước ngan sánh lại thì tắt bếp. Với cách làm đơn giản như vậy mình đã có món ngan nấu giả cầy thơm ngon rồi, măm thôi.
SƯỜN XÀO CHUA NGỌT
Nguyên liệu:
– 500g sườn non
– 2 quả cà chua chín
– 4 củ hành khô
– 4 nhánh tỏi
– 1 quả ớt
– 2 thìa canh đường; 1 thìa cà phê muối; 20ml dầu ăn;1 thìa canh hạt nêm; 50ml dấm (có thể thay thế bằng nước cốt chanh)
Cách làm:
Sườn chặt thành những miếng to nhỏ tùy ý. Như mình thì thích chặt to hơn. Sườn sau khi chặt thì rửa sạch rồi chần qua nước sôi khoảng 2 phút cho hết sạch bọt bẩn. Ướp với 1 thìa cà phê đường, ½ thìa cà phê hạt nêm để ngấm trong vòng 20 phút.
Hành, tỏi bóc vỏ, băm nhỏ. Cà chua rửa sạch, bổ miếng vừa. Ớt rửa sạch, băm nhỏ.
Sau khi sườn ngấm gia vị thì cho sườn vào chảo chiên vàng 2 mặt.
Pha nước sốt chua ngọt vào một bát con: cho 1 thìa canh đường, 1 thìa cà phê muối, 2 thìa canh dấm và 3 thìa canh nước sôi nguội hòa đều sau đó thả ớt băm nhỏ vào.
Đặt chảo lên bếp, cho dầu ăn vào, đợi dầu nóng, cho hành, tỏi băm vào phi thơm, thả cà chua vào xào nát, có thể vớt bớt vỏ cà chua bỏ đi, sau đó thả sườn vào đảo đều nhỏ lửa trong vòng 2 phút.
Bước tiếp theo, cho từ từ nước sốt chua ngọt vào đảo đều đun nhỏ lửa tới khi miếng sườn xào chua ngọt mềm. Sườn xào chua ngọt mềm thì bày sườn ra đĩa và thưởng thức cùng cơm nóng.
LÒNG NƯỚNG
Nguyên liệu
– Lòng non: 0.5kg
– Ngũ vị hương: 1 gói
– Rau thơm, 1 mẩu gừng, 1-2 quả chanh
– Dụng cụ làm lòng nướng
– Xiên che, than hoa để nướng
Cách chọn lòng non ngon
– Tốt nhất chị em nên đi chợ buổi sáng để mua lòng, thời điểm này lòng sẽ được tươi mới.
– Ngoài ra, chị em nên chọn những khúc đầu của lòng, vì khúc đầu này sẽ dày, giòn hơn khúc cuối. Chọn những phần lòng căng tròn, dịch bên trong có màu trắng sữa.
– Không chọn những đoạn lòng mỏng, bên trong có màu vàng, những đoạn lòng này sẽ rất đắng và dai.
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế lòng
– Lòng bóp rửa sạch với chanh và muối. Luộc lòng trong nước sôi có chút gừng và muối, chỉ luộc từ 1-2 phút.
– Sau đó lấy ra rửa lại với nước, cắt miếng vừa ăn rồi rửa lại lần nữa cho ráo.
Bước 2: Ướp lòng
– Ướp lòng với 1/2 muỗng canh đường, 1 muỗng cà phê hạt nêm, xíu ngũ vị hương, sa tế, dầu hào vừa đủ, 1/2 muỗng canh nước mắm, tiêu, hành tỏi. Trộn đều tất cả, ướp trong 30 phút.
Bước 3: Làm nước chấm
– Nước mắm hoặc mắm nêm đều được.
– Làm nước chấm bằng nước mắm: 2 muỗng canh đường, 1 muỗng canh nước sôi để nguội, 1 muỗng nước mắm nấu cho sôi nhẹ, tắt bếp để nguội, khi ăn cho gừng tỏi băm nhỏ, thêm lá chanh (tùy thích).
Bước 4: Nướng lòng
– Nhóm bếp than hoa lên, sau đó xiên lòng và que xiên, cho lên nướng chín. Thỉnh thoảng lật để lòng chín đều, không bị cháy.
Thưởng thức
Ăn lòng khi đang còn nóng với nước chấm và rau sống.
NÕN ĐUÔI NHỒI SỤN CHIÊN
Nguyên liệu:
– Nõn đuôi lợn (heo) có một số vùng có tên gọi khác: Một số vùng lại gọi là Khấu linh, khu vực Bắc miền Trung (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh,…) lại gọi là Nõn đuôi hay khấu đuôi,…: Cần lượng nõn đuôi dài tổng cộng khoảng 30-35cm (khoảng 300gr)
– Sụn mềm băm nhỏ hoặc xay nhỏ 150-200gr (Lượng sụn này cũng chỉ tương đối vì phụ thuộc vào nõn đuôi to hay nhỏ (nếu nõn đuôi có loại nhỏ thì chỉ cần khoảng 100-150gr).
– Lạc hoặc đỗ xanh đã cà vỏ
– Rau húng quế (còn gọi là húng giổi, húng chó, húng vịt, húng lợn,…): đây là loại rau để tạo mùi vị chủ đạo của món dồi này.
– Rau răm, hành lá, mùi tàu (ngò gai)
– Hành củ, tỏi băm
– Nước mắm, gia vị (hoặc hạt nêm), hạt tiêu xay
Cách làm:
Rửa sạch nõn đuôi bằng dấm hay muối, khi rửa phải bóp thật kỹ, vừa bóp vừa tuốt cho sạch nhớt cả bên ngoài và bên trong.
Các loại rau (húng quế, rau răm, hành lá, mùi tàu) thái nhỏ. Tỏi hành băm nhỏ. Lạc ngâm nước ấm, bóc sạch vỏ rồi băm hoặc xay nhỏ.
Đun sôi nước, nêm chút muối, cho nõn đuôi vào luộc qua. Trộn đều thịt sụn, lạc băm nhỏ, hành củ băm, các loại rau đã thái nhỏ, hạt tiêu, gia vị (mắm, muối).
Luộc qua để nõn đuôi bớt nhớt, bớt hôi và không bị phình không đều khi nhồi. Nếu nõn đuôi tươi, rửa sạch kỹ và nhồi đã có kinh nghiệm thì có thể không cần luộc qua. Đặc biệt nếu bước chế biến sau cùng không rán (chiên) mà nướng thì không cần luộc qua món ăn sẽ thơm hơn.
Buộc một đầu đoạn nõn đuôi, nhồi tất cả thịt đã trộn đều vào thành dồi, lưu ý vừa nhồi vừa vuốt cho đều nhân để món ăn trông tròn đều. Nhồi xong buộc chặt đầu còn lại.
Đun nước với chút muối cho món dồi nõn đuôi đã nhồi vào hấp chín hoặc luộc, khi sôi giảm nhỏ lửa để dồi chín, lưu ý khi luộc hay hấp thỉnh thoảng dùng tăm nhọn xăm lỗ để món dồi không bị phình và bục vỡ. Khi xăm không thấy nước đỏ chảy ra là dồi đã chín.
Nếu sau này không rán mà nướng thì có thể không cần luộc chín mà cho lên nướng ngay món ăn sẽ thơm hơn. Nướng có thể các bạn nướng trong lò điện hoặc nướng trên bếp than hoa. Mình chia sẻ thêm cách chiên món nõn đuôi nhồi cũng là một cách làm nhanh rút ngắn thời gian mà thành phẩm ra vẫn thơm ngon.
Bắc chảo lên bếp, cho mỡ hay dầu ăn đun nóng già, cho dồi nõn đuôi vào rán (chiên) vàng, có thể chiên giòn bên ngoài tùy ý thích.
Món nõn đuôi nhồi sụn thành phẩm có mùi thơm đặc trưng của lá húng quế. Khi ăn thái mỏng, chấm với nước chấm pha mắm, tỏi, tương ớt, nước, dấm (hoặc chanh), hạt tiêu cho có vị chua cay, ngọt.
BA CHỈ NƯỚNG SẢ ỚT
Nguyên liệu
– 600gr thịt ba chỉ
– 2 quả ớt sừng – 3 cây sả – 1 củ tỏi; 2 củ hành khô – 1-2 thìa nước mắm – 1 thìa bột canh; 1 thìa cà phê ngũ vị hương – 1 thìa đường; 1 thìa cà phê tiêu – 1 chút bột ngọt; 1 thìa bột ớt, nếu thích cay hơn
Cách làm:
Thịt ba chỉ đem rửa sạch sẽ, thấm khô. Bạn có thể lọc bỏ bì hoặc để nguyên tùy theo ý thích. Sả tước bỏ bớt lá già bên ngoài sau đó rửa sạch, đập dập rồi băm nhỏ. Ớt bỏ hạt hoặc để nguyên rồi băm nhỏ. Hành tỏi bóc sạch vỏ cũng đem băm nhỏ.
Cho thịt ba chỉ vào 1 cái tô to sau đó cho tất cả nguyên liệu đã chuẩn bị vào cùng. Đeo bao tay và xoa bóp đều khắp miếng thịt để thịt ngấm đều gia vị. Ướp thịt qua đêm hoặc ít nhất 4 tiếng.
Bật lò nướng 220 độ C làm nóng lò nướng hoặc bạn cũng có thể nướng bằng than hoa. Xếp thịt ba chỉ lên giá sắt, phía dưới dùng khay nướng để hứng nước mỡ chảy ra trong quá trình nướng.
Nướng khoảng 20 phút, lấy ra lật miếng thịt rồi nướng tiếp, sau khoảng 10 phút lại lấy ra lật thịt và nướng tới khi miếng thịt chín vàng, thơm lừng là được.
Thái thịt ba chỉ nướng sả ớt thành những miếng mỏng vừa ăn, bày ra đĩa thưởng thức với cơm hoặc bún đều rất ngon.
Theo: Eva