Người Sài Gòn vây quanh mua bánh tráng trộn của ông chủ ‘nghệ sĩ cực chất’
Ở Sài Gòn, muốn tìm được quán bánh tráng trộn đạt đủ tiêu chí ngon, độc, lạ và ‘chất lừ’ từ món ăn đến chủ quán thì chỉ có một nơi duy nhất là… bánh tráng trộn ‘nghệ sĩ’.
Xe tráng trộn Gia Thịnh nằm trước số nhà 645 Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 26, quận Bình Thạnh) còn được biết đến với tên gọi “Bánh tráng trộn nghệ sĩ” – ẢNH: LƯU TRÂN
Giới trẻ bây giờ làm gì cũng có “chất” riêng. Sống đã “chất” thì đến việc đi ăn bánh tráng trộn thôi cũng phải “chất” mới đúng chuẩn.
Lý giải về cái tên lạ lùng này, một thực khách tên Lâm Xuân cho biết: “Thật ra bánh tráng trộn ở đây tên Gia Thịnh, cũng là tên của anh chủ quán luôn. Mà đa số người ta biết tới cái tên bánh tráng trộn “nghệ sĩ” là nhiều. Cũng tại anh chủ lúc nào cũng áo sơ mi, quần dài, tóc tai cũng lãng tử, nhìn giống nghệ sĩ mà”.
Chúng tôi ghé xe bánh tráng trộn trước số nhà 645 Xô Viết Nghệ Tĩnh (phường 26, quận Bình Thạnh) vào khoảng 7 giờ tối. Lúc này khách khá đông, người nào cũng mua ít nhất là hai bịch bánh tráng, có người còn mua lần mấy chục bịch.
Dù đã mở bán được hơn 10 năm và đổi địa điểm 2 lần, bánh tráng ở đây vẫn được đông đảo thực khách ủng hộ Ảnh: Lê Nam
Lọt thỏm giữa vòng vây khách hàng là anh chủ quán với dáng người dong dỏng cao. Hôm nay anh diện áo sơ mi tối màu, đóng thùng gọn gàng cùng chiếc quần tây. Mái tóc hơi dài, được rẽ ngôi theo “mốt” của những nghệ sĩ nam thời Làn Sóng Xanh mới nổi (khoảng năm 1999 – 2000).
Các loại gia vị, nước xốt và hành phi do anh Thịnh tự chế biến tại nhà theo công thức riêng để tạo nên sự khác biệt cho món bánh tráng trộn của mình Ảnh: Lưu Trân
Lý giải về gu ăn mặc hơi “lạc quẻ” với món bánh tráng trộn đang bán, anh Dương Gia Thịnh (33 tuổi, chủ quán) chia sẻ: “Trước khi bán bánh tráng trộn thì tôi cũng làm nhiều công việc khác như thợ cơ khí, “cò” nhà đất, rồi bán băng đĩa…Mà nghề nào nghề chứ tôi cũng thích ăn mặc gọn gàng vậy, nó là thói quen rồi.
Đặc biệt nữa là khi mình bán hàng ăn uống, ai không muốn ăn sạch uống sạch. Nhìn chủ quán tươm tất thì người ta mới yên tâm đồ ăn cũng đảm bảo vệ sinh chứ. Đó cũng là cách tôi thể hiện sự tôn trọng dành cho khách hàng và tôn trọng cái nghề của mình”.
Đặc biệt nhất là phong cách ăn mặc của anh chủ, luôn tươm tất với áo sơ mi và quần dài Ảnh: Lê Nam
Với vẻ ngoài khá điển trai cùng phong cách ăn mặc như “nghệ sĩ”, anh Thịnh còn có khả năng trộn bánh tráng với số lượng lớn cực kỳ điêu luyện. Bánh tráng cắt miếng nhỏ vừa ăn rồi được cho vào một thau inox lớn. Số lượng bánh mỗi lần trộn tương đương với 15 – 20 bịch bánh tráng nhỏ.
Tiếp sau đó, anh cho vào xoài keo bào sợi mỏng, rau răm, các loại gia vị cơ bản để trộn bánh tráng như muối tôm Tây Ninh, hành phi, mỡ hành, ớt sa tế, nước xốt… Sau khi trộn đều, bánh tráng sẽ được cho vào từng bịch nhỏ rồi tùy sở thích của khách mà anh sẽ thêm vào các nguyên liệu như gan rim, khô bò sợi, trứng cút luộc, mực tẩm…
Tóc rẽ mái kiểu của các nghệ sĩ thập niên trước, khá phong trần, lãng tử Ảnh: Lê Nam
Nói về nhân duyên với nghề bán bánh tráng trộn, chàng trai 8X trần tình, cách đây 10 năm, khi đang trong giai đoạn thất nghiệp thì anh đã nảy ra ý định bán món ăn vặt này để kiếm thêm thu nhập.
“Lúc đó mình cũng đang bí quá, chưa biết phải làm gì cho có tiền. Muốn buôn bán, kinh doanh thì phải có vốn nhiều, khoản này tôi chịu. Đến tối ngủ cứ nằm trằn trọc mãi, rồi tự nhiên tôi nhớ ra món bánh tráng trộn. Món ăn vặt thì dễ bán, nhiều đối tượng người có thể ăn được và kể ra vốn ban đầu cũng ít”, anh Thịnh nhớ lại.
Bánh tráng trộn “nghệ sĩ” mở bán từ 7 giờ tối đến 12 giờ khuya mỗi ngày, riêng chủ nhật quán nghỉ bán Ảnh: Lưu Trân
Vậy là ngay sáng hôm sau, anh bắt đầu đi mua nguyên liệu để tập trộn bánh tráng rồi mời bạn bè, người thân ăn thử. “Cứ mỗi người ăn thì sẽ có một góp ý khác nhau, mình cứ dựa vào đó mà rút kinh nghiệm rồi tự hoàn thiện món ăn của mình hơn”, Thịnh bộc bạch.
Bánh tráng trộn là món ăn nhẹ có xuất xứ từ Tây Ninh và rất được ưa chuộng ở Sài Gòn. Món này có vị lạ miệng, nguyên liệu cơ bản gồm bánh tráng, trứng cút luộc, thịt bò khô, tép khô, mực khô, xoài xanh bào sợi nhỏ, đậu phộng rang, hành củ và hành lá phi thơm, cho thêm nước tắc vào trộn đều với nhau. Giá cả bình dân, phù hợp với nhiều đối tượng khách hàng.
Những tháng ngày chạy ngược chạy xuôi kiếm thuê mặt bằng mở quán, anh cũng “trầy trật” nhiều. Chưa kịp ổn định thì chủ nhà “không cho thuê nữa”, bánh tráng trộn “nghệ sĩ” phải dời từ chân cầu Thị Nghè đến gần chân cầu Thanh Đa (là địa điểm hiện tại).
Trong suốt hơn 10 năm qua, không ít lần anh Thịnh nghe được những lời không hay từ người khác như: “Đàn ông con trai có sức khỏe không làm được gì to lớn, đi bán bánh tráng trộn như đàn bà” hay “Nhìn chọn cái nghề rẻ tiền là biết không làm ăn được gì rồi”…
Thế nhưng, bỏ qua tất cả những điều đó, chàng trai sinh năm 1984 này vẫn đặt hết cái tâm của mình vào cái nghề, cái nghiệp và kiên định trên con đường bản thân đã lựa chọn.
Cố nhạc sĩ, ca sĩ Minh Thuận lúc còn sống cũng là một vị khách thân thiết của quán Ảnh: NVCC
Kết quả là bánh tráng trộn Gia Thịnh đã tạo được dấu ấn riêng trong lòng rất nhiều thực khách. Ngoài việc bánh tráng ở đây được làm đúng kiểu bánh tráng trộn Sài Gòn gồm miếng bánh tráng đã được phơi sương, cắt nhỏ từng sợi và trộn chung với xoài xanh bào sợi, rau răm cắt nhuyễn, muối tôm Tây Ninh, tép rang, khô bò sợi, ớt sa tế…
Trung bình mỗi ngày, bánh tráng trộn ở đây bán hết từ 3 – 4 hũ trứng cút luộc Ảnh: Lê Nam
Còn một điểm thú vị và cũng là yếu tố quan trọng giúp bánh tráng trộn ở đây tạo được nét đặc trưng chính là thứ hỗn hợp nước xốt bao gồm nước bò, nước tắc và me.
“Nhiều quán cho riêng nước cốt tắc tươi hoặc nước cốt me, hay nhiều chỗ chỉ cho nước bò với mỡ hành thì tôi muốn hòa trộn tất cả những hương vị đó lại thành một. Phải có đầy đủ vị chua, ngọt, cay, mặn… thì ăn mới thấy đậm đà. Với riêng bản thân tôi, thiếu một nguyên liệu thôi thì món ăn sẽ không còn hoàn hảo nữa”, anh chủ quán 8X chia sẻ.
Mỗi ngày, quán của anh đều bán được từ 300 – 400 bịch bánh tráng Ảnh: Lê Nam
Cuộc nói chuyện tạm gián đoạn vì anh Thịnh có điện thoại. Nghe xong anh quay sang chúng tôi nói với giọng mừng rỡ: “Có khách đặt anh ba chục bịch bánh tráng, mấy đứa ngồi chơi đợi anh chút nha”.
Rồi anh đeo bao tay, bắt đầu từng thao tác nêm nếm, cắt, trộn bánh tráng. Nhìn cách anh Thịnh say mê với từng lọ gia vị, cả việc anh trân trọng và đam mê với nghề cũng đã khiến món bánh tráng trộn dân dã bỗng dưng được nâng tầm đến lạ thường.
Giá bánh tráng trộn ở đây dao động từ 10.000 – 20.000 đồng/phần Ảnh: Lưu Trân
Câu chuyện lập nghiệp của anh chủ “nghệ sĩ” này có lẽ là một minh chứng sống cho câu nói: “Tất cả những trải nghiệm trong cuộc đời, dù tồi tệ hay tốt đẹp cũng sẽ trở thành một câu chuyện hay. Nếu không dám đương đầu với những trải nghiệm, cuộc đời chúng ta sẽ chỉ là một… cái tên”.
Lưu Trân
Theo Thanh niên online
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.