7 món chè ngon, thanh mát ‘vạn người mê’
Hè đến là thời điểm “lên ngôi” của những món chè. Dưới đây là những món chè ngon và hấp dẫn, lại rất dễ làm, đảm bảo giúp giải nhiệt trong ngày hè.
Dưới đây là những công thức nấu các món chè ngon hấp dẫn mà còn có tác dụng giải nhiệt cho cơ thể.
Chè sâm
Một chén chè sâm ngọt mát bổ dưỡng thêm chút đá lạnh sau ngày làm việc mệt nhọc sẽ giúp bạn thư giãn và thoải mái.
Nguyên liệu:
– 100g hạt sen khô.
– 50g long nhãn.
– 100g nho khô.
– 100g táo đỏ.
– 1 muỗng nhỏ bột rau câu.
– 200g đuờng.
Cách làm:
– Hạt sen khô đun sôi cho gần mềm, đổ ra rổ để ráo.
– Long nhãn ngâm nước nóng cho nở.
– Nho khô rửa sơ nhặt sạn ra cho sạch.
– Táo đỏ rửa sơ ngâm nước nóng.
– Bắc một nồi nhỏ lên bếp, hòa một muỗng nhỏ bột rau câu vào 200 ml nước, đun sôi sau đó đổ ra tô chờ nguội làm thạch, chú ý không cho đường vào thạch.
– Bắc một nồi khác lên, chờ nóng cho 1/2 đường vào tạo caramen, chú ý không để quá vàng sâm sẽ có mùi đắng. Sau đó đổ nước vào, chừng 400ml, cho nốt số đường còn lại vào. Nêm cho ngọt vừa miệng.
– Nước sôi cho hạt sen vào, sau đó là nhãn, nho khô và táo, nêm một chút xíu muối. Để nhỏ lửa cho hạt sen mềm, táo và nhãn ngấm đường, nếm vừa miệng nhấc xuống.
– Lúc này thạch đã đông lại rồi nên lấy ra xắt nhỏ cho vào chè sâm. Để lạnh hoặc chờ cho nguội thêm đá lạnh vào ăn rất ngon.
– Món chè sâm này rất tốt cho cơ thể vào ngày hè vì nó vừa cung cấp thêm nước vừa bổ dưỡng sẽ giúp bạn hồi sức rất nhanh.
Chè ngô
Với cách làm đơn giản, chỉ vài bước nhỏ là bạn có thể hoàn thành xong món chè ngọt mát.
Nguyên liệu:
– 2 bắp ngô nếp tươi.
– 1 bắp ngô ngọt.
– 1 bát con bột sắn dây.
– 50g đường.
– 100ml nước cốt dừa.
– 1 thìa nhỏ đường.
– 1/2 thìa nhỏ muối.
– 1 thìa nhỏ bột bắp.
Cách làm:
– Gọt lấy phần hạt ngô, giữ lại lõi ngô.
– Đổ vào nồi khoảng hai bát con nước lọc, cho lõi ngô và hạt ngô luộc chung. Đun đến khi hạt ngô mềm, vớt lõi ngô bỏ đi.
– Tiếp theo cho đường vào, đun sôi lửa nhỏ để đường thấm vào ngô.
– Hòa tan bột sắn dây với chút nước lạnh, đổ từ từ bột sắn vào nồi chè ngô đang ninh, khuấy đều đến khi bột sắn dây trở nên trong suốt. Tắt bếp.
– Đổ nước cốt dừa, muối, đường, bột bắp vào nồi. Đặt lên bếp đun lửa nhỏ, vừa đun vừa khuấy đến khi nước cốt dừa đặc lại.
– Múc ngô ra bát, bên trên chan ít nước cốt dừa. Dùng nóng hay lạnh đều ngon.
Chè khoai sọ
Khoai dẻo bùi, nấu cùng với nước cốt dừa thơm và béo cho bạn một món tráng miệng thật ngon sau bữa cơm gia đình.
Nguyên liệu:
– 400g khoai sọ.
– 20g bột báng khô.
– 250g đường cát.
– 200ml nước cốt dừa.
Cách làm:
– Khoai gọt cắt miếng nhỏ vừa ăn (khi gọt vỏ các bạn đeo găng tay nylon vào để đỡ nhớt).
– Cho vào nồi khoảng 500ml nước + khoai + đường rồi đặt lên bếp nấu với lửa vừa khoảng 20 phút là khoai chín. Trong khi nấu thỉnh thoảng các bạn đảo đều cho khoai khỏi dính đáy nồi.
– Bột báng ngâm nước cho mềm rồi cho vào nồi chè cùng với nước cốt dừa, đun lại cho sôi thêm vài phút, nêm nếm lại cho vừa vị ngọt theo khẩu vị gia đình.
– Chè chín tắt bếp rồi múc ra bát, dùng nóng hay nguội đều ngon.
Chè đậu đỏ
Chỉ với hai nguyên liệu đơn giản, bạn đã có bát chè đậu đỏ vừa ngon vừa bổ.
Nguyên liệu:
– 300g đậu đỏ.
– 100g đường phèn.
– 200g đường hoa mai.
– 2 lít nước.
Cách làm:
– Đậu đỏ cho vào thau nước để loại bỏ những hạt sâu, hạt lép nổi lên trên. Cho ra rổ xả lại nước lạnh cho sạch rồi cho vào nồi áp suất cùng với 2 lít nước. Nếu mua được đậu tốt, hạt đều thì chỉ cần cho ra rổ xả nước lạnh sơ qua cho sạch bụi.
– Đậy kín nắp nồi áp suất lại rồi cho lên bếp đun lửa to vừa cho đến khi nồi bắt đầu xì hơi (khoảng 10-12 phút) thì hạ lửa nhỏ. Đun thêm khoảng 3 phút rồi tắt bếp (đối với trường hợp dùng bếp điện). Nếu dùng bếp gas thì đun khoảng 4-5 phút, sau đó để nguyên nồi trên bếp cho nồi xả hết hơi tự nhiên.
– Mở nắp nồi ra, cho đường phèn vào chè, nấu thêm (không đậy nắp) cho chè sôi lại và cho đường hoa mai vào đợi tan hết là được.
Chè đỗ đen
Đây là món chè truyền thống của Việt Nam. Món chè ngon ăn mùa hè với đá rất mát, ăn nóng mùa đông cũng thích hợp.
Nguyên liệu:
– 300g đậu đen.
– 80g đường cát trắng.
– 1/2 thìa cà phê muối.
– 1 lon nước cốt dừa (200ml).
– 1 thìa cà phê bột năng.
Cách làm:
– Đỗ đen vo sạch với nước, nhặt bỏ những hạt nổi trên mặt nước.
– Ngâm đỗ đen qua đêm với nước lạnh, lúc ngâm thêm vào chút muối.
– Hôm sau đổ ra rổ cho ráo nước, đổ nước lạnh ngập mặt đậu.
– Đun đến khi hạt đậu mềm, đổ từ từ đường vào nồi đậu, đun lửa nhỏ để đậu thấm đường.
– Trộn nước cốt dừa với chút muối, đường và một thìa cà phê bột năng, đun lửa nhỏ để nước cốt dừa đặc lại.
– Đậu mềm, múc ra bát dùng nóng, bên trên múc vào 1 đến 2 thìa nước cốt dừa.
Chè chuối
Vị chuối ngọt hòa cùng vị ngậy béo thơm mát của dừa tạo nên món chè mới lạ.
Nguyên liệu:
– 6 trái chuối sứ hoặc chuối tây.
– 1 lon nước cốt dừa (400 ml).
– 150 gr bột bang.
– 80 gr đường (có thể tăng giảm tùy ý).
– 100g lạc rang, dừa non bào sợi, 2 lá dứa (lá nếp).
Cách làm:
– Chuối lột vỏ, thái miếng hơi dầy. Cho chuối cùng 30 gr đường, chút xíu muối trộn đều.
– Cho 1 lít nước vào nồi, lá dứa nấu sôi thì cho bột báng vào luộc 5 phút. Tắt bếp để yên 10 phút cho bột báng lắng xuống, chắt bỏ nước đục.
– Cho 600 ml nước lạnh vào nồi bột báng, bắc lên bếp, nấu lửa vừa. Nấu đến khi bột chín và có màu trong thì cho 1/2 nước cốt dừa, đường vào nấu 5 phút. Tiếp đến cho chuối vào nấu thêm 5 phút.
– Cuối cùng thì cho nước cốt dừa vào khuấy tan. Nếm thử vị ngọt vừa ăn là tắt bếp.
Chè dừa non thạch lá nếp
Món chè dừa non thạch nếp cẩm đang vô cùng hấp dẫn nhờ vị thơm ngon không cưỡng lại được.
Nguyên liệu:
– 200g lá nếp tươi.
– 4 lá bột rau câu dẻo.
– Bột năng.
– 100g bột báng khô (bạn sẽ ngâm trước khi nấu khoảng 30 phút).
– Dừa cùi.
– 250g dừa non thái sợi hoặc cắt khúc.
– 500ml nước cốt dừa.
– 150ml sữa tươi.
– 30g sữa bột nguyên kem.
– Đường trắng.
Cách làm:
– Đầu tiên bạn làm thạch lá nếp. Bạn rửa sạch lá nếp, rồi cắt thành từng khúc. Sau đó bạn xay nhuyễn lá nếp và lọc lấy 400ml nước lá nếp. Bạn cho bột rau câu và đường vào nước lá nếp, trộn đều.
– Bạn mang hỗn hợp này lên đun sôi. Khuấy đều đến khi hỗn hợp sôi 3 phút thì tắt bếp, và đổ ra khay. Đợi nguội thì cho vào ngăn mát tủ lạnh đến khi hỗn hợp đông thành thạch thì bỏ ra cắt thành từng miếng hoặc sợi vừa ăn.
– Tiếp đến, bạn làm chân chân châu dừa trắng. Đầu tiên bạn rửa sạch dừa, rồi cắt dừa thành từng miếng vuông nhỏ bằng hạt đỗ xanh. Cho bột năng vào bát to, từ từ đổ nước sôi vào để nhào bột. Nhào đến khi bột dẻo và quạnh lại.
– Chia bột thành những phần nhỏ, lấy bột nặn thành những viên tròn nhỏ bằng viên bi. Rồi đập dẹt ra, cho nhân dừa vào giữa rồi viên tròn lại.
– Sau khi đã nặn xong hết trân châu, bạn cho vào luộc trân châu. Đun sôi nồi nước và thả trân châu vào. Nấu đến khi thấy trân châu nổi lên thì tiếp tục đun thêm 3 phút nữa thì vớt trân châu ra. Cho ngay trân châu vào bát nước lạnh để chúng không bị dính vào nhau.
– Cuối cùng, nấu chè dừa non thạch lá nếp. Bạn sẽ cho tất cả các nguyên liệu: Nước cốt dừa, đường, lá nếp tươi, sữa tươi… vào nồi. Sau đó cho dừa non và bột báng vào để nấu cùng.
– Tiếp đến bạn cần đun sôi phần nước chè bằng lửa nhỏ và khuấy đều. Khi thấy nước chè sôi lăn tăn, và bột báng bắt đầu nổi lên cho trân châu vào. Đun thêm khoảng 5 đến 10 phút nữa thì sẽ tắt bếp.
– Vậy là bạn đã hoàn thành cách nấu chè dừa non thạch lá nếp rồi. Cuối cùng bạn múc chè ra bát và thêm thạch lá nếp vào là có thể thưởng thức.
Đàm Yến/ VietQ.vn
Comments are closed, but trackbacks and pingbacks are open.