Địa chỉ cuối tuần: 3 quán phá lấu lâu đời ở Sài Gòn
Phá lấu bò cô Oanh, dì Nủi hay phá lấu vịt đã bán từ 20 đến 40 năm, luôn nườm nượp khách ghé ăn vào buổi chiều.
Phá lấu cô Oanh
Nép mình trong hẻm nhỏ gần chợ Xóm Chiếu, quận 4, phá lấu cô Oanh là món bạn không nên bỏ lỡ khi muốn khám phá khu chợ nổi tiếng về ẩm thực này. Quầy bếp là một sạp hàng, che dù tạm bợ nhưng đã tồn tại hơn 20 năm. Không gian nhỏ, chỗ ngồi bình dân, vị trí lại hơi khó tìm đối với khách thập phương nhưng từ lúc mới mở quán đến nay, hiếm khi vắng khách. Giá trung bình 25.000 đồng/chén, bạn có thể gọi món theo yêu cầu.
Hai phần phá lấu của quán cô Oanh. Ảnh: Dy Vỹ.
Thành phần chính của phá lấu là nội tạng bò như gan, sách, dạ dày, lá lách, lòng… toàn những thứ cần phải làm thật sạch. Vì thế, từ sáng sớm, chủ quán đã lục đục đi chợ, sơ chế nguyên liệu kỹ để khi ăn, bạn không ngửi thấy mùi khó chịu của lòng bò. Thau phá lấu sậm màu, đầy ắp bày trước cửa quán, luôn được hâm nóng trên bếp.
Khi có khách, cô Oanh chọn từng miếng rồi cắt nhỏ cho vào chén. Tiếp đến, cô rưới đầy nước dùng thơm, mang vị béo của cốt dừa, hơi sệt. Miếng lòng bò hầm lâu, mềm và có độ giòn, nhai sướng miệng. Phá lấu ăn kèm chén nước mắm chua ngọt, pha chút ớt xắt. Muốn no bụng thì bạn chấm bánh mì nóng giòn. Khách được xin thêm nước phá lấu thoải mái. Quán mở cửa từ 17h đến 22h. Điểm trừ là do nằm ở khu dân cư đông đúc, người qua lại liên tục, hơi bất tiện.
Địa chỉ: 200/48 Xóm Chiếu, quận 4.
Phá lấu dì Nủi
Không ngoa khi gọi quận 4 là thủ phủ của món phá lấu ở TP HCM, bởi đảo một vòng xe máy, bạn sẽ bắt gặp hàng chục biển hiệu in chữ phá lấu đến nỗi không biết nên ghé tiệm nào. Lúc như thế, gợi ý dành cho bạn là tiệm phá lấu hơn 20 tuổi đời trên đường Tôn Đản. Quán có chỗ ngồi trong nhà sạch sẽ, tuy nhiên hơi chật nên đa phần khách phải bắt ghế ngồi ngoài hẻm vào giờ cao điểm. Giá từ 27.000 đến 45.000 đồng/chén.
Phá lấu chấm bánh mì và mì phá lấu của quán dì Nủi. Ảnh: mia_mai_nguyen.
Quán có hai món chính: phá lấu nước và phá lấu chiên – món ăn xế được giới trẻ ưa chuộng vài năm gần đây. Điểm cộng là thành phần phá lấu có gần như đầy đủ các loại lòng bò. Hiếm hôm nào thiếu một, hai thứ nên hút lượng lớn khách quen. Nước phá lấu đậm đà, béo ngậy nhờ cốt dừa, cộng với các loại gia vị được nêm nếm theo công thức riêng nên bạn hoàn toàn không ngửi thấy mùi hôi. Miếng lòng dai dai nhưng vẫn có độ mềm, dễ ăn.
Chén mắm me chua ngọt khiến thực khách lưu luyến. Khi ăn, bạn xiên một miếng phá lấu, nhúng ngập trong nước cho thật thấm rồi thưởng thức chung với bánh mì nóng giòn. Nếu thích, bạn có thể thay bánh mì bằng mì gói ăn cho chắc bụng. Gọi thêm ly sâm bông cúc mát lạnh nữa là “đúng bài”. Quán ăn gia đình, người trong nhà phụ nhau bưng bê nên đôi lúc kém chuyên nghiệp.
Địa chỉ: 243/30 Tôn Đản, quận 4.
Phá lấu vịt
Nếu chán lòng bò, bạn hãy thử món phá lấu vịt có tiếng hơn 40 năm nay, nằm trên đường Bùi Minh Trực, quận 8. Khoảng 15h quán mở hàng, ngoài khách ghé quán ăn tại chỗ thì trước cửa luôn đông người chờ mua mang về. Thực khách ngồi bàn ghế nhựa bình dân ngay hiên nhà, không khí luôn náo nhiệt. Công thức nấu được truyền từ đời bà ngoại đến đời cháu, hương vị không đổi, khoảng 5.000 – 20.000 đồng/món. Gọi phần thập cẩm thì có giá 50.000 đồng.
Nồi phá lấu đầu vịt. Ảnh: Sài Gòn dấu yêu.
Khác phá lấu bò, phá lấu vịt không chỉ có lòng mà sử dụng thêm các bộ phần nhiều xương của con vịt, gồm có: đầu, cánh, cổ, chân, bọng vịt, huyết và ruột. Tất cả được ướp với nhiều loại gia vị nấu phá lấu, tạo màu vàng nâu, và không có mùi. Thau phá lấu chất đầy chân vịt, luôn bốc khói nghi ngút, đặt gần mặt đường làm ai đi ngang cũng phải ngoái nhìn.
Mỗi ngày, quán bán hơn 100 kg vịt. Không ít thực khách nhận xét nước chấm mắm gừng sả ngon “quên lối về”. Món bán chạy nhất là huyết nếp, trông lạ lẫm và bạn phải ghé sớm thì mới còn. Lòng vịt nhỏ, mỏng, sần sật nhai vui miệng, ăn kèm vài cọng hành lá cho thơm. Phần cánh thì có chút thịt, còn cổ và đầu toàn xương nhưng là món khoái khẩu của phái nam, lý tưởng để nhậu, tụ tập chiến hữu cuối tuần.
Địa chỉ: 105 Bùi Minh Trực, quận 8.
Vi Yến
Nguồn: Ngôi sao
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.