Có món nước giúp phục hồi sinh lực sau ốm dậy, lại chống lão hóa cực tốt, bán đầy ngoài chợ chỉ 5 nghìn đồng
Thức uống này phù hợp quanh năm, mùa hè chỉ cần thêm đá, mùa đông uống ấm sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Chuẩn bị nguyên liệu
- Tía tô đỏ, đường, nước, giấm táo
Nước tía tô có màu hồng rất nịnh mắt. Đặc biệt, hương vị của chúng rất và tuyệt vời. Nước ép tía tô đỏ là một thức uống phổ biến trong mùa hè. Chúng cũng được sử dụng các mùa khác trong năm với công dụng phục hồi sinh lực sau ốm dậy, thải độc cơ thể và chống lão hóa tốt.
Loại tía tô dùng làm nước ép là loại tía tô ta màu đỏ, cho màu hồng đậm đà và hương vị thơm mát hơn. Loại tía tô xanh không lên màu đẹp và cũng không có vị the mát bằng. Tía tô đỏ có sự the mát hòa quyện nhẹ nhàng của bạc hà và mùi thơm của đất.
Tía tô đỏ được dùng nhiều để tạo màu trong ẩm thực. Món gừng hồng nổi tiếng của Nhật Bản cũng dùng nhiều tía tô đỏ để ngâm mà không phải củ dền như nhiều người vẫn lầm tưởng.
Ngoài màu sắc đậm đẹp, nước ép tía tô đỏ mang lại nhiều công dụng tốt cho sức khỏe như chống viêm, cung cấp chất chống oxy hóa; kháng khuẩn, kháng vi rút; cung cấp sắt, canxi; cải thiện chức năng miễn dịch; hỗ trợ tốt cho người đau dạ dày và rối loạn tiêu hóa.
Hãy thêm loại nước ép mộc mạc, dân dã này vào chế độ ăn uống của bạn và cả gia đình để tăng sức đề kháng, phục hồi sinh lực khi mệt mỏi nhé!
Cách nấu nước tía tô đỏ
Chuẩn bị đầy đủ nguyên liệu để làm nước tía tô đỏ.
Rửa sạch lá tía tô. Có thể ngâm với chút bột mì hoặc baking soda để làm sạch vi khuẩn ở lá.
Đun sôi lượng nước phù hợp. Bỏ lá tía tô đỏ vào nồi.
Đun sôi khoảng 5 phút để tía tô ra hết màu đỏ. Màu nước sẽ từ từ chuyển sang hồng tím. Phần lá tía tô sẽ chuyển sang màu xanh.
Sau khi nấu nước tía tô xong, vớt phần lá ra. Dùng thìa hoặc muôi ép hết phần nước.
Bật bếp trở lại, thêm đường và khuấy tan hoàn toàn.
Thêm giấm táo, tắt bếp và để nguội nước tía tô.
Lúc này, ta được nước tía tô. Đợi nguội và đổ vào lọ thủy tinh sạch đã được khử trùng.
Nước tía tô có thể cất trữ trong tủ đông từ 6 đến 12 tháng. Mỗi lần sử dụng, dùng dụng cụ sạch để chắt nước ép ra pha.
Phần lá bạn có thể tận dụng để làm món tía tô khô rắc cơm.
Thêm một chút nước tía tô lúc trước vào phần lá. Trải đều lá tía tô lên khay nướng có lót giấy nến.
Sấy khô trong lò nướng hoặc để khô ngoài trời.
Cho lá tía tô đã khô vào máy xay và xay thành bột mịn.
Cất vào lọ và cho thêm muối tùy thích. Ngoài ra, bạn có thể cho thêm mè đen hoặc trắng để làm muối vừng tía tô rắc cơm cũng rất tiện lợi và bổ dưỡng.
Như vậy, chỉ với bó tía tô vài nghìn đồng mua ngoài chợ, bạn có thể chế được loại nước ép bổ dưỡng cho sức khỏe. Đồng thời lại tận dụng làm được món muối vừng tía tô thơm ngon, bổ dưỡng.
Nếu bạn muốn bảo quản nước tía tô trong khoảng thời gian dài thì không nên giảm lượng đường. Đường giúp si rô để được lâu, vẫn giữ được vị ngon mà không bị nấm mốc. Khi thêm giấm vào nước tía tô là để màu sắc đậm đẹp, tươi sáng mà không bị thâm xỉn. Không nên thêm quá nhiều giấm, chỉ cần lượng vừa đủ. Bạn có thể dùng giấm gạo, nước cốt chanh thay cho giấm táo.
Khi muốn sử dụng nước tía tô, bạn chỉ cần pha loãng nước tía tô đã nấu, thêm đá nếu dùng lạnh, thêm nước nóng nếu muốn dùng ấm. Ngoài ra, bạn có thể dùng pha với nước có ga, rượu nhẹ để pha chế cocktail nếu thích. Các tỉ lệ pha chế cho vị ngon nhất là 1:1 hoặc 1:2.
Nước tía tô đỏ mang lại cho bạn cảm giác ngon miệng trong những ngày nóng bức và giúp bạn phục hồi sinh lực những lúc mệt mỏi, kiệt sức. Thêm nước ép tía tô vào chế độ ăn uống hàng ngày để kháng khuẩn, kháng virus, bảo vệ cho cơ thể cũng rất tốt.
Chúc các bạn thành công với cách nấu nước tía tô này nhé!
Theo: Afamily
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.