Cách làm cháo vịt, gỏi vịt ngon đúng điệu
Để có một tô cháo vịt ngon, bổ dưỡng và không còn mùi hôi từ vịt đòi hỏi sự tỉ mỉ từ khâu lựa chọn nguyên liệu tới cách chế biến.
Công thức dưới đây sẽ giúp bạn có một món cháo vịt ngon đúng điệu để chiêu đãi cả nhà và bạn bè.
Theo Đông y, thịt vịt có tính hàn, vịt ngọt, có tác dụng giải độc, thanh nhiệt, bổ huyết, điều hòa ngũ tạng. Một trong những món ngon từ vịt được nhiều người yêu thích là cháo vịt. Ành: Bùi Thủy
1. Nguyên liệu:
a) Về vịt và cách khử mùi hôi của vịt:
– 1 con vịt khoảng 1,8 – 2kg. Nên chọn vịt vừa độ (không quá già hay quá non), thân hình đầy đặn, phần ức dầy.
– 1 muỗng canh muối
– 1 củ gừng đập dập, băm nhuyễn
– 3 muỗng canh rượu trắng
– 1,5-2 muỗng canh giấm hoặc 1 quả chanh
– Nước
b) Về phần gạo nấu cháo:
– 1,5 chén gạo tẻ
– 1/4 chén gạo nếp
– 1 nắm nhỏ đậu xanh
c) Về nước mắm gừng:
– 2 muỗng canh nước mắm (loại 30-40 độ đạm)
– 2 muỗng canh đường
– 1 muỗng canh nước cốt chanh
– Gừng giã nhuyễn
– Tỏi băm
– Ớt băm
d) Về phần salad bắp cải/gỏi bắp cải:
– 1/3 bắp cải, cắt sợi nhỏ, ngâm nước đá lạnh để cho giòn
– 1/2 củ cà rốt, gọt vỏ, bào sợi mỏng
– 1/2 củ hành tây cắt lát mỏng, ngâm nước lạnh cho hết mùi hăng.
– 2-3 muỗng canh đậu phộng rang, giã sơ
– 2 muỗng canh hành khô chiên giòn
– 1 mớ rau răm rửa sạch, cắt nhỏ
– Nước trộn gỏi: 2 muỗng canh đường+ 2 muỗng canh nước mắm (loại 30-40 độ đạm)+ Nửa quả chanh+ Tỏi, gừng băm + Nửa chén nước.
e) Các nguyên liệu khác:
– 1 củ hành tây
– Hành lá
– Các loại rau ăn kèm tùy thích: rau tía tô, húng quế, mùi tàu…
– Gia vị: Mắm, muối, hạt nêm, hạt tiêu, đường (tùy chọn theo khẩu vị).
Một bát cháo nóng hổi, thịt vịt chấm nước mắm gừng sánh thơm nhanh chóng hồi phục sức khỏe cho những người mới ốm dậy. Ảnh: Bùi Thủy.
2. Cách làm:
a) Cách làm sạch, khử mùi hôi của vịt:
– Vịt sau khi mổ và làm sạch, chú ý loại bỏ phần tuyến nhờn (phao câu) ở phần cuối đuôi vịt, đây là tác nhân gây hôi.
– Sau đó, dùng muối chà xát lên toàn thân vịt, để nghỉ một lúc thì rửa sạch. Tiếp tục cho hỗn hợp rượu trắng, gừng, dấm xoa cả bên trong và bên ngoài, rửa sạch lại lần nữa.
– Phần mề, lòng vịt cũng bóp với muối, chanh, rượu trắng và rửa sạch.
b) Chuẩn bị gạo và các loại rau:
– Gạo nếp, gạo tẻ, đỗ xanh vo sạch, để ráo nước. Sau đó, cho gạo vào chảo rang hơi ngả vàng thì tắt bếp, để riêng.
– Nhặt và rửa sạch hành lá. Nhặt sạch rau, để riêng phần gốc của rau húng quế, gốc hành trắng rửa sạch.
c) Cách luộc vịt:
– Cho nước vào nồi cùng 1 củ hành tây chẻ đôi, 1 nhánh gừng rửa sạch đập dập, 1 củ hành tím nướng bóc vỏ rửa sạch, thêm gốc hành lá và gốc mùi rửa sạch vào. Nêm chút muối, bột ngọt vào nước. Cho nồi nước lên bếp bật lửa, nhớ canh khi lửa hơi sủi tăm thì mới cho vịt vào luộc (chú ý đừng để nước sôi khi luộc thịt dễ bị đỏ thịt, nếu chưa sôi thì thịt vịt sẽ ít ngon ngọt). Tiết và lòng vịt cho vào sau khi vịt đã vớt ra để tránh thịt vịt bị đen, màu không đẹp.
– Khi nước sôi thì vớt bọt và hạ nhỏ lửa đậy vung luộc tầm 30-35 phút, rồi trở mặt. Thử thịt vịt chín bằng cách dùng đũa xiên thử kiểm tra, nếu không còn nước đỏ là đã chín. Bạn nên ngâm vịt trong nước cho tới khi nguội dần thì vớt ra. Cách này giúp vịt giữ nước căng mướt và ngon ngọt hơn.
– Sau đó, vớt vịt ra để nguội, chặt miếng vừa ăn. Tùy theo từng gia đình, có thể lọc riêng thịt vịt thái miếng.
d) Cách nấu cháo:
– Vớt bỏ các phần hành tây, gừng, gốc rau mùi ra khỏi nồi nước luộc vịt. Cho phần tiết và lòng vịt vào luộc chín, vớt ra để riêng.
– Thêm gạo nếp, gạo tẻ, đậu xanh đã rang vào nồi nước luộc vịt và ninh cho tới khi cháo chín nhừ. Nêm nếm gia vị phù hợp theo khẩu vị gia đình.
e) Cách làm gỏi bắp cải:
– Nước trộn gỏi: Cho 2 muỗng canh đường, 2 muỗng canh nước mắm, nửa chén nước, nước cốt chanh, tỏi gừng băm vào bát trộn đều cho tan.
– Bắp cải thái sợi, hành tây cắt lát mỏng, cà rốt thái sợi đem ngâm nước đá lạnh cho giòn rồi vớt ra trộn với hỗn hợp nước trên cùng rau răm thái nhỏ.
– Sau đó, cho gỏi ra đĩa, sắp thịt vịt, lòng vịt thái vừa miếng, rắc đậu phộng rang giã sơ cùng hành khô chiên giòn lên trên.
Để có một tô cháo vịt ngon, bổ dưỡng và không còn mùi hôi từ vịt đòi hỏi sự tỉ mỉ từ khâu lựa chọn nguyên liệu tới cách chế biến. Ảnh: Bùi Thủy.
f) Cách làm nước mắm gừng để chấm thịt vịt: Trong một cái bát, cho 2 muỗng canh đường, 2 muỗng canh nước mắm (30-40 độ đạm), nước cốt chanh, thêm gừng giã nát, tỏi băm, ớt vào rồi khuấy tan cho tới khi tạo độ sền sệt, đậm đà.
g) Trình bày: Múc cháo ra tô, cho thịt vịt, hành lá, tía tô, rau mùi và rắc ít hạt tiêu, thêm vài lát ớt, rắc hành phi lên và thưởng thức khi còn nóng. Cháo ăn kèm gỏi vịt rất ngon, cân bằng các yếu tố nóng – lạnh, tinh bột – chất đạm tạo cho món ăn thêm độ hoàn hảo.
Bùi Thủy
Theo: VnExpress