TopTit.Com

Bánh chưng ăn với dưa hành không chỉ ngon mà còn dinh dưỡng

3

Một miếng bánh chưng nhỏ 50 g cung cấp khoảng 150 kcal, bằng một lưng chén cơm.

Bánh chưng ăn với dưa hành không chỉ ngon mà còn dinh dưỡng

Bánh chưng, dưa hành muối… là món ăn truyền thống trong những ngày Tết cổ truyền của người Việt từ ngàn đời nay. Đây không chỉ là một cách ăn truyền thống mà còn rất khoa học của cha ông ta.

Lý giải điều này, Viện dinh dưỡng quốc gia cho biết xét về mặt dinh dưỡng bánh chưng tuy có đầy đủ 4 nhóm thực phẩm chất bột đường (gạo nếp); nhóm chất đạm (đỗ xanh); nhóm chất béo (thịt lợn) nhóm vitamin và khoáng chất (hành củ; hạt tiêu…) nhưng với tỷ lệ dinh dưỡng chưa cân đối. Do đó để đảm bảo dinh dưỡng, các chuyên gia dinh dưỡng khuyên cần bổ sung thêm nhóm rau, củ để cung cấp thêm vitamin và khoáng chất. Mặt khác, Viện dinh dưỡng cũng cho biết, bánh chưng được làm từ gạo nếp, khó tiêu, nên nếu ăn với dưa, hành muối sẽ kích thích tiêu hóa, giúp cho chúng ta không bị đầy bụng.

Bánh chưng ăn với dưa hành không chỉ ngon mà còn dinh dưỡng

Bánh chưng ăn cùng dưa hành muối không chỉ là cách ăn truyền thống mà còn rất khoa học của cha ông ta. Ảnh: Internet

Tuy nhiên Bác sĩ CKI Trần Thị Minh Nguyệt, Viện dinh dưỡng Nutifood đưa ra lưu ý bánh chưng tuy có rất nhiều dinh dưỡng những lại là thủ phạm dễ gây tăng cân cũng như có hại cho một số người có bệnh huyết áp, máu nhiễm mỡ…

Bác sĩ Minh Nguyệt cho hay, bánh được làm từ gạo nếp, cứ 100 g gạo nếp có 344 kcal. Thông thường một chiếc bánh chưng được làm với 1,5-2 bát gạo nếp, chưa kể thịt mỡ, đậu xanh. Vì vậy, những thực phẩm làm từ đồ nếp nói chung và bánh chưng nói riêng rất dễ khiến nhiều người ăn tăng cân nhanh chóng.

“Một miếng bánh chưng nhỏ 50 g cung cấp khoảng 150 kcal, bằng một lưng chén cơm. Mỗi ngày chỉ cần ăn thêm 2-3 miếng thì năng lượng khẩu phần đã tăng lên đáng kể”, BS Nguyệt khuyến cáo.

Do đó để tránh tình trạng tăng cân và cân bằng dinh dưỡng khi ăn bánh chưng, ngoài mẹo ăn cùng dưa hành muối, BS Nguyệt cũng khuyến nghị nếu ăn một miếng bánh chưng thì nên giảm bớt một chén cơm so với bữa ăn thường ngày.

Thêm vào đó, tuy bánh chưng nhiều chất dinh dưỡng song các nhóm chất không cân đối, do đó BS Nguyệt khuyên khi ăn bánh chưng nên ăn kèm nhiều rau sống, dưa kiệu, dưa giá, dưa chuột… để chuyển hóa chất bột đường được nhanh hơn và không bị ngán.

BS Nguyệt nói thêm: “Trong bánh chưng đã có thịt, đậu, mỡ thuộc nhóm đạm, béo nên chỉ ăn thêm thịt, cá… với lượng vừa phải và nên chế biến dạng hấp, luộc; nên ăn thịt, cá nạc, không ăn mỡ, da. Nói chung, với các món ăn giàu năng lượng, chỉ nên ăn chút ít thưởng thức, không nên ăn quá nhiều vì dễ gây tăng cân. Ngoài ra, bạn nên uống nhiều nước để tránh cảm giác nóng trong người. Mỗi người nên uống khoảng 1,5-2 lít/ngày, đồng thời ăn nhiều trái cây để bảo vệ sức khỏe”.

Theo 24h

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.