Càng cua, món quê mà nhớ mà thương
Hồi nhỏ, chị tôi từng đố “Càng cua không phải càng cua mà càng cua là thứ gì?”. Tất nhiên là tôi ngẩn tò te. Khi nghe giải đố “rau càng cua”, tôi đập đùi cái chách, nói xíu nữa em giải ra rồi.
Rau càng cua trộn với tôm-Trần Cao Duyên
Càng cua là loài rau hoang dại nên dễ tính nhất… quả đất! Từ xó rào đến bờ giậu, từ góc hè đến chân móng nhà, chỗ nào hơi ẩm là chỗ đó mọc lên rau càng cua. Nhất là trong những chậu cảnh, rau càng cua yên tâm mà xanh cành tốt lá, tốt đến mức tràn cả ra ngoài chậu, gần chạm đất mới giật mình vươn ngọn lên.
Thân rau càng cua xanh nhạt, mọng nước. Còn lá thì xanh đậm, rất đẹp vì giống hình trái tim xanh. Lâu lâu thấy càng cua rậm quá, phải dọn bớt. Cả nhà được bữa rau bóp giấm với trứng gà, có khi trứng vịt. Mẹ nói rau này có vị thuốc thanh nhiệt, giải độc, mát gan. Trẻ nhỏ mọc rôm sảy ăn rau này xẹp ngay. Cha cười tinh quái, nói rau quá mát nên mình nhớ mua cho tôi xị rượu để cân bằng nóng lạnh!
Mới tuần trước, từ nước ngoài về, nhỏ bạn tíu tít nhắc nhớ những kỷ niệm thời học phổ thông. Mạch ký ức đứt quãng khi bạn nhìn ra khoảnh sân có nhiều cây cảnh rồi reo lên: “Rau thương rau nhớ đây rồi!”. Thì ra loại rau mà nó cho là thương là nhớ chính là rau… càng cua.
Hẳn là bạn tôi nhớ những ngày hè cắm trại, thi nấu ăn lớp nào cũng có món rau càng cua bóp chanh hoặc giấm, tùy vào túi tiền của lớp mà trộn thêm thịt bò, tôm hoặc trứng vịt. Ngoài việc cung cấp dưỡng chất cho con người, một món ăn giản đơn nào đó đôi khi có thể đi vào… trái tim theo “con đường kỷ niệm” để trở thành những rung động tình cảm. Và loài rau có lá hình trái tim xanh là một món ăn như vậy.
Rau càng cua giúp thanh nhiệt, giải độc, mát gan
Chiều hôm ấy, đứa nào cũng gõ trán để nhớ lại rau càng cua mọc ở bờ mương nọ, hàng rào kia… rồi tỏa đi. Mới vài chục phút đã có ngay một nón rau càng cua xanh tốt. Việt kiều được nhóm bạn quê đãi “món nhớ món thương”. Chiều theo khẩu vị của bạn, chúng tôi làm món rau bóp chua ngọt. Tính cho tôm, thịt vào rau cho “sang” nhưng bạn lắc đầu cười cười, nói rau đã “trộn”… càng cua rồi, tôm thịt chi tốn kém, tao chỉ thích điểm thêm vài chút chả trứng gà thôi.
Tiệc toàn rau ăn với bánh tráng gạo nướng mà đứa nào cũng nhiệt tình gắp gắp nhai nhai rồi bình luận rôm rả. Có đứa còn làm “thơ” tặng người xa xứ rằng “Càng cua sẵn vị chua thanh, mới gặp chút chanh đã thành… nỗi nhớ”.
Mà thật vậy! Cái chua nhẹ hều của rau càng cua là cái chua thoáng qua, phối với cái chua “chuyên nghiệp” của chanh đã tạo thành vị chua dịu dàng rất lâu tan trên đầu lưỡi. Thân rau mọng nước, giòn từ gốc đến ngọn, ngòn ngọt từ ngọn đến gốc và thoảng chút hăng hăng mùi thảo dược. Lá rau rất mềm nhưng không hề nhũn, vị thơm nhè nhẹ mà vấn vương ghê lắm. Những lát chả trứng beo béo tuy không là điểm nhấn nhưng có tác dụng… xua tan “bầu không khí” đơn điệu trong đĩa rau.
Không như các loài rau khác phải bỏ công phân bón tưới tắm hằng ngày, rau càng cua vẫn “tự lập” và giản dị… Không ai trồng tỉa, chăm sóc, rau vẫn tự mọc, bò dọc bò ngang, bám chặt đất quê mà sống, mà xanh. Nhỏ bạn xa xứ nói càng cua là rau nhớ rau thương ngẫm ra không phải là không có lý.
Theo Thanh niên online
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.