Cuối tuần làm bánh đậu xanh hấp, công thức đơn giản mà ăn vào ai cũng khen tấm tắc!
Chè đậu xanh dân dã là món giải nhiệt vào mùa hè nóng nực mà già trẻ lớn bé đều thích.
Đậu xanh có nhiều lợi ích cho cơ thể. Nó giúp làm giảm các tác động về tim mạch và mạch máu não, nhồi máu cơ tim vào mùa hè. Đồng thời, đậu xanh có tác dụng tăng cảm giác thèm ăn, thải độc tố khỏi cơ thể, bảo vệ sức đề kháng của thận.
Khi dùng đậu xanh nấu chè hay làm bánh, không nên bỏ phần vỏ vì phần vỏ này có tác dụng thanh nhiệt, phần hạt có tác dụng giải độc, nên kết hợp để tăng hiệu quả cho việc thải độc tố cho cơ thể.
Cách làm bánh đậu xanh hấp
Nguyên liệu cần thiết
– Đậu xanh: 300g
– Táo: 1 quả
– Trứng: 2 quả
– Bột năng: 300g, men nở: 5g
– Mè đen: 1 nhúm, nho khô: 1 nhúm để trang trí
Cách thực hiện
Đậu xanh rửa sạch, ngâm nước 5 giờ hoặc qua đêm. Táo rửa sạch cắt thành khối vuông nhỏ. Đậu xanh sau khi ngâm xong bỏ nước, thêm 2 quả trứng và táo, đổ vào máy xay. Thêm lượng nước thích hợp rồi xay nhuyễn thành bột.
Đổ bột đậu xanh vào tô, thêm men nở và bột năng. Vừa đổ vừa nhồi cho bột thành khối mịn. Quét dầu vào khuôn, đổ bột đậu xanh vào. Để bột nghỉ đến khi nở gấp đôi. Sau khi bột nở đủ, phồng đều thì ấn cho xẹp không khí, rắc một chút mè đen và nho khô lên trên. Hấp cách thủy trong khoảng 40 phút (dùng nước lạnh hấp bánh ăn sẽ ngon hơn).
Bánh thành phẩm bông xốp, mềm và có mùi thơm của đậu xanh.
Chúc bạn thành công với cách làm bánh đậu xanh hấp này nhé!
4 kiểu người cần thận trọng khi
dùng đậu xanh
Mùa hè ăn chè hoặc cháo, canh đậu xanh đều tốt nhưng có 4 kiểu người này cần thận trọng khi sử dụng.
Phụ nữ đang trong thời kỳ kinh nguyệt
Kể cả khi trời nóng, phụ nữ đang trong thời gian hành kinh, đặc biệt người bị đau bụng kinh không nên ăn đậu xanh. Đậu xanh có tính hàn, không thích hợp sử dụng trong thời gian hành kinh. Nếu không sẽ làm cơ thể bị nhiễm lạnh nặng hơn, dẫn đến việc đau bụng kinh dai dẳng và trầm trọng hơn.
Người dễ bị tiêu chảy
Chính vì đậu xanh có tính hàn, ăn nhiều dễ bị tiêu chảy. Nếu đang bị tiêu chảy, không nên ăn đậu xanh, nếu không sẽ khiến tình trạng nặng hơn.
Ngoài ra, những người có cơ địa lạnh như tay chân lạnh, hay đau lưng cũng không nên ăn nhiều đậu xanh.
Người đang dùng thuốc
Những người đang uống thuốc bổ chứa canxi hoặc phốt pho hữu cơ, magiê thì cũng nên hạn chế ăn đậu xanh vì sẽ tạo kết tủa, làm giảm tác dụng của thuốc. Đồng thời, những người dùng thuốc Đông y cũng không nên dùng chè hoặc nước đậu xanh kẻo sẽ phá hết tác dụng của thuốc.
Người có hệ tiêu hóa kém
Những người bị dạ dày hoặc đại tràng, táo bón, người có chức năng tiêu hóa kém thì không nên dùng nhiều đậu xanh. Bởi đậu xanh giàu đạm thực vật cần enzym chuyển hóa, nếu đường tiêu hóa kém thì gây ra tình trạng khó tiêu, không hấp thụ được chất đạm này. Qua đó, sẽ khiến các bệnh về dạ dày trở nặng thêm.
2 điều kiêng kỵ cần tránh khi dùng đậu xanh
Không được ăn đậu xanh mỗi ngày
Dù đậu xanh có nhiều tác dụng tốt cho cơ thể nhưng không vì thế mà dùng hàng ngày. Đậu xanh là thực phẩm mang tính hàn, ăn quá thường xuyên sẽ ảnh hưởng khí huyết trong cơ thể, làm lạnh bụng, không tốt cho hệ tiêu hóa.
Đồng thời, không nên dùng đá viên kèm đậu xanh sẽ làm tăng mức độ lạnh. Ăn các món từ đậu xanh quá nhiều một lúc sẽ dẫn đến tiêu chảy. Đặc biệt, với trẻ em dưới 6 tuổi hạn chế dùng đậu xanh, ăn uống nhiều sẽ làm tổn thương dạ dày.
Không ăn hoặc uống đậu xanh lúc đói bụng
Đậu xanh có tính lạnh và có thể kích thích dạ dày nên không thích hợp uống lúc đói.
Theo: Afamily
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.