Cách làm vải ngâm đường phèn để quanh năm
Thịt vải giòn giọt mà không gắt, thanh mát. Từ vải ngâm, chế biến được nhiều món giải khát thơm ngon như trà vải truyền thống, trà mận vải, trà vải hoa đậu biếc, trà thạch vải…
Nguyên liệu
- 1 kg quả vải chín
- 300 gr đường phèn
- 400 ml nước
- 1/4 thìa cà phê muối tinh
Cách làm
- Vải cắt bỏ cuống, rửa sạch. Đun sôi nước, cho vải vào chần sơ trong 1,5 – 2 phút để thịt vải dịu vị chua khi ngâm và ngấm đường. Vớt quả vải ra ngâm vào thau nước đá. Khi nguội, đổ ra rổ cho ráo nước.
- Cho đường phèn cùng nước và 1/4 thìa cà phê muối vào nồi đun sôi, khuấy cho đường tan hẳn. Nấu trên lửa nhỏ trong khoảng 8 -10 phút cho nước đường hơi sánh thì tắt bếp, để nguội, cho vào ngăn mát tủ lạnh. Nước đường lạnh, sánh (độ ngọt cao) sẽ giúp ngâm vải giữ được độ giòn, không bị lên men.
- Bóc vỏ vải, dùng kéo hoặc dao nhỏ mũi nhọn nhẹ nhàng khứa sát quanh đầu hạt, rồi gẩy/hoặc gắp hạt ra ngoài. Cách làm này đảm bảo thịt vải vẫn nguyên quả đẹp mắt. Ngâm thịt vải vào bát có ướp đá. Làm lần lượt cho tới hết. Trước khi cho vào lọ ngâm đường thì đổ vải ra rổ cho ráo nước.
- Hũ/lọ thủy tinh rửa sạch, trụng nước sôi tiệt trùng, để ráo nước hoàn toàn. Cho vải vào, rồi trút phần nước đường đã làm mát vào, đậy nắp cho vào ngăn mát tủ lạnh 2-3 ngày là dùng được.
- Yêu cầu thành phẩm: Thịt vải giữ nguyên hình dáng, giòn giọt mà không gắt, thanh mát. Từ vải ngâm, chế biến được nhiều món giải khát thơm ngon như trà vải truyền thống, trà mận vải, trà vải hoa đậu biếc, trà thạch vải.
Chú ý:
- Cần tiệt trùng kỹ lọ/hũ đựng. Khi sử dụng thì lấy thìa khô ráo lấy ra.
- Để vải không bị lên men nổi váng thì nước đường không quá nhạt.
- Nếu tỷ lệ nước ít hơn đường thì sẽ bảo quản được lâu hơn.
Theo: VnExpress