Bánh cuốn Phú Thị lặng lẽ nhưng khác biệt khó quên
Không nổi tiếng bằng bánh cuốn Thanh Trì, không ồn ào như bánh cuốn trứng Cao Bằng, bánh cuốn Phú Thị lặng lẽ hơn nhưng đã nếm thử thì không thể quên.
Từ Hà Nội men theo con đê sông Hồng khoảng 45 phút là bạn sẽ đặt chân đến mảnh đất Mễ Sở (Văn Giang, Hưng Yên) với nhiều các di tích lịch có giá trị như chùa Mễ Sở, chùa Phú Thị và sẽ được thưởng thức rất nhiều các món ăn đặc sản nơi đây trong đó đặc biệt nhất là bánh cuốn làng Phú Thị.
Bánh cuốn ở đây có những nét khác biệt không thể nhầm lẫn với bánh cuốn ở bất cứ đâu. Đều làm từ bột gạo tẻ nhưng trong khi bánh cuốn Thanh Trì được tráng mỏng như tờ giấy thì bánh cuốn Phú Thị lại có lớp vỏ bánh rất dày dặn (trông gần giống lớp vỏ dùng trong món phở cuốn).
Người dân Phú Thị gọi thứ bánh tráng mỏng, có thoa lớp dầu mỡ (như bánh cuốn Thanh Trì và bánh cuốn thường thấy ở nhiều nơi khác) là bánh tráng chứ không gọi là bánh cuốn. Với họ, “bánh cuốn” là từ chỉ dùng để chỉ thứ đặc sản của quê hương mình, thứ bánh phải tráng hai lần mới được lớp vỏ vừa dày dặn nhưng lại vừa mềm, mịn, không bị bở, vỡ.
Vỏ bánh cuốn Phú Thị dày mà vẫn mềm thơm. Ảnh: xedulichgiare.
Hơn thế nữa, đây đúng là món bánh cuốn thật bởi ta chỉ thấy duy nhất ở các hàng bánh cuốn Phú Thị, khi có khách đến ăn chủ quán mới xúc từng thìa nhân xào chín cho vào lớp lá bánh tráng sẵn và cuộn lại một cách cẩn thận như khi người ta gói nem.
Chiếc bánh trắng mịn, cuộn lấy lớp nhân thịt xào hành khô bên trong trông rất đẹp mắt. Ngoài ra, bánh cuốn ở đây không điểm xuyết màu nâu đen của mộc nhĩ xào thịt hay màu vàng cánh gián của hành khô phi tới (hai thứ phụ liệu vẫn thấy như một cặp không thể thiếu trong món ăn này) nhưng vẫn đầy thơm ngon và hấp dẫn. Đó cũng là một nét rất riêng của bánh cuốn Phú Thị.
Một điểm khác biệt nữa của món bánh cuốn quê Hưng Yên là lớp vỏ bánh không bóng bằng nơi khác vì nó không được bôi một lớp mỡ mỏng. Thế nhưng cũng chính nhờ điều ấy mà bánh cuốn nơi đây hấp dẫn thực khách vì ăn không quá ngậy, ngán. Lớp nhân cuộn bên trong lá bánh cũng đặc biệt với thịt lợn nạc băm nhỏ xào với hành khô. Thịt lợn khi mua về phải được luộc chín tới để bớt gây rồi mới băm nhỏ cho vào xào nên khi ăn bánh người ta thấy vị bùi của thịt mà không thấy ngấy… Bát nước chấm cũng từng ấy thứ gia vị, nước mắm, bột ngọt, giấm ớt nhưng thêm một chút nhân thịt băm trở nên đậm đà và đẹp mắt hơn.
Hấp dẫn thực khách bằng sự giản đơn nhưng khác biệt. Ảnh: Lao động.
Không nhiều màu sắc, không cầu kỳ hương vị thế nhưng món bánh cuốn Phú Thị vẫn hấp dẫn được những thực khách khó tính nhất bởi chính sự giản đơn mà rất khác biệt của nó. Hãy thử một lần về thăm nơi đây để thưởng thức món bánh cuốn đặc biệt này. Ăn một lần sẽ nhớ mãi miếng bánh mềm mịn cùng với vị bùi thơm của nhân thịt xào hành khô hòa quện trong vị nước chấm chua ngọt rất vừa miệng.
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.