“Biến tấu” mì ăn liền theo công thức ngon-nhanh-đủ của chuyên gia dinh dưỡng
Chỉ mất không đầy 30 phút, bạn có thể “biến tấu” những gói mì ăn liền có sẵn trong bếp thành món ăn thơm lừng, hấp dẫn, đáp ứng 3 tiêu chí: ngon, nhanh và đầy đủ dưỡng chất. Thử ngay với hướng dẫn cực kỳ dễ thực hiện của chuyên gia dinh dưỡng.
1. MÌ NẤU NẤM SƯỜN: THƠM NGON, THANH LÀNH VÀ ĐỦ ĐẦY DINH DƯỠNG
* Cung cấp 420Kcal cho một khẩu phần, món mì kết hợp sườn non với các loại rau củ không chỉ giúp cân đối protein mà còn bổ sung lượng chất xơ dồi dào. Đặc biệt, hàm lượng dinh dưỡng cao cấp, giàu vitamin trong nấm linh chi và nấm bào ngư còn giúp tăng cường hệ miễn dịch, hỗ trợ ngừa ung thư, cao huyết áp và chống béo phì…
Nguyên liệu:
- 1 gói mì Mikochi sườn heo
- 100gr sườn non
- 20gr nấm linh chi
- 20gr nấm bào ngư
- 40gr rau củ các loại
- Tiêu xanh, ớt sừng, hành lá, ngò
Cách làm:
- Sườn heo rửa sạch, chặt miếng vừa ăn.
- Đun sôi 700ml nước, cho sườn vào nấu lửa vừa, vớt sạch bọt. Thêm tiêu xanh vào nấu cùng đến khi nước dùng còn 500ml nước, sau đó nêm các gói gia vị vào.
- Rau củ, nấm sơ chế, rửa sạch. Cho 1 muỗng canh dầu ăn vào chảo, trút rau củ, nấm vào xào nhanh trên lửa lớn, nêm ít muối, tiêu.
- Cho vắt mì ra tô, thêm rau củ đã xào vào, trút nước ngập mì và đậy nắp 3 phút.
2. GỎI MÌ NGŨ SẮC: ĐỘC ĐÁO, LẠ MẮT VÀ LẠ MIỆNG
* Món ăn đơn giản này khá “bắt vị” và cung cấp đến 445Kcal/khẩu phần cho người thưởng thức. Chút chua ngọt của nước sốt gỏi làm đậm đà hơn những thành phần giàu đạm như trứng gà, chả lụa và thịt nguội, trong khi cà rốt, củ kiệu, dưa leo, hành tây là sự tổng hòa của chất xơ, các vitamin và khoáng chất… đem lại cho cơ thể sự tươi mới nhờ khả năng chống oxy hóa, làm đẹp da và ngăn ngừa ung thư.
Nguyên liệu:
- 1 gói Hảo Hảo tôm chua cay
- 20gr củ kiệu
- 20gr trứng gà chiên cắt sợi
- 30gr cà rốt, dưa leo, hành tây cắt sợi
- 20gr chả lụa cắt sợi
- 20gr thịt nguội cắt sợi
- 10ml nước cốt chanh
- 5ml nước mắm, 10gr đường
- 5ml tương ớt
Cách làm:
- Mì trụng mềm, để ráo.
- Trộn đều nước mắm, nước cốt chanh, đường, tương ớt, các gói gia vị nấu mì và 50ml nước ấm thành nước trộn gỏi.
- Bày mì và các nguyên liệu đã cắt sợi ra đĩa, khi ăn rưới sốt lên, trộn đều.
Thực tế trong cuộc sống bận rộn hàng ngày, bạn vẫn có thể thưởng thức ngay tô mì hấp dẫn chỉ với 3-5 phút chế biến bởi mì ăn liền là loại thức ăn “Nhanh” và tiện dụng. Yếu tố “Ngon” trong món ăn cũng ngày càng được chú trọng khi hiện nay, các nhà sản xuất đã đa dạng hóa hương vị, bổ sung thêm nhiều nguyên liệu phong phú vào gói mì như rau củ tươi hay mè, bắp, rong biển, tôm, thịt…
Tuy nhiên, nhiều người vẫn cho rằng sử dụng mì ăn liền không thể cung cấp đầy đủ dưỡng chất. Loại thực phẩm đóng gói này còn vướng “nghi án” dễ gây “nóng” (nhiệt), không tốt cho sức khỏe. Nói về vấn đề này, TS. Từ Ngữ – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội dinh dưỡng Việt Nam – phân tích: “Nguyên tắc dinh dưỡng hợp lý là ăn đủ bốn nhóm chất: bột đường, chất đạm, chất béo, khoáng chất và vitamin. Nếu chỉ ăn một loại thực phẩm thì sẽ mất cân bằng dinh dưỡng, tùy vào cơ địa của mỗi người sẽ xảy ra các vấn đề về sức khỏe, nóng hay nổi mụn. Vì vậy, nên kết hợp nhiều loại thực phẩm trong bữa ăn và có chế độ sinh hoạt hợp lý để cân bằng”.
Theo đó, để có được một khẩu phần mì “ăn liền” đầy đủ dinh dưỡng là điều hoàn toàn không khó. Bởi dựa vào giá trị dinh dưỡng, thực phẩm được chia thành 4 nhóm: nhóm cung cấp chất bột đường, nhóm cung cấp chất đạm, nhóm cung cấp chất béo và nhóm cung cấp vitamin, muối khoáng, chất xơ. Theo phân nhóm này, mì ăn liền với thành phần chính là bột lúa mì được xếp cùng nhóm cung cấp chất bột đường như các loại thực phẩm cơ bản khác là cơm, bún, phở, bánh mì, khoai, sắn…
Vì vậy, TS. Từ Ngữ khuyên người tiêu dùng nên kết hợp hài hòa mì ăn liền cùng những thực phẩm giàu đạm như thêm 3-4 lát thịt bò, thịt heo, 2-3 con tôm, quả trứng hoặc một ít nấm, đậu hũ… để bữa ăn được cân đối hơn giữa đạm động vật và thực vật. Đồng thời, kèm thêm các loại rau củ như cải xanh, giá đỗ, cà chua, cà rốt… để bổ sung đủ lượng chất xơ.
Mỗi nhóm thực phẩm như thế có vai trò cung cấp các loại dưỡng chất khác nhau cho cơ thể, để tạo ra năng lượng hoạt động hàng ngày. Bởi “Trên thực tế, không có loại thực phẩm nào là tốt nhất và càng không thể là duy nhất để đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng của cơ thể. Chúng ta không thể chỉ ăn cơm trắng mà cần có thêm món thịt, món rau để bữa ăn cân đối dinh dưỡng. Với mì ăn liền cũng tương tự vậy” – TS. Từ Ngữ cho biết.
Tuy nhiên, trong trường hợp bếp không dự trữ đủ các loại thực phẩm để có bữa ăn phong phú, bạn nên bổ sung thêm ít trái cây tráng miệng hoặc đa dạng các loại thực phẩm trong những bữa ăn khác sau đó để đảm bảo dinh dưỡng hợp lý.
PV
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.