Bình giữ nhiệt không chỉ để đựng nước, biết bí quyết tận dụng vật dụng này, chị em sẽ có ngay bữa sáng nhàn tênh, nóng hổi thơm ngon!
Dùng bình giữ nhiệt để nấu cháo, tại sao không?!
Hầu hết chúng ta, đặc biệt là dân văn phòng, đều sở hữu 1 chiếc bình giữ nhiệt. Thông thường, chiếc bình này sẽ được dùng để đựng nước nóng, nước lạnh tùy theo mùa hoặc các loại canh.
Tuy nhiên, nếu đang có 1 chiếc bình giữ nhiệt “xịn sò” mà bạn lại chỉ dùng để đựng nước, vậy thì chị em chưa biết tận dụng hết chức năng của dụng cụ này rồi. Với hội người lười nói chung và những cô nàng luôn bận rộn mỗi sáng nói riêng, bình giữ nhiệt còn có thể… nấu cháo cho bạn luôn đấy!
Để có một bữa sáng nóng hổi, nhàn tênh, chị em hãy làm theo những bước mà chúng tôi gợi ý dưới đây!
Nấu cháo bằng bình giữ nhiệt
Chuẩn bị
- 150gr gạo nếp hoặc gạo tẻ
- Cà rốt, ngô ngọt, hành lá, hành tây, nấm
- 30g tôm khô hoặc 50g thịt xay
- Nước sôi sùng sục 100 độ
- Muối, hạt nêm
- Bình giữ nhiệt đã được làm sạch và tráng qua bằng nước ấm
Cách làm
– Bước 1: Ngâm gạo
Vo gạo thật sạch với nước để loại bỏ vỏ trấu và các loại tạp chất khác. Sau đó, bạn hãy ngâm gạo trong nước lã khoảng 3 tiếng để gạo mềm hơn, nấu sẽ nhanh chín hơn. Nếu không có thời gian, bạn có thể vo gạo để nấu luôn mà không cần ngâm.
Bước 2: Sơ chế các loại nguyên liệu
Cà rốt rửa sạch, nạo vỏ và thái thành dạng hạt lựu. Thao tác tương tự với hành tây và nấm. Với ngô, chúng tôi khuyến khích chị em nên dùng ngô ngọt đóng hộp để đỡ phải thao tác nhiều.
Nếu bạn dùng bắp ngô, hãy rửa thật sạch và tách hạt ngô riêng nhé!
Nếu dùng tôm khô, bạn ngâm tôm trong nước ấm khoảng 10 phút rồi vớt ra để dùng. Nếu dùng thịt bằm, bạn cho thịt lên chảo, nêm chút hạt nêm, xào chín.
Chú ý: Bạn càng thái nhỏ các nguyên liệu này, chúng càng dễ chín và mềm hơn.
Bước 3: Tiến hành nấu cháo với bình giữ nhiệt
Đổ khoảng 100ml nước sôi 100 độ C vào bình giữ nhiệt trước để tránh tình trạng cháo bị đính ở đáy bình. Sau đó đổ gạo đã vo hoặc ngâm cùng tôm (hoặc thịt), cà rốt, ngô, nấm, hành tây, hành lá vào bình. Nêm một chút muối, hạt nêm tùy theo khẩu vị.
Cuối cùng, đổ nước sôi khoảng 2/3 bình là được.
Đậy nắp bình thật chặt và để qua đêm.
Như vậy là chỉ cần ngủ một giấc thật say, sáng tỉnh dậy, chị em đã có món cháo nóng hổi cùng rau củ quả làm bữa sáng rồi!
Đổ cháo ra bát, khuấy đều 1 lượt và có thểm thêm ruốc nếu thích. Bữa sáng như vậy là đủ ngon và ấm bụng, đặc biệt nhất là không tốn nhiều công sức chế biến với khoảng thời gian eo hẹp từ lúc bước xuống giường đến khi đặt chân ra đường.
Lưu ý khi vệ sinh bình giữ nhiệt sau khi nấu cháo
Sau khi lưu trữ các loại thức ăn có cặn như cháo, bình cần được làm sạch kỹ lưỡng hơn để không ẩm mốc, sinh khuẩn và ảnh hưởng đến lần sử dụng sau.
Một số cách tẩy mùi, làm sạch bình giữ nhiệt hiệu quả
– Cách 1: Dùng nước ấm pha với nước rửa chén rồi đổ vào bình, đậy kín nắp để trong khoảng 3-4 tiếng rồi rửa lại bằng nước sạch.
– Cách 2: Dùng giấy báo và nước ấm. Vò nhàu giấy báo rồi cho vào bình đậy kín nắp, để 5-6 tiếng, sau đó lấy giấy báo ra rửa lại bình bằng nước ấm, để nơi khô ráo.
– Cách 3: Dùng 1 muỗng baking soda pha với nước ấm rồi đổ vào bình đậy kín nắp qua đêm. Hôm sau bạn rửa lại bình bằng nước ấm và để nơi khô ráo bình sẽ sạch mùi hôi khó chịu.
– Cách 4: Dùng 1 muỗng baking soda pha với giấm táo hoặc nước cốt chanh, đổ vào bình và đóng nắp rồi lắc mạnh nhiều lần. Sau đó đổ nước này đi rồi vệ sinh lại bình bằng nước ấm. Cách này rất hiệu quả để làm sạch mùi hôi bám lâu, khó rửa trong bình giữ nhiệt.
Nguồn: Afamily