Bí mật trong căn bếp của “nam thần” hút nghìn like trên MXH: Ra đường là sếp của trăm người, về nhà là đầu bếp riêng của hai “sếp nhỏ”
Nhìn những đĩa ăn anh Duy Anh tự tay nấu rồi bày biện, hội chị em đã bắt anh khai thật rằng anh ở hành tinh nào xuống, vì đàn ông Trái Đất không xuất sắc như thế đâu!
Vào bếp lần đầu năm 6 tuổi, là quản lý trong Tập đoàn IT nhưng luôn xí phần nấu nướng cho con
Sau khi hút “sương sương” hơn 6.000 like cùng hàng nghìn bình luận ngưỡng mộ với 1 status khoe vài món ăn, anh Vũ Duy Anh khiến không ít người tò mò. Với vẻ ngoài hết sức “bụi bặm” với những hình xăm lớn trên tay, chơi mô tô phân khối lớn và chơi ảnh, có người đoán anh là kiến trúc sư, nhiếp ảnh hoặc nghệ sĩ gì đó. Nhưng nhìn những đĩa ăn mà anh bày biện, nhất là món tôm hùm, cua hoàng đế, cộng thêm dáng đứng bếp có vẻ chuyên nghiệp, vài dân mạng khẳng định chắc nịch: “Ông này chắc là đầu bếp rồi, làm gì có chuyện khéo tay thế!”.
Chú tôm hùm và người nấu nướng gây bão like trong group Yêu Bếp.
Trước khi chính chủ lên tiếng, bạn bè của anh Duy Anh “nằm vùng” trong group yêu nấu nướng có 1,4 triệu thành viên đã vội vàng “cải chính”, rằng anh Duy Anh là dân IT xịn, chứ không liên quan đến nghệ thuật hay nấu nướng chuyên nghiệp gì hết. Anh Duy Anh hiện là quản lý bộ phận Kinh doanh công nghệ trong một Tập đoàn quốc tế, có trụ sở tại Hà Nội. Và anh chính xác là người Trái Đất, không phải sống ở hành tinh khác như chị trên kia nghi ngờ đâu!
Chính chủ khi đi làm và lúc đi chơi trông ngầu thế này cơ mà chị em!
Anh tiết lộ, thực ra mình chưa kinh qua khóa đào tạo bếp núc chuyên nghiệp nào. Anh được làm quen với bếp núc từ hồi 6 tuổi. Lúc đó, anh có thể giúp mẹ làm một số công đoạn sơ chế đơn giản và biết nấu cơm. Đến khoảng 9 – 10 tuổi, khi nhà có thêm em gái, anh đã thành thực việc chăm em, làm việc nhà cũng như nấu được một bữa ăn hoàn chỉnh đơn giản cho gia đình.
Hiện tại, khi đã là bố của hai bé trai 9 tuổi và 4 tuổi, khá bận rộn với công việc quản lý, anh Duy Anh vẫn duy trì “phong độ bếp núc”, thường xuyên nấu nướng cho gia đình và bạn bè. Anh đùa rằng, ở nhà mình rất “bất bình đẳng”, vì vợ anh hiếm khi được đứng bếp hay rửa bát. Đó chính là khu vực yêu thích của mẹ và của anh Duy Anh. Ngay cả khi anh và hội bạn thân có dịp tụ tập ăn nhậu ở nhà nhau, cánh đàn ông cũng vừa vào bếp vừa dọn dẹp, rửa bát. Hội các vợ chỉ việc ngồi chơi và thưởng thức các món ăn thôi.
Ra đường anh là cá mập, về nhà anh là cá… chuối, đắm đuối vì con!
Động lực vào bếp của anh rất mạnh mẽ. Trước hết đó là để thể hiện tình yêu, sự chăm chút đến gia đình, đặc biệt là chiều lòng hai “sếp nhỏ”. Hai em bé được bố nấu cho ăn từ bé, rất mê đồ ăn bố nấu và thường xuyên “ra đề bài” cho bố vào bếp. Từ mì Ý, salad đến cơm rang, nộm đu đủ, hải sản, nước ép…, khi các “sếp nhỏ” muốn thì món gì bố cũng chiều, món gì bố cũng phải làm được. Chỉ cần hai bé ăn nhiều một chút, hoặc trả công bằng mấy câu khen ngợi lém lỉnh, khó mấy bố Duy Anh cũng cân được.
Nấu nướng cũng là cách anh Duy Anh “thể hiện” một chút với các con. Chúng yêu những món ăn của bố và rất tự hào về bố. Trong mắt hai bạn nhỏ, bố luôn là “đầu bếp độc quyền”, món gì chúng biết, thèm ăn là bố cũng chinh phục ngon ơ. Anh không tiếc tiền mua thực phẩm tươi ngon nhất, thậm chí cả những món đắt đỏ như tôm hùm, cua hoàng đế về làm cho con ăn. Trong khả năng tài chính của mình, anh muốn gia đình được trải nghiệm nhiều hương vị, nhiều loại thực phẩm ngon lành nhất, thay vì ăn mãi một vài món đơn điệu.
Nhưng lũ trẻ ngưỡng mộ bố không phải chỉ vì bố có nhiều tiền, mà còn bởi cách anh tự tay chế biến, bày biện. Đó cũng là cách ông bố 8x dạy các con về việc tự phục vụ, không lệ thuộc vào nhịp sống công nghiệp, sự khéo léo cũng như biết trân trọng thực phẩm và công lao của người nấu nướng.
Có một câu chuyện mà anh nhớ mãi, đó là trong thời gian 2019, anh sang Nhật Bản công tác hơn nửa năm. Ở nhà, lũ trẻ nhớ bố quay quắt. Bà nội muốn động viên nên mua tôm hùm về nấu cho chúng ăn “để nhem nhem bố”. Anh trêu con rằng bố đi công tác để có tiền mua tôm hùm, cua hoàng đế cho hai đứa ăn. Ai ngờ, con anh thỏ thẻ: “Bố ơi, nhà mình ăn cơm rau cũng được, con không cần tôm hùm, con chỉ cần bố thôi. Bố về đi”.
Nấu nướng có thể phóng khoáng trong công thức nhưng bày biện trước hết phải đẹp
Vào bếp, đó cũng là cách anh Duy Anh thư giãn, tìm cho mình niềm vui riêng. “Khi vào bếp, đó là khi mình không nghĩ gì cả, không công việc, không các dự án. Mình chỉ có một mối quan tâm duy nhất, đó là nấu nướng, là món ăn sẽ có màu sắc, kết cấu thế nào, khi lên đĩa trông sẽ ra sao, bày biện thế nào thì ngon mắt… Điều mình cũng thích hình dung trước, đó là phản ứng của người ăn trước món ăn đó, sự háo hức, niềm vui, cả cái hân hoan trong từng miếng ăn mà họ nhận được. Nếu ta nấu ăn bằng tất cả niềm vui và sự chú tâm, món ăn đó nhất định sẽ thành công, dù chỉ làm từ thực phẩm rẻ tiền và thông dụng.
Làm sao có thể rán được một đĩa trứng cuộn vàng ươm từ trong ra ngoài, lẫn trong đó là màu xanh mướt của hành tươi vừa chín tới, cắt ra có thể thấy độ mọng, mềm ẩm của từng lớp ôm lấy nhau… nếu bạn vừa nấu vừa cáu kỉnh, lo âu hay để ý vào chuyện gì khác? Những món tiêu chuẩn nhà hàng cũng thế thôi, bạn phải nhấm nháp, thưởng thức nó bằng trọn vẹn tinh thần, để hương vị xâm lấn, bạn mới có thể phân biệt được các nguyên liệu cũng như phỏng đoán cách nó được chế biến, rồi sau đó mới là tái hiện lại bằng kỹ thuật nấu nướng của mình”.
Dù là trứng cuộn nấu trong 5 phút hay chân giò hầm mất hơn 3 giờ, anh Duy Anh đều dành rất nhiều tình cảm và chú tâm vào nấu nướng.
Điều khiến anh thích nhất khi vào bếp, ấy là các thực khách… ăn không kịp thở món mình nấu. Ngoài các “fan cuồng” trong gia đình, anh Duy Anh cũng nấu cho bạn bè, đồng nghiệp khi có dịp. Hồi đi công tác ở Nhật, team của anh vẫn thường được ăn cơm anh nấu. Những món rất đỗi thuần Việt như bún đậu mắm tôm, lòng lợn luộc, bún riêu cua, chân gà sả tắc, mướp đắng xào, ốc hương, ốc móng tay, nem rán… anh tự tay đi chợ, nấu nướng trên đất Nhật đã phần nào khiến cả team vơi nỗi nhớ nhà. Có những khi, món ăn bê ra, cả hội… ăn rào rào, chẳng ai nói với nhau câu nào. Với ai đó có thể là bất lịch sự, còn anh Duy Anh chỉ thấy vui.
Các món ăn cũng là cách anh thể hiện nhân sinh quan của mình. Bí quyết nấu nướng của anh Duy Anh khá phóng khoáng, không dựa trên những công thức cụ thể, mà dựa nhiều vào sự tinh tế trong vị giác. Anh đặc biệt nhấn mạnh đến sự cân bằng trong các nguyên liệu cũng như màu sắc của các loại nguyên liệu được sử dụng.
Thiên nhiên ban tặng cho con người rất nhiều thực phẩm, việc của chúng ta là tạo ra những trải nghiệm ẩm thực từ sự đa dạng đó. Cũng giống như cuộc sống, nếu chỉ có một màu sẽ vô cùng tẻ nhạt; nếu chỉ để ý quá nhiều vào một khía cạnh nào đó, người ta sẽ bỏ qua những trải nghiệm thú vị khác.
Vì có chơi ảnh, nên anh cũng hơi cầu kỳ trong việc bày biện. “Món ăn chưa biết có ngon không, nhưng cứ phải đẹp mắt đã. Cái háo hức đến từ vị giác sẽ đưa đến cảm giác ngon miệng. Đó cũng là cách người ăn được chiêu đãi một món ngon bằng tất cả giác quan; và là cách người nấu trân trọng các nguyên liệu được thiên nhiên ban tặng, nâng niu thành quả lao động và gửi gắm tình cảm của mình”.
Cùng ngắm thêm những hình ảnh món ăn mà anh Duy Anh tự tay nấu nhé!
Nguồn: Afamily