8 món ăn cực hot cộng đồng mạng trong đó có 1 món nhà ai cũng đã từng làm
Đây là món ăn khiến chị em không tiếc dành lời khen ngợi tuần này.
Clip dạy cách bắt hoa anh đào cực xinh xắn có thể áp dụng trang trí cho mọi loại bánh – 2800 lượt yêu thích, 1269 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Lê Thanh Trang
Group: Phố bánh & Dụng cụ làm bánh
Với cách bắt hoa anh đào cực xinh xắn và dễ thương để trang trí cho bánh gato đẹp mắt, bạn có thể tự tay làm một chiếc bánh hoàn hảo để dành tặng người thân của mình. Chắc hẳn mọi người sẽ vô cùng hạnh phúc và ngưỡng mộ bạn đấy!
Để bắt hoa anh đào các bạn sử dụng đui cánh hoa dẹt 104 Wilton và bóp nhỏ phần đầu lại. Thực hiện bắt hoa theo các bước sau:
Bước 1: Tạo đế là một chấm tròn nhỏ, tạo một vòng tròn bao quanh đế.
Bước 2: Chia phần đế ra thành 5 phần để khi bắt hoa sẽ bắt đều được 5 cánh hoa mỗi lớp.
Bước 3: Tạo cánh hoa theo thao tác: Tay trái xoay dù, tay phải bóp kem và rung nhẹ cho cánh hoa mềm mại. Bắt tạo hình cánh hoa từ ngoài vào trong, lớp cánh hoa trong cùng bắt kem thật nhỏ và ngắn.
Bước 4: Sử dụng đui số 1 Wilton để làm nhuỵ hoa hoặc dùng kéo cắt túi bóp kem với đường kính 1mm. Bóp kem nhẹ nhàng thành những đoạn dài 2mm vào giữa bông hoa. Chấm những chấm nhỏ trên cánh hoa là bạn đã hoàn thành 1 bông hoa anh đào xinh xắn rồi đấy!
Cận cảnh những bông hoa anh đào vô cùng xinh xắn và dễ làm để trang trí bánh kem.
Cách làm bánh da lợn vừa xinh vừa dễ bạn phải thử ngay thôi – 576 lượt yêu thích, 277 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Hien Tran
Group: Món ngon nhà làm (Savoury Days Family)
Bánh da lợn ăn dẻo, hơi dai, có mùi thơm của lá dứa cùng với vị beo béo của nước cốt dừa và bùi bùi của đậu xanh là món quà vặt không xa lạ với nhiều người. Nhìn những chiếc bánh da lợn với nhiều tầng xen kẽ, hẳn bạn nghĩ làm bánh này không dễ. Tuy nhiên hãy thử tự làm bánh da lợn một lần, bạn sẽ thay đổi suy nghĩ đó ngay đấy!
Công thức làm bánh da lợn cực chi tiết được tác giả Hien Tran chia sẻ như sau:
Nguyên liệu:
Lớp lá dứa:
50g lá dứa tươi
150ml nước lọc
150ml nước cốt dừa
80g đường
170g bột năng
30g bột gạo
Lớp đậu xanh:
120g đậu xanh hấp chín
200ml nước cốt dừa
80g đường
60g bột năng
Cách làm:
Bước 1: Cho lá dứa và nước lọc vào máy xay xay nhuyễn, lọc lấy 150ml nước cốt lá dứa.
Bước 2: Cho tất cả các nguyên liệu còn lại: nước cốt dừa, đường, bột năng, bột gạo vào nước cốt lá dứa khuấy đều, lược qua rây.
Bước 3: Cho đậu xanh hấp chín, nước cốt dừa, đường vào máy xay xay nhuyễn. Cho bột năng vào hỗn hợp nước đậu xanh vừa xay khuấy đều, lược qua rây.
Bước 4: Hấp bánh
Chuẩn bị nồi hấp, cho nhiều nước vào nồi, đun sôi. Nắp vung lót 1 lớp khăn hoặc vải để khi hấp hơi nước không rơi xuống mặt bánh gây tách lớp.
Thoa ít dầu chống dính cho khuôn. Đặt khuôn hấp vào nồi, đổ 1 lớp bột lá dứa, đậy vung, vặn to lửa (2 – 7 phút tùy lớp dày hay mỏng).
Khi lớp bột lá dứa chuyển màu trong thì vặn nhỏ lửa, đổ 1 lớp bột đậu xanh, đậy vung, vặn to lửa trở lại cho bánh nhanh chin.
Khi lớp bột đậu xanh chuyển trong thì đổ tiếp lớp bột lá dứa. Cứ đổ lần lượt các lớp, tùy khuôn to nhỏ mà đổ bao nhiêu lớp cũng được (lớp đầu tiên là màu xanh và lớp cuối cùng cũng là màu xanh).
Lưu ý:
Bánh sau khi hấp chín để nguội mới lấy khỏi khuôn.
Nếu làm bánh da lợn cuộn tròn thì hấp xong để bớt nóng một chút là cuộn ngay. Muốn cắt bánh đẹp thì dùng sợi chỉ để cắt đảm bảo lát cắt đẹp và mịn.
Món bánh da lợn dân dã quyến rũ từ màu sắc đến hương vị thơm ngon.
Chiếc bánh kem dành cho những cô gái dịu dàng, đẹp tinh khôi giữa cánh đồng hoa cúc – 1300 lượt yêu thích, 10 lượt chia sẻ
Facebook: Dao Tuyet Trinh
Group: Món ngon nhà làm (Savoury Days Family)
Thay cho những chiếc bánh hoa ú ụ kem bơ, bánh vẽ có ưu điểm tuyệt đối khi chỉ sử dụng lớp kem bơ mỏng nhẹ, kẹp giữa các lớp gato bông mềm là lớp mứt cam chua dịu, không ai để thừa miếng nào đâu nhé!
Chiếc bánh được tác giả vẽ hơn 1 tiếng đồng hồ thì hoàn thành. Bánh với tạo hình cô gái dịu dàng, thướt tha giữa cánh đồng hoa cúc trắng như một tác phẩm nghệ thuật xuất sắc bởi sự hài hoà về màu sắc cũng như bố cục.
Cùng ngắm chiếc bánh khiến ai cũng phải trầm trồ khen ngợi và không nỡ ăn vì quá đẹp nhé!
Cuối tuần đãi cả nhà món chân giò hầm kiểu Hàn thơm ngon khó cưỡng – 387 lượt yêu thích, 2 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Tramy Nguyen
Group: Bếp Việt xa xứ
Chân giò hầm kiểu Hàn Quốc với hơn chục loại gia vị cầu kì nhưng thành phẩm thì ngon ngất ngây đố ai cưỡng lại được nhé! Chân giò hầm ăn kèm với kim chi, củ cải muối và các loại rau sống chấm kèm nước sốt chấm tự pha là ngon hết ý.
Bạn có thể tham khảo công thức làm món chân giò hầm kiểu Hàn được tác giả chia sẻ sau đây nhé!
Nguyên liệu:
1 cái chân giò nguyên cây hoặc có thể cắt khúc ra làm hai
8 quả táo đỏ (trong thuốc bắc hay có)
8 nhánh tỏi
1 củ gừng nhỏ
4 nhánh hành lá
1 củ hành tây
1 quả táo tây (pomme)
4 quả to ớt khô
1 bông hoa hồi, 1 nhánh quế
Tiêu hột
1 muỗng cà phê đen
Rượu nấu ăn hoặc rượu soju
1 muỗng đầy tương Hàn
Nửa chén nước tương
3 muỗng hắc xì dầu
3 muỗng đường nâu
1 thìa muối
Đường sên
Cách làm:
Bước 1: Chân giò mua về cạo sạch lông, bỏ chân giò vào nước ngâm ít nhất 4 giờ hoặc qua đêm sáng hôm sau làm (cho tiết và mùi trong chân giò tiết ra hết, nếu thời tiết nóng thì ngâm vài tiếng sau đó rửa sạch tiết là được, nếu thời tiết lạnh thì ngâm qua đêm, chân giò không hề bị hôi).
Bước 2: Cho chân giò vào nồi luộc cùng với 1 nhánh gừng, luộc chân giò khoảng 10 phút, tắt bếp đem chân giò đi rửa sạch dưới nước lạnh.
Bước 3: Cho chân giò vào nồi luộc, đổ nước ngang mặt với chân giò. Bắt đầu cho tất cả những gia vị trên vào luộc với chân giò, hầm chân giò khoảng 1 giờ 30 phút, ta thấy chân giò mềm là được. Bạn lưu ý đừng để chân giò chín nhừ quá sẽ không ngon, ăn mau ngán nhé! Chân giò chín bày ra đĩa, cắt ăn cùng với rau sống, thêm đĩa kim chi nữa.
– Bước 4: Nước sốt chấm vì không mua được đầy đủ gia vị Hàn nên mình làm thế này mọi người tham khảo nhé:
5 muỗng nước tương, 3 muỗng giấm đen (không có có thể thay bằng giấm gạo hoặc chanh bình thường), 2 muỗng mật ong, 1 muỗng nước, 1 thìa cà phê dầu mè, 1 thìa cà phê mè rang, hành lá và rau mùi băm nhỏ, tương ớt Hàn 1 muỗng, ai thích ăn cay thì bỏ nhiều nhé! Trộn đều tất cả các nguyên liệu là đã có bát nước chấm ngon tuyệt rồi.
Món chân giò hầm kiểu Hàn nhìn vừa hấp dẫn vừa thơm ngon sẽ là gợi ý tuyệt vời để đổi bữa cho gia đình dịp cuối tuần.
Bật mí cách làm bánh thạch rau câu 3D “chuẩn không cần chỉnh” – 666 lượt yêu thích, 1 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Cõi Trần
Group: Chia sẻ nấu ăn và trồng rau
Các chị em yêu làm bánh chắc không lạ gì món bánh thạch rau câu 3D rất bắt mắt trong thời gian gần đây. Nhưng không phải ai cũng có thể tạo nên những chiếc bánh rau câu với bông hoa xinh xắn bên trong thật “chuẩn chỉnh” như thế này đâu nhé. Vậy thì hãy cùng xem những bí quyết làm thạch rau câu 3D cực hữu ích sau đây.
Bí quyết để nền bánh được trong:
– Cần sử dụng đúng loại rau câu, loại đường, thời gian ngâm, cách nấu. Như mình hay làm thì mình sẽ trộn rau câu Hoàng Yến với đường, cho vào nước ngâm lâu, có khi mình ngâm qua đêm, sáng dậy mới nấu. Miễn sao phải bảo đảm rau câu tan và nở hoàn toàn.
– Khi đun nên để lửa vừa, hạn chế khuấy, cho rau câu sôi mạnh 2 phút thì hạ lửa vớt bọt, tiếp tục tăng lửa để sôi mạnh lần 2 rồi vớt bọt, tắt bếp.
– Nên để rau câu ổn định hoàn toàn, không còn sôi lăn tăn nữa mới đổ qua rây ra khuôn, việc này hạn chế tạo bọt khí cho nền bánh.
– Một trong những mẹo để nền bánh trong hơn là đợi rau câu hơi se mặt thì kéo bỏ lớp màng đầu tiên, màng này sẽ kéo theo bọt khí nếu có.
Bí quyết để màu hoa sắc nét và không bị loang màu:
– Sử dụng màu từ nguyên liệu tự nhiên sẽ hạn chế hiện tượng loang màu.
– Rau câu bơm màu phải loãng hơn với rau câu đổ nền, loãng thì bơm hoa sẽ dễ hơn, nét hơn, không có hiện tượng khi rút kim ra rau câu sẽ đi theo.
Bí quyết để đế bánh không bị tách rời:
– Cần lau khô mặt bánh sau khi bơm hoa
– Dùng kim hoặc vật sắc cào tan nát mặt bánh, khâu này nghe có vẻ tàn nhẫn, nhưng nên có.
– Phần đế nên để tối màu thì phần hoa sẽ nổi hơn nhé!
Bí quyết để mặt rau câu không bị rỗ li ti:
– Do lúc lấy nền bánh trong tủ lạnh ra vẫn còn lạnh, đem bơm hoa rau câu nóng vào nên sẽ bị rỗ. Bạn nên đợi rau câu hết lạnh hoàn toàn mới tiến hành bơm hoa.
– Khi đi kim, chỉ chạm độ sâu vừa phải, tránh đâm quá sâu, sẽ gây thủng mặt bánh
Bí quyết để rau câu không bị ra nước:
– Cần điều chỉnh lượng nước phù hợp.
– Hạn chế khuấy trong quá trình đun.
– Để rau câu nguội hoàn toàn mới cho vào tủ lạnh.
Chiêm ngưỡng chiếc bánh thạch rau câu 3D cực đẹp cực nét.
Muốn ăn bún riêu ngon chuẩn vị, hãy học ngay công thức này – 622 lượt yêu thích
Facebook tác giả: Lê Thị Ngọc Trân
Group: Chuyện của bếp
Món bún riêu cua không chỉ bắt mắt từ mùa sắc, hương thơm tới mùi vị đậm đà mà còn là món ăn giúp đẩy lùi cơn chán ăn của cả gia đình bạn ngay lập tức đấy!
Cùng học cách nấu bún riêu thơm ngon, chuẩn vị sau đây nhé:
– 2 – 3 cái móng giò (phần từ đầu gối heo trở xuống) rửa sạch chặt khoanh luộc sơ.
– 500gr cua đồng lược bỏ xác nấu với 3 lít nước, bỏ xíu muối nấu sôi khi riêu gần nổi dùng đũa quậy riêu theo 1 chiều cho riêu nổi lên.
– 3 miếng đậu hũ cắt vuông chiên.
– 5 trái cà chua chẻ múi cau.
– 2 cục huyết heo cắt nhỏ.
– Mỡ heo cắt nhỏ cho vào luộc cho đến khi nào cạn nước, mỡ ra nước thành tóp. Trộn chung với hành tím phi, bỏ xíu muối đường tỉ lệ 1 muối 2 đường trộn đều.
– Rau muống mua về nhặt hết lá, rửa sạch, chẻ nhỏ.
– Rau thơm các loại, hành, ngò gai
– Hạt màu điều phi với dầu.
– Bún, mắm tôm, chanh, ớt, me lược (nếu thích)
Nguyên liệu làm chả riêu:
– Tôm khô
– Thịt xay
– 1 trứng gà
– Hành tỏi băm
Tôm khô ngâm nước nóng cho mềm, vớt ra giã nhuyễn, cho thịt xay, trứng gà, hành tỏi xay, tiêu, hạt nêm vào nêm cho vừa miệng (thử bằng cách vo viên nhỏ bỏ vào nước lèo thử, nếu mặn hoặc nhạt thì gia giảm tuỳ khẩu vị).
Cách nấu:
Phi hành tỏi xay với dầu điều, trút vào nồi riêu, cho giò heo luộc sơ vào hầm chung, đợi sôi thật sôi thì vo viên riêu cho vào, cho lần lượt huyết, đậu hũ, cà chua vào, nêm hạt nêm, xíu đường, nếm cho vừa khẩu vị (giò nhà mình thích ăn giòn chứ không thích ăn mềm nên hầm nhanh).
Trụng bún, chan nước, thêm riêu, đậu hũ, cà chua, hành, mùi tàu cắt nhuyễn, bỏ thêm mắm tôm, ớt, chanh (hoặc me) kèm rau và thưởng thức.
Nấu ngay bún riêu cua chuẩn vị để cả nhà tấm tắc khen ngon.
Nấu bánh đúc nóng siêu hấp dẫn ngon không thua tiệm – 653 lượt yêu thích, 129 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Ngô Việt Trinh
Group: Khỏi vắt óc nghĩ món ăn mỗi ngày
Bát bánh đúc nóng hổi, mềm mịn ăn với nước dùng hơi mằn mặn, đậm đà và nhân thịt mộc nhĩ giòn giòn, hành khô thơm thơm, rắc thêm chút hạt tiêu nữa cho dậy mùi thì còn gì tuyệt hơn nữa!
Công thức bánh đúc nóng chi tiết như sau:
Gạo tẻ: mình đong 1 lon gạo (lon sữa ông thọ), vo sạch, ngâm khoảng 6 tiếng (thường ăn trưa xong mình ngâm để đến chiều làm). Gạo sau khi ngâm thì xay nhuyễn bằng máy xay sinh tố, không cần dùng rây lọc, xay kỹ sẽ rất mịn. Xay gạo cùng với nước mình ngâm gạo luôn nhé!
Lưu ý: Ai không làm bột tươi có thể mua bột gạo tẻ khô sẵn. Làm theo công thức của mình thì tầm 200g bột gạo tẻ sẽ cho 7 bát bánh đúc nóng như hình.
Sau khi xay bột xong, cho thêm 500ml nước, 100ml nước vôi trong, 1 thìa cà phê muối, khuấy đến khi dậy lên mùi bánh đúc là được. Hoặc cứ vừa khuấy vừa thêm nước từ từ để tránh bị nhão quá hoặc khô quá. Cứ để bánh trên bếp, bật lửa nhỏ cho bánh nóng.
Thịt nạc vai, mộc nhĩ, nấm hương băm nhỏ. Phi hành khô thơm rồi cho vào xào săn, nêm mắm, hạt nêm cho vừa khẩu vị. Xào xong rắc thêm chút hạt tiêu rồi đảo đều lên.
Nước dùng: nước mắm pha chua ngọt. Mình pha theo tỉ lệ 1 mắm: 1 giấm: 1 đường: 5 nước.
Đun sôi nước, lần lượt cho đường khuấy cho tan hết, tiếp theo cho nước mắm, sau cùng là giấm.
Múc bánh đúc ra bát, thêm thịt, hành khô phi vàng, rau mùi, chan nước và thưởng thức thôi!
Mời mọi người cùng thưởng thức bát bánh đúc nóng thơm ngon.
Đẹp lung linh món thạch rau câu dừa trà xanh và cà phê siêu lạ – 1000 lượt yêu thích, 1 lượt chia sẻ
Facebook tác giả: Huỳnh Phương Trang
Group: Chuyện của bếp
Thạch rau câu dừa trà xanh và cà phê là món ăn ngon không thể thiếu mà bạn nên thử trong mùa hè này. Vị mềm dai của thạch, mùi thơm mát của trà xanh và cà phê, vị beo béo của sữa tươi và nước cốt dừa sẽ giúp bạn xua tan cái nóng bức ngay lập tức.
Chia sẻ với các bạn tỉ lệ vàng cho món rau câu dừa trà xanh và rau câu dừa cà phê:
Mình dùng khuôn làm đá bi của Nhật để tạo ra các viên rau câu hai màu này.
A – Phần dừa
I. Nguyên liệu:
– Nước cốt dừa đậm đặc: 300gr
– Muối: 1gr
– 2 cành lá dứa rửa sạch xắt khúc
– 950gr nước rau câu ở phần D
II. Cách làm:
– Bước 1 (B1): Cho nước cốt dừa, lá dứa và muối vào nồi hấp 15 phút (thời gian tính từ lúc nước sôi).
– Bước 2 (B2): Lấy 950gr nước rau câu ở phần D ra một cái nồi nhỏ rồi đổ B1 vào, vừa đổ vừa khuấy một chiều cho hỗn hợp hòa quyện.
– Bước 3 (B3): Giữ B2 trên bếp ở mức lửa nhỏ nhất để B2 không bị đông cho đến khi trang trí vào khuôn.
B – Phần trà xanh
I. Nguyên liệu:
– Bột matcha: 10gr
– Sữa tươi không đường: 100gr
– Sữa đặc có đường: 40gr (muốn ngọt hơn thì 50gr)
– 950gr nước rau câu ở phần D
II. Cách làm:
– Bước 1 (B1): Rây bột matcha vào sữa tươi rồi quậy đến khi matcha tan hoàn toàn. Bắc lên bếp nấu ở lửa vừa đến khi hỗn hợp nóng già. Tiếp đến cho sữa đặc vào quậy đều đến khi hỗn hợp hòa quyện hoàn toàn. Tắt bếp để sang một bên.
LƯU Ý: Sữa phải đảm bảo ở nhiệt độ phòng lúc cho bột matcha vào để bột dễ hòa tan, sữa bị nóng hay lạnh cũng làm bột matcha bị lợn cợn, khó hòa tan.
– Bước 2 (B2): Lấy 950gr nước rau câu ở phần D ra một cái nồi nhỏ rồi đổ B1 vào, vừa đổ vừa khuấy cho hỗn hợp quyện đều.
– Bước 3 (B3): Giữ B2 trên bếp ở mức lửa nhỏ nhất để B2 không bị đông cho đến khi trang trí vào khuôn.
C – Phần cà phê
I. Nguyên liệu:
– Nước cà phê đậm đặc: 50gr
– Đường: tùy khẩu vị, pha cà phê xong thì nêm đường vào đến khi thấy nước cà phê ngọt như ý. Mình làm thì chỉ thêm 10gr.
– 950gr nước rau câu ở phần D
II. Cách làm:
– Bước 1 (B1): Lấy 950gr nước rau câu ở phần D ra một cái nồi nhỏ rồi đổ nước cà phê đã thêm đường vào quậy đều để hỗn hợp hòa quyện hoàn toàn.
– Bước 2 (B2): Giữ B1 trên bếp ở mức lửa nhỏ nhất để B1 không bị đông cho đến khi trang trí vào khuôn.
D – Phần rau câu: Phần này sẽ làm sau cùng, khi đã chuẩn bị xong A, B, C. Lý do là nước rau câu phải luôn được giữ nóng nên nếu nấu ngay từ đầu rồi mới chuẩn bị những phần còn lại thì việc nấu lâu này sẽ làm cho nước rau câu bay hơi rất nhiều, không đủ để pha vào các hương liệu khác.
I. Nguyên liệu:
– 25gr agar: Ngâm với 2,5 lít nước lọc trong 2 tiếng để rau câu thành phẩm không chảy nước. Đây là rau câu giòn nên phải dùng agar chứ không thay thế bất kỳ loại nào khác.
– 350gr đường kính: Nếu thích ngọt hơn thì tăng khoảng 15gr – 20gr đường, ở đây chúng ta làm cho các bé ăn nên cần sử dụng lượng đường thật vừa phải.
II. Cách làm:
– Bước 1 (B1): Cho nước agar vào nồi nấu lửa lớn nhất đến khi nước agar sôi và phần agar tan hoàn toàn, quan sát thấy nước trong là đạt. Kiểm tra agar đã tan hết chưa bằng cách dùng muỗng múc 1 muỗng nước agar lên, rồi đổ ngược trở lại nồi, quan sát trên bề mặt muỗng thấy không còn hạt lấm tấm li ti nữa nghĩa là agar đã tan hết, ngược lại vẫn còn hạt thì agar chưa tan, tiếp tục nấu. Cuối cùng cho đường vô khuấy đến khi đường tan hết là xong.
– Bước 2 (B2): Chia nước rau câu thành 3 phần bằng nhau rồi thêm vào phần A, B, C như hướng dẫn ở mỗi phần.
E – Trang trí:
– Đổ lần lượt từng lớp rau câu cà phê, trà xanh và dừa vào khuôn theo ý thích. Thứ tự các lớp tùy ý thích mỗi người. Nếu muốn các lớp đều nhau thì sử dụng cùng 1 kích cỡ muỗng và đổ lượng tương đương nhau.
– Bạn nào muốn làm khuôn bi tròn 2 màu như của mình thì ra tiệm bán đồ Nhật mua khuôn làm đá bi về đổ. Khuôn này có 2 phần như hình mẫu, chúng ta sẽ đổ trước 1 lớp (cà phê, dừa hay trà xanh tùy thích) lên một nửa khuôn không có lỗ trước, nếu thấy hạt bong bóng li ti xuất hiện trên lớp rau thì nhanh chóng lấy muỗng vớt ra để thành phẩm không bị rỗ. Đợi lớp rau câu này khô mặt lại thì lập tức đổ lớp tiếp theo lên. Ở bước này, chúng ta tiếp tục đổ lớp rau câu thứ 2 lên nửa khuôn đầu tiên (đã có lớp rau câu đầu tiên) cho đến khi mực nước rau câu lên đến nửa thành khuôn. Sau đó nhẹ nhàng ráp nửa khuôn còn lại vô rồi dùng một vật nặng nào đó như chén hoặc ly đặt lên khuôn để cố định khuôn lại, tạo hình tròn đều cho rau câu. Để yên tầm nửa tiếng rồi cho khuôn vào tủ lạnh ít nhất 2 giờ đồng hồ rồi mới được lấy rau câu ra khỏi khuôn. Mục đích của việc này giữ lạnh này là để đảm bảo rau câu đông tốt để lúc lấy viên rau câu ra ko bị sứt mẻ.
LƯU Ý: Khi đổ lớp rau câu đầu tiên, chúng ta quan sát thấy lớp này vừa se mặt thì lập tức đổ lớp tiếp theo lên, nhớ là phải đổ thật nhẹ nhàng, tránh để lớp rau câu đông quá lâu rồi mới đổ tiếp, làm vậy bánh rau câu của chúng ta sẽ bị tách rời từng lớp khi ăn.
Thạch rau cầu dừa trà xanh và cà phê làm nhanh ăn ngon, giải nhiệt mùa hè.
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.