TopTit.Com

“Chảy nước miếng” với các món ngon từ sấu

1

Với vị chua, thanh, quả sấu được các bà nội trợ yêu thích vì dễ chế biến những món ăn ngon miệng đưa cơm. Chúng tôi xin giới thiệu với các bạn cách làm những món ngon từ sấu mà lại đơn giản, dễ làm.

1. Canh sấu sườn non

Nguyên liệu

– 400g sườn sụn non

– 5 quả sấu xanh

– 3 quả cà chua

– Rau nhút (rút), hành hoa, mùi tàu: 1 ít

– Gia vị, dầu ăn, nước mắm.

Cách làm

– Sườn sụn non xát muối, rửa sạch, chặt khúc vừa ăn, chần qua nước sôi, rửa sạch.

– Rau nhút nhặt lấy phần non, ngắt khúc 4-5cm, rửa sạch.

– Cà chua rửa sạch, bổ hình múi cau 2 quả rồi xào sơ với dầu ăn. Quả còn lại thái nhỏ, xào chín với dầu ăn, gia vị và 1 bát con nước cho thành hỗn hợp nước sốt.

– Sấu cạo vỏ, rửa sạch. Hành hoa và rau mùi tàu rửa sạch, thái nhỏ.

– Cho sườn vào xào cùng dầu ăn, gia vị khoảng 3 phút rồi cho nước, cho sấu vào nấu cùng. Nêm bột gia vị, hạt nêm, nước mắm vừa ăn.

– Khi nước sôi cho nước sốt cà chua, cà chua thái cau, rau nhút (rút) vào đun khoảng 1-2 phút. Sau đó cho hành lá, mùi tàu rồi tắt bếp.

– Dầm sấu bỏ hạt, múc canh ra bát ăn cùng cơm.

2. Canh rau rút thịt nạc sấu chua

Nguyên liệu:

– 200g thịt nạc thăn

– 1 bó rau rút (rau nhút)

– 5 quả sấu xanh nhỏ, 1 quả cà chua

– Hành khô, rau mùi, gia vị

Chuẩn bị:

– Rau mùi nhặt rồi rửa sạch, thái nhỏ. Cà chua rửa sạch, thái múi cau mỏng. Hành khô lột vỏ, băm nhỏ.

– Sấu gọt vỏ, rửa sạch, cắt xoáy vòng quanh, rau rút nhặt rửa sạch.

– Thịt thăn thái mỏng, ướp chút muối, tiêu xay.

Cách làm:

– Đun nóng chút dầu ăn trong nồi, cho hành khô vào phi thơm rồi cho cà chua vào xào.

– Cà chua mềm thì cho thịt vào, đảo đều, nêm chút nước mắm ngon cho thơm, tiếp tục cho sấu vào đảo nhanh khoảng 1 phút.

– Đổ nước vào nồi, đun sôi nước, hớt bọt để nước được trong rồi hạ nhỏ lửa đun thêm khoảng 3-5 phút nữa cho sấu mềm thì vớt sấu lên dầm nát.
– Vặn bếp to, đun sôi tiếp rồi thả rau rút vào, nêm nếm gia vị vừa ăn, rau chín thì cho tiếp rau mùi rồi tắt bếp, múc ra tô.

3. Sấu ngâm

Nguyên liệu:

– Sấu xanh: 1kg

– Đường kính: 0,8-1kg;

– Gừng tươi: 100gr;

– Muối: 20gr

Cách làm:

– Dùng dao hoặc dụng cụ nạo gọt sạch vỏ sấu. Cách làm này tuy có mất công hơn cách dùng dao cạo vỏ nhưng bù lại quả sấu sẽ không bị thâm và chát.

– Ngâm sấu với nước có pha 10gr muối khoảng 30 phút để sấu được giòn, ngâm lâu hơn sấu dễ bị nhũn. Nếu có nước vôi trong các bạn ngâm sấu từ 1-2 tiếng, vớt ra xả lại với nước đun sôi để nguội.

– Đối với sấu già, các bạn có thể cắt khoanh dạng xoáy ốc vòng quanh quả sấu sẽ dễ ăn hơn, mình làm sấu non nên ngâm nguyên quả.

– Đổ sấu ra 1 cái rổ có lỗ to để sấu mau ráo nước. Đựng sấu trong lọ thủy tinh hoặc 1 bát to, rải lần lượt 1 lớp sấu – 1 lớp đường. Đậy nắp lại, để nơi thoáng mát. Tùy vào khẩu vị thích ăn ngọt hay chua mà các bạn điều chỉnh lượng đường trong khoảng từ 0,8-1kg nhé.

– Khi đường tan hết, các bạn chắt riêng phần nước đó ra 1 cái xoong.

– Đun nước sấu với 10gr muối đến khi nước sôi thì cho gừng đập dập hoặc giã nhỏ vào để nước sấu có mùi thơm.

– Xếp sấu vào lọ thủy tinh, đợi nước sấu thật nguội mới tiến hành trút vào lọ đựng.

– Sau khi ngâm 2 ngày là các bạn có thể đem ra dùng được rồi. Sấu non ăn được cả hạt, nhai có độ giòn, vị chua ngọt, mùi thơm mát, màu ngả vàng đẹp mắt, nước đường sánh không nổi váng hay bọt là đạt yêu cầu. Pha nước sấu ngâm với đá sẽ có ngay 1 thức uống giải khát tuyệt vời.

Với thời tiết nóng nực như thế này, tốt nhất các bạn nên bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh sẽ sử dụng được lâu hơn.

4. Vịt om sấu

Nguyên liệu:

– 15 quả sấu xanh (lượng cho sấu vào bao nhiêu phụ thuộc vào gia đình bạn thích độ chua trong món ăn như thế nào)

– Một chút nấm hương, bột đao

– Một ít rau mùi ta, hành, tỏi, xả, rau ngổ (nếu bạn ăn được)

– Rau rút: 2 mớ (không bắt buộc, có thể thay bằng loại rau khác).

– Khoai sọ: 200gr (không bắt buộc).

– Nước 1 quả dừa xiêm (tùy sở thích có thể không cần dừa xiêm trong nguyên liệu, khuyến khích dùng dừa xiêm để tăng vị ngon cho món vịt om sấu. )

– Gia vị: chanh, muối, đường, gừng, hành củ, hành lá, xả, tỏi, giềng (riêng riềng không bắt buộc, nếu thích thì có thể thêm). Sa tế, hạt tiêu

Cách làm

– Nấm hương rửa sạch (chú ý rửa kỹ để tận dụng lại nước ngâm nấm), sau đó ngâm với nước ấm. Khi nấm đã mềm, vớt nhẹ ra rổ, rửa kỹ với nước lạnh. Nước ngâm nấm chắt lấy 2/3 bỏ lại 1/3 là nước cặn.

– Rau rút nhặt sạch bấc, hành lá, xả, gừng, tỏi, hành củ, khoai sọ…bỏ vỏ, lá già, sau đó đem rửa sạch sẽ các loại rau, gia vị trên. (Đó là nếu bạn cho rau rút vào vịt om sấu).

– Vịt mua về các bạn bóp với muối, rửa lại cho sạch, sau đó cắt ½ quả chanh xát lại phần da của vịt cho hết sạch mùi, dùng kéo hoặc dao chặt vịt thành từng miếng nhỏ như bao diêm.

– Ướp thịt vịt với sa tế, hạt tiêu, bột nêm, bột ngọt, một chút đường trắng. 1 thìa café muối, ½ thìa café đường, ướp trong khoảng 20-30 phút cho vịt ngấm gia vị.

– Sấu xanh cạo vỏ, rửa sạch,

– Hành, tỏi, sả xắt lát mỏng.

– Sau khi ướp thịt vịt, đun dầu nóng già cho 1/2 (hành + tỏi + sả ) còn lại phi thơm. Tiếp đến cho thịt vịt xào săn.

– Vịt ướp đủ thời gian, đem xào cho chín sơ.

– Đổ phần nước ngâm nấm và nước dừa vào, sao cho lượng nước tương đương với lượng thịt, cho sấu xanh vào.

– Đun sôi 5 phút vặn nhỏ lửa, đun tới khi thịt chín mềm cho nấm hương vào, bật lửa to đun sôi lại, sau đó dầm sấu, nêm nếm vừa ăn là được.

Cách chọn sấu
Khi chọn mua sấu để dự trữ các bạn cần lưu ý:
– Để chọn mua sấu xanh tươi ngon, nên chọn kỹ từng quả một.
– Không nhặt những quả có vỏ thâm, dập. Sấu ngon là quả có lớp vỏ hơi sần. Chọn quả sấu xanh có cùi dày để được nhiều thịt chua.
– Những quả sấu láng bóng sẽ không ngon vì chúng còn quá non, để lâu sẽ bị ủng.
– Không nên lựa chọn quả sấu quá già vì chúng sẽ có rất nhiều hạt to, ít chua.
Cách bảo quản
Để dự trữ sấu ăn quanh năm, bạn cần bảo quản sấu trong ngăn đá tủ lạnh, và bạn cũng cần lưu ý một số mẹo nhỏ sau:
– Nên cạo sạch vỏ sấu (không nên gọt), rửa sạch, để thật ráo nước cho se mặt quả sấu lại. Nhiều người thường chỉ cắt cuống sấu cho hết nhựa chảy ra ngoài, để ráo nước rồi cho vào ngăn đá tủ lạnh. Cách này cũng được, tuy nhiên, nếu sấu không cạo vỏ thì khi cho thẳng vào nấu canh sẽ có vị chát của vỏ. Hơn nữa, sấu còn tươi, cạo (hoặc gọt) vỏ rất dễ. Nếu để trong ngăn đá rồi sau đem rã đông mới cạo vỏ thì sấu nhũn ra, rất khó làm.
– Lưu ý, không nên cho tất cả sấu vào chung một túi rồi để vào tủ lạnh, vì nếu để cả túi to, thì mỗi lần mở túi lấy sấu ăn, khiến một lượng hơi ẩm lớn sẽ vào túi, cả khối sấu sẽ dính chặt vào với nhau, khó lấy ra từng quả để nấu. Vì vậy, bạn hãy chia sấu ra làm nhiều túi nhỏ, với cách này, bạn sẽ lấy sấu dễ hơn rất nhiều.
– Với sấu chín, quả sẽ không còn nhựa, nên bạn không cần cắt cuống hay cạo vỏ mà chỉ việc rửa sạch để ráo nước rồi đem bảo quản giống sấu xanh.

H.A (tổng hợp)/Báo Gia đình và Xã hội

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.