TopTit.Com

Bánh đúc nóng: Quà vặt Hà thành khi vào đông

3

Nếu như bánh đúc truyền thống để nguội, ăn chấm cùng nước tương thì bánh đúc nóng lại mềm hơn và ăn ngay khi còn nóng hổi, chan thêm nước mắm ngọt, hành phi, thịt băm, rau mùi… tạo nên món quà chiều hấp dẫn.

Dưới đây là cách làm bánh đúc nóng không cần dùng hàn the hay vôi nhưng vẫn dẻo mịn, mềm mướt nhờ vào sự cân đối của bột gạo tẻ và bột năng. Nếu bạn muốn bánh mềm hơn thì có thể thêm nước.

Bánh đúc nóng: Quà vặt Hà thành khi vào đông

Thứ bánh sánh dẻo, mềm mượt này không thể thiếu đậu phụ rán để nguội: ‘Đậu rán và bánh đúc hành mỡ là bóng với hình, là non với nước, là trai với gái, thật hợp giọng, thiếu đi một thứ thì tự nhiên cuộc đời thiếu vẻ đẹp ngay’’ (nhà văn Vũ Bằng từng viết trong ‘Miếng ngon Hà Nội). Ảnh: Bùi Thủy.

1. Nguyên liệu:

a. Với phần bánh đúc

– 1 chén bột gạo tẻ (khoảng 125 g)

– 1 chén bột năng (khoảng 125 g)

– 650-700 ml nước

– 30 ml dầu ăn

– 15 ml dầu mè sẽ thơm hơn (Nếu không có thì chỉ dùng dầu ăn)

– 1/4 muỗng cà phê muối

b. Phần thịt lợn xào

– 200 gr thịt lợn xay

– 4-5 cái nấm hương ngâm nước cho nở, bỏ phần cứng, thái nhỏ.

– 4 cái mộc nhĩ ngâm nước cho nở, bỏ phần cứng, thái nhỏ.

– 1 muỗng cà phê nước mắm

– 1/2 muỗng cà phê muối

– 1/2 hạt nêm (tùy chọn)

– 1/2 muỗng cà phê hạt tiêu

– Hành, tỏi băm nhỏ.

– Dầu thực vật

c. Phần nước chấm:

– 2 muỗng canh nước mắm

– 2 muỗng canh đường (thêm bớt tùy theo khẩu vị)

– 5 muỗng canh nước

– 1/2 quả chanh hoặc 2 quả quất

– 1-3 tép tỏi, băm nhuyễn

– 1-2 quả ớt, cắt lát

d. Phần topping khác ăn kèm:

– 4 miếng đậu phụ (cắt miếng nhỏ và chiên vàng)

– Hành khô phi vàng giòn

– Rau mùi

Bánh đúc nóng: Quà vặt Hà thành khi vào đông

Giữa ngày đông lạnh được thưởng thức một bát bánh đúc nóng thì không có gì tuyệt vời hơn. Ảnh: Bùi Thủy.

2. Cách làm:

a. Cách làm phần bánh đúc:

– Ngâm bột: Cho bột gạo tẻ, bột năng, chút muối và nước vào nồi to, đế dày và quấy đều cho tan hẳn. Bạn nên dùng rây để lọc, tránh bột bị vón cục chưa tan hết. Sau đó, để ngâm bột trong tầm 1 giờ cho hết mùi, đồng thời phần bột lắng xuống dưới. Sau đó, dùng muôi múc nhẹ lớp nước bên trên bỏ đi, rồi thay bằng lượng nước khác cho vào. Mục đích để giảm mùi bột khô và giúp bánh mềm muốt hơn.

– Quấy bột: Bật lửa ở mức trung bình, bắc nồi bột lên và dùng đũa (tốt nhất là phới) khuấy đều, liên tục cho tới khi sền sệt, sánh đặc lại và bột có màu trắng đục. Lúc này, bạn hạ nhỏ lửa, thêm dầu ăn, dầu mè vào tiếp tục khuấy đều. Bạn tiếp tục để lửa thấp nhất, khuấy đều tay cho tới khi bột trở nên trong, mịn màng, dẻo sánh, nếm thử không còn mùi bột khô nữa là đạt. Bắc nồi ra bếp, để hé vung nồi.

b. Cách làm thịt và mộc nhĩ, nấm hương xào:

– Trong lúc chờ ngâm bột, bạn nên ướp thịt trước cùng với chút hạt tiêu, nước mắm, muối, hạt nêm cho đậm đà gia vị khi ăn sẽ ngon hơn.

– Xào thịt: Phi thơm hành, tỏi rồi thêm thịt lợn đã ướp vào xào cho tới khi săn lại. Tiếp tục cho nấm hương, mộc nhĩ đã ngâm và thái nhỏ vào xào chín. Nêm nếm lại gia vị cho phù hợp khẩu vị gia đình. Tắt bếp, để nguội.

c. Cách làm nước chấm:

– Hòa tan đường với nước, cùng nước cốt chanh cho tan hẳn đường. Sau đó, cho nước mắm vào khuấy đều. Cuối cùng thêm tỏi, ớt băm nhỏ để chúng nổi lên trên trông đẹp mắt.

– Ngoài ra, bạn có thể làm sẵn nước mắm chấm sẵn theo cách này

d. Chuẩn bị các phần topping khác:

– Đậu phụ cắt miếng nhỏ rán vàng.

– Hành khô phi giòn vàng

– Rau mùi rửa sạch, thái nhỏ

e. Phục vụ:

– Múc bánh đúc nóng hổi, còn bốc khói ra bát. Thêm thịt lợn mộc nhĩ xào săn đậm đà, đậu phụ vàng mềm. Sau đó, rưới nước mắm chua ngọt, rắc thêm chút hành phi vàng giòn ruộm, rau mùi và thưởng thức.

– Bạn có thể làm nhiều rồi bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Khi ăn, thêm phần thịt xào, nước mắm chua ngọt và đậu phụ rồi quay lại bằng lò vi sóng.

Bùi Thủy

Theo: VnExpress

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.