TopTit.Com

8 món ăn mùa nào thức nấy được chị em làm trong tuần qua khiến cộng đồng mạng không tiếc lời khen

1

Điểm danh 8 món ăn vừa ngon vừa đẹp được cộng đồng mạng nhiệt liệt hưởng ứng tuần qua nhé!

Mách bạn cách làm bánh ngàn lớp sầu riêng thơm nức mũi – 1600 lượt yêu thích, 279 lượt chia sẻ

  • Facebook tác giả: Mỹ Nga
  • Group: Phố bánh & Dụng cụ làm bánh

Món bánh ngàn lớp sầu riêng với cách làm khá nhanh và đơn giản. Đây là món bánh có khả năng làm thành công ngay lần đầu là rất cao. Bánh có màu vàng ươm đẹp mắt với lớp vỏ có vị ngọt vừa và nhân thơm ngậy vị sầu riêng cùng trứng muối. Bạn hãy thử làm món bánh này cho gia đình mình thưởng thức nhé!

8 món ăn mùa nào thức nấy được chị em làm trong tuần qua khiến cộng đồng mạng không tiếc lời khen

Cùng tham khảo công thức làm bánh sầu riêng ngàn lớp như sau nhé:

PHẦN VỎ BÁNH:

Phần bột 1:

  • 200g bột mì
  • 65g nước
  • 50g đường
  • 50g dầu ăn
  • 1/2 quả trứng gà

Cách làm:

  • Cho nước, dầu, trứng và đường vào âu đánh tan, rây bột mì vào âu rồi trộn đều, nhồi cho đến khi bột mịn, để nghỉ 30 phút.

Phần bột 2:

  • 150g bột mì
  • 60g dầu ăn

Cách làm:

  • Trộn đều bột mì và dầu ăn, để bột nghỉ 30 phút.

PHẦN NHÂN:

Phần nhân là nhân đậu xanh sầu riêng, có rất nhiều công thức ngon trên mạng, mọi người có thể tìm và tham khảo.

TẠO HÌNH BÁNH:

Cán vỏ: Bạn lấy phần bột 1 ấn dẹt rồi cho phần bột 2 vào giữa và bọc kín. Dùng thanh cán cán dẹt cục bột vừa bọc kín lại sau đó lại cuộn bột thành thanh dài. Tiếp theo, bạn gấp đôi thanh bột lại rồi cán dẹt thanh bột vừa gấp đó.

Lấy 1 viên bột ra, cán tròn, mỏng mép ngoài, cho nhân và trứng muối vào giữa rồi miết mép vỏ bột lại cho dính chặt. Cuối cùng, tạo hình bánh thành hình múi sầu riêng.

NƯỚNG BÁNH:

Nướng bánh ở 170 độ C trong khoảng 15 phút rồi để nguội. Dùng hỗn hợp 1 lòng đỏ trứng gà + 1 giọt màu thực phẩm màu vàng để quét mặt bánh. Quét mặt bánh 2 lần, nướng lại thêm 10 phút. Đợi bánh nguội hẳn thì cất vào túi buộc kín để bảo quản.

8 món ăn mùa nào thức nấy được chị em làm trong tuần qua khiến cộng đồng mạng không tiếc lời khen

Mùa sầu riêng đến, đừng bỏ lỡ món bánh ngàn lớp sầu riêng thơm ngon hết ý này nhé!

Khởi đầu ngày mới với bánh mì bi sữa thơm lừng ngất ngây – 859 lượt yêu thích, 341 lượt chia sẻ

  • Facebook tác giả: Huỳnh Dương Mỹ Dung
  • Group: Phố bánh & Dụng cụ làm bánh

Bánh mì bi sữa là một món bánh ngọt thích hợp dùng cho bữa sáng hay bữa xế chiều. Khi cắn từng miếng bánh bạn sẽ cảm nhận ngay được độ xốp mềm của bánh với vị ngọt thơm của sữa, trong khi đó phần vỏ lại giòn giòn càng làm cho món bánh thêm hấp dẫn. Nếu bạn đã ăn rồi thì chỉ muốn ăn thêm nữa thôi.

8 món ăn mùa nào thức nấy được chị em làm trong tuần qua khiến cộng đồng mạng không tiếc lời khen

Muốn làm bánh mì bi sữa, bạn hãy tham khảo theo công thức sau nhé:

Nguyên liệu:

– 250g bột mì đa dụng

– 3g men ngọt (men đầu bếp nhãn vàng)

– 1 trứng gà ta nhỏ

– 130ml sữa tươi có đường

– 50g đường

– 10g sữa bột (không có cũng được)

– 20g bơ lạt để mềm

– 2g muối

Cách làm:

Hâm nóng sữa tươi (như pha sữa cho em bé), cho 3g men khô vào để yên 15 phút, men nổi như gạch cua là được, nếu men không nổi thì bỏ đi, sử dụng men khác.

Cho bột mì, đường, muối, sữa bột vào thau, dùng muỗng trộn đều, rồi cho trứng gà vào trộn đều tiếp.

Cho men đã được kích hoạt cùng với sữa ở bước trên vào trộn đều. Để hỗn hợp nghỉ 10 phút thì lấy ra nhồi đến khi tất cả nguyên liệu hòa quyện thành một khối thì cho bơ vào nhồi cùng, nhồi đến khi bột dẻo mịn.

Bôi một lớp dầu ăn mỏng vào nồi, cho cục bột vào, đậy nắp lại ủ đến khi cục bột nở gấp đôi.

Lấy bột ra nhồi sơ lại, chia thành 8 phần, mỗi phần se dài ra, cắt thành từng khúc tùy thích lớn nhỏ.

Ủ bột nơi kín gió, đợi bột nở gấp đôi thì đem nướng ở nhiệt độ 150 độ C (lò nướng của mình 80l, lò nhỏ cỡ 35 – 36l, các bạn để khoảng 130 độ thôi) đến khi mặt bánh chín vàng.

Các bạn có thể đánh tan một quả trứng cùng với xíu nước để quét mặt bánh cho bóng nếu muốn.

8 món ăn mùa nào thức nấy được chị em làm trong tuần qua khiến cộng đồng mạng không tiếc lời khen

Bữa sáng với bánh mì bi sữa thơm ngon và ly sữa tươi thế là đủ năng lượng để khởi đầu ngày mới.

Biến tấu mới cho món hủ tiếu Nam Vang hấp dẫn vạn người mê – 844 lượt yêu thích

  • Facebook tác giả: Lê Thị Ngọc Trân
  • Group: Chuyện của bếp

Hủ tiếu Nam Vang có vị ngọt của xương, của tôm, vị đậm đà của thịt bằm không chỉ ngon mà còn thu hút người ăn bởi màu trắng của trứng cút, đỏ của tôm và vàng của tỏi phi. Từng sợi hủ tiếu mềm dai kết hợp với nước dùng thanh ngọt, vị béo của tim, ngọt của tôm, bùi bùi của trứng, quyện thêm mùi thơm của tỏi phi vàng rộm sẽ cuốn hút các thành viên trong gia đình bạn đấy!

8 món ăn mùa nào thức nấy được chị em làm trong tuần qua khiến cộng đồng mạng không tiếc lời khen

Cùng xem cách làm hủ tiếu Nam Vang của tác giả Ngọc Trân nhé:

Nguyên liệu:

– 2 cây xương ống chặt nhỏ chần nước sôi, rửa sạch lại, hầm với 2l nước và 2 trái dừa bị (dừa trái to nước nhiều) tổng cộng khoảng 4l nước.

– Củ cải trắng cắt khoanh bỏ nồi nước dùng

– 5 con khô mực vừa nướng sơ bỏ nồi nước dùng

– 500gr tôm sú lựa con to hấp, lột vỏ bỏ đầu nhưng giữ đầu lại để làm sốt

– 1 quả tim to rửa sạch, luộc cùng nước dùng

– 300gr thịt nạc dăm rửa sạch, luộc chung nồi nước dùng

– 1 khay trứng cút bỏ xíu muối luộc chín, bóc vỏ để riêng ra đĩa

– 500gr giò sống quết cùng xíu hạt nêm, xíu đường và ít nước mắm quết dai, vo viên bỏ nồi nước dùng

– 3 con cua gạch luộc chín, gỡ thịt xào sơ, bỏ gạch cua riêng

– Tỏi xay phi vàng khoảng ½ bát

– Lạc rang vàng

– 500gr thịt xay xào sơ

– Củ cải đỏ thái sợi xào sơ

– Tỏi xay ngâm xíu dấm đường

– Rau cần, xà lách, giá, tần ô, hành lá, hẹ, rau mùi cắt nhỏ

Sốt gạch tôm cua:

Đầu tôm lấy phần gạch và 2 mép thịt đầu tôm ra. Phi tỏi cho thơm bỏ gạch cua và tôm vào xào, khi nào dậy mùi thơm thì cho khoảng 6 – 7 thìa canh nước dùng vào, cho thêm xíu tương cà, xíu dầu hào, xíu nước tương, hạt nêm, xíu đường, tiêu, sau đó pha bột năng loãng với nước đổ vào tạo độ sánh, khuấy đều.

Trình bày:

Hủ tiếu mình sử dụng hủ tiếu Mỹ Tho hay gói hủ tiếu bột gạo lọc Sa Đéc (cọng to dai). Nếu không có bạn có thể thay bằng gói miến Phú Hương đậu xanh ăn cũng ngon lắm.

Trụng hủ tiếu, xếp tôm, cua, tim, thịt, mọc lên trên, chan xíu nước mỡ tỏi phi, xíu nước tương, giấm, trộn đều lên. Cuối cùng, chan nước sốt gạch tôm cua lên, thêm thịt xay, tỏi phi, hạt tiêu, múc nước dùng vào bát riêng, cắt hành lá, hẹ ăn kèm.

Nếu bạn muốn ăn hủ tiếu nước thì trụng hủ tiếu, cho tôm, cua, trứng, tim, thịt xay, củ cải, tỏi phi, hành lá, hẹ vào bát, chan nước dùng vào.

8 món ăn mùa nào thức nấy được chị em làm trong tuần qua khiến cộng đồng mạng không tiếc lời khen

Với cách nấu hủ tiếu Nam Vang này đảm bảo bạn sẽ có một tô hủ tiếu thơm ngon, ngọt đậm mọi người ai cũng phải khen.

Bí quyết làm sinh tố kiểu mới ngon tuyệt đỉnh không thể bỏ qua – 616 lượt yêu thích

  • Facebook tác giả: Selena Le
  • Group: Chuyện của bếp

Sinh tố không đường, không đá, không sữa đặc nhưng không bị vữa, lạnh lâu và có thể đem đi làm dùng kèm vài loại trái cây.

8 món ăn mùa nào thức nấy được chị em làm trong tuần qua khiến cộng đồng mạng không tiếc lời khen

Công thức chung và những cách kết hợp của tác giả Selena Le:

1. Trái cây để lạnh.

2. Dùng chuối chín để đông hoặc quả chà là thay đường và sữa đặc (chuối trái nào bắt đầu chín rục thì bóc vỏ, cắt làm ba, cho vào túi dzip, lúc nào làm sinh tố thì đem ra xay chung, giúp sinh tố có vị ngọt, làm lạnh sinh tố mà không cần dùng đá).

3. Dùng nước dừa thay nước.

4. Có thể thêm vài giọt mật ong.

5. Có thể xay chung với lá bạc hà.

6. Có thể xay thêm rau spinach (cải bó xôi tí hon), xà lách. Tránh dùng các loại rau khác vì quá trình tiêu hóa trái cây và rau khác nhau.

7. Mình không dùng sữa chua vì mình không ăn các sản phẩm từ sữa bò và vì sữa chua kị trái cây (lợi khuẩn sẽ bị triệt tiêu khi kết hợp với trái cây và gây chứng kích thích dạ dày, lâu ngày sẽ làm suy yếu hệ tiêu hóa).

8. Mình dùng thêm hạt như hạt điều, hạnh nhân hoặc lạc rang, hạt chia.

Sinh tố kiểu này khá đặc, lạnh, đem theo đi làm hoặc đi chơi đến hơn nửa ngày vẫn lạnh (nếu trái cây để đông vài loại, trong đó có chuối đông) và chai sinh tố sẽ không bị vữa giống chúng ta hay làm trước đây do dùng đá + nước.

Sinh tố có thể bỏ thêm trái cây lên trên ăn kèm, rất ngon và đã miệng. Mùa nào trái đó mới đủ dinh dưỡng và tránh ăn hàng trồng trái vụ. Bạn có thể mua nhiều 1 chút các loại trái cây rửa sạch, để đông như dâu, dâu tằm, việt quất, bơ (bơ và xoài bóc vỏ cắt miếng vừa ăn).

8 món ăn mùa nào thức nấy được chị em làm trong tuần qua khiến cộng đồng mạng không tiếc lời khen

Cận cảnh món sinh tố độc lạ hấp dẫn cực kỳ.

Lạ mà quen món nộm rau muống giòn ngon cho mùa hè cực mát – 829 lượt yêu thích

  • Facebook tác giả: Nguyễn Tâm
  • Group: Chia sẻ nấu ăn và trồng rau

Nếu bạn đã quá quen thuộc với những món như rau muống luộc, nấu canh hay xào thì hãy thử làm món nộm rau muống khá giản dị mà rất lạ miệng này nhé! Nộm rau muống có vị chua ngọt dễ ăn, được điểm thêm vừng và lạc rang bùi thơm, cùng vị cay của ớt tạo nên vị ngon mới lạ cho món rau muống quen thuộc của cả gia đình.

8 món ăn mùa nào thức nấy được chị em làm trong tuần qua khiến cộng đồng mạng không tiếc lời khen

Công thức món nộm rau muống thanh mát cho hè như sau:

– 1-2 bó rau muống nhặt sạch và bỏ bớt lá, ngâm nước muối loãng 15 phút rồi vớt ra để ráo.

– Đun sôi 1 nồi nước với 1 thìa muối cho rau vào luộc chín tới dưới mức lửa lớn nhất và đảo nhanh tay nhiều lần để rau được xanh và chín đều. Muốn rau giòn thì luộc chín rồi ngâm rau 5-7 phút với nước lọc đá.

– Ớt tươi vài trái, thái sợi.

– Lạc rang có thể giã nhỏ hoặc để nguyên tuỳ thích.

– Vừng rang chín 1 thìa.

– Hỗn hợp nước trộn nộm rau gồm: 1 thìa canh nước mắm, đường, nước lọc và nước cốt 2 quả chanh.

– Cho rau vào âu đổ hỗn hợp nước nộm sau đó trộn đều. Tiếp theo là cho lạc rang, ớt thái sợi và vừng vào. Trộn đều để rau thấm và thưởng thức thôi!

Lưu ý: Tùy khẩu vị mặn, nhạt mọi người nêm thêm nước mắm nha! Cũng có thể cho thêm tỏi băm vào hỗn hợp nước nộm nữa.

Mọi người cũng có thể cho rau kinh giới vào cho thơm nhé!

8 món ăn mùa nào thức nấy được chị em làm trong tuần qua khiến cộng đồng mạng không tiếc lời khen

Nộm rau muống ngon giòn, thanh mát ai cũng mê.

Làm bánh xoài Nha Trang dẻo thơm quyến rũ không khó như bạn tưởng – 377 lượt yêu thích, 110 lượt chia sẻ

  • Facebook tác giả: Rose Lee
  • Group: Món ngon nhà làm (Savoury Days Family)

Mùa xoài đến rồi, cùng nhau làm bánh xoài để ăn dần nhé! Món bánh xoài chua chua ngọt ngọt, thơm ngon bổ dưỡng nhưng cực kỳ đơn giản, dễ làm, ít tốn tiền, ít tốn công.

8 món ăn mùa nào thức nấy được chị em làm trong tuần qua khiến cộng đồng mạng không tiếc lời khen

Công thức chi tiết làm bánh xoài như sau:

Nguyên liệu:

5 quả xoài

100g đường vì xoài ngọt

1 củ gừng xay lấy nước

1 quả chanh vắt lấy nước cốt

Vừng đen hoặc trắng rang sẵn

Cách làm:

Cho xoài, đường, nước gừng, cốt chanh vào máy xay xay nhuyễn. Sau đó đun sôi cho hỗn hợp hơi keo lại trong khoảng nửa tiếng.

Trải mỏng hỗn hợp lên giấy nến chống dính.

Cuối cùng bỏ vào lò nướng sấy ở nhiệt độ 100 độ C trong khoảng 3 tiếng hoặc hơn cho đến khi bánh khô.

Nướng trên 2 rack và để ở 2 rãnh giữa. Thỉnh thoảng đảo rack nhau. Khi gần khô mặt bánh, bạn rắc vừng lên trên, cắt thành miếng to nhỏ tùy ý trước khi gỡ giấy nến.

Để đảm bảo và nhanh có bánh ăn thì mình nướng. Không thì bạn có thể phơi nắng nhưng nhớ giữ vệ sinh nha!

8 món ăn mùa nào thức nấy được chị em làm trong tuần qua khiến cộng đồng mạng không tiếc lời khen

Bạn cũng có thể cuộn bánh xoài vào nhìn sẽ ngon mắt hơn nhiều nhé!

Chả giò rế và bún bò sa tế – “cặp đôi bài trùng” ăn là thích – 463 lượt yêu thích, 3 lượt chia sẻ

  • Facebook tác giả: Phong Xuan Trinh
  • Group: Bếp Việt xa xứ

Không cần suy nghĩ quá nhiều về món ngon cho bữa cơm hôm nay, bạn hãy vào bếp chuẩn bị món bún bò sa tế với hương vị đậm đà, cay cay ăn kèm với chả giò rế giòn giòn cực đã. Điều đặc biệt là vỏ chả giò rế tự làm nên rất giòn, thơm và đảm bảo.

8 món ăn mùa nào thức nấy được chị em làm trong tuần qua khiến cộng đồng mạng không tiếc lời khen

Công thức tự làm vỏ bánh chả giò rế như sau:

Nguyên liệu:

300gr bột năng

70gr bột gạo

250gr nước nguội

1 lòng đỏ trứng gà

1/2 thìa cà phê muối

1/2 thìa cà phê bột ngọt

Cách làm:

Lòng đỏ trứng đánh nổi, cho bột gạo, bột năng, nước lạnh, muối, bột ngọt khuấy đều cho tan, khuấy mạnh tay cho bột đều, kéo bột thấy có sợi là được.

Cho chảo chống dính lên bếp, để chảo vừa nóng, bớt lửa (lửa nhỏ), dùng tay nhúng hết vào thau bột rải nhanh tay, làm như vậy 2, 3 vòng liền nhau, đợi bột vừa khô dùng tay gỡ bột ra để lên đĩa là xong.

8 món ăn mùa nào thức nấy được chị em làm trong tuần qua khiến cộng đồng mạng không tiếc lời khen

Bún bò sa tế ăn kèm chả giò rế siêu ngon ai mà không thích!

“Chảy nước miếng” với chân gà ngâm sả tắc ngon tuyệt đỉnh – 415 lượt yêu thích, 169 lượt chia sẻ

  • Facebook tác giả: Hiền Đặng
  • Group: Khỏi vắt óc nghĩ món ăn mỗi ngày

Món chân gà ngâm sả tắc rất được yêu thích bởi vị chua ngọt, lại thơm mùi sả tắc tạo nên hương vị thơm ngon, ăn hoài không chán! Cuối tuần bạn có thể làm món này để dành cho ông xã lai rai với ly bia lạnh là vô cùng hợp lý đấy nhé!

8 món ăn mùa nào thức nấy được chị em làm trong tuần qua khiến cộng đồng mạng không tiếc lời khen

Công thức chân gà ngâm sả tắc bất bại như sau:

Nguyên liệu:

– chân gà 20 chiếc

– Sả 10-15 củ (loại củ to già mới nhiều tinh dầu)

– Gừng

– Tỏi 1 củ to

– Ớt

– Rượu

– Quất 10 -15 quả

– Đường, muối

Cách làm:

– Đầu tiên chân gà mua về rửa thật sạch với nước có cho ít muối. Rửa đến khi thấy chân gà hết nhớt là được (rửa 3 – 4 lần nước).

– Chân gà sau khi rửa xong để ráo nước rồi bắt đầu mang đi luộc. Đặt nồi nước lên bếp cho gừng thái lát, sả đập dập thái khúc vào nồi, đun cho sôi rồi cho chân gà vào luộc, cho 1 ít rượu vào nồi luộc chân gà sẽ khử bớt mùi hôi của chân gà. Liên tục hớt bọt cho sạch để lúc ngâm nước ngâm được trong. Chân gà luộc từ 3 – 5 phút là được, chân to 5 phút chân nhỏ 3 phút. Không nên luộc quá lâu sẽ làm chân bị mềm.

– Chân gà chín vớt ra 1 cái chậu có nước nguội, ngâm và rửa lại chân 1 lần nữa cho sạch váng mỡ bám vào. Sau đó lại ngâm chân gà vào chậu nước có đá để chân gà se và cứng lại. Ngâm nước đá khoảng 30 phút thì vớt chân gà ra để ráo nước rồi bỏ vào ngăn mát tủ lạnh từ 2 – 3 tiếng (giúp chân gà sẽ giòn hơn).

Nước ngâm chân gà:

– Đổ 1 lít nước vào nồi rồi cho lên bếp đun sôi, cho vào 8 thìa canh đường, 6 thìa canh nước mắm, 5 thìa canh giấm (giấm ở đây mình dùng giấm táo cho thơm và chua), 2 thìa cà phê bột canh. Đun sôi hỗn hợp trên rồi hớt sạch bọt, nêm cho nước ngâm hợp khẩu vị. Nhà mình hay ăn ngọt và mặn nhiều, nghĩa là độ mặn và ngọt ngang nhau và làm đậm hơn 1 chút thì lúc cho chân gà vào ngâm nó sẽ thấm và ăn sẽ thấy vừa vặn, độ chua vừa phải, kiểu chua thanh mát thôi chứ không phải chua quá. Khi hỗn hợp trên sôi và đã hớt hết bọt thì tắt bếp để cho thật nguội.

Ngâm chân gà:

– Quất 10 quả thái lát, lưu ý bỏ hạt, chỉ lấy phần ở giữa quả quất vì hạt sẽ khiến nước ngâm rất đắng. Đặc biệt nữa là nước để ngâm phải thật nguội. Khi cho quất thái lát vào thì nêm xem đã vừa vặn chưa nếu cảm thấy thiếu chua thì lấy quất ra vắt nước cốt đổ vào nước ngâm cho thơm. Sả 15 củ, 1 nửa chỗ sả đập dập chia cây sả thành 2 khúc, khúc đầu non thái mỏng, khúc còn lại thì xé thành những sợi dài. Một nửa chỗ sả còn lại cũng chia cây sả thành 2 khúc không đập dập, thái đầu non thành lát sả mỏng, khúc dưới cũng xé thành sợi như sả bên trên.

– Tỏi đập dập, ớt cắt nhỏ.

Tất cả nguyên liệu chuẩn bị xong đổ hết vào nồi nước ngâm, xếp chân gà vào lọ rồi đổ hỗn hợp nước ngâm sả, ớt, tắc vào. Để vào tủ lạnh khoảng 6 – 8 tiếng là ngấm và ăn được. Khi ăn thì múc chân gà ra thả lá chanh vào, thích ăn cay thì cắt ớt thêm vào.

8 món ăn mùa nào thức nấy được chị em làm trong tuần qua khiến cộng đồng mạng không tiếc lời khen

Chân gà ngâm sả tắc giòn giòn với vị chua ngọt vừa phải rất phù hợp để làm món khai vị hoặc làm món nhậu cho ông xã.

Theo: Afamily.vn

Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.