Chiều thứ 7 vào bếp nấu bữa ăn ngon
Cuối tuần có nhiều thời gian chị em hãy cùng gia đình vào bếp để chế biến các món ăn hấp dẫn nhất nhé!
Mực sốt me
Nguyên liệu:
– Mực tươi: 400g
– 1 vắt me nhỏ
– 1 nhánh gừng
– 1 trái ớt, tỏi
– Rượu trắng
– Gia vị: bột nêm, nước mắm, muối, tiêu, đường, dầu ăn.
Thực hiện:
Bước 1: Me ngâm nước nóng cho mềm, sau đó cho qua rây lọc lấy phần thịt me. Gừng cạo vỏ, rửa sạch, ½ thái sợi và ½ còn lại bằm nhỏ. Tỏi bóc vo, rửa sạch, bằm nhỏ. Ớt cũng rửa sạch thái lát.
Bước 2: Mực làm sạch, bóp sơ với chút gừng đã bằm nhỏ ở trên, sau rửa lại với chút rượu trắng cho khỏi tanh. Sau đó để ráo, thái khoanh tròn vừa ăn.
Bước 3: Ướp mực với chút bột nêm, tiêu và ½ chỗ thịt me ở trên. Dùng màng bọc thực phẩm bao kín để trong tủ lạnh khoảng 15 phút.
Bước 4: Bắc chảo lên bếp, cho 1 thìa dầu ăn, dầu nóng cho tỏi bằm vào phi thơm. Sau đó cho mực vào đảo săn lại. Tiếp đến cho hết chỗ nước sốt me còn lại vào, thêm chút nước mắm, đường, nêm nếm vừa miệng, đun thêm khoảng 1-2 phút cho nước sốt sánh lại.
Tắt bếp, cho gừng đã thái sợi và ớt vào đảo đều. Cho mực sốt me ra đĩa và thưởng thức nhé!
Chim cút quay
Nguyên liệu:
– 6 con chim cút
– 4 tép tỏi; 1 củ hành tím
– Gia vị: 1/2 muỗng cà phê hạt tiêu; 1 muỗng canh đường; 3 muỗng canh xì dầu; 1 muỗng canh dầu hào; 1 muỗng cà phê mật ong; 400 ml nước dừa tươi hay nước lạnh.
– 1 nhánh ngò lấy phần gốc, phần lá dùng trang trí.
Thực hiện:
Bước 1: Chim cút cắt đôi, rửa sạch (bỏ hết phần máu dư thừa), để ráo.
Bước 2: Tỏi, hành, ngò, tiêu giã nhuyễn.
Bước 3: Sau đó cho vào ướp thịt chim cút cùng với các gia vị còn lại trộn đều ướp ít nhất 1 tiếng cho thịt thấm.
Bước 4: Bắc chảo dầu lên bếp (không cần nhiều dầu). Chờ dầu nóng cho từng miếng cút vào chiên với lửa vửa, khi cút vàng đều.
Bước 5: Bạn đổ bớt dầu ra chén, sau đó cho nước dừa tươi cùng nước ướp chim cút vào rim với lửa nhỏ. Rim cho đến khi nào nước sánh lại và hơi cạn thì tắt bếp.
Xếp xà lách ra đĩa, sau đó cho cút quay chảo lên trang trí với hoa cà rốt cùng chén tương ớt cho hấp dẫn.
Canh trùng trục nấu dứa
Nguyên liệu:
– Trùng trục: 1 kg
– 1 trái dứa xanh, 2 trái cà chua, hành củ, rau răm, hành lá, ớt.
– Gia vị: Muối, bột nêm, dầu ăn.
Thực hiện:
Bước 1: Trùng trục rửa sạch, ngâm trong nước vo gạo hoặc nước có thêm vài trái ớt xắt cho trùng trục nhả hết chất bẩn bên trong. Ngâm khoảng 1h, sau đó rửa lại thật sạch, cho ra rổ cho ráo.
Bước 2: Luộc chín trùng trục với chút muối, đổ ra rổ để nguội, nhặt nhân, phần nước để lắng và gạn lấy phần nước trong.
Nhân đem rửa sạch, để ráo.
Bước 3: Cà chua rửa sạch, bổ múi. Dứa gọt vỏ, bỏ mắt, thái miếng.
Bước 4: Hành củ bóc vỏ, rửa sạch, bằm nhỏ. Hành lá bỏ rễ, rửa sạch, xắt nhỏ. Rau răm nhặt bỏ đoạn gốc già, rửa sạch, xắt nhỏ. Ớt trái rửa sạch, thái lát.
Bước 5: Cho nồi lên bếp, thêm thìa dầu ăn. Khi dầu nóng già cho hành củ vào phi thơm, tiếp đó cho trùng trục và chút gia vị vào đảo đều cho ngấm. Xúc nhân ra bát để riêng.
Bước 6: Thêm 1 thìa dầu ăn nữa và cho cà chua vào cào chín. Tiếp đó, cho phần nước luộc trùng trục vào nồi, nêm chút gia vị. Khi nước sôi thả dứa vào đun sôi khoảng 1 phút cho dứa chín, chút phần nhân đã xào ở trên trở lại nồi, nêm nếm vừa ăn. Khi bạn sử dụng dứa xanh thì vị chua của dứa cùng với cà chua đã đủ không cần thêm me hay sấu. Tuy nhiên, nếu trái dứa ngọt bạn nên cho thêm chút me hay sấu để món canh có vị chua ngọt đặc trưng.
Sau đó tắt bếp, cho canh ra bát tô, thêm chút hành răm xắt nhỏ và vài lát ớt xắt là được.
Đậu que luộc
Đậu que tước vỏ, cắt khúc vừa ăn, rửa sạch để ráo. lấy 1 lượng nước vừa đủ cho chút muối vào đun sôi. Nước sôi thì cho đỗ vào nấu, khi đỗ chín thì gắp bày ra đĩa. Nêm thêm muối, hạt nêm vào nồi nước luộc, lấy 1 trái cà chua bổ múi cau cho vào nấu chín làm canh, sau đó múc canh ra tô.
Gỏi dưa leo tôm thịt
Món gỏi thường được dùng làm món khai vị trong các bữa tiệc. Vị chua ngọt thanh mát của món ăn sẽ kích thích sự ngon miệng của thực khách. Mời các bạn cùng trổ tài với món gỏi dưa leo tôm thịt nhé.
Nguyên liệu:
– 2 trái dưa leo lớn
– 1 củ cà rốt
– 200 gram tôm thẻ
– 100 gram thịt đùi hoặc ba rọi ít mỡ
– Hành tây, rau răm, đậu phộng, ớt sừng
– Chanh, giấm, nước mắm, gia vị.
Thực hiện:
Bước 1: Dưa leo để vỏ, bỏ ruột, xắt sợi dài hơi lớn. Ướp 1 ít đường + muối + chút nước đá lạnh trong khoảng 10 phút, vớt ra vắt ráo.
Bước 2: Cà rốt bỏ vỏ, xắt sợi nhỏ. Ngâm trong tí nước giấm pha đường + nước đá cũng trong khoảng 10 phút, xả sạch, vắt ráo. Việc ngâm dưa leo và cà rốt vào nước đá là để giúp 2 nguyên liệu này giòn ngon hơn.
Bước 3: Tôm rang với chút muối, bóc vỏ, chừa đuôi.
Bước 4: Luộc thịt trong nước có pha tí muối, thịt chín xắt lát mỏng vừa ăn.
Bước 5: Rau răm xắt nhuyễn. Hành tây xắt sợi nhỏ. Đậu phộng rang vàng, bóc vỏ, giã sơ. Ớt sừng xắt sợi.
Bước 6: Pha nước trộn gỏi: 3 muỗng canh nước mắm, 3 muỗng canh cốt chanh, 3 muỗng canh đường, ½ muỗng cà phê muối. Cho tất cả các nguyên liệu ở trên vào thố (trừ đậu phộng), rưới nước trộn gỏi vào, trộn đều, nêm lại vừa ăn.
Bước 7: Bày gỏi ra dĩa, rắc đậu phộng lên mặt, có thể trang trí ngò rí. Món gỏi này dùng kem nước mắm ớt chua ngọt.
Màu sắc tươi mát của món gỏi dưa leo tôm thịt sẽ góp phần xoa dịu cái nóng mùa hè, giúp bữa ăn của gia đình bạn thêm ngon miệng.
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.