Chuyên gia phong thủy gợi ý lễ vật và ngày giờ cúng ông Công ông Táo chuẩn nhất
Theo các chuyên gia phong thủy, lễ vật và ngày giờ cúng ông Táo phải chuẩn mới đem tài lộc về nhà.
Theo phong tục cổ truyền của người Việt, Táo quân chính là vị quan túc trực quanh năm để cai quản mọi việc ở hạ giới. Thần Táo quân gồm 3 người, 2 táo ông và 1 táo bà. Hàng năm cứ đến ngày 23 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch), thần Táo quân cưỡi cá chép lên thiên đình để bẩm báo với Ngọc Hoàng mọi việc tốt xấu trong năm của từng người trong gia đình để có thưởng phạt công minh. Vì thế, ngày 23 tháng Chạp còn gọi là ngày Tết ông Táo.
Còn người dân, để thể hiện tấm lòng thành kính với các Táo, thường sửa soạn các lễ vật, mâm cỗ cúng, tiễn ông táo về trời.
Lễ vật cúng ông Công ông Táo chuẩn nhất
Theo chuyên gia phong thủy Phạm Cương, nếu nhà có ban thờ Táo quân (thường đặt gần bếp) thì thắp hương ở ban thờ này. Nếu không có ban thờ Táo quân riêng thì phải thắp hương ở ban thờ thần linh hoặc gia tiên chứ không nên cúng lễ ở bếp vì từ xưa đến nay, ban thờ luôn được coi là “ăng ten” để giao tiếp giữa hai thế giới âm dương, giữa người trần thế và thần linh.
Chuyên gia phong thủy Phạm Cương
Lễ vật cúng ông công ông Táo thường bao gồm mũ ông công ông Táo, mâm cỗ mặn và cá chép.
– Đầu tiên là về ba chiếc mũ ông Công, ông Táo: hai chiếc mũ ông Táo có cánh chuồn, một chiếc mũ bà Táo không có cánh chuồn. Để giản tiện, cũng có khi người ta chỉ cúng tượng trưng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) lại kèm theo một chiếc áo và một đôi hia bằng giấy. Màu sắc của mũ, áo hay hai ông Công thay đổi hàng năm theo ngũ hành. Những đồ này (mũ, áo, hia, và một số vàng thoi bằng giấy) sẽ được đốt đi sau lễ cúng ông Táo vào ngày 23 tháng Chạp.
– Ngoài mũ ông công, mỗi gia đình thường chuẩn bị 1 mâm cỗ mặn cùng các lễ vật khác như bánh kẹo, trầu cau, rượu, hương, đèn nến, lọ hoa tươi, đĩa ngũ quả tươi, tiền vàng và 3 con cá chép sống.
Mâm cỗ mặn cúng ông Táo (Ảnh: Thanh Hoan)
Mâm cỗ cúng Táo quân trong truyền thống bao gồm rất nhiều món. Một mâm cỗ đầy đủ nhất thường có: 1 đĩa gạo, 1 đĩa muối, 5 lạng thịt vai luộc, 1 bát canh mọc, 1 đĩa xào thập cẩm, 1 đĩa giò, 1 con cá chép rán (hoặc cá chép sống), 1 đĩa xôi gấc, 1 đĩa chè kho, 1 đĩa hoa quả, 1 ấm trà sen, 3 chén rượu, 1 quả bưởi, 1 quả cau, lá trầu, 1 lọ hoa đào nhỏ, 1 lọ hoa cúc, 1 tập giấy tiền, vàng mã.
Hiện nay do cuộc sống bận rộn nên mâm cỗ cúng cũng đơn giản hơn, không nhất thiết phải có đầy đủ các món ăn trên. Ngoài vàng mã thì tùy theo từng gia cảnh, người ta hoặc làm mâm cỗ mặn (với xôi gà, chân giò luộc, các món nấu nấm, măng…) hay lễ chay (với trầu cau, hoa, quả, giấy vàng, giấy bạc…) để tiễn Táo quân về trời.
Ngày, giờ cúng Táo quân
Tuy 23 tháng Chạp (âm lịch) mới là ngày chính các Táo về trời, nhưng phần lớn nhiều người đã cúng từ vài hôm trước. Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà cho biết, “Mọi người có thể cúng trước ngày 23 nhưng chỉ nên cúng từ ngày 20 âm lịch trở đi”.
Chuyên gia phong thủy Nguyễn Song Hà
Chuyên gia lý giải, lý do không thể cúng trước ngày 20 trở về trước vì từ ngày 15-19 âm lịch vẫn còn khí của ngày Rằm. Trong đó, 15 là Rằm, 16 trăng tròn, 17 ngày xấu sẽ không ai cũng, 18 là ngày Tam nương, còn ngày 19 là ngày tận cùng từ đầu 1 đến đầu 2 nên cũng không ai thích. Do đó, bà nhấn mạnh, cúng Táo quân có thể cúng từ ngày 20 đến ngày 23.
Về giờ cúng Táo quân cũng rấy quan trọng. Chuyên gia Nguyễn Song Hà chia sẻ, “mọi người nên cúng trước giờ Ngọ (tức là trước 12 giờ trưa), bất đắc dĩ lắm mới cúng quá giờ ngọ. Nếu mọi người bận quá cũng phải cúng trước giờ Hợi (trước 23 giờ) và phải cúng giờ Tuất trở ra (trước 19-21 giờ). Mọi người không nên cúng 22 giờ bởi giờ đó muộn rồi, theo dân gian như vậy ông Công ông Táo sẽ bị nhỡ tàu, nhỡ xe, không kịp lên chầu Ngọc Hoàng”.
Theo Eva
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.